Tình hình tội phạm ma túy rất đáng lo ngại
Thời gian gần đây, khu vực phía Nam, nhất là tại TPHCM, tội phạm ma túy liên quan đến người nước ngoài đang diễn biến phức tạp, trở thành “điểm nóng” tại Việt Nam, nhiều vụ thu giữ tới hơn 1 tấn ma túy tổng hợp, gần 1.000 bánh heroin.
TPHCM là đô thị đặc biệt, trung tâm lớn về kinh tế, văn hóa, chính trị, xã hội. Trong những năm qua, công tác phòng chống ma túy luôn được Thành ủy, UBND TP quan tâm, chỉ đạo các ngành, các cấp triển khai thực hiện một cách quyết liệt, có trọng tâm, trọng điểm, xác định mục tiêu, chỉ tiêu, yêu cầu rõ ràng; lực lượng CATP đã chủ động nắm, phân tích dự báo kịp thời tình hình, xu hướng, phương thức, thủ đoạn hoạt động của tội phạm ma túy nên đã triệt phá được nhiều đường dây, tổ chức sản xuất, mua bán, tàng trữ, vận chuyển ma túy lớn.
Tuy nhiên, tình hình tội phạm ma túy trên địa bàn TP vẫn diễn biến phức tạp; hoạt động sản xuất, vận chuyển, mua bán, sử dụng ma túy gia tăng với các phương thức, thủ đoạn hoạt động ngày càng đa dạng; các đường dây, tổ chức ngày càng quy mô, mang tính chuyên nghiệp hơn, nhiều mắt xích tinh vi, khép kín; hoạt động vận chuyển ma túy qua đường hàng không vẫn tiếp tục bị phát hiện; việc mua bán nhỏ lẻ, sử dụng ma túy tại các địa bàn trọng điểm, quán bar, vũ trường tiếp tục diễn ra.
Thượng tá Nghiêm Văn Út, Trưởng Phòng PC04-Công an TPHCM.
Thượng tá Nghiêm Văn Út, Trưởng phòng CSĐT tội phạm về ma túy (PC04) Công an TPHCM cho biết, một thách thức lớn hiện nay là tình trạng tội phạm ma túy dùng vũ khí để chống trả lực lượng truy bắt. Bên cạnh đó, vận chuyển ma túy qua đường hàng không dưới dạng quà biếu cũng ngày càng phức tạp, nhưng công tác đấu tranh, triệt phá gặp nhiều khó khăn do các lô “quà biếu” này không có tên, địa chỉ mà chỉ có số điện thoại để liên lạc nên rất khó khăn trong truy xét, kiểm tra, xử lý.
Một vấn đề rất đáng lo ngại nữa là, mặc dù theo thống kê, đến tháng 12/2020, TP có gần 28.000 người nghiện, tăng gần 11% so với năm 2019, nhưng con số này vẫn chưa chính xác, đối tượng nghiện ngoài xã hội hiện còn sót lọt rất nhiều. Công tác quản lý địa bàn, quản lý đối tượng còn nhiều hạn chế. Việc chuyển hóa địa bàn tiềm ẩn những diễn biến phức tạp, đòi hỏi sự phối hợp đồng bộ của các lực lượng, nhất là lực lượng tại cơ sở.
Bên cạnh đó, phương tiện kỹ thuật phục vụ cho công tác phát hiện ma túy, thông tin liên lạc và giám định ma túy, đấu tranh chống tội phạm ma túy chưa theo kịp với trình độ phát triển của khoa học công nghệ hiện nay. Chế độ, chính sách cho CBCS chuyên trách phòng chống ma túy cũng chưa đáp ứng thực tế, chưa thực sự tạo động lực để CBCS yên tâm thực thi nhiệm vụ.
Ngoài ra, các quy định pháp luật về phòng chống ma túy đã bộc lộ một số hạn chế, ảnh hưởng đến hiệu quả đấu tranh chống loại tội phạm này. Hiệu quả hoạt động kiểm soát, đấu tranh ngăn chặn ma túy thẩm lậu qua biên giới Việt Nam -Campuchia tuy đã được nâng lên nhưng chưa tương xứng với thực trạng, tình hình, mặc dù các cửa khẩu kiểm soát rất nghiêm, nhưng ma túy thẩm lậu qua đường tiểu ngạch còn nhiều, nhiều loại ma túy mới xuất hiện nhưng chưa có trong danh mục nên khó khăn trong việc xử lý...
Ma túy được cất giấu tinh vi trong hàng tấn đá hoa cương, chuẩn bị xuất khẩu chính ngạch sang Hàn Quốc, bị bắt tại cảng Cát Lái (TPHCM)
Tập trung “hạ nhiệt” điểm nóng
Trước tình hình đó, ngày 18/11/2020, Bộ Công an đã ban hành Kế hoạch số 486 nhằm tập trung “hạ nhiệt” điểm nóng ma túy tại các tỉnh phía Nam và TPHCM. Để thực hiện kế hoạch này, lực lượng CSĐT tội phạm về ma túy Công an 14 tỉnh, TP phía Nam đã ký kết quy chế phối hợp trong đấu tranh phòng chống tội phạm ma túy; Công an 7 tỉnh, TP (gồm TPHCM, Bà Rịa-Vũng Tàu, Đồng Nai, Bình Dương, Tây Ninh, Long An, Tiền Giang) đã ký kết, dự kiến thực hiện ngay trong tháng 1/2021.
