Trong vai trò nữ điệp báo, bà đã lập nhiều thành tích cho đến ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng. Người phụ nữ miền Nam kiên cường, gan dạ đầy anh dũng đã hy sinh xương máu, tuổi thanh xuân của mình để góp phần làm nên nền độc lập nước nhà mà chúng tôi nhắc đến chính là nữ Anh hùng điệp báo - Đại tá Nguyễn Thị Thảo, biệt danh Sáu Thảo, nguyên Phó chỉ huy trưởng An ninh Công an TP.Hồ Chí Minh (CA TPHCM), người từng chịu trách nhiệm thiết lập, điều hành Cụm điệp báo số 6 theo chỉ đạo của Ban An ninh Khu Sài Gòn - Gia Định (gọi tắt là An ninh T4), tiền thân của lực lượng CA TPHCM hôm nay.
Bồi hồi nhớ lại chuyện xưa
Những ngày này, khi cả nước đang tưng bừng kỷ niệm những ngày lễ lớn: Ngày Truyền thống của lực lượng Công an Nhân dân Việt Nam (19/8/1945-19/8/2023), kỷ niệm 78 năm Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2/9, thì trong tiềm thức nhiều người dân TP vẫn luôn nhớ đến các vị tiền nhân, những Anh hùng cách mạng đã vì nền độc lập nước nhà mà hy sinh cả cuộc đời của mình cho đất nước.
Sau cuộc hẹn xin được gặp để nắm tư liệu viết bài, bà Sáu Thảo vui vẻ nhận lời tôi. Nhà bà nằm khuất sâu trong một con hẻm trên đường Đặng Văn Ngữ (P10, Q.Phú Nhuận). Sau biến cố cô cháu gái, con của người anh ra đi vì bạo bệnh, bà có vẽ trầm ngâm, suy tư. Điều đó cũng phải thôi vì mất người thân thì có mấy ai vui, đặc biệt đó là đứa cháu gái mà bà thương yêu nhất. Đang trong tâm trạng không vui, nhưng khi được tôi đề nghị nhắc về những ngày tháng chiến tranh gian khó, khuôn mặt bà Sáu Thảo bất ngờ đổi sắc. Đôi mắt bà sáng lên, chất giọng trong veo, rõ ràng, đặc sệt dân Nam Bộ. Câu chuyện kể về ngày xưa như những thước phim được bà hoàn tất trong trí nhớ...
Năm 1958, khi vừa 16 tuổi, để đủ điều kiện đi làm cách mạng, bà Sáu Thảo đã khai gian thêm 2 tuổi. Nhìn con bé gầy nhom, các chú, các anh có phần e ngại nhưng khi nhìn thấy sự quyết tâm, căm thù giặc từ trong đôi mắt cô bé, họ đồng ý nhận vào. Thời điểm trên, Sáu Thảo được giao nhiệm vụ vận động thanh niên theo cách mạng; vận động nhân dân đóng góp vật chất, nuôi giấu cán bộ. Tranh thủ lính ngụy trong các đồn bốt gần đó hay đến chọc ghẹo, tán tỉnh, Sáu Thảo khéo léo thăm dò, nắm thông tin về quân số, vũ khí và những tên ác ôn, kể cả những người tốt trong hàng ngũ của địch.
Những thông tin quý báu này sau đó đã giúp du kích địa phương tiêu diệt được ác ôn, tịch thu vũ khí và đánh thẳng vào đồn địch trên địa bàn. Sau thời gian đó, sợ địch nghi ngờ, phát hiện thân phận nên Sáu Thảo chủ động xin vào vùng giải phóng. Tháng 3/1967, do yêu cầu bức thiết từ chiến trường miền Đông, Sáu Thảo được Khu ủy miền Đông điều động về tăng cường cho công tác an ninh. Ở chiến khu D, bà tiếp tục làm công tác văn phòng kiêm công tác đoàn thể.
