(CAO) Sau năm 2024 tiếp tục điều chỉnh tăng lương để bù trượt giá và có phần cải thiện theo mức tăng trưởng GDP cho đến khi mức lương thấp nhất đạt bằng hoặc cao hơn mức lương thấp nhất của vùng 1 (vùng cao nhất) của khu vực doanh nghiệp.
Thay mặt Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà đã ký báo cáo gửi Quốc hội về việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về giám sát và chất vấn thuộc lĩnh vực nội vụ.
Tại báo cáo này, Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà cho biết, thực hiện Nghị quyết 27 năm 2018 của Hội nghị Trung ương 7 khóa XII, Kết luận số 20 năm 2022 của Hội nghị Trung ương 4 khóa XIII, Nghị quyết 101 năm 2023 của Quốc hội, Chính phủ đã báo cáo Ban Cán sự đảng Chính phủ để báo cáo Trung ương Đảng, báo cáo Quốc hội về kết quả và lộ trình cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp.
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà
Theo đó, Chính phủ đề xuất lộ trình cải cách tiền lương với 6 nội dung, dự kiến thực hiện từ ngày 1/7/2024, gồm: Xây dựng 5 bảng lương mới; chế độ phụ cấp; chế độ tiền thưởng; chế độ nâng bậc lương; nguồn kinh phí thực hiện chế độ tiền lương; quản lý tiền lương và thu nhập.
Sau năm 2024, Bộ trưởng Trà thông tin, tiếp tục điều chỉnh tăng lương để bù trượt giá và có phần cải thiện theo mức tăng trưởng GDP cho đến khi mức lương thấp nhất đạt bằng hoặc cao hơn mức lương thấp nhất của vùng 1 (vùng cao nhất) của khu vực doanh nghiệp như mục tiêu đã đề ra tại Nghị quyết số 27.
Cũng theo bà Trà, căn cứ kết luận cấp có thẩm quyền về lộ trình cải cách chính sách tiền lương, Chính phủ sẽ báo cáo, trình Bộ Chính trị xem xét, quyết định các nội dung cụ thể của chế độ tiền lương mới để các cơ quan có thẩm quyền ban hành các văn bản quy định cụ thể chế độ tiền lương mới đối với các đối tượng thuộc thẩm quyền quản lý. Đồng thời, phối hợp với Ban Kinh tế Trung ương xây dựng Báo cáo sơ kết 5 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 27.
Lộ trình thực hiện cải cách tiền lương mới là một trong những nội dung được Hội nghị Trung ương 8 khóa XIII đưa ra thảo luận vào tuần qua. Trong phát biểu khai mạc hội nghị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã yêu cầu Trung ương Đảng xem xét, thảo luận về sự cần thiết, đúng đắn của việc thực hiện chế độ tiền lương mới từ ngày 1/7/2024.
Liên quan đến nguồn cải cách chính sách tiền lương chưa sử dụng của từng Bộ, ngành, địa phương, tại báo cáo Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí gửi Quốc hội, Chính phủ cho biết đến ngày 31/12/2021, số dư cải cách tiền lương Ngân sách Trung ương là 54.517 tỷ đồng, trong đó số dư của các Bộ, ngành là 81,7 tỷ đồng. Số dư cải cách tiền lương của các địa phương là 208.457 tỷ đồng.
Số liệu này tính đến hết năm 2022 vẫn chưa được cập nhật do Bộ Tài chính đang tổng hợp báo cáo từ các địa phương. Hiện cơ quan này cho hay, đã có 61/63 địa phương gửi báo cáo.
Trên cơ sở báo cáo của các Bộ, cơ quan trung ương và địa phương, căn cứ chế độ, chính sách quy định về sử dụng nguồn cải cách tiền lương, Bộ Tài chính sẽ tổng hợp, trình cấp có thẩm quyền về số dư nguồn cải cách tiền lương của các địa phương đảm bảo thời hạn quy định.
Về quản lý, sử dụng nguồn cải cách tiền lương, Chính phủ chia sẻ, hiện Bộ Tài chính đang chủ trì, phối hợp với các cơ quan chức năng xây dựng khung NSNN năm 2024, kế hoạch 3 năm 2024-2026, trong đó có đề xuất về lộ trình thực hiện cải cách tiền lương theo Nghị quyết số 27-NQ/TW.
Trên cơ sở đó sẽ dự kiến việc sử dụng nguồn này để thực hiện cải cách tiền lương, Bộ Tài chính sẽ báo cáo khi trình các cấp thẩm quyền về lộ trình thực hiện cải cách tiền lương theo Nghị quyết số 27-NQ/TW.