Kỷ niệm 69 năm Ngày Thầy thuốc Việt Nam (27/02/1955 - 27/02/2024):

Đầu tư y tế cơ sở để người dân được chăm sóc tốt hơn

Thứ Ba, 27/02/2024 10:59

|

(CATP) Nền y tế nước ta đang đi và phát triển rất đúng hướng khi đầu tư đúng, đủ và ngày càng cao cho y tế cơ sở, để người dân ngày càng được chăm sóc tốt hơn. Mặt khác, y tế kỹ thuật cao của chúng ta cũng đã đuổi kịp thế giới với những thành tựu vượt bậc.

Hệ thống y tế cơ sở gần dân, sát dân nhất

Nhân dịp kỷ niệm 69 năm Ngày Thầy thuốc Việt Nam, sáng 25/02, tại Hà Nam, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng thăm, chúc mừng các thầy thuốc ở Trung tâm y tế huyện Thanh Liêm; thăm, động viên các y, bác sĩ, nhân viên y tế Trạm y tế xã Thanh Phong, huyện Thanh Liêm. Đây là Ngày Thầy thuốc có ý nghĩa nhất với nhân viên Trạm y tế xã Thanh Phong, vì được Chủ tịch nước ghé thăm, động viên. Điều này cho thấy nhà nước rất quan tâm đến hệ thống y tế cơ sở. Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng đánh giá cao từ tuyến trạm y tế xã trở lên của huyện Thanh Liêm đã thực hiện tốt các chương trình mục tiêu quốc gia về y tế cơ sở, tiêm phòng vắc-xin, chăm sóc sức khỏe ban đầu, tư vấn sức khỏe vị thành niên, khám sàng lọc và chăm sóc các bệnh nhân mắc bệnh mãn tính. Qua tiếp xúc với nhân dân đến khám, chữa bệnh, Chủ tịch nước nhận thấy người dân trân trọng, đánh giá cao thái độ phục vụ người bệnh của các y, bác sĩ. Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng cho rằng, nếu y tế cơ sở hoạt động hiệu quả, người dân được chăm sóc sức khỏe tốt hơn, sẽ góp phần xây dựng một tương lai bền vững cho địa phương và đất nước.

Lá phổi được điều phối từ Bệnh viện Quân đội 108 để ghép cho cô gái trẻ 21 tuổi trong dịp Tết Giáp Thìn 2024

Với 11.400 trạm y tế xã, phường, thị trấn trên cả nước, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng nêu rõ, đây là hệ thống y tế gần dân, sát dân nhất, là tuyến đầu trong chăm sóc bảo vệ sức khỏe nhân dân. Do đó, nếu tuyến đầu thực hiện tốt nhiệm vụ thì sẽ hạn chế được rất nhiều các loại bệnh tật; phòng ngừa từ sớm thì giảm các trường hợp bệnh nặng; góp phần giảm tải cho bệnh viện tuyến trên, đặc biệt là giảm chi phí khám, chữa bệnh. Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng lưu ý: Năm 2023, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã ban hành Chỉ thị số 25 ngày 25/10/2023 về tiếp tục củng cố, hoàn thiện, nâng cao chất lượng hoạt động của y tế cơ sở trong tình hình mới. Vì vậy, cấp ủy, chính quyền, lãnh đạo huyện, tỉnh và các đơn vị ngành y tế phải quán triệt để lãnh đạo, chỉ đạo và thực hiện tốt các nội dung, nhiệm vụ trong Chỉ thị của Ban Bí thư.

Các chính sách của Ban Bí thư cho thấy nhà nước đã có những bước đi vững chắc trong việc xây dựng, củng cố hệ thống y tế cơ sở, đánh giá hệ thống này có vai trò cực kỳ quan trọng, như xương sống hay nền tảng của hệ thống y tế quốc gia. Chính hệ thống y tế cơ sở này đã góp phần rất lớn trong chiến thắng đại dịch Covid-19 vừa qua, mà Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cũng công nhận và rất quan tâm trong việc giúp đỡ hệ thống này phát triển sau những tổn thất nặng nề từ đại dịch.

