Công an TPHCM và Sở Y tế:

Tăng cường đảm bảo an ninh trật tự tại các cơ sở y tế trên địa bàn TPHCM

Thứ Sáu, 16/12/2022 14:01  | Mai Anh

|

(CAO) Sáng 16-12, Công an TPHCM phối hợp Sở Y tế TPHCM tổ chức Hội thảo khoa học Tăng cường công tác bảo đảm an ninh, trật tự tại các cơ sở y tế trên địa bàn TPHCM.

Đến dự hội thảo có ông Dương Anh Đức - Phó Chủ tịch UBND TP; Thiếu tướng, TS Lê Hồng Nam - Giám đốc CATP; PGS.TS, Bác sĩ Tăng Chí Thượng - Giám đốc Sở Y tế TP; đại diện các sở, ban, ngành; đại diện lãnh đạo các đơn vị, địa phương thuộc CATP...

Tại hội thảo, Thiếu tướng Lê Hồng Nam - Giám đốc CATP cho biết, cùng với sự phát triển kinh tế - xã hội của TPHCM, ngành y tế đã có đóng góp to lớn với những kết quả đáng ghi nhận, đặc biệt là trong giai đoạn dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp tại Việt Nam nói chung và TPHCM nói riêng.

Hiện nay, TPHCM là nơi tập trung các bệnh viện, cơ sở y tế hàng đầu của cả nước nhằm phục vụ, đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh của người dân với 13 bệnh viện trực thuộc Trung ương và các bộ, ban ngành; 32 bệnh viện đa khoa, chuyên khoa cấp thành phố, 19 bệnh viện đa khoa tuyến quận huyện và TP.Thủ Đức; 58 bệnh viện tư nhân; 6.300 phòng khám chuyên khoa, đa khoa và 5 trung tâm chuyên ngành, y tế dự phòng.

Thiếu tướng Lê Hồng Nam - Giám đốc CATP phát biểu

Chính vì vậy, công tác đảm bảo ANTT tại các cơ sở y tế luôn được chú trọng nhằm đem lại sự an toàn cho các cơ sở y tế nói chung và người dân nói riêng.

Thực hiện Quy chế phối hợp giữa CATP và Sở Y tế TP về công tác đảm bảo ANTT trong lĩnh vực y tế trên địa bàn, việc phối hợp giữa CATP với Sở Y tế được duy trì thường xuyên chặt chẽ.

Hai bên đã thống nhất về nhận thức, xác định rõ công tác đảm bảo ANTT tại các cơ sở y tế là trách nhiệm của thủ trưởng các cơ quan đơn vị, Ban Giám đốc các bệnh viện, cơ sở y tế.

Trong đó, lực lượng Công an đóng vai trò hướng dẫn, phối hợp, hỗ trợ thực hiện. Mặt khác, công tác phối hợp giữa hai bên cũng nhận được sự quan tâm ủng hộ của cấp ủy, chính quyền các cấp, huy động được sức mạnh của cả hệ thống chính trị trong công tác đảm bảo ANTT tại các cơ sở y tế.

Bên cạnh những kết quả đạt được trong công tác phối hợp đảm bảo ANTT, tình trạng quá tải, tập trung đông người tại các bệnh viện, cơ sở y tế tại TPHCM thời gian qua đã và đang là điều kiện làm nảy sinh những hoạt động phức tạp, gây mất ANTT như: trộm cắp, bắt cóc trẻ em, bảo kê, “cò” khám chữa bệnh, cạnh tranh dịch vụ người nuôi bệnh, xe cứu thương chở bệnh...

Các loại tội phạm, hành vi vi phạm pháp luật tại các cơ sở khám chữa bệnh cũng có chiều hướng gia tăng và tính chất ngày càng nghiêm trọng.

