Tham dự phiên họp có các đồng chí: Trần Văn Sơn, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ; Nguyễn Mạnh Hùng, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông; Thượng tướng Lương Tam Quang, Thứ trưởng Bộ Công an, Ủy viên Ban Chỉ đạo; lãnh đạo một số bộ ngành, địa phương, các thành viên Ban Chỉ đạo, Văn phòng Ban Chỉ đạo.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính với các đại biểu dự phiên họp
Thời gian qua, Văn phòng Ban Chỉ đạo, các Tiểu ban và các thành viên, đã bám sát 04 nhiệm vụ trọng tâm (an ninh mạng; an toàn thông tin mạng; thực hiện nhiệm vụ quốc phòng trên không gian mạng; đấu tranh xử lý thông tin xấu, độc), hoàn thành một số công việc quan trọng. Đã tham mưu cho cấp có thẩm quyền ban hành các quyết sách về an toàn, an ninh mạng, chỉ đạo xây dựng các chiến lược, đề án về an ninh mạng.
Công tác bảo đảm an toàn, an ninh mạng đạt được nhiều kết quả tích cực, nhất là bảo đảm an toàn, an ninh mạng đối với hệ thống mạng thông tin quốc gia, hệ thống thông tin trọng yếu quốc gia; đấu tranh có hiệu quả với vi phạm pháp luật về an toàn, an ninh mạng. Bảo đảm an toàn, an ninh mạng đối với hệ thống mạng thông tin quốc gia. Tăng cường hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về an ninh mạng.
Tại phiên họp, các thành viên Ban Chỉ đạo cũng đã thẳng thắn nhìn nhận, đánh giá, thời gian qua, việc quán triệt, tổ chức, triển khai thực hiện một số nhiệm vụ của Ban Chỉ đạo còn chậm; hành lang pháp lý và hệ thống pháp luật về an toàn, an ninh mạng chưa hoàn thiện. Công tác quản lý nhà nước về an toàn, an ninh mạng chưa đáp ứng yêu cầu đặt ra. Hoạt động tấn công mạng gia tăng; vẫn còn tình trạng lộ bí mật nhà nước qua môi trường mạng của một số bộ, ngành, địa phương. Tình hình thu thập trái phép, mua bán thông tin, dữ liệu cá nhân vẫn còn diễn biến phức tạp. Tội phạm sử dụng công nghệ cao tiếp tục diễn ra phức tạp với nhiều thủ đoạn tinh vi, khó lường, có chiều hướng gia tăng, gây bức xúc trong quần chúng nhân dân...
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu chỉ đạo tại phiên họp
Phát biểu chỉ đạo tại phiên họp, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ghi nhận, đánh giá cao nỗ lực, trách nhiệm và kết quả hoạt động của Ban Chỉ đạo và các thành viên Ban Chỉ đạo. Thời gian tới, đồng chí nhấn mạnh một số bài học kinh nghiệm cần tập trung như tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng; sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, trực tiếp là Ban Chỉ đạo; vai trò đầu mối, phối hợp của Văn phòng Ban Chỉ đạo trong các lĩnh vực, các mặt công tác về an toàn, an ninh mạng; làm tốt công tác tham mưu.
Cùng với đó, bám sát nhiệm vụ, chương trình công tác năm của Ban Chỉ đạo để triển khai công tác bảo đảm an toàn, an ninh mạng tại các bộ, ngành, địa phương; gắn trách nhiệm và sự chỉ đạo trực tiếp của thủ trưởng, người đứng đầu đơn vị. Khẳng định, công tác phối hợp giữa các ban, bộ, ngành, địa phương, sự kết nối của Văn phòng Ban Chỉ đạo là điều kiện quan trọng để hoàn thành nhiệm vụ. Đồng thời, cần coi trọng công tác kiểm tra, hướng dẫn, đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ được giao; không lơ là, mất cảnh giác.
Phân tích yêu cầu đối với an toàn, an ninh mạng thời gian tới, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nêu rõ, không gian mạng đã trở thành không gian chiến lược; phải chủ động ứng phó với các thách thức từ không gian mạng, không để bị động, bất ngờ. Đồng thời, phải có sự tham gia, vào cuộc của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp, người dân; trong đó Ban Chỉ đạo, Văn phòng Ban Chỉ đạo, các Tiểu ban An toàn, An ninh mạng, các lực lượng bảo đảm an toàn, an ninh mạng là nòng cốt, là trực tiếp.
Thứ trưởng Lương Tam Quang phát biểu tại phiên họp
Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh, Việt Nam đang đẩy mạnh chuyển đổi số quốc gia, xây dựng nền kinh tế số, xã hội số và công dân số, trong đó có nhiệm vụ triển khai Đề án 06 về phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia. Do đó, an toàn, an ninh mạng phải là nhiệm vụ trọng yếu, thường xuyên, lâu dài nhằm duy trì môi trường mạng an toàn, lành mạnh, tin cậy; huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, tổ chức, doanh nghiệp, người dân vào công tác bảo đảm an ninh, an toàn mạng quốc gia song hành với phát triển kinh tế - xã hội.
Đấu tranh ngăn chặn sớm hoạt động tấn công mạng, âm mưu, hoạt động chống phá Đảng, Nhà nước trên không gian mạng. Tổ chức tốt diễn tập về phòng, chống tấn công mạng cấp quốc gia. Chú trọng đào tạo nguồn nhân lực, thực hiện tốt Đề án “Đào tạo nguồn nhân lực an ninh mạng, giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030”. Nghiên cứu, đề xuất thí điểm một số chế độ ưu đãi và chế độ đặc thù đối với lực lượng chuyên trách bảo vệ an ninh mạng, nhân sự làm về an toàn thông tin mạng.
Ngay sau Phiên họp này, Thủ tướng đề nghị các đồng chí thành viên tiếp tục tập trung lãnh đạo, chỉ đạo triển khai quyết liệt các nhiệm vụ, để công tác bảo đảm an toàn, an ninh mạng chuyển biến mạnh mẽ hơn, thực chất hơn, hiệu quả hơn.