55 năm chiến thắng Mậu Thân: "Cú đập lớn để tung tóe ra các khả năng chính trị”

Thứ Năm, 12/01/2023 18:48

|

(CATP) Đó là câu nói của Tổng Bí thư Lê Duẩn khi đánh giá về cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968. Đây là một cuộc tiến công với quy mô rộng lớn, có tác động to lớn đối với toàn bộ cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của nhân dân ta.

Chiến thắng buộc Mỹ phải đến bàn đàm phán

Cách nay tròn 55 năm, Tết Mậu Thân năm 1968, quân và dân Việt Nam đã mở cuộc Tổng tiến công và nổi dậy đồng loạt vào hầu hết các thành phố, thị xã và hàng trăm thị trấn trên toàn miền Nam. Cuộc tổng tiến công có 3 đợt, bắt đầu từ đêm 30 rạng sáng ngày 31-01-1968 và kéo dài đến ngày 30-9-1968.

Đặc biệt đợt 1 tiến công ngay trong dịp Tết Mậu Thân vào 4/6 thành phố, 37/42 thị xã và hàng trăm thị trấn, quận lỵ, trong đó có nhiều mục tiêu là bộ tư lệnh quân đoàn, bộ tư lệnh sư đoàn, bộ tư lệnh biệt khu, cả hai bộ tư lệnh dã chiến Mỹ và 30 sân bay. Cuộc tổng tiến công này là đòn bất ngờ đánh vào các trung tâm sào huyệt của Mỹ và chính quyền Sài Gòn, khi mà lực lượng Mỹ ở miền Nam rất mạnh.

Lúc đó Mỹ có 331.098 lính bộ binh và 78.013 lính thủy đánh bộ thuộc 9 sư đoàn, nhiều trung đoàn, lữ đòan thiết giáp. Đó là chưa kể lực lượng đặc nhiệm số 1 của Úc, Thái Lan, 2 sư đoàn bộ binh Hàn Quốc và 1 lữ đoàn thủy quân lục chiến Hàn Quốc. Quân lực Việt Nam Cộng hòa có 350.000 binh sĩ thuộc các binh chủng. Lực lượng đối phương quá lớn như vậy nhưng ngay trong đợt 1, quân ta đã xâm nhập rất sâu vào tận trung tâm nhiều thành phố lớn, kể cả Sài Gòn, vào tận Đại sứ quán Mỹ... Người Mỹ bàng hoàng, không thể hình dung được sức mạnh kinh hoàng của quân và dân ta. Đặc biệt nó làm lung lay ý chí chiến thắng bằng quân sự của Mỹ.

Đặc phái viên John Kerry làm việc tại Bến Tre, ngày 05-9-2022. Ảnh: TTXVN

Thực tế chiến trường và trên bàn đàm phán cho thấy chiến thắng Mậu Thân đã buộc Mỹ phải đi đến bàn đàm phán. Kết quả sau đó là Hiệp định Paris được ký kết. Cuộc tiến công có tính chiến lược này là một đòn chiến lược mở đầu quá trình Mỹ rút quân khỏi Việt Nam và cũng bắt đầu quá trình Mỹ bỏ rơi chính quyền Việt Nam Cộng hòa, để đưa đến chiến thắng lịch sử mùa xuân 1975.

Các nhà sử học phương Tây đánh giá quy mô và phạm vi cuộc tấn công của chúng ta trong chiến dịch Mậu Thân 1968 đã làm các đồng minh của Mỹ và chính quyền miền Nam Việt Nam lúc đó bất ngờ. Tình hình đó làm cho tổng thống Mỹ lúc bấy giờ là Lyndon Johnson cảm thấy tuyệt vọng vì không thể đạt được một giải pháp ở Việt Nam theo ý của mình. Các đối thủ của ông đã buộc chính quyền Johnson phải điều trần về chiến tranh Việt Nam trước Quốc hội.