Qua rà soát, thống kê các vụ việc mất ANTT nghiêm trọng xảy ra tại các cơ sở khám chữa bệnh trên địa bàn thành phố từ năm 2017 đến nay ghi nhận 341 vụ việc, cụ thể: 2 vụ giết người; 6 vụ cố ý gây thương tích; 244 vụ gây rối trật tự công cộng; 13 vụ đối tượng “cò mồi” dịch vụ khám chữa bệnh gây rối trật tự công cộng; 59 vụ trộm cắp tài sản; 2 vụ làm giả con dấu tài liệu của cơ quan tổ chức; 7 vụ hủy hoạt tài sản, cưỡng đoạt tài sản; 8 vụ đòi nợ.

Các đại biểu dự hội thảo

Ngoài ra, do lượng bệnh nhân từ các tỉnh, thành đổ về thành phố khám chữa bệnh liên tục gia tăng trong những năm gần đây dẫn đến tình trạng quá tải, chất lượng khám chữa bệnh không được đảm bảo tại một số cơ sở y tế.

Một bộ phận người dân bức xúc, thiếu kiềm chế đã hành hung cán bộ, nhân viên y tế, đập phá tài sản bệnh viện. Các vụ việc xảy ra đã làm ảnh hưởng đến hoạt động khám, chữa bệnh tại các cơ sở y tế và tác động đến sức khỏe, tinh thần của nhân viên y tế, gây hoang mang, bức xúc dư luận xã hội.

Vì vậy, tăng cường công tác đảm bảo ANTT tại các cơ sở y tế trên địa bàn TPHCM là một yêu cầu khách quan, cấp thiết.

Ông Dương Anh Đức - Phó Chủ tịch UBND TP phát biểu tại hội thảo.

Tại hội thảo, các đại biểu đã được nghe các tham luận, làm rõ một số thực trạng cũng như giải pháp khắc phục, như: Nguyên nhân, giải pháp phòng ngừa tình trạng hành hung nhân viên y tế tại các bệnh viện; Những yếu tố tác động đến ANTT trong hoạt động của bệnh viện - thực trạng và kiến nghị; Công tác phối hợp với Công an địa phương trong hoạt động cấp cứu bệnh nhân ngoại viện; Các giải pháp khắc phục tình trạng trộm cắp, lừa đảo, "cò khám chữa bệnh", tình trạng bán hàng rong, lấn chiếm lòng lề đường tại cổng các bệnh viện...

Phát biểu tại hội thảo, ông Dương Anh Đức - Phó Chủ tịch UBND TPHCM nhấn mạnh, công tác phối hợp giữa hai đơn vị trong việc đảm bảo ANTT ở các cơ sở y tế đã đạt những kết quả tốt và những ý kiến tại hội thảo đã nêu rõ những tồn tại, hạn chế cần phải cải thiện, làm tốt hơn nữa.

Thời gian tới, lãnh đạo hai đơn vị cần tiếp tục cùng nhau xem lại quy chế phối hợp để tạo ra cơ chế phối hợp thuận lợi hơn và tiếp thu những ý kiến tại hội thảo và thực tiễn để bổ sung quy chế phối hợp cho tốt hơn, nhất là việc trao đổi thông tin giữa hai đơn vị, phối hợp xử lý các cơ sơ thẩm mỹ trái phép, các cơ sở có bác sĩ nước ngoài không đủ điều kiện, để đảm bảo an toàn, sức khỏe cho người dân…

Tham luận về tình trạng hành hung nhân viên y tế tại bệnh viện, đại diện Bệnh viện Nhân dân Gia Định cho biết, năm 2022, tiếp nối những ngày tháng căng thẳng sau dịch Covid-19, ngành y tế cả nước nói chung và TPHCM nói riêng tiếp tục phải đối mặt với rất nhiều khó khăn như: dịch chồng dịch, thiếu vật tư trang thiết bị, nhân viên y tế (NVYT) nghỉ việc... Trong đó, có vấn đề bảo đảm an ninh, an toàn cho người bệnh và người nhà người bệnh, NVYT. Ngành y tế, chính quyền địa phương cũng như Ban lãnh đạo các Bệnh viện đã đặc biệt quan tâm đến nội dung này để góp phần nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh và bảo đảm ANTT và an toàn xã hội.

