Đi tìm công văn "miễn tố"

Thứ Ba, 15/06/2021 10:34  | Thiện Thảo

|

(CATP) Năm 2004, tôi đầu quân về Báo CATP, là một trong những tờ báo có số lượng phát hành lớn nhất cả nước, thường trú khu vực các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long. Lúc bấy giờ, tại các bến phà, bến xe, quán cà phê… văng vẳng tiếng quảng cáo loạt bài trên Báo CATP. "Đặc sản" của báo là chống tham nhũng, tiêu cực, bênh vực bảo vệ quyền lợi của người dân. Một ngày, hàng trăm cuộc điện thoại gọi đến tổng đài của tòa soạn, cùng với đơn thư của người dân phản ánh khiếu nại, bức xúc…

Mới chân ướt chân ráo công tác tại Báo CATP được một năm, tôi nhận được thông tin từ bạn đọc: "Một lãnh đạo tỉnh ký công văn miễn tố cho lãnh đạo công ty nhà nước theo đề nghị của Viện trưởng Viện kiểm sát tỉnh". Từ số điện thoại của Ban Công tác bạn đọc, tôi gặp người tố cáo. Tiếp tôi, nguyên cán bộ của công ty không giấu bức xúc: "Tôi còn vài tháng nữa chấp hành án rồi. Anh cần hồ sơ gì thì nói tôi cung cấp, thời gian không còn dài". Nói rồi, anh ôm chồng hồ sơ được xếp theo thứ tự. Từ bản thanh tra nội bộ, kết luận điều tra cho đến bản án của tòa án về tiêu cực của công ty được anh cất giữ cẩn thận.

Theo hồ sơ vụ án, công ty trên là một doanh nghiệp lớn của Nhà nước có uy tín trên thương trường quốc tế. Tuy nhiên, năm 2002, một số cán bộ chủ chốt của công ty đã có nhiều hành vi trái pháp luật, gây thất thoát cho Nhà nước nhiều tỷ đồng. Trong thời gian đương chức, lãnh đạo công ty thông đồng mua gần 500 hóa đơn giá trị gia tăng khống để chiếm đoạt hơn 3,6 tỷ đồng tiền hoàn thuế. Mặt khác, họ chỉ đạo, tổ chức sản xuất, bán hàng sai kích cỡ, thiếu trọng lượng sang nước ngoài, gây mất uy tín của công ty, làm thiệt hại cho Nhà nước hơn 947 triệu đồng.

Trung tướng Lê Đông Phong, Giám đốc Công an TPHCM trao biểu tượng phóng viên xuất sắc Báo CATP tại Hội nghị Tổng kết năm 2015

Ban đầu, cơ quan tố tụng xác định, giám đốc và phó giám đốc công ty giữ vai trò chủ mưu phạm tội. Riêng phó giám đốc, ngoài hành vi cùng với giám đốc chủ mưu chỉ đạo mua hóa đơn khống, ghép hàng để rút ruột ngân sách bằng con đường hoàn thuế giá trị gia tăng, còn trực tiếp chỉ đạo làm hàng sai kích cỡ, thiếu trọng lượng để gian lận đối tác nước ngoài. Thật lạ lùng, đến khi vụ án được đưa ra xét xử, vị phó giám đốc từ vai trò chủ mưu trở thành người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan một cách ngoạn mục. Năm 2003, vụ án được khởi tố cho đến năm 2008, các cơ quan tố tụng đã nhiều lần đưa vụ án ra xét xử, sáu bị cáo làm theo chỉ đạo của phó giám đốc nhưng ông ta vẫn ung dung ngoài vành móng ngựa.

Sau khi bản án có hiệu lực, lãnh đạo công ty chấp hành hình phạt. Công ty thực hiện cổ phần theo quy định của Nhà nước. Hiện công ty là một trong những công ty thủy sản lớn ở đồng bằng sông Cửu Long với kim ngạch chế biến và xuất khẩu hơn 10.000 tấn thành phẩm tôm cho các thị trường trên thế giới, đạt kim ngạch xuất khẩu hơn 100 triệu USD. Vị Phó giám đốc được miễn tố mãn hạn tù và tham gia công ty xuất nhập thủy sản của gia đình. Những cá nhân có liên quan tiếp tục tham gia cho hoạt động thủy sản ở địa phương.

Theo anh, kết luận của cơ quan chức năng là đúng. Anh có sai phạm nhưng đó là theo chỉ đạo của cấp trên. Lãnh đạo công ty không đồng ý thì cán bộ cấp phòng như anh không có thẩm quyền. "Ra tòa, tôi và lính tôi đều bị phạt tù, còn lãnh đạo trực tiếp chỉ đạo được miễn tố theo đề nghị của Viện trưởng Viện Kiểm sát tỉnh", anh bức xúc. Tôi hỏi, văn bản nào chứng minh lãnh đạo công ty được miễn tố. Anh khẳng định là có nhưng anh không lấy được. Tôi nhận hồ sơ của anh với lời hứa sẽ thu thập thêm thông tin, bởi vụ việc không đơn giản vì liên quan đến Bí thư Tỉnh ủy và Viện trưởng Viện Kiểm sát. Không bao lâu, một đại biểu Quốc hội có văn bản chất vấn cơ quan tố tụng, Bí thư Tỉnh ủy một tỉnh ký công văn miễn tố theo đề nghị của Viện trưởng Viện Kiểm sát tỉnh. Tôi liên hệ với vị đại biểu Quốc hội trên để xin văn bản nhưng vị đại biểu cho rằng, bản thân không có văn bản nhưng thông tin chính xác.

