Dịch COVID-19 khiến 31,8 triệu lao động từ 15 tuổi trở lên bị ảnh hưởng

Thứ Năm, 24/12/2020 15:10  | T.Nam

|

(CAO) Sáng nay, 24/12, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì cuộc làm việc với Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam bảo đảm việc làm bền vững, nâng cao mức sống, cải thiện điều kiện làm việc của công nhân lao động (CNLĐ).

Cuộc làm việc được truyền hình trực tuyến đến 27 điểm cầu, cũng nhằm đánh giá quy chế phối hợp công tác giữa Chính phủ và Tổng LĐLĐ Việt Nam giai đoạn 2016-2020.

Khoảng 24-24,5 triệu người làm công hưởng lương

Đây là lần thứ 5 trong nhiệm kỳ này, Thủ tướng có cuộc làm việc với Tổng LĐLĐ Việt Nam để giải quyết các kiến nghị, xử lý các vấn đề đặt ra về mối quan hệ hợp tác giữa Chính phủ với tổ chức công đoàn.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu kết luận cuộc làm việc với Đoàn Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam. Ảnh: Quang Hiếu

Nhân dịp này, Thủ tướng gửi lời thăm hỏi thân thiết đến công nhân, lao động trên mọi miền Tổ quốc, “chúng ta nói về tăng trưởng phát triển, nhưng ai làm ra của cải vật chất trong lĩnh vực công nghiệp, dịch vụ, đó chính là giai cấp công nhân. Chúng ta phải biết ơn, cảm ơn giai cấp công nhân Việt Nam đã ngày đêm lao động miệt mài để phát triển đất nước, vượt qua thách thức”.

Theo báo cáo do Chủ tịch Tổng LĐLĐ Nguyễn Đình Khang, tính đến nay, cả nước có khoảng 53,5-54 triệu người từ 15 tuổi trở lên có việc làm (nữ chiếm khoảng 48%); số lượng lao động làm công hưởng lương là khoảng 24-24,5 triệu người, trong đó, CNLĐ trong các doanh nghiệp chiếm trên 60%. Trong 5 năm qua, CNLĐ trong các doanh nghiệp đã tăng khoảng 26%.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Nguyễn Đình Khang. Ảnh: VGP/Quang Hiếu

Sau 5 năm, số CNLĐ có việc làm tăng 26%, trong đó số có việc làm bền vững, thu nhập cao tăng đều các năm; mức lương tối thiểu vùng tăng 1,3 lần, thu nhập bình quân tăng 35% góp phần cải thiện thu nhập, đời sống cho người lao động.

Việc Chính phủ ban hành Nghị định số 105/2020/NĐ-CP, có hiệu lực từ 1/11/2020, quy định một số chính sách phát triển giáo dục mầm non, mang lại nhiều quyền lợi cho con CNLĐ, được công nhân phấn khởi đón nhận.

Với sự quan tâm, hỗ trợ của Chính phủ, chính quyền các cấp và doanh nghiệp, từ năm 2016-2020 đã có gần 22 triệu lượt đoàn viên, người lao động được hỗ trợ trong dịp Tết Nguyên đán với tổng số tiền ước tính 11.626 tỷ đồng; hỗ trợ xây mới và sửa chữa 13.802 nhà Mái ấm công đoàn với số tiền gần 420 tỷ đồng.

Theo khảo sát của Viện Công nhân và công đoàn, quý IV/2020, tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội (lương cơ bản) của CNLĐ là 5,22 triệu đồng/tháng, tiền lương làm thêm giờ là 934.000 đồng/tháng, tổng tiền thưởng, chuyên cần là 2,1 triệu/tháng, tổng thu nhập thực tế là khoảng 7,4 triệu đồng/tháng.

Tiền lương tháng thực nhận của CNLĐ phân theo vùng lương trung bình giao động từ 6,860-8,301 triệu đồng/tháng.

Tính đến năm 2019, sau 11 năm thực hiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp, đã có gần 13 triệu người tham gia bảo hiểm thất nghiệp, chiếm 22,6% lực lượng lao động trong độ tuổi cả nước.

Tuy nhiên, theo báo cáo, vẫn còn một bộ phận lớn CNLĐ có việc làm bấp bênh, thu nhập thấp, cuộc sống rất khó khăn. Đặc biệt, năm 2020 tác động của đại dịch COVID-19 đã làm 31,8 triệu lao động từ 15 tuổi trở lên bị ảnh hưởng. Trong đó 68,9% lao động bị giảm thu nhập, gần 40% phải giảm giờ làm, nghỉ giãn việc, nghỉ luân phiên và khoảng 14% buộc phải tạm nghỉ việc.