Tuy nhiên, tại một số thời điểm trong bệnh viện đã xảy ra những vụ việc người nhà người bệnh hành hung nhân viên y tế, làm mất trật tự, an ninh, an toàn bệnh viện. Nhìn chung, giữa người bệnh và nhân viên y tế luôn gắn kết, thông hiểu và có cùng mục đích chung điều trị lành bệnh, các sự vụ tấn công NVYT chỉ là đơn lẻ, không đại diện cho xu hướng chung, nhưng lại có ảnh hưởng nghiêm trọng đến công tác khám, chữa bệnh của bệnh viện; ảnh hưởng đến tinh thần, tính mạng, động lực và sự tận tụy của đội ngũ thầy thuốc, NVYT. Do vậy, Bệnh viện đã xây dựng chuyên đề về đánh giá thực trạng ANTT trong bệnh viện; tìm hiểu nguyên nhân gốc rễ của tình trạng mất an toàn, ANTT trong môi trường bệnh viện; thống nhất các vấn đề ưu tiên, giải pháp cụ thể, khả thi để đảm bảo ANTT bệnh viện trong giai đoạn hiện nay.

Theo đại diện đến từ Bệnh viện Gia Định, các nguyên nhân chủ yếu của tình trạng này, về khách quan, thân nhân, người bệnh chưa nắm rõ quy trình khám chữa bệnh tại khoa cấp cứu, thứ tự ưu tiên khám chữa bệnh tại cấp cứu là ưu tiên theo tình trạng bệnh nặng chứ không ưu tiên theo thứ tự thời gian; quy trình khám chữa bệnh, hội chẩn chuyên môn giữa các chuyên khoa liên quan. Thân nhân lo lắng qua mức về tình trạng người bệnh, thiếu thông tin do NVYT bận rộn trong công tác cấp cứu. Còn về chủ quan, NVYT chú trọng đến công tác chuyên môn, chưa thật sự quan tâm đến công tác tư vấn, hướng dẫn, giải thích cho người bệnh, thân nhân người bệnh, chưa quan tâm đúng mức đến sự chờ đợi của người bệnh.

Để khắc phục tình trạng này, giải pháp và các nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới là cần thực hiện các chỉ đạo của Sở Y tế về đảm bảo ANTT trong bệnh viện, đảm bảo an toàn người bệnh, an toàn NVYT. Rà soát, củng cố quy trình báo động “Code grey” về ANTT bệnh viện, trong đó lưu ý rút ngắn hơn nữa thời gian kích hoạt đến Công an địa phương để kịp thời hỗ trợ lực lượng bảo vệ bệnh viện trấn áp các nhóm gây rối ANTT trong bệnh viện.

Tổ chức quy trình sàng lọc cấp cứu, hạn chế cho nhập vào khoa Cấp cứu những trường hợp không có chỉ định cấp cứu, thay vào đó, cho nhập viện nếu có đủ tiêu chuẩn nhập viện hoặc triển khai phòng lưu bệnh để điều trị và theo dõi trong thời gian ngắn (vài giờ) đối với các trường hợp chưa đủ điều kiện nhập cấp cứu hoặc nhập viện.

Triển khai áp dụng “nguyên tắc 4 giờ” hoặc “6 giờ” là thời gian tối đa cho người bệnh lưu lại tại khoa Cấp cứu và phân quyền cho bác sĩ khoa Cấp cứu có quyền chuyển người bệnh vào các khoa nội trú, không để người bệnh lưu lại quá lâu tại khoa Cấp cứu.

Tiếp tục kiện toàn hệ thống thông báo thời gian thực về số giường còn trống tại các khoa nội trú giúp khoa Cấp cứu dễ theo dõi và quyết định chuyển người bệnh lên các khoa, tránh hiện tượng các khoa nội trú từ chối tiếp nhận bệnh nhân từ khoa Cấp cứu chuyển đến.