Năm nay đã ngoài 80 tuổi, bà Sáu Thảo vẫn còn minh mẫn khi kể về quá khứ lẫy lừng đáng tự hào của mình
Tháng 10/1967, các chú, các anh nhận thấy Sáu Thảo quá xuất sắc nên đã cử bà dự học lớp Trinh sát thuộc Trường An ninh miền Nam. Ra trường, bà được phân công về Ban điệp báo An ninh miền Nam dưới sự chỉ đạo trực tiếp của đồng chí Sáu Ngọc (tức Lê Thanh Vân, Đại tá, nguyên Giám đốc CA TPHCM, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân).
Được phân công xây dựng mạng lưới giao liên hai chiều, để vào nội đô Sài Gòn hoạt động hợp pháp và móc nối cơ sở của ta, Sáu Thảo đã "độc lập tác chiến" dưới vỏ bọc là vợ một tay lính ngụy. Thời gian ra, vào nội đô, bà đã xây dựng được 2 hộp thư quan trọng là H6 và hộp thư Cây Quéo, trong đó hộp thư H6 được Nhà nước tặng Huân chương Kháng chiến hạng Ba.
Nói về lần bị địch bắt đầu tiên, bà Sáu Thảo vẫn còn nhớ như in. Bà kể: Tháng 3/1969, tôi vào nội thành để gặp và truyền đạt chỉ thị cấp trên cho cơ sở điệp báo. Vừa qua ngã ba Hóc Môn thì bị địch phát hiện. Thấy vậy, bà vội nuốt tài liệu mật vào bụng nên bọn địch chỉ bắt bà về tội sử dụng căn cước giả. Dù vậy, chúng vẫn nghi ngờ bà là Việt cộng nên liên tục tra khảo, đánh đập dã man. Không moi được thông tin gì, chúng đưa bà về Tây Ninh để tiếp tục tra tấn. Cuối cùng không khai thác được gì, chúng đưa bà về lại Sài Gòn rồi tuyên mức án 5 tháng tù.
Sau lần ra tù, Sáu Thảo vào nhiều vai như giúp việc nhà, bán hàng rong, thợ may, là người bán dừa từ miền Tây lên Sài Gòn... để hoạt động hợp pháp giữa nội đô. Với kinh nghiệm và khả năng vốn có của mình, từ đầu năm 1972 đến ngày 30/4/1975, bà Sáu Thảo đã xây dựng được hơn 10 đầu mối nằm trong các cơ quan trọng yếu của địch như Tổng nha cảnh sát, Nha điện toán, Nha kế hoạch, Bộ dân vận chiêu hồi, Văn phòng nội các... Đặc biệt, bà đã góp phần rất quan trọng xây dựng cụm điệp báo số 6, cụm Z7 và cụm Z8.
"Cá biệt Z7 là Phó tiến sĩ du học ở nước ngoài về, làm việc ở Tổng ủy Dân vận chiêu hồi. Z7 đã tạo được sự tin tưởng và chi phối Chủ tịch Thượng nghị viện Phạm Như Phiên thực hiện những công việc có lợi cho cách mạng. Còn Z8 là người khéo léo, nhanh nhẹn, thu thập được nhiều tin tức và có tác động lớn đối với thanh niên, sinh viên yêu nước đứng về phía cách mạng đấu tranh với chính quyền Thiệu", bà kể.
Ngoài ra, nhiều cơ sở khác với các bí danh "D.", "C.", "T."... hầu hết đều là dân trí thức, có học vấn cao từ nước ngoài về. Có cảm tình với cách mạng không muốn làm tay sai cho bè lũ phản quốc hại dân, "C." đã thu thập được nhiều tài liệu giá trị, góp phần bóc trần mạng lưới mật báo viên của địch cài lại sau giải phóng. Anh hùng Nguyễn Thị Thảo cho biết, điều mà bà cảm thấy sung sướng và tự hào là sau nhiệm vụ gian khó này, không cơ sở nào của bà bị lộ, tư tưởng vẫn một lòng theo Đảng, tin cách mạng.