Có không ít CNLĐ đã bị mất việc và ra khỏi dây chuyền sản xuất sau khi đã làm việc trong thời gian tương đối dài cho doanh nghiệp (sau nhiều lần ký hợp đồng lao động ngắn hạn) để doanh nghiệp tuyển lao động mới.

Bên cạnh đó, tình hình quan hệ lao động tiềm ẩn nhiều vấn đề phức tạp. Tình trạng vi phạm pháp luật lao động còn khá phổ biến, gây nên bất bình, mâu thuần và tranh chấp lao động, số vụ đình công giảm nhưng đã xuất hiện những yếu tố ngoài quan hệ lao động tác động đến các vụ đình công, gây mất an ninh và ữật tự an toàn xã hội.

Chiếm 14% dân số nhưng đóng góp hơn 65% tổng sản phẩm quốc dân

Phát biểu kết luận cuộc làm việc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng năm 2020 là năm thành công của nước ta với những kết quả, thành tích đặc biệt hơn so với các năm trước; thành công đó cho ta thêm bài học hay, kinh nghiệm quý, thấy rõ hơn sức mạnh Việt Nam, sức mạnh của giai cấp công nhân và toàn dân.

Năm năm qua, sự phối hợp giữa Chính phủ và Tổng LĐLĐ Việt Nam rất chặt chẽ. Nhiều vấn đề liên quan đến quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của công nhân lao động và hoạt động công đoàn được Chính phủ quan tâm giải quyết kịp thời. “Mấy chục vấn đề mà Tổng Liên đoàn đề nghị thì cơ bản chúng tôi đã giải quyết, chứng tỏ lời nói đi đôi với việc làm chứ không chỉ có trên giấy”, Thủ tướng nêu rõ.

Tổ chức Công đoàn đã phát huy vai trò tích cực trong việc tham gia xây dựng và hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật liên quan đến người lao động; tham gia xây dựng thể chế, kiểm tra, giám sát và phản biện xã hội, góp phần xây dựng Đảng, xây dựng Chính phủ và chính quyền các cấp trong sạch, vững mạnh.

Cho biết đã nhiều lần đến nhà máy, xí nghiệp ở Bắc, Trung, Nam để thăm hỏi, tìm hiểu đời sống công nhân lao động, Thủ tướng dẫn ra các con số: 5 năm qua, số việc làm tăng 26%, mức lương tối thiểu tăng 1,3 lần, thu nhập bình quân tăng 35%; điều kiện làm việc đã được cải thiện nhiều. “Tôi nhớ có Tết, Thủ tướng trực tiếp chỉ đạo Tổng Liên đoàn xử lý vấn đề giới chủ bỏ trốn để giải quyết quyền lợi cho người lao động vui Tết đón xuân bình thường”, Thủ tướng chia sẻ. Một lần nữa Thủ tướng gửi tới anh chị em công nhân và người lao động cả nước lời cảm ơn sâu sắc về tinh thần vượt khó, nỗ lực phấn đấu, lao động quên mình vì ấm no, hạnh phúc của mỗi gia đình, vì sự phát triển của mỗi doanh nghiệp, tổ chức và sự thịnh vượng của nước nhà.

Thủ tướng nêu rõ giai cấp công nhân là chủ thể của phương thức sản xuất công nghiệp, là giai cấp đại diện cho xu thế xã hội hóa của lực lượng sản xuất hiện đại, là giai cấp quyết định sự tồn tại và phát triển của xã hội hiện đại và thông qua đó, chuẩn bị những tiền đề vật chất cho xã hội tương lai. Mặc dù chỉ chiếm 14% dân số và 27% lực lượng lao động xã hội, nhưng đóng góp hằng năm của giai cấp công nhân cho đất nước chiếm hơn 65% tổng sản phẩm quốc dân và hơn 70% ngân sách nhà nước.

Tuy nhiên, trong bối cảnh mới, nhất là dưới tác động của hội nhập quốc tế và chuyển đổi số diễn ra mạnh mẽ, công nhân và người lao động nước ta đang đối mặt với không ít thách thức. Trình độ tay nghề đang là vấn đề rất lớn, khả năng thích ứng, thu nhập một số ngành ngành còn thấp. Do dịch COVID-19 diễn ra trên toàn cầu, nhiều nhà máy, xí nghiệp, công ty phải giảm, giãn việc.