Tổng Bí thư Lê Duẩn có một câu nói nổi tiếng khi ấy về chiến thắng Mậu Thân, đó là: "Một cú đập lớn để tung tóe ra các khả năng chính trị”. Sự thật đúng như vậy, chúng ta đã đánh một trận rất lớn, không những làm "tung tóe ra các khả năng chính trị” mà còn làm "tung tóe" cả xã hội Mỹ lúc bấy giờ. Quy mô của chiến dịch Mậu Thân kéo dài đến 9 tháng và hết sức ác liệt. Đây cũng là lần đầu tiên trong lịch sử một cuộc chiến tranh được lên sóng truyền hình trực tiếp khắp thế giới, khi mà công nghệ cho phép.

Xe tăng Mỹ bị quân giải phóng đánh, chiếm những ngày đầu năm 1968 Ảnh tư liệu TTXVN

Người dân Mỹ bấy lâu nay suy nghĩ cuộc chiến tranh ở Việt Nam chỉ diễn ra ở rừng rậm nhiệt đới hoặc cùng lắm là ở vùng sâu, vùng xa chứ không phải diễn ra cực kỳ khốc liệt ngay trên đường phố Sài Gòn và các thành phố lớn. Những trận đánh đẫm máu làm ảnh hưởng rất lớn đến những người yêu chuộng hòa bình và những tổ chức, cá nhân phản chiến. Làn sóng chống chiến tranh dâng trào khắp nước Mỹ và nhiều nước trên thế giới. Tình thế khiến tổng thống Johnson và các cố vấn của ông đánh giá lại và sau đó Johnson tuyên bố sẽ giảm cường độ đánh bom miền Bắc Việt Nam và kêu gọi đàm phán ngay trước lúc ông loan báo thông tin chấn động là sẽ không ra tranh cử nhiệm kỳ tổng thống kế tiếp.

Lydon Johnson từ trần 4 năm sau khi rời nhiệm sở. Tổng thống Mỹ tiếp theo là R.Nixon, cố gắng thực hiện chiến lược "Việt Nam hóa chiến tranh", ném bom dữ dội miền Bắc tháng 12-1972 nhưng chẳng qua là cách để người Mỹ "đi đàng hoàng" đến bàn đàm phán, để rồi bàn cờ domino phải đổ, để kết thúc chiến tranh, mà chiến thắng thuộc về những người chính nghĩa.

Chiến tranh Việt Nam, Mậu Thân trong ký ức người Mỹ

Cuộc tổng tiến công và nổi dậy Mậu Thân năm 1968 là bước ngoặt lịch sử để 7 năm sau đó kết thúc chiến tranh Việt Nam. 50 năm sau chiến dịch quân sự chấn động Nhà trắng lẫn Lầu Năm góc, bộ phim "Chiến tranh Việt Nam" của hai đạo diễn Ken Burns và Lynn Novick gồm 10 tập ra đời. Đây là bộ phim mới nhất về chiến tranh Việt Nam, được tổ chức sản xuất với quy mô rất đáng nể, mất hơn 10 năm, với hàng trăm cuộc phỏng vấn, cùng hàng trăm giờ phim tư liệu và hàng ngàn bức ảnh. Bộ phim này được trình chiếu trên kênh PBS trong tháng 9-2017. Bộ phim cũng là cách để người Mỹ nhớ lại cuộc chiến tranh này và tìm kiếm mọi góc độ để lý giải về cuộc chiến tranh được xem là ác liệt nhất trong thế kỷ 20.

Theo tường thuật của báo chí Mỹ, buổi ra mắt bộ phim này diễn ra vào ngày 12-9-2017 tại Trung tâm Biểu diễn Nghệ thuật Kennedy ở thủ đô Washington, Mỹ. Tham dự có nhiều cựu binh Mỹ trong chiến tranh Việt Nam, cùng người thân, gia đình họ. Đặc biệt có có 3 khách mời là Thượng nghị sĩ John McCain, cựu Bộ trưởng Ngoại giao John Kerry và cựu Bộ trưởng Quốc phòng Chuck Hagel, cả 3 đều là cựu chiến binh từng tham chiến tại Việt Nam. Ngoài ra còn có nhiều đại biểu nổi tiếng của phong trào phản chiến ở Mỹ trong thời điểm đó. Một hình ảnh cảm động, khi giới thiệu các cựu binh Mỹ, nhiều đại diện của phong trào phản chiến đã đứng dậy ôm chầm các cựu chiến binh trong tiếng vỗ tay của những người dự khán.

