(CATP) Tiếp tục chương trình phiên họp thứ 25, chiều 24/8, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về dự thảo Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi). Báo cáo tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự thảo Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi), Ủy ban Kinh tế cho biết, tiếp thu ý kiến các đại biểu Quốc hội, dự thảo luật bỏ quy định các giao dịch bất động sản thông qua sàn. Việc này nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho chủ đầu tư, khách hàng được tự chọn phương thức giao dịch.
Dù vậy, dự luật bổ sung quy định về khuyến khích tổ chức, cá nhân giao dịch mua bán, chuyển nhượng, thuê, cho thuê mua nhà ở, công trình xây dựng và quyền sử dụng đất qua sàn bất động sản. Liên quan đến nội dung này, trong tờ trình xin ý kiến Chính phủ trước đó, Bộ Xây dựng (cơ quan chủ trì soạn thảo dự luật) đề xuất 2 phương án là bắt buộc và khuyến khích giao dịch qua sàn, trong đó nghiêng về phương án mọi giao dịch của chủ đầu tư phải qua sàn, còn tổ chức, cá nhân thì khuyến khích.
Bộ Xây dựng cho rằng, việc chủ đầu tư giao dịch qua sàn bất động sản sẽ bảo đảm sự đồng bộ của hệ thống pháp luật, hoàn thiện cơ chế phòng, chống "rửa tiền". Cạnh đó, cơ quan này nhìn nhận thị trường sẽ được minh bạch, chống "lợi ích nhóm" trong trường hợp chủ đầu tư cố tình bắt tay sàn, người mua nhà để giao dịch ngầm nhằm trốn thuế, ôm hàng, tăng giá bán làm lũng đoạn.
Tuy nhiên, lo ngại giao dịch bất động sản qua sàn sẽ làm tăng chi phí từ 2 - 8%, nhiều đại biểu Quốc hội đề nghị không bắt buộc, mà chỉ khuyến khích giao dịch bất động sản qua sàn. Một số ý kiến đề nghị áp dụng các biện pháp thay thế cho việc bắt buộc giao dịch qua sàn như, liên thông giữa cơ sở dữ liệu công chứng, đăng ký đất đai và giao dịch bất động sản để bảo đảm an toàn pháp lý, minh bạch cao hơn so với sàn bất động sản.
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà
Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh cho biết, trong phương án trình, Chính phủ mong muốn các giao dịch bất động sản thông qua sàn, gồm 2 phương án khuyến khích qua sàn và bắt buộc qua sàn. Hiện Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đưa ra phương án khuyến khích. Nhưng theo ông Sinh, thực tế đang đặt ra việc giao dịch qua sàn. Pháp luật hiện nay cũng chỉ mới ở khuyến khích và quá trình thực hiện vừa qua cũng đặt ra nhiều hệ lụy vì tính minh bạch, công khai...
"Nếu thanh toán qua ngân hàng cả thì sàn hay không sàn vẫn minh bạch" - Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu quan điểm khi cho ý kiến về dự luật. Theo ông Huệ, điều quan trọng không phải là "ép" người ta lên sàn, mà vấn đề quan trọng là giao dịch phải kiểm soát được dòng tiền. Thị trường phải theo nguyên tắc thị trường để vận hành, nếu không sẽ giống như thời kỳ chúng ta trả giá rất nhiều về sàn giao dịch vàng.
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cho rằng, Chính phủ đưa ra nguyên tắc, khuyến khích phát triển các sàn giao dịch của các nhà đầu tư, phân phối nhưng đồng thời bổ sung quy định pháp lý để các sàn hoạt động minh bạch; tiêu chuẩn hóa sản phẩm đưa lên sàn giao dịch.
Bên cạnh đó, Chính phủ cũng xây dựng sàn giao dịch quốc gia, được lập dưới hình thức doanh nghiệp sự nghiệp hoặc đơn vị sự nghiệp để Chính phủ kiểm soát được toàn bộ dữ liệu, giao dịch.
Vẫn theo lãnh đạo Chính phủ, bất cập hiện nay chủ yếu xảy ra trong thị trường sản phẩm bất động sản hình thành trong tương lai. Do đó, ông kiến nghị chủ đầu tư dự án nhà ở hình thành trong tương lai thì phải lên sàn giao dịch. "Đây là điều kiện tiên quyết, để nắm được năng lực tài chính, năng lực kinh doanh của chủ đầu tư, vì bất động sản hình thành trong tương lai thường rủi ro. Nếu được Ủy ban Thường vụ Quốc hội đồng ý thì Chính phủ sẽ tiếp thu theo hướng này" - ông Hà nói.
Theo đó, sàn giao dịch bất động sản quốc gia sẽ gồm giao dịch bất động sản và tài sản quyền sử dụng đất. Bộ Xây dựng là đơn vị được giao thực hiện sàn này, để vừa đưa ra quy định quản lý, vừa kết nối chia sẻ dữ liệu đất đai, bộ, ngành, địa phương.