Đây là bài học lớn trong việc phòng, chống đại dịch Covid-19, khi mà hàng vạn cán bộ y tế cơ sở từ cấp phường, xã đến quận, huyện đã đóng vai trò rất quan trọng trong việc đẩy lùi đại dịch. Sự đóng góp của đội ngũ cán bộ y tế nói chung là không thể đong đếm được, khi hàng trăm nghìn cán bộ y tế đã và đang phải gác lại mọi riêng tư, chấp nhận hy sinh cá nhân, tận tình, chu đáo chăm sóc người bệnh. Chỉ tính đợt dịch thứ 4 (từ tháng 4/2021), ngành y tế đã huy động một lực lượng lớn nhất từ trước đến nay với hơn 25.000 giáo sư, y bác sĩ, các cán bộ, nhân viên y tế và sinh viên các trường y, dược hỗ trợ các địa phương phòng, chống dịch. Đã có khoảng 3.000 cán bộ y tế bị mắc Covid-19 và hơn 10 trường hợp hy sinh. Họ thực sự là những "chiến sĩ áo trắng" dấn thân thực hiện sứ mệnh cao cả của mình.

WHO rất quan tâm đến hệ thống y tế cơ sở của nước ta. Tổ chức này đã có nhiều hoạt động giúp Việt Nam trong cải cách hệ thống y tế theo hướng mở rộng tiếp cận dịch vụ y tế có chất lượng với chi phí phải chăng cho mọi người dân Việt Nam, hướng tới đạt được mục tiêu bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân. Theo WHO, kinh nghiệm quốc tế chỉ ra rằng, một hệ thống chăm sóc sức khỏe ban đầu mạnh là giải pháp hiệu quả nhất, bao trùm nhất, kinh tế nhất để một quốc gia tiến gần hơn đến mục tiêu bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân. Hiện nay, với sự hợp tác của nhiều tổ chức y tế quốc tế, đều nhắm đến mục tiêu tăng cường tính bền vững và sức chống chịu, phục hồi của hệ thống y tế cơ sở tại Việt Nam.

Ca ghép tim đầu tiên tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 được thực hiện thành công trong dịp Tết Giáp Thìn vừa qua

Hướng đến một nền y tế chất lượng cao

Ngày 10/02 (tức mùng 1 Tết Giáp Thìn), Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 (BV 108) thông tin về việc thực hiện thành công ca lấy, ghép đa tạng từ người cho chết não. Trong đó, các bác sĩ đã tiến hành lấy, ghép 8 mô tạng gồm: tim, gan, thận, thận - tụy, 2 tay, 2 giác mạc. Đặc biệt trong số các tạng được lấy, ghép thì có 2 tạng lần đầu tiên được thực hiện tại BV 108 là ghép tim và ghép thận - tụy. Đồng thời lấy phổi điều phối cho Bệnh viện Phổi Trung ương để tiến hành ghép cho 1 bệnh nhân bị tổn thương phổi nghiêm trọng.

Điều đáng mừng là tất cả các ca ghép tạng, kể cả ca ghép đồng thời thận - tụy, ca ghép phổi được đánh giá là kỹ thuật phức tạp nhất đều đã thành công xuất sắc. Với ca ghép phổi, kéo dài 12 giờ (từ 10 giờ đến 22 giờ ngày 30 Tết) do các GS, TS, bác sĩ Việt Nam tiến hành đã thành công tốt đẹp ở mức cao nhất theo tiêu chuẩn của UCSF (University of California SanFrancisco), cho thấy Việt Nam đã tiếp cận và làm chủ được những kỹ thuật đỉnh cao trong lĩnh vực ghép tạng.

Những ca ghép tạng như kể trên, nhiều năm qua đã thực hiện và đều rất thành công ở nước ta. Các chuyên gia ghép tạng nổi tiếng thế giới đánh giá kỹ thuật ghép tạng ở Việt Nam phát triển vượt bậc và đuổi kịp thế giới.

Hơn 30 năm qua, kể từ ca ghép tạng đầu tiên (năm 1992), đến nay Việt Nam đã có 25 cơ sở y tế thực hiện ghép tạng. Tính đến ngày 31/12/2023, nước ta đã thực hiện được 8.302 ca ghép tạng. Trong đó, 7.654 ca ghép thận; 558 ca ghép gan; 75 ca ghép tim; 1 ca ghép thận - tụy; 1 ca ghép tim - phổi; 10 ca ghép phổi (ghép phổi từ người hiến sống 1 ca và 9 ca từ người hiến chết não); 2 ca ghép chi trên; 2 ca ghép ruột.

