Đà Nẵng nhộn nhịp đón mừng các đoàn đại biểu APEC

Thứ Sáu, 10/11/2017 07:28  | Hoàng Quân - Ngọc Hà

|

(CAO) Trong ngày 9-11, lãnh đạo các nền kinh tế Mexico, Peru, Malaysia, Hồng Kông, Brunei, Úc, New Zealand, Chile, Nhật và Myanmar đã lần lượt tới Đà Nẵng dự Hội nghị APEC.

Theo lịch trình từ Ban Tổ chức APEC, sáng 10-11, đoàn của Tổng thống Trump, Tổng thống Putin và Tổng Bí thư – Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ có mặt tại Đà Nẵng tham dự ngày họp quan trọng nhất trong khuôn khổ Hội nghị Tuần lễ cấp cao APEC 2017.

Cuộc “hội tụ” các nguyên thủ quốc gia “nổi đình nổi đám”

Trước đó, vào ngày 8-11, đoàn Papua New Guinea do Thủ tướng Peter O’Neill dẫn đầu và đoàn Philippines do Tổng thống Rodrigo Duterte dẫn đầu đã lần lượt đáp máy bay xuống sân bay quốc tế Đà Nẵng. Trưa 9-11, lúc 12 giờ 45, chuyên cơ chở bà Aung San Suu Kyi - Bộ trưởng Ngoại giao, Cố vấn nhà nước Myanmar, đã đáp xuống sân bay quốc tế Đà Nẵng. Myanmar không nằm trong 21 thành viên APEC, bà Aung San Suu Kyi đến theo lời mời của Chủ tịch nước Trần Đại Quang. Theo tờ Myanmar Times, Cố vấn nhà nước Aung San Suu Kyi sẽ tham dự hoạt động đối thoại không chính thức giữa các lãnh đạo ASEAN- APEC bên lề hội nghị thượng đỉnh, diễn ra vào 14 giờ ngày 10-11.

Dẫn đầu đoàn lãnh đạo cấp cao các nền kinh tế Mexico, Malaysia, Úc, Chile đến dự Hội nghị Cấp cao APEC 2017 là các Tổng thống. Đoàn Peru là Tổng thống Pedro Pablo Kuczynski và Phu nhân. Đoàn lãnh đạo cấp cao nền kinh tế Hong Kong - Trung Quốc do Trưởng Khu Hành chính Lâm Trịnh Nguyệt Nga (Carrie Lam) dẫn đầu... Lúc 17 giờ 20 ngày 9-11, Quốc vương Brunei Hassanal Bolkiah gây ấn tượng mạnh với lực lượng an ninh sân bay Quốc tế Đà Nẵng và đoàn Việt Nam đón tiếp vì tự lái chuyên cơ A340-212 của ông đáp xuống. Đây không phải lần đầu tiên vị vua gây ấn tượng với tài lái máy bay. Ông từng điều khiển chiếc A340-212 đến dự Hội nghị cấp cao ASEAN tại Hà Nội năm 2010. Vua Hassanal là một trong những nhà lãnh đạo có tài sản lớn nhất thế giới và Brunei nằm trong số những nền kinh tế đầu tiên gia nhập APEC (tháng 11-1989).

Trong ngày 9-11, Tổng thống Rodrigo Duterte đã có bài phát biểu quan trọng tại Hội nghị thượng đỉnh doanh nghiệp APEC với chủ đề “Hội nhập kinh tế khu vực, những bài học từ ASEAN”. Theo nhóm phóng viên Philippins, Tổng thống Duterte tiết lộ ông sẽ có cuộc hội đàm song phương với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình bên lề hội nghị ở Đà Nẵng và sẽ làm rõ quan điểm của Philippines về vấn đề Biển Đông. Trong phiên thảo luận chiều ngày 9-11, các lãnh đạo cấp cao APEC đã bàn về các thỏa thuận thương mại để thúc đẩy tăng trưởng nền kinh tế khu vực. Ông Kuczynski cho biết, sẽ có các cuộc gặp song phương với lãnh đạo Trung Quốc, Canada, Úc và nước chủ nhà Việt Nam.

