Vacine Covid-19 mua bằng ngân sách cần kê khai và công bố giá

Thứ Tư, 14/12/2022 16:12

|

(CAO) Theo Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng, có cần thiết cho phép miễn kê khai giá vaccine được thực hiện trong bối cảnh khan hiếm vaccine, ít nhà sản xuất như thời cao điểm dịch, hay quay trở lại áp dụng như bình thường, tức là vaccine mua bằng ngân sách thì phải áp dụng biện pháp kê khai và công bố giá như bình thường.

Đề xuất chuyển tiếp 4 chính sách

Tiếp tục phiên họp thứ 18, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội hôm nay (14/12) đã cho ý kiến về báo cáo của Chính phủ về việc thực hiện quy định tại Nghị quyết số 30 ngày 28/7/2021 kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV về các chính sách phòng, chống dịch bệnh COVID-19.

Theo Nghị quyết này, các chính sách phòng chống dịch bệnh COVID -19 thực hiện đến hết ngày 31/12/2022. Trình Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ đề nghị chuyển tiếp thực hiện 4 chính sách để bảo đảm quyền, lợi ích của người dân.

Phó Chủ tịch thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn điều hành phiên thảo luận

Cụ thể, các hoạt động phòng chống dịch COVID-19 và chế độ chính sách đối với người được điều động tham gia phòng, chống dịch COVID-19 đã thực hiện trước ngày 31/12/2022 theo các quy định của Nghị quyết số 30 và các văn bản hướng dẫn mà chưa thanh toán xong thì được tiếp tục thực hiện thanh toán theo các quy định tại Nghị quyết số 30 và các văn bản hướng dẫn cho đến khi hoàn thành.

Trong trường hợp dịch có diễn biến phức tạp ở cấp độ 3, cấp độ 4 theo quy định tại Nghị quyết số 128/NQ-CP thì được phép áp dụng biện pháp "ngừng hoạt động” như trong tình trạng khẩn cấp theo quy định tại mục 3.1 Nghị quyết số 30.

Việc thanh toán chi phí phòng chống dịch COVID-19 cho cơ sở y tế và chi phí khám bệnh chữa bệnh cho người bệnh COVID-19 đang thực hiện theo Nghị quyết số 30 được hướng dẫn bởi Nghị quyết số 268 và Nghị quyết số 12/2021 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho đến khi công bố hết dịch COVID-19.

Chính phủ cũng đề nghị tiếp tục miễn thực hiện kê khai, công bố giá đối với vaccine mua bằng nguồn ngân sách nhà nước, Quỹ vaccine phòng COVID-19 để tiêm miễn phí cho nhân dân cho đến khi công bố hết dịch.

Không thể nói chung chung

Nêu quan điểm của cơ quan thẩm tra sau đó, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh cho biết, nhiều ý kiến trong thường trực Ủy ban cho rằng, việc cho phép miễn kê khai giá vaccine được thực hiện trong bối cảnh khan hiếm vaccine, ít nhà sản xuất.

Do đó, đề nghị Chính phủ đánh giá lại sự cần thiết của chính sách này trong bối cảnh mới khi đã có nhiều nơi sản xuất vaccine hơn và tỷ lệ tiêm chủng của nước ta cũng đang đạt mức cao.

Đồng thời, Ủy ban Xã hội cũng đề nghị Chính phủ đề xuất cụ thể thời gian thực hiện vì việc kéo dài thời hạn “cho đến khi công bố hết dịch” là rất chung chung.

Thảo luận về việc này, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật đề nghị Chính phủ có tờ trình riêng về 4 chính sách, thuyết minh rõ hơn để Quốc hội quyết định thực hiện chứ không “xác định đây là chuyển tiếp”.

Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng nêu ý kiến

“Tất cả các chính sách theo Nghị quyết 30 chấm dứt hiệu lực, kết thúc, lại nói chính sách chuyển tiếp, tiếp tục thực hiện thì rất rắc rối, khó hiểu” - ông Tùng nhận xét.