Quân giải phóng tấn công sân bay Tân Sơn Nhất trong chiến dịch Mậu Thân 1968. Ảnh tư liệu

Ông John Kerry phát biểu nêu quan điểm rõ ràng: "Bài học mà chúng ta rút ra thật đáng giá. Chúng ta phải biết chúng ta đang làm gì, phải thành thực với dân chúng, chiến tranh phải là giải pháp cuối cùng sau khi đã khai thác triệt để giải pháp ngoại giao. Tất cả những điều đó đều đúng cho chiến tranh Việt Nam và đúng cho tất cả mọi sự lựa chọn mà bây giờ chúng ta đang đối mặt".

Ông Kerry cũng nói thêm rằng, nếu có một điều gì có thể giúp hàn gắn những sự chia rẽ trong xã hội Mỹ, khiến những người của phong trào phản chiến có thể ôm chầm lấy các cựu chiến binh, thì đó chính là bộ phim "Chiến tranh Việt Nam". Ông John Kerry cũng bày tỏ rằng ông thường đến thăm Đài tưởng niệm chiến tranh Việt Nam, nơi khắc tên hơn 58.000 lính Mỹ đã chết trong chiến tranh Việt Nam vào những buổi sáng sớm hoặc buổi chiều. Ông cũng thường xuyên về Năm Căn (Cà Mau - Việt Nam), nơi trung úy hải quân John Kerry cầm súng những năm tháng ở Việt Nam. Những chuyến đi như vậy giúp các cựu binh Mỹ quên đi hội chứng chiến tranh Việt Nam đang ám ảnh họ.

Người Mỹ đã dòm ngó Việt Nam từ rất lâu. Họ tự bước chân vào "chiến địa" khốc liệt tương lai bằng cách viện trợ đến hơn 80% chiến phí cho người Pháp tái chiếm Đông Dương, đó là thời tổng thống Truman. Bốn đời tổng thống sau đó, gồm Eisenhower, Kennedy, Johnson, Nixon đều nghĩ rằng người Mỹ có thể chiến thắng trên chiến địa mà người Pháp đã thất bại. Tuy nhiên chỉ một thời gian sau, tổng thống Johnson, rồi Nixon đã hiểu rằng không thể chiến thắng bằng quân sự trên chiến trường Việt Nam...

55 năm sau chiến thắng lịch sử Mậu Thân năm 1968, hơn 48 năm kết thúc chiến tranh Việt Nam, những cựu binh nổi tiếng của Mỹ như John Kery, John McCain... đã có công lớn trong việc bình thường hóa, tăng cường quan hệ hai nước.

Quan hệ Việt - Mỹ trong quá khứ và hiện tại được phản chiếu trong cả cuộc đời của ông John Kerry. Ed Miller, nhà nghiên cứu về Việt Nam tại Đại học Dartmouth John Kerry viết: "John Kerry yêu Việt Nam và Việt Nam cũng mến John Kerry như vậy". Tăng trưởng thương mại Việt - Mỹ trong những năm qua đã tăng từ 450 triệu USD khi mới thiết lập quan hệ ngoại giao, lên đến gần 100 tỷ USD trong năm 2022, là thành quả và công sức của những John Kerry, John McCain và chính phủ Mỹ.

Họ đã giúp tất cả chúng ta quên đi cuộc chiến tranh đẫm máu trong quá khứ và cũng đã bắc xong cây cầu để Việt - Mỹ xây dựng quan hệ đối tác toàn diện, hướng tới tương lai.

Bình luận (0)

Lên đầu trang