Trưa ngày 9-11, Tổng thống Michelle Bachelet và Đoàn đại biểu cấp cao nước Cộng hòa Chile thăm cấp Nhà nước đã tới Hà Nội, dự Quốc yến với Chủ tịch nước Trần Đại Quang. Cùng tham dự có các Đại sứ, Trưởng cơ quan đại diện ngoại giao các nước Mỹ Latinh và Caribe tại Việt Nam. Lúc 21 giờ cùng ngày, đoàn của Tổng thống Chile tới Đà Nẵng

Được biết, ngay sau Hội nghị cấp cao APEC 2017, nhiều nhà lãnh đạo sẽ tiếp tục bay đến Philippines để dự Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN và Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á, từ ngày 13 đến14-11.

Thành công của Hội nghị liên bộ trưởng Ngoại giao – Kinh tế APEC đóng góp lớn cho toàn cầu

Chiều 9-11, tại Trung tâm Báo chí Quốc tế APEC (IMC), TP.Đà Nẵng, sau khi kết thúc Hội nghị liên Bộ trưởng Ngoại giao - Kinh tế APEC (AMM) lần thứ 29, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh và Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh chủ trì buổi họp báo, thông báo về sự thành công của Hội nghị AMM 29 trong hai ngày 8 và 9-11.

Lãnh đạo Chính phủ và Bộ trưởng Bộ Công thương nhấn mạnh, Hội nghị là dịp để nhìn lại những thành quả hợp tác APEC cả năm qua và thảo lận hướng tháo gỡ những nút thắt về tăng trưởng và liên kết còn tồn tại.

Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh thông báo Hội nghị đã đạt được những kết quả nổi bật: các Bộ trưởng APEC tiếp tục khẳng định quyết tâm duy trì đà hợp tác và liên kết của APEC; các Bộ trưởng nhất trí trước xu thế mới về công nghệ và toàn cầu hóa, kết nối sâu rộng hiện nay, APEC cần tạo những động lực mới để tiếp tục đóng góp vào việc duy trì châu Á - Thái Bình Dương là động lực của tăng trưởng và liên kết kinh tế toàn cầu và các Bộ trưởng đã thông qua nhiều sáng kiến quan trọng, có ý nghĩa thiết thực: Khuôn khổ thuận lợi hóa thương mại điện tử xuyên biên giới, Chiến lược APEC về các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa, xanh bền vững và sáng tạo; kế hoạch hành động nhiều năm về an ninh lương thực và biến đổi khí hậu giai đoạn 2018-2020; chương trình hành động về phát triển nông thôn-đô thị nhằm tăng cường an ninh lương thực và tăng trưởng chất lượng.

Các Bộ trưởng đã thống nhất các văn kiện mang tính định hướng chiến lược cho hợp tác APEC để trình lên các nhà lãnh đạo APEC như: Thu hẹp khoảng cách phát triển, bảo đảm các nền kinh tế phát triển toàn diện và bao trùm, mở ra những tiềm năng phát triển mới cho khu vực, tạo điều kiện cho các tầng lớp nhân dân, phụ nữ, và thanh niên, đóng góp vào việc phát triển kinh tế và thụ hưởng các lợi ích của thương mại tự do và tăng trưởng.

Ông Trần Tuấn Anh nhấn mạnh, các nội dung đã được thảo luận và thống nhất thông qua không chỉ mang lại lợi ích cho các nền kinh tế APEC mà còn mang lại những đóng góp cho toàn cầu hoá, tiếp tục hoàn thiện thể chế của cơ chế thương mại đa phương trên thế giới. Và những sáng kiến và nội dung mà Việt Nam tham gia được đánh giá cao, phản ánh được quan điểm rất thực tiễn đối với xu thế hội nhập, mở cửa của Việt Nam, cũng như phục vụ cho tiến trình toàn cầu hoá và hợp tác của APEC.

Bình luận (0)

Lên đầu trang