Nữ Anh hùng điệp báo Sáu Thảo chụp ảnh lưu niệm cùng Chủ tịch nước Trương Tấn Sang vào năm 2014 tại Phủ Chủ tịch
Chuyện chưa kể về chuyên án MA90
Thời bình, bà Sáu Thảo được phân công giữ chức vụ Phó chỉ huy trưởng Lực lượng An ninh CA TPHCM. Nghĩ lại giai đoạn này, bà tự nhận, cuộc đời bà gắn liền với con số 1. Trong chiến tranh, bà một mình làm giao liên, tự thân vận động, tự gầy dựng cơ sở, tự xây dựng, vận dụng mạng lưới thông tin 2 chiều, tất cả đều chỉ một mình. Sau năm 1975, khi đất nước thanh bình bà lại thui thủi một mình vì cha mẹ, người thân đã bị địch giết gần hết.
Trong vai trò phụ trách lực lương An ninh CA TPHCM, bà Sáu Thảo là một phụ nữ luôn quyết đoán, nhạy bén. Có lúc bà "một mình một ý kiến" nhưng thường là ý kiến xác đáng nhất trong khi thảo luận công việc. Bà nhớ lại năm 1990, khi ấy đất nước ta tuy đã hòa bình, độc lập nhưng đường lối chính sách vẫn còn bó hẹp, vừa rục rịch chuyển sang cơ chế thị trường để vươn lên. Chính vì thế mà kinh tế còn khó khăn, nhiều nhân sĩ, trí thức, nhà hoạt động cách mạng bắt đầu có ý định suy diễn, chuyển hóa. Đặc biệt trong thời điểm này, đất nước Rumani bắt đầu rạn nứt. Nhiều phong trào đấu tranh nổ ra làm suy giảm sự ủng hộ của lực lượng trí thức đã tác động không ít đến tình hình các nước trên thế giới, trong đó có chúng ta.
Trong vai trò lãnh đạo phòng nghiệp vụ, bà Sáu Thảo đã phát hiện và nhận ra được điều này. Bà kể, khi phát hiện những vụ tụ tập bất thường của thành phần nhân sĩ trí thức, học sinh, sinh viên, bà lập tức báo cáo cấp trên, đồng thời một mình âm thầm, theo dõi, đeo bám. Một vài nhân vật có tiếng nói lúc bấy giờ bất ngờ có tư tưởng muốn "sổ lồng" nên đã có dấu hiệu hoạt động vi phạm pháp luật với mục đích kêu gọi, lôi kéo. Xác định được nhóm đối tượng chóp bu, bà Sáu Thảo lập tức báo cáo tình hình và vai trò từng cá nhân cho cấp trên, đồng thời có những đối sách cứng rắn, đúng người, đúng hành vi.
Tuy nhiên, khi hồ sơ báo cáo của bà chưa được chuyển đến người cao nhất thì bất ngờ bà bị bên kia "tố ngược". Sự đối đầu giữa 2 luồng tư tưởng đối lập khiến lãnh đạo cấp cao cảm thấy bối rối. Do chưa từng tiếp cận trực tiếp với Sáu Thảo, chưa biết con người, bản lĩnh của bà như thế nào nên một vị lãnh đạo đã mắng xối xả, cho rằng bà lạm quyền và có ý định kỷ luật bà. Tuy nhiên, khi bà trưng ra chứng cứ, tài liệu có liên quan đến sai phạm của đối phương, vị lãnh đạo kia giật mình xin lỗi và đồng ý ngay kế sách đối phó của bà Sáu Thảo. Chuyên án MA90 được xác lập nhưng nhiều lý do, bà Sáu Thảo đã không được trực tiếp phân công việc "cất lưới".
Kết thúc chuyên án là hàng loạt những kẻ "quay đầu", tư tưởng suy diễn bị bắt giam. Một vài người kịp nhận ra sai phạm của mình nên được sự khoan hồng. Trước khi chuyển ngành sang làm cán bộ ngành du lịch, người nữ Anh hùng điệp báo ấy lại một mình xoay chuyển tình thế trên mặt trận lặng thầm đó là du lịch. Với những gì bà đã đóng góp, chỉ sau một thời gian ngắn, bà lại tiếp tục đề bạt làm giám đốc Sở Du lịch cho đến khi về hưu. Với một cuộc đời cống hiến, phụng sự cho Tổ quốc, nhân dân, bà Sáu Thảo không những là Anh hùng mà còn trở thành huyền thoại sống của người dân TP mang tên Bác.