Đồng thời, tăng cường giao tiếp với thân nhân người bệnh trong thời gian nằm điều trị tại khoa Cấp cứu giúp tạo sự an tâm, giảm lo lắng, bức xúc không cần thiết. Phòng Công tác xã hội của bệnh viện cử nhân viên đến khoa Cấp cứu để tham gia hoạt động này. Trực lãnh đạo bệnh viện chủ động điều phối tăng cường nhân viên cho khoa Cấp cứu trong tình huống số lượng bệnh nhân tăng đột ngột (như ngộ độc hàng loạt, tai nạn thương tích...).

Tăng cường phân bổ nhân viên bảo vệ của bệnh viện có chốt trực tại khoa Cấp cứu, hướng dẫn thân nhân người bệnh tuân thủ các quy định “1 người bệnh, 1 thân nhân”, bố trí tủ để vật dụng có khoá cho thân nhân người bệnh gửi vật dụng mang theo trước khi vào khu vực buồng bệnh. Nhân viên bảo vệ có trách nhiệm kết nối ngay với Công an phường để được hỗ trợ kịp thời khi phát hiện có tình huống gây rối hoặc đe doạ NVYT.

Công tác đảm bảo sức khỏe, an toàn cho NVYT cũng được đẩy mạnh; phát hiện, xử lý nghiêm những đối tượng có hành vi gây rối, lăng mạ, hành hung NVYT.

Về thực trạng và giải pháp ngăn chặn, xử lý đối với hoạt động đòi nợ thuê tại các cơ sở y tế trên địa bàn Thành phố, đại diện lãnh đạo Phòng Cảnh sát hình sự có ý kiến tham luận, liên quan đến hoạt động tín dụng đen, đòi nợ thuê, xuất hiện tình trạng nhiều nhân viên, y bác sĩ, Ban Giám đốc bệnh viện bị các đối tượng liên tục gọi y điện, nhắn tin quấy rối; sử dụng hình ảnh “chỉnh sửa”, “cắt ghép” và thông tin sai sự thật có tính chất “vu khống”, xúc phạm nhân phẩm, danh dự sau đó đăng tải lên các trang mạng xã hội với mục đích thu hồi nợ. Sự việc gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động bình thường của các cơ sở khám chữa bệnh, uy tín và công việc của đội ngũ y bác sĩ.

Ghi nhận trong năm 2022 toàn Thành phố xảy ra 10 vụ các đối tượng sử dụng thủ đoạn này để đe dọa, quấy nhiễu, gây phiền hà cho lực lượng cán bộ công chức đang làm việc tại các bệnh viện. Bằng các biện pháp nghiệp vụ, CATP đã tiến hành điều tra sau đó khởi tố vụ án, khởi tố bị can là các nhân viên của Công ty Tài chính TNHH MTV Mirae Asset và Chi nhánh Công ty Luật TNHH Power Law về tội “vu khống” theo quy định tại Điều 156 Bộ luật Hình sự để điều tra, xử lý nghiêm các cá nhân có hành vi thu hồi nợ với tính chất “khủng bố, vu khống”.

Nguyên nhân của tình trạng trên xuất phát từ việc nhiều người nhà, người thân của các nhân viên y tế, y bác sĩ có làm thủ tục vay tiền tại các App, Website hoặc các đối tượng ngoài xã hội..., sau khi không có tiền trả nợ thì bỏ trốn. Do không tìm được người vay nên các đối tượng sử dụng các thông tin, dữ liệu thu thập được như số điện thoại, tài khoản mạng xã hội... để gây sức ép, buộc đồng nghiệp, bạn bè của người vay (trong đó nhiều người đang làm việc tại các cơ sở y tế) phải tác động đến người vay trả nợ cho chúng.