Để thực hiện Kế hoạch 486, Ban Giám đốc Công an TPHCM đã chỉ đạo Phòng PC04 và Công an 24 quận/huyện tập trung rà soát, xác định tuyến, địa bàn, đối tượng cần tập trung đấu tranh, gửi Bộ Công an tập hợp và chỉ đạo. Tập trung phối hợp, trao đổi thông tin giữa Công an các tỉnh, TP để điều tra cơ bản, nắm thật chắc tình hình, ngăn chặn từ xa hoạt động của tội phạm ma túy, giám sát các đối tượng hoạt đông lưu động trên tuyến biên giới vào TPHCM.
Đồng thời, CATP sẽ tiếp tục trao đổi thông tin, quản lý đối tượng, địa bàn, phối hợp kiểm tra hành chính, tuần tra, chốt chặn trên các tuyến, địa bàn trọng điểm phức tạp về ANTT. Chú trọng thực hiện các công tác nghiệp vụ cơ bản nhằm tập trung phát hiện, ngăn chặn, triệt phá các đường dây, băng nhóm, tổ chức tội phạm, tập trung vào số đối tượng Việt kiều, người nước ngoài nghi vấn, nhất là số đối tượng người Đài Loan-Trung Quốc.
Cùng với đó, sẽ tăng cường hợp tác, trao đổi thông tin nhanh chóng, kịp thời giữa Công an với lực lượng Bộ đội Biên phòng, Hải quan cửa khẩu và các tỉnh có biên giới giáp các nước. Tăng cường phối hợp, nâng cao cảnh giác và trách nhiệm của các doanh nghiệp dịch vụ vận tải, để phục vụ công tác đấu tranh, trấn áp tội phạm ma túy, kiểm soát, ngăn chặn tình trạng thẩm lậu ma túy từ nước ngoài vào TP, các đối tượng mua bán, vận chuyển ma túy từ tuyến Tây Nam về TP tiêu thụ, nhất là vùng ven.
Vũ khí, tang vật thu giữ của nhóm đối tượng Trần Thanh Phong buôn bán ma túy, do Công an TPHCM phối hợp bắt ngày 30/6/2020
Để góp phần thực hiện hiệu quả Kế hoạch 486, Công an TPHCM cũng kiến nghị Cục CSĐT tội phạm về ma túy-Bộ Công an cần thông tin kịp thời tình hình tội phạm, phương thức, thủ đoạn hoạt động phạm tội, hỗ trợ phương tiện kỹ thuật, công nghệ, đặc biệt là tập trung truy bắt mở rộng đối tượng cầm đầu, điều khiển đường dây mua bán, vận chuyển ở Campuchia về Việt Nam tiêu thụ.
Mặt khác, để đấu tranh triệt phá trọn vẹn đường dây, bắt được các đối tượng, nhất là đối tượng cầm đầu, Bộ Công an cần phối hợp với các ngành để góp ý, kiến nghị các cấp cần phải luật hóa quy định “chuyển giao hàng hóa có kiểm soát” để các ban ngành, địa phương có thể phối hợp đấu tranh, khám phá.
Công an TPHCM cũng kiến nghị Bộ Công an tăng cường, đẩy mạnh công tác hợp tác quốc tế thông qua cơ chế hợp tác song phương, đa phương, qua kênh Interpol, Aseanpol…trong việc phối hợp truy bắt các đối tượng truy nã bỏ trốn sang các nước thành viên và dẫn độ tội phạm giữa các nước, tạo điều kiện thuận lợi cho công tác phòng ngừa, đấu tranh với các loại tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia liên quan đến Việt Nam nói riêng, để chủ động phòng ngừa, phát hiện, xử lý kịp thời.
Trong năm 2020, lực lượng CSĐT tội phạm về ma túy Công an TPHCM đã phát hiện 1.795 vụ, 4.988 đối tượng vi phạm pháp luật về ma túy trên địa bàn, tăng 8,9% số vụ và trên 27% số đối tượng so với năm trước, thu hơn 34 kg heroin (giảm 320 kg so với năm 2019), hơn 758 kg MTTH (giảm khoảng 600 kg), 82 kg cần sa cùng nhiều vũ khí, tang vật khác.
Ma túy chủ yếu vận chuyển từ Campuchia qua các tỉnh An Giang, Đồng Tháp, Tây Ninh… về TPHCM và trung chuyển đi các địa bàn khác trong cả nước và ra nước ngoài tiêu thụ. Trong năm qua, Công an TPHCM phối hợp với Cục C04, Bộ Công an và các lực lượng chức năng triệt phá hơn 50 đường dây vận chuyển ma túy từ Campuchia về TPHCM...