Đề xuất sửa luật Quản lý vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ tại một kỳ họp Quốc hội

Thứ Hai, 18/12/2023 10:40

|

(CAO) Đề xuất này dựa trên yêu cầu thực tế, khi mỗi ngày, mỗi năm sẽ có thêm nhiều vụ án sử dụng nhiều loại vũ khí, vật liệu, công cụ hỗ trợ gây ra án mạng cho người dân.

Uỷ ban Thường vụ Quốc hội sáng nay, 18/12, đã xem xét bổ sung một số dự án luật vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024.

Trình Thường vụ Quốc hội nội dung này, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho biết, Chính phủ đề nghị bổ sung vào Chương trình Xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024 đối với 04 dự án luật, gồm: Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi), Luật Hóa chất (sửa đổi), Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi), Luật Quản lý vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ (sửa đổi).

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long trình bày Tờ trình của Chính phủ

Bộ trưởng Lê Thành Long cho biết, Chính phủ trình sửa 4 nhóm chính sách trong Luật Quản lý vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ (sửa đổi).

Cụ thể: Hoàn thiện quy định về khái niệm vũ khí, công cụ hỗ trợ, linh kiện vũ khí công cụ hỗ trợ và vật liệu nổ công nghiệp mới, quy định về quản lý hoạt động sản xuất kinh doanh xuất khẩu nhập khẩu dao có tính sát thương cao; Cắt giảm, đơn giản hóa giấy tờ hồ sơ quy định trong các thủ tục hành chính về vũ khí, vật liệu nổ, tiền chất thuốc nổ, công cụ hỗ trợ, quy định cấp giấy phép sử dụng vũ khí công cụ hỗ trợ, không quy định thời hạn trong giấy phép sử dụng và chuyển việc cấp giấy xác nhận đăng ký sang cấp giấy phép sử dụng.

Nhóm chính sách nữa được đề nghị sửa đổi là cho phép tổ chức doanh nghiệp nước ngoài cho, tặng, viện trợ vũ khí, công cụ hỗ trợ cho Việt Nam để phục vụ cho việc nghiên cứu, sản xuất trang bị, sử dụng; Sửa đổi, bổ sung một số quy định về nghiên cứu sản xuất kinh doanh sử dụng vật liệu nổ công nghiệp, nhằm tháo gỡ những khó khăn vướng mắc cho các tổ chức, doanh nghiệp phục vụ phát triển kinh tế xã hội.

Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng nêu quan điểm của cơ quan thẩm tra

Nêu quan điểm của cơ quan thẩm tra, Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng phản ánh, đa số ý kiến đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định bổ sung vào Chương trình năm 2024, trình Quốc hội cho ý kiến và thông qua tại kỳ họp thứ 7 theo quy trình tại một kỳ họp để sớm ban hành Luật, đáp ứng yêu cầu thực tiễn.

Bày tỏ quan điểm sau đó, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Lê Tấn Tới cho biết, cơ quan này đã có báo cáo với Ủy ban Pháp luật để phối hợp thẩm tra. Đồng thời bày tỏ thống nhất cao, có nhiều góp ý đối với 4 dự án Luật này, thống nhất cao với báo cáo thẩm tra của Ủy ban Pháp luật.

Liên quan đến một số ý kiến về dự án Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ (sửa đổi), Chủ nhiệm Lê Tấn Tới thông tin, trong số 40 nghìn vụ phạm tội liên quan đến vũ khí và vật liệu nổ thì có trên 58% các vụ án liên quan dến việc sử dụng dao và vũ khí thô sơ, trong đó có nhiều tội rất nghiêm trọng như giết người, bắt cóc, ma túy, cố ý gây thương tích, chống người thi hành công vụ…

“Nhiều vụ lực lượng công an đang thi hành nhiệm vụ bị các đối tượng dùng dao tấn công dẫn đến bị thương, thậm chí hy sinh” - Chủ nhiệm lê Tấn Tới nói. Theo ông, thực tế này cho thấy rất cần thiết phải sửa đổi dự án Luật này.