Đề tài "Bí thư Tỉnh ủy ký công văn miễn tố" được trình lên Ban biên tập. Anh Thanh Liêm, Trưởng ban phóng viên (sau này là Tổng thư ký tòa soạn) gọi điện cho tôi: "Đề tài hay, Ban biên tập động viên nhưng chứng cứ chưa thuyết phục. Muốn bài viết mang tính thuyết phục, trên tay em phải cầm quyết định miễn tố mới chắc chắn". Anh Trần Tử Văn, Phó tổng biên tập phụ trách nội dung gợi ý: "Đề tài cần viết dài hơn. Em thu thập hết những gì liên quan đến vụ án. Đặc biệt, văn bản miễn tố phải lấy được. Tòa soạn sẽ đăng nhiều kỳ”.

Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền Thông Nguyễn Minh Hồng trao giải nhất cuộc thi viết "Gương sáng trong đấu tranh, phòng chống tham nhũng" lần thứ I-2016 cho nhà báo Thiện Thảo

Được sự chỉ đạo của Ban biên tập, tôi tận dụng hết mối quan hệ để xin văn bản trên nhưng thất bại. Đến Cơ quan Cảnh sát điều tra nắm thông tin, tôi nhận được câu trả lời, vụ án đã chuyển sang Viện Kiểm sát nên hết thẩm quyền. Tôi đến Viện Kiểm sát thì cũng nhận được câu trả lời tương tự: "Vụ việc đã chuyển qua tòa án truy tố. Viện hết thẩm quyền, hồ sơ đã chuyển hết sang tòa án". Tôi lại qua tòa án, vụ án đã xét xử xong và chuyển cho tòa án tối cao xem xét. Lãnh đạo Viện Kiểm sát có liên quan gọi điện trực tiếp cho tôi: "Anh đang ở Hải Phòng. Vài bữa nữa, anh em mình gặp". Vị Bí thư Tỉnh ủy nhờ người thân của tôi đến nhà can ngăn. Tôi lại tìm cách lánh mặt.

Một tháng, hai tháng... trôi qua, tôi vẫn hy vọng bằng mọi cách tìm được văn bản miễn tố, trong khi tòa soạn hối thúc, người tố cáo thì đi tù. Trong lúc tưởng như "thua cuộc", tôi bất ngờ nhận được điện thoại từ số lạ: "Lúc 7 giờ tối, em chạy xe lại nhà anh lấy "cái cần tìm". Nhớ đội nón bảo hiểm, đừng để ai phát hiện". Tôi mừng như "bắt được vàng" chờ đến tối...

Nhận công văn miễn tố, tôi lập tức chạy về phòng trọ gọi điện báo về tòa soạn và ngồi vào máy vi tính cho tới sáng để viết loạt bài 3 kỳ. Ngày hôm sau, Báo CATP đăng loạt bài "Bí thư Tỉnh ủy ký công văn miễn tố". Thời gian đó, Báo CATP mỗi tuần ra 3 kỳ (thứ 3, 5, 7) và số Đặc san. 8 giờ sáng, báo hết sạch. Tại bến tàu, bến xe... người ta photo loạt bài báo trên để bán. Các báo đều đăng tải thông tin công văn miễn tố. Tôi phát hiện thêm thông tin, khi kết luận điều tra chuyển cho Viện Kiểm sát, vị Viện trưởng tổ chức lấy ý kiến ủy viên với mào đầu "Xem xét miễn tố Phó giám đốc vì có công xây dựng một công ty được tặng thưởng nhiều danh hiệu cao quý”.

Kết quả biểu quyết có Viện trưởng và 4 ủy viên với kết quả 4/5 phiếu kết luận là Phó giám đốc phạm tội. Viện trưởng xin ý kiến Viện Kiểm sát Tối cao thì nhận được trả lời, Phó giám đốc có tội. Viện trưởng ký báo cáo đề xuất gửi Thường trực Tỉnh ủy xin miễn tố cho Phó giám đốc và được Bí thư Tỉnh ủy ra văn bản đồng ý. Thế là, Viện trưởng hủy bản cáo trạng của Phó viện trưởng ký trước đó khẳng định, Phó giám đốc công ty là kẻ chủ mưu trong vụ án. Cơ quan tố tụng Trung ương giở lại hồ sơ vụ án. Vị phó giám đốc được miễn tố bị tuyên phạt 9 năm tù, giám đốc công ty cũng nhận 8 năm tù giam. Bí thư Tỉnh ủy cùng Viện trưởng Viện Kiểm sát ký văn bản miễn tố bị kiểm điểm. Sự thật được xử lý theo đúng pháp luật. Đối tượng chủ mưu phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về hành vi của mình.

Về sau, tôi gặp lại người đưa tôi "cái cần tìm". Tôi hỏi sao lúc đó, nhiều người không cung cấp, văn bản trên mà anh lại cung cấp, bởi việc này đụng chạm đến lãnh đạo địa phương. Nghe qua, anh cười khà khà: "Tao tin Báo CATP. Tao tin mày".

Với tôi, đây là một kỷ niệm khó quên về một thời làm báo hồn nhiên... Hoạt động báo chí cũng hồn nhiên...

Bình luận (0)

Lên đầu trang