Thiếu tướng Trần Đức Tài - Phó Giám đốc Công an TPHCM:

Đề án 06 vì lợi ích quốc gia, dân tộc

Thứ Bảy, 19/08/2023 10:04

|

(CATP) Ngày 06/01/2022, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ việc chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030 (gọi tắt là Đề án 06). Sau hơn một năm rưỡi triển khai, Đề án 06 đã thu được những kết quả bước đầu tích cực; được người dân, doanh nghiệp đồng tình, ủng hộ, đánh giá cao. Giữ vai trò chủ công, lực lượng Công an luôn gương mẫu, đi đầu trong thực hiện Đề án 06. Nhân ngày Truyền thống lực lượng Công an Nhân dân Việt Nam (19/8/1945 - 19/8/2023), Chuyên đề Công an TPHCM đã có buổi phỏng vấn Thiếu tướng Trần Đức Tài - Phó Giám đốc Công an TPHCM về việc triển khai thực hiện Đề án 06 tại TPHCM.

Phóng viên: Đề án 06 là nơi gặp gỡ của ý Đảng, lòng dân, Thiếu tướng thấy có đúng không?

Thiếu tướng Trần Đức Tài: 5 nhóm tiện ích cốt lõi mà Đề án 06 hướng tới đã thể hiện rất rõ điều này. Đó là tất cả vì lợi ích quốc gia, dân tộc và quyền lợi của người dân, lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm. Ở nhóm tiện ích phục vụ giải quyết thủ tục hành chính và cung cấp dịch vụ công trực tuyến: Đề án đề ra mục tiêu cung cấp các dịch vụ công trực tuyến thiết yếu (tối thiểu 25 dịch vụ thiết yếu thuộc lĩnh vực cư trú, hộ tịch, bảo hiểm xã hội, giáo dục, y tế, đất đai, lao động...) nhằm cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính.

Nhóm tiện ích phục vụ phát triển kinh tế, xã hội: Nghiên cứu, triển khai ứng dụng các tính năng của chip điện tử trên thẻ Căn cước công dân (CCCD) đối với các lĩnh vực tài chính, ngân hàng và một số lĩnh vực phát triển kinh tế - xã hội khác. Tích hợp, phát triển ứng dụng trên nền tảng hệ thống định danh và xác thực điện tử với các ứng dụng cốt lõi như: ví điện tử, thanh toán không dùng tiền mặt, chứng khoán, điện, nước... lên ứng dụng VNeID, mã QR của thẻ CCCD gắn chíp điện tử. Phát triển, hoàn thiện và triển khai hiệu quả ứng dụng di động công dân số từ VNeID trên cơ sở mở rộng tích hợp các thông tin, dịch vụ y tế, bảo hiểm, giấy phép lái xe, ngân hàng, thanh toán điện tử, ứng cứu khẩn cấp, phản ánh hiện trường, tố giác tội phạm...

Nhóm tiện ích phục vụ công dân số: Đề án 06 đặt ra mục tiêu xác thực 100% các giấy tờ như: CCCD, thẻ bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội, giấy phép lái xe, giấy đăng ký xe, các loại bằng cấp, chứng chỉ... trên ứng dụng VNeID hoặc qua thẻ CCCD gắn chip điện tử..., từng bước thay thế các giấy tờ của công dân trong một số giao dịch theo quy định của pháp luật. Cung cấp các dịch vụ công, dịch vụ thương mại phục vụ tiện ích số của công dân trên ứng dụng VNeID như: dịch vụ cư trú, CCCD, thương mại điện tử, thanh toán điện tử và các dịch vụ khác.

Thiếu tướng Trần Đức Tài báo cáo sơ kết 1 năm triển khai Đề án 06

Hoàn thiện hệ sinh thái phục vụ kết nối, khai thác, bổ sung làm giàu dữ liệu dân cư: Triển khai hiệu quả việc kết nối, chia sẻ giữa Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư với các cơ sở dữ liệu quốc gia khác, cơ sở dữ liệu chuyên ngành đã có như: cơ sở dữ liệu giáo dục, cơ sở dữ liệu doanh nghiệp, cơ sở dữ liệu thuế... bảo đảm giải quyết các thủ tục phục vụ công dân chính xác và thuận lợi.

