(CAO) Cho ý kiến về dự thảo Luật Khám, chữa bệnh (sửa đổi), Chủ tịch Quốc hội yêu cầu rà soát lại điều khoản Bộ Y tế “quy định giá tối đa dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh đối với các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của Nhà nước”
Dự thảo Luật Khám, chữa bệnh (sửa đổi) tiếp tục được Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến tại phiên họp sáng 14/12, sau khi Quốc hội quyết định lùi việc thông qua tại kỳ họp thứ 4 bởi còn nhiều ý kiến trái chiều.
Một trong những nội dung ghi nhận sự quan tâm của đại biểu khi thảo luận dự luật chính là giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh. Tiếp thu trong báo cáo giải trình nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh cho biết, dự thảo luật đã quy định các yếu tố cấu thành giá khám bệnh, chữa bệnh; các chi phí để tính giá thành toàn bộ của dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh; căn cứ, nguyên tắc, thẩm quyền định giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh.
Phiên thảo luận về dự Luật Khám, chữa bệnh (sửa đổi) sáng 14/12
Theo đó, dự luật quy định, giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh gồm các yếu tố: giá thành toàn bộ của dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh; lợi nhuận hoặc tích lũy dự kiến (nếu có); các nghĩa vụ tài chính theo quy định của pháp luật; giá trị vô hình của thương hiệu (nếu có). Giá thành toàn bộ của dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh được tính có 5 chi phí, gồm: chi phí nhân công; chi phí hàng hóa; chi phí khấu hao thiết bị y tế, tài sản cố định; chi phí quản lý và các chi phí khác có liên quan.
Thảo luận sau đó, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị cân nhắc đưa “giá trị vô hình của thương hiệu” vào giá dịch vụ khám, chữa bệnh.
“Thương hiệu được quyết định trong quá trình vận hành, đưa yếu tố này không tính được và cũng chẳng ai tính cho” - ông Huệ nói.
Về giá thành toàn bộ của dịch vụ khám chữa bệnh, hiện đang được quy định tính gồm 4 chi phí, nhưng theo Chủ tịch Quốc hội, thực tế mới đưa được 2 chi phí vào giá, còn chi phí khấu hao thiết bị y tế, tài sản cố định và chi phí quản lý đã có lộ trình để “tính đúng, tính đủ”, do tình hình khó khăn nên chưa làm được, mệnh giá bảo hiểm y tế chưa nâng lên được.
“Giờ có thêm “chi phí khác có liên quan đến hoạt động khám bệnh, chữa bệnh”. Tôi không hiểu chi phí khác là chi phí gì? Bộ Tài chính phải xem chỗ này” - Chủ tịch Quốc hội thắc mắc và yêu cầu làm rõ tại sao có 5 chi phí và ai quy định.
Đề cập đến quy định Bộ Y tế “quy định giá tối đa dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh đối với các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của Nhà nước”, ông Huệ đề nghị rà soát lại.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu ý kiến thảo luận
“Chúng ta đang phấn đấu có những cơ sở khám, chữa bệnh chất lượng cao để tránh "chảy máu ngoại tệ". Hàng năm tốn bao nhiêu USD để đi Hồng Kông, Singapore, Nhật để chữa bệnh trong khi các cơ sở chữa bệnh nhà nước hoàn toàn có thể làm những trung tâm khám, chữa bệnh chất lượng cao theo yêu cầu. Mình chỉ quy định giá dịch vụ đối với thanh toán bằng bảo hiểm y tế thôi chứ có quy định tối đa cho tất cả cơ sở khám, chữa bệnh nhà nước đâu” - Chủ tịch Quốc hội phân tích.
Từ đó, ông cho rằng, cần tiếp cận theo hướng: một là, giá dịch vụ gồm những yếu tố gì; hai là tính đúng, tính đủ; ba là Nhà nước mà cụ thể là Chính phủ, Bộ Y tế công bố lộ trình tính đúng, tính đủ giá dịch vụ với các dịch vụ khám chữa bệnh bằng bảo hiểm y tế.
Nhận định hiện mệnh giá bảo hiểm y tế “quá thấp”, khoảng 40-50 USD, trong khi danh mục thì rất nhiều, nhưng Chủ tịch Quốc hội chỉ ra, nâng mệnh giá bảo hiểm y tế thì liên quan đến khả năng chi trả của người dân và khả năng chi trả của Nhà nước vì một tỷ lệ rất lớn bảo hiểm y tế là Nhà nước hỗ trợ. Vì thế, theo ông, phải có lộ trình với nguyên tắc “tính đúng, tính đủ”.
“Lộ trình nên quy định trong luật vì đã quy định thì phải thực hiện. Và muốn thực hiện thì phải có tài chính đi kèm, tức là phải bố trí để tăng mệnh giá bảo hiểm y tế lên, tức là tính toán khả năng chi trả của người dân theo khả năng phát triển của nền kinh tế” - Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.
Vẫn theo ông, với các dịch vụ khác theo yêu cầu thì không quy định giá “trần”. “Nhà nước lo cho người nghèo, thu nhập thấp thôi. Người có khả năng chi trả thì thị trường quyết định. Cơ sở nào tốt, dịch vụ tốt, giá cả phải chăng thì người ta vào. Chúng ta đang hình thành trung tâm khám chữa bệnh cao cấp mà. Bác sĩ mình giỏi, chả kém nước ngoài đâu” - Chủ tịch Quốc hội nêu quan điểm và nói, Nhà nước chỉ nên điều tiết chứ không nên cấm đoán.
“Đương nhiên bài toán chỗ này phải tính toán hài hòa và khả năng tiếp cận dịch vụ” – ông Huệ nói thêm.