Trên cơ sở ý kiến của Bộ Công an, Chính phủ đã đề xuất bổ sung dự án Luật này vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024 và thông qua vào Kỳ họp thứ 7 như Tờ trình của Chính phủ.

Dựa trên yêu cầu thực tế, mỗi ngày, mỗi năm sẽ có thêm nhiều vụ án sử dụng nhiều loại vũ khí, vật liệu, công cụ hỗ trợ như dao… gây ra án mạng cho người dân, do đó, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Lê Tấn Tới đề xuất thông qua dự án Luật này trong một kỳ họp theo hình thức rút gọn.

Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương nêu ý kiến thảo luận

Chung góc nhìn, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cho rằng, việc sửa đổi, bổ sung quy định về khái niệm vũ khí, công cụ hỗ trợ, linh kiện vũ khí, công cụ hỗ trợ và vật liệu nổ công nghiệp mới, quy định về quản lý hoạt động sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu, nhập khẩu “dao có tính sát thương cao” là cần thiết nhằm tăng cường công tác quản lý nhà nước, đáp ứng yêu cầu đấu tranh, phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật về vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ.

Tiếp thu vào cuối phiên thảo luận, Thượng tướng Nguyễn Duy Ngọc, Thứ trưởng Bộ Công an thông tin thêm về các dự án luật được đề nghị bổ sung vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh 2024.

Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc cho biết, không phải bây giờ Bộ Công an mới nghiên cứu mà trong 5 năm thực hiện vừa qua đều có tổng hợp, kiến nghị về những sơ hở, bất cập trong quá trình áp dụng luật, nhất là trong hoạt động không gian mạng và sau đại dịch COVID-19.

Đồng chí Thứ trưởng nhấn mạnh, Bộ Công an đã nghiên cứu theo chiều dài 5 năm qua và phân tích kỹ theo các nhóm, hành vi phạm tội.

Thượng tướng Nguyễn Duy Ngọc, Thứ trưởng Bộ Công an tiếp thu, giải trình tại phiên họp

"Ví dụ, từ đầu năm nay và cuối năm ngoái trở về đây, tội phạm sử dụng công cụ hỗ trợ, vũ khí thô sơ để cướp ngân hàng. Đây là sự việc rất ít xảy ra trước khi đại dịch COVID-19 xảy ra ở nước ta và các nước trên thế giới. Như vậy, hoạt động phạm tội có thể là tức thì của các đối tượng rất manh động” – Thượng tướng Nguyễn Duy Ngọc nhìn nhận.

Cũng theo Thứ trưởng Bộ Công an, việc sử dụng vũ khí dao gây án chiếm 58% vụ việc và 54% đối tượng cho thấy rõ tính chất phức tạp của loại phương tiện này.

Vẫn theo Thứ trưởng Bộ Công an, quá trình thực hiện đã cử các đoàn công tác đi nghiên cứu, đọc tài liệu một số nước đã đề cập đến sử dụng hung khí dao để phạm tội và thực tế như chúng ta đã chứng kiến vừa qua.

Khẳng định sẽ nghiêm túc tiếp thu đầy đủ ý kiến để phối hợp với các cơ quan giải trình cụ thể, căn cơ dự luật, Thượng tướng Nguyễn Duy Ngọc lo ngại, nếu chậm triển khai đề xuất sửa đổi ngày nào thì tội phạm còn tiếp tục xảy ra theo nhóm mà Bộ Công an đề xuất ngày đó.

Do đó, đồng chí Thứ trưởng nhấn mạnh sẽ hoàn thiện sớm, tiếp thu đầy đủ ý kiến và xin báo cáo Quốc hội về dự án luật này tại kỳ họp thứ 7.

Bình luận (0)

Lên đầu trang