Tại BV Trung ương Huế, từ những năm đầu thập niên 90 của thế kỷ trước, đơn vị đã triển khai ghép giác mạc. Đến năm 2001, BV thực hiện ca ghép thận đầu tiên. Trong lĩnh vực ghép tim, BV Trung ương Huế thực hiện ca ghép đầu tiên vào năm 2011, do ê kíp người Việt Nam thực hiện; năm 2014, tiến hành cấy ghép tim nhân tạo bán phần heartware đầu tiên tại Việt Nam. Bên cạnh đó, BV Trung ương Huế cũng triển khai ghép gan, ghép tế bào gốc để hỗ trợ điều trị bệnh nhân ung thư. Tính đến thời điểm này, BV Trung ương Huế thực hiện thành công gần 1.600 ca ghép tạng các loại.

GS-TS Phạm Gia Khánh - Chủ tịch Hội ghép tạng Việt Nam nhận định: "Ghép tạng được xem là điều kỳ diệu của y học, bởi đây là biện pháp duy nhất cứu người bệnh suy tạng. Công tác ghép tạng của Việt Nam xuất phát sau thế giới 40 năm nhưng lại có tốc độ phát triển vượt bậc và đuổi kịp thế giới. Điều đáng mừng là những kỹ thuật này đang được triển khai ở nhiều cấp độ khác nhau tại các cơ sở y tế của Việt Nam".

Rõ ràng nền y tế nước ta đang đi và phát triển rất đúng hướng khi đầu tư đúng, đủ và ngày càng cao cho y tế cơ sở, để người dân ngày càng được chăm sóc tốt hơn. Mặt khác, các mặt của y tế kỹ thuật cao chúng ta đã đuổi kịp thế giới với những thành tựu vượt bậc.

4 điểm sáng của ngành y tế nước ta

Ngày 30/01/2024, tại cuộc họp của Bộ Y tế với nhóm đối tác về y tế, bà Angela Pratt, Trưởng đại diện của WHO tại Việt Nam đã chỉ ra 4 điểm sáng của ngành y tế nước ta trong năm 2023. Điểm sáng đầu tiên liên quan đến tài chính y tế bền vững. Cụ thể, Luật Bảo hiểm y tế đang trong quá trình sửa đổi nhằm mục đích tăng cường công tác quản lý bảo hiểm và hướng tới tăng tỷ lệ bao phủ từ mức đã rất ấn tượng hiện nay là hơn 93% dân số. Điểm sáng thứ hai là chăm sóc sức khỏe ban đầu (y tế cơ sở). Bà Angela Pratt nhấn mạnh, Chỉ thị 25-CT/TW của Ban Bí thư và Nghị quyết 99 của Quốc hội được ban hành trong năm 2023 là những văn bản quan trọng nhằm phục hồi và củng cố hệ thống y tế cơ sở của Việt Nam. Điểm sáng thứ ba, chúng ta có thêm nhiều bằng chứng cho thấy mức độ ảnh hưởng của biến đổi khí hậu đối với sức khỏe thể chất và tinh thần của con người. Nội dung này tiếp tục là trọng tâm trong những nỗ lực chung của nhóm đối tác phát triển và ngành y tế. Điểm sáng cuối cùng, đó là khả năng sẵn sàng ứng phó với dịch bệnh và đại dịch. Trưởng đại diện WHO tại Việt Nam cũng đã thẳng thắn chia sẻ những tồn tại trong lĩnh vực y tế của nước ta, đó là hệ thống y tế đang đứng trước thời điểm quan trọng trong bối cảnh dân số già đi nhanh chóng, mô hình bệnh tật đang thay đổi, bao gồm cả gánh nặng các bệnh không lây nhiễm đang gia tăng cũng như nền kinh tế đang phát triển nhanh. Tất cả đều tạo ra nhu cầu ngày càng tăng về dịch vụ y tế có chất lượng.

Bình luận (0)

Lên đầu trang