Thu nhập của một bộ phận công nhân chưa đủ sống, học hành của con cái họ, chỗ ở của công nhân còn nhiều khó khăn hay hình ảnh những công nhân xanh xao, gầy gò, “là nỗi trăn trở của tất cả chúng ta, của Thủ tướng Chính phủ đối với giai cấp công nhân Việt Nam”.

Phải hài hòa lợi ích doanh nghiệp và công nhân

Thủ tướng nêu rõ trong giai đoạn phát triển mới, sự lớn mạnh của giai cấp công nhân và tổ chức Công đoàn Việt Nam là một điều kiện tiên quyết bảo đảm thành công của công cuộc đổi mới, công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước và hội nhập quốc tế. Vì vậy, việc chăm lo, bảo đảm việc làm bền vững, nâng cao mức sống và điều kiện làm việc cho công nhân lao động là nhiệm vụ quan trọng và cấp bách của Ðảng, Nhà nước, của cả hệ thống chính trị, của mỗi công nhân và toàn xã hội, trong đó tổ chức công đoàn có vai trò, trách nhiệm to lớn.

Quang cảnh cuộc làm việc. Ảnh: VGP/Quang Hiếu

Thủ tướng nhấn mạnh không ngừng nâng cao mức sống cho công nhân lao động. Các bộ, ngành, chính quyền địa phương phối hợp chặt chẽ với các cấp công đoàn và người sử dụng lao động trong lĩnh vực quy hoạch đất đai, xây dựng nhà ở, trường học và các thiết chế phục vụ công nhân. Đây là nhiệm vụ cần được ưu tiên đặc biệt trong 5 năm tới. Các địa phương phải dành nguồn lực thỏa đáng chăm lo, hỗ trợ công nhân lao động.

Chính phủ khuyến khích người sử dụng lao động áp dụng các tiêu chuẩn kỹ thuật, hệ thống quản lý hiện đại và áp dụng công nghệ tiên tiến, công nghệ cao, công nghệ thân thiện với môi trường vào hoạt động sản xuất, kinh doanh nhằm cải thiện điều kiện lao động, bảo đảm an toàn cho người lao động.

Thủ tướng kêu gọi toàn thể công nhân cả nước phát huy truyền thống giai cấp công nhân Việt Nam, vượt qua khó khăn, không ngừng học tập, nâng cao trình độ, lao động sáng tạo, đóng góp cho sự lớn mạnh của từng doanh nghiệp, vì hạnh phúc của chính mình, gia đình mình và sự phồn vinh của đất nước, cùng toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta nỗ lực phấn đấu đến giữa thế kỷ XXI, nước ta thành nước phát triển. “Chúng ta kỳ vọng người công nhân Việt Nam thời kỳ mới là những người có tri thức, kỹ năng cao, tự tôn dân tộc, lao động sáng tạo, tác phong công nghiệp, có việc làm bền vững và mức sống ngày càng cao”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Các bộ, ngành theo chức năng, nhiệm vụ, tiếp tục tham mưu cho Đảng, Quốc hội, Chính phủ các chủ trương, chính sách, pháp luật và giải pháp cụ thể để bảo đảm việc làm bền vững, nâng cao mức sống, cải thiện điều kiện làm việc của công nhân lao động, giảm bớt nỗi vất vả, nhọc nhằn của công nhân nước ta.

Thủ tướng giao Bộ LĐTB&XH chủ trì, phối hợp với Tổng LĐLĐ Việt Nam và Văn phòng Chính phủ tham mưu ban hành một Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về vấn đề này. “Chúng ta cùng bắt tay nhau lo cuộc sống tốt hơn cho công nhân trong thời gian tới”, Thủ tướng nhấn mạnh và lấy ví dụ, “nhà ở cho người lao động thì ai lo, trước hết là các địa phương, các khu công nghiệp phải lo, phải dành quỹ đất cho việc này và chúng ta thực hiện thiết chế công đoàn tốt hơn, trong đó có vấn đề nhà ở, trường học, căng tin, nhà trẻ”. Nhà nước bố trí nguồn lực hỗ trợ cùng với các địa phương, doanh nghiệp xây dựng nhà ở cho công nhân. Thủ tướng mong doanh nghiệp, người sử dụng lao động vừa lo phát triển doanh nghiệp đồng thời phải lo cho công nhân, lao động để hài hòa lợi ích, không để người lao động thất nghiệp.

Nhân dịp này, Thủ tướng lưu ý, các cấp, các ngành, Tổng LĐLĐ Việt Nam, các doanh nghiệp phải chuẩn bị lo Tết cho công nhân, nhất là người có hoàn cảnh khó khăn để mọi người, mọi công nhân đón Tết đầm ấm, vui tươi.

Bình luận (0)

Lên đầu trang