Bày tỏ sự tán thành với cơ quan thẩm tra về vấn đề miễn kê khai và công bố giá đối với vaccine được mua sắm bằng ngân sách nhà nước, ông Tùng yêu cầu Chính phủ cân nhắc và làm rõ có nhất thiết phải tiếp tục áp dụng chính sách này trong bối cảnh bình thường mới hiện nay không, khi chúng ta đã cơ bản kiểm soát được dịch, tiêm chủng vaccine phổ rộng được khá tốt.

“Cần tiếp tục áp dụng biện pháp này hay quay trở lại áp dụng như bình thường, tức là vaccine mua vào ngân sách thì phải áp dụng biện pháp kê khai và công bố giá như bình thường. Đây cũng là để bảo vệ cho ngành y”- Ông Tùng nói.

Liên quan đến chính sách cho phép áp dụng biện pháp “ngừng hoạt động”, bản chất là đình chỉ hoạt động của các cơ sở, tạm ngừng hoạt động các cơ sở dịch vụ trong bối cảnh dịch cấp độ 3, cấp độ 4, Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật nhận định, đây là biện pháp “hết sức đặc biệt”, về nguyên tắc phải Quốc hội quyết định.

Theo ông, nếu Quốc hội cho phép thì chỉ ủy quyền đến Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Chính phủ áp dụng phải báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội và có sự đồng ý, như thế mới chặt chẽ.

“Để thực hiện Nghị quyết 30, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành, đặc biệt các địa phương ban hành rất nhiều văn bản quy phạm pháp luật, thông báo, chỉ thị… để đáp ứng yêu cầu trong tình trạng cấp bách. Vì vậy, khi tuyên bố những chính sách theo Nghị quyết 30 hết hiệu lực thì các văn bản hướng dẫn, quy định cụ thể hay triển khai thực hiện cũng hết hiệu lực” – ông Tùng nêu quan điểm.

Ông Tùng tiếp tục khuyến cáo, “phải tuyên bố một cách rành mạch là những văn bản nào hết hiệu lực, chứ không nói chung chung được, vì đây là những quy định pháp lý”.

Đồng quan điểm, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ khẳng định, cần tuyên bố các nghị quyết nào của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành hết hiệu lực từ ngày nào. Ông đề nghị Chính phủ rà soát để công bố hết hiệu lực của các văn bản thuộc thẩm quyền của Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương.

Với các chính sách đang “thanh toán dở dang”, Chủ tịch Quốc hội nhìn nhận, việc Chính phủ đề xuất cho thanh toán tiếp là “đúng quá rồi”. Tuy nhiên, theo ông, cần có thời hạn thực hiện.

“Nói một câu “cho đến khi kết thúc” thì không biết đằng nào mà lần, không tạo được áp lực để giải quyết thanh toán. Phải rõ ràng về thời hạn, thời hạn khả thi nhưng phải tích cực, khẩn trương. Ví dụ cùng lắm hết năm 2023” – Chủ tịch Quốc hội nói.

Với chính sách chưa rõ, theo ông Huệ, chưa nên ban hành. “Khi có tình trạng khẩn cấp thì lại giải quyết theo tình trạng khẩn cấp, chưa rõ thì chưa ra nghị quyết” – ông phân tích.

Báo cáo của Chính phủ về việc thực hiện quy định tại Nghị quyết số 30 ngày 28/7/2021 kỳ họp thứ nhất về các chính sách phòng chống dịch bệnh COVID-19 sẽ được Quốc hội xem xét, quyết định tại kỳ họp bất thường lần thứ hai. Kỳ họp này dự kiến diễn ra vào đầu tháng 1/2023, ngay sau kỳ nghỉ Tết Dương lịch.

Bình luận (0)

Lên đầu trang