Để khắc phục tình trạn này, lực lượng Công an cần chủ động phối hợp cùng các cơ sở y tế tăng cường công tác tuyên truyền, vận động với nhiều nội dung và hình thức đa dạng, phong phú, kết hợp giữa hình thức tuyên truyền truyền thống (tổ chức tọa đàm, hội nghị...) với áp dụng các ứng dụng mạng xã hội (Zalo, fanpage, Facebook...), các phương tiện truyền thông tại cơ sở.

Nội dung tuyên truyền tập trung các phương thức, thủ đoạn, quy luật hoạt động, đặc điểm nhận dạng, phương tiện của các đối tượng trộm cắp tài sản, lừa đảo chiếm đoạt tài sản; hướng dẫn người dân chủ động thông báo cho cơ quan Công an, Ủy ban, lực lượng bảo vệ gần nhất khi phát hiện có dấu hiệu hoặc tội phạm tại bệnh viện. Bên cạnh đó, cần bồi dưỡng, nâng cao chất lượng hoạt động của lực lượng bảo vệ, qua đó đảm bảo là lực lượng nòng cốt trong công tác đảm bảo ANTT tại các cơ sở y tế và địa bàn cơ sở.

Chủ động phối hợp, cập nhật và xây dựng quy chế đảm bảo ANTT giữa lực lượng Công an địa phương và các cơ sở y tế. Rà soát, đánh giá tình hình trật tự xã hội trong và ngoài khu vực các cơ sở y tế trên địa bàn, hiệu quả các biện pháp bảo đảm ANTT đang triển khai tại các cơ sở y tế có phù hợp với tình hình thực tế để đề xuất điều chỉnh, bổ sung.

Hướng dẫn nghiệp vụ, cung cấp số điện thoại Công an địa phương cho lực lượng bảo vệ của các cơ sở y tế nắm để nhanh chóng triển khai các biện pháp bắt giữ đối tượng, chủ động thông báo cho cơ quan Công an khi phát hiện các vụ việc, đối tượng có hành vi phạm tội nhằm kịp thời đấu tranh, xử lý đạt hiệu quả.

Tham mưu, hướng dẫn các cơ sở y tế lắp đặt hệ thống camera an ninh tại các khu vực tập trung đông người dễ phát sinh các hành vi phạm tội. Công an các địa phương thông báo các trường hợp, đối tượng nghi vấn hoạt động phạm tội cho các cơ sở y tế biết để chủ động theo dõi, phát hiện, thực hiện theo đúng quy định, quy chế phối hợp giữa Công an địa phương và cơ sở y tế.

Đồng thời rà soát, lập danh sách số đối tượng nghi vấn đưa vào diện quản lý để theo dõi tình hình; triển khai quyết liệt các biện pháp nghiệp vụ nhằm chủ động phát hiện các đối tượng, đường dây, băng nhóm có biểu hiện nghi vấn hoạt động phạm tội để kịp thời tiến hành các biện pháp phòng ngừa, đấu tranh, ngăn chặn, xử lý.

Tập trung nắm tình hình, rà soát các công ty kinh doanh tài chính (đặc biệt là tín dụng tiêu dùng), các tổ chức phát hành “app” cho vay tín dụng, tiêu dùng trên nền tảng di động, các công ty, văn phòng luật sư và các điểm văn phòng cho thuê có biểu hiện hoạt động thu hồi nợ trái pháp luật với phương thức “khủng bố, vu khống” để quản lý, theo dõi chặt số đối tượng có điều kiện, khả năng, biểu hiện hoạt động phạm tội để phòng ngừa.

Đẩy mạnh công tác phát hiện, xác minh, khởi tố, điều tra, xét xử tội phạm hoạt động cho vay qua App. Nghiên cứu, tổng hợp những khó khăn, vướng mắc để thống nhất nội dung hướng dẫn, tháo gỡ; phát hiện các nguyên nhân, điều kiện phát sinh tội phạm, các sơ hở, thiếu sót, bất cập để kiến nghị cấp có thẩm quyền giải quyết, xử lý.

Bình luận (0)

Lên đầu trang