Năm là, phục vụ chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo các cấp: Trên cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và các thông tin đã được tích hợp, sử dụng ứng dụng trí tuệ nhân tạo để tổng hợp, phân tích, dự báo các thông tin để phục vụ việc điều hành Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, hoạch định chính sách kinh tế - xã hội.

Phóng viên: Những lợi ích thiết thực cụ thể mà Đề án 06 mang lại cho người dân và doanh nghiệp?

Thiếu tướng Trần Đức Tài: Khi triển khai thực hiện Đề án 06, người dân và doanh nghiệp sẽ được hưởng rất nhiều lợi ích. Các hoạt động giao dịch từng bước được "số hóa" từ phương thức thực hiện thủ công sang thực hiện trên môi trường điện tử, bảo đảm chính xác, nhanh chóng, thuận tiện và an toàn do được xác thực với Cơ sở dư liệu quốc gia về dân cư trên cơ sở các thông tin, giấy tờ về cá nhân được tích hợp trên CCCD gắn chíp, tài khoản định danh điện tử và được khai thác sử dụng qua ứng dụng VNeID. Bên cạnh đó, Chính phủ cũng chỉ đạo chính quyền các cấp đưa các thủ tục hành chính lên cổng Dịch vụ công quốc gia để phục vụ người dân, doanh nghiệp được nhanh chóng, thiết thực, hiệu quả và tiết kiệm.

Với tài khoản định danh điện tử, người dân và doanh nghiệp có thể thực hiện các giao dịch trên môi trường điện tử gắn với các hệ sinh thái chữ kỹ số, hợp đồng điện tử, thanh toán điện tử... tạo điều kiện cho người dân và doanh nghiệp trong quá trình hoạt động, sản xuất, kinh doanh. Với các tổ chức tài chính, ngân hàng, thanh toán điện tử, giao dịch điện tử... kết nối, sử dụng các ứng dụng của Hệ thông định danh và xác thực điện tử thì các tài khoản người dùng đều được xác thực bảo đảm đúng với danh tính của từng công dân, tạo sự minh bạch, góp phần trong công tác đấu tranh, phòng chống tội phạm, gian lận, lừa đảo trên không gian mạng...

Công an Q.Gò Vấp hướng dẫn người dân sử dụng ứng dụng VNeID

Phóng viên: CCCD sắp tới có thể trở thành "tấm thẻ toàn năng" không, thưa Thiếu tướng?

Thiếu tướng Trần Đức Tài: Bộ Công an đã triển khai 43 mô hình phát triển ứng dụng Đề án 06 vào thực tế, trong đó khai thác tối ưu lợi ích của thẻ CCCD gắn chíp khi được tích hợp đầy đủ các thông tin cá nhân, BHXH, BHYT, giấy tờ sở hữu về phương tiện cơ giới đường bộ, giấy phép lái xe... vào tài khoản định danh điện tử mức 2. Hiện nay, người dân chỉ cần xuất trình thẻ CCCD gắn chip thì có thể đi khám chữa bệnh BHYT.

Theo lộ trình của Đề án 06, sắp tới đây sẽ tích hợp tất cả các thông tin của công dân vào thẻ CCCD gắn chip như nhà cửa, đất đai, bằng cấp... nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân khi cần phải xuất trình các loại giấy tờ để giao dịch hành chính. Thậm chí, chỉ cần ngồi ở nhà, người dân vẫn có thể thực hiện nhiều dịch vụ công, các giao dịch tài chính như thanh toán hóa đơn điện nước, đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, chuyển tiền nhờ hệ thống định danh điện tử song song vận hành với CCCD gắn chip.

Phóng viên: Lực lượng Công an giữ vai trò thường trực trong thực hiện triển khai Đề án 06. Công an TPHCM đã làm tốt vai trò của mình chưa, thưa Thiếu tướng?

Thiếu tướng Trần Đức Tài: Công an TPHCM luôn xác định việc tổ chức triển khai thực hiện Đề án 06 của Chính phủ vừa là "Danh dự, trách nhiệm", vừa là "Nhiệm vụ chính trị” và là "Mệnh lệnh chiến đấu" của toàn lực lượng Công an trước Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố.

Công an TPHCM làm CCCD lưu động cho người dân

Với vai trò là cơ quan thường trực Ban chỉ đạo thực hiện Đề án 06 của thành phố, Công an TPHCM luôn bám sát các chỉ đạo của Chính phủ, lãnh đạo Bộ Công an và tình hình thực tế tại địa phương để chủ động tham mưu Chủ tịch UBND thành phố - Trưởng ban chỉ đạo Đề án một cách toàn diện trong việc tổ chức, triển khai thực hiện Đề án 06 trên địa bàn thành phố đạt hiệu quả cao nhất. Tăng cường công tác kiểm tra, hướng dẫn việc triển khai thực hiện các nhiệm vụ tại các sở, ngành, UBND cấp huyện; duy trì thường xuyên các cuộc họp của Tổ giúp việc Đề án 06 thành phố; Chủ động phối hợp các sở, ngành tham mưu triển khai thực hiện các nhiệm vụ được giao trong Đề án 06; Tham mưu huy động cả hệ thống chính trị trong triển khai đồng bộ, hiệu quả các giải pháp làm sạch dữ liệu dân cư luôn "đúng, đủ, sạch, sống", cấp và kích hoạt tài khoản định danh điện tử, triển khai các mô hình điểm đạt hiệu quả góp phần phục vụ chuyển đổi số, xây dựng thành phố thông minh. Với những nỗ lực đó, Công an TPHCM đã được Bộ Công an đánh giá là một trong các tỉnh, thành đi đầu trong tổ chức thực hiện Đề án 06 của Chính phủ.

Phóng viên: Đảng ủy Công an Trung ương đã ban hành Nghị quyết số 13, ngày 30/9/2022 xác định rõ: "Việc thực hiện Đề án 06 là trách nhiệm chính trị, trách nhiệm pháp lý, mệnh lệnh công tác của lực lượng vũ trang, là danh dự của lực lượng CAND". Công an TPHCM đã làm được những gì, thưa Thiếu tướng?

Thiếu tướng Trần Đức Tài: Thực hiện nghiêm túc Nghị quyết số 13 của Đảng ủy Công an Trung ương, Đảng ủy - Ban Giám đốc Công an TPHCM đã chủ động tham mưu Thành ủy TPHCM ban hành Chỉ thị số 24-CT/TU ngày 14/4/2023 về việc triển khai thực hiện Đề án 06 trên toàn Đảng bộ nhằm phát huy hệ thống chính trị trong triển khai thực hiện Đề án 06 của Chính phủ. Bên cạnh đó, Công an TPHCM cũng đã chủ động xây dựng Nghị quyết 23-NQ/ĐUCA về triển khai thực hiện Đề án 06 trong toàn Đảng bộ Công an TPHCM với phương châm hành động: "Chủ động, nêu gương, kỷ cương, trách nhiệm, hiệu quả” với tinh thần khắc phục mọi khó khăn, tìm tòi, nghiên cứu, sáng tạo tìm ra các giải pháp, biện pháp để luôn hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao trong thực hiện Đề án 06. Tập trung thực hiện công tác làm sạch dữ liệu dân cư luôn "đúng, đủ, sạch, sống".

Đến nay, Công an TPHCM đã thu nhận 7.501.625 hồ sơ CCCD, cấp 2.856.215 và kích hoạt 1.563.907 tài khoản định danh điện tử phục vụ công tác giải quyết thủ tục hành chính trên môi trường điện tử, nhằm hoàn thiện nền Chính phủ số của đất nước.

Bình luận (0)

Lên đầu trang