Quảng Nam:

Điều chỉnh dự án thủy điện sông Bung 2 đội vốn gần 40% do… không lường trước được!?

Thứ Tư, 03/08/2016 09:17  | Xuân Hoài

|

(CAO) Mới đây, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã phê duyệt tổng mức đầu tư (TMĐT) điều chỉnh dự án thủy điện sông Bung 2 ( DA TĐ SB 2) với giá trị 5.239 tỷ đồng, thay vì TMĐT ban đầu là 3.661 tỷ đồng. Điều này khiến dư luận bức xúc vì sao để xảy ra việc đội vốn gần 40% và chậm trễ dự án gần 1 năm. Có hay không những thiếu sót và sai phạm tại công trình trọng điểm này, ai sẽ là người chịu trách nhiệm?

DA TĐ SB 2 được xây dựng trên sông Bung (là một nhánh của sông Vu Gia) thuộc địa phận hai huyện Nam Giang và Tây Giang của tỉnh Quảng Nam. DA được khởi công xây dựng cuối năm 2012 và dự kiến hoàn thành tổ máy số 1 vào năm 2015. DA có công suất lắp máy 100 MW, điện lượng bình quân hàng năm Eo: 425,7 triệu KWh. Vốn đầu tư ban đầu được phê duyệt trên 3.661 tỉ đồng (vốn vay thương mại và vốn tự có của chủ đầu tư). Thế nhưng, ngày 19-5-2016, EVN đã phê duyệt TMĐT điều chỉnh với giá trị 5.239 tỷ đồng.

Tại quyết định này, EVN yêu cầu Tổng công ty phát điện 2, BQL DA TĐ SB 2 tính toán hợp lý, hợp pháp của các chi phí phát sinh trong TMĐT của dự án, thanh quyết toán theo đúng quy định; làm việc với Công ty bảo hiểm Toàn Cầu về trách nhiệm bảo hiểm cho công trình theo đúng quy định…

Điều khiến dư luận thắc mắc là tại sao công trình lại đội vốn gần 40% và việc thi công chậm trễ gần một năm vì lí do nào và trách nhiệm thuộc về ai?

Trao đổi với chúng tôi, ông Vương Thành Chung, phó giám đốc BQL Dự án TĐ SB 2 cho rằng, dự kiến công trình TĐ SB 2 sẽ đóng cửa van hầm dãn dòng tích nước hồ chứa vào ngày 28-8-2016, hoàn thành ngập ngập nước đường hầm vào ngày 20-10-2016, phát điện tổ máy số 1 vào 20-11-2016 và 10-12-2016 sẽ phát điện tổ máy số 2.

Nhà máy Thủy điện sông Bung 2 nhìn từ hạ lưu - Ảnh: Xuân Hoài 

Nói về việc đội vốn, ông Chung cho rằng, do thay đổi chế độ chính sách (mức lương), do biến động giá cả thị trường; thay đổi biến động tỷ giá (USD) làm thay đổi tăng chi phí mua sắm thiết bị nhập ngoại…

Nhóm thay đổi chuẩn xác khối lượng do TMĐT phê duyệt năm 2009 dựa trên thiết kế kỹ thuật đã duyệt, trong quá trình thực hiện phải lập thiết kế bản vẽ thi công thì khối lượng và điều kiện kỹ thuật thi công chính xác hơn. Theo đó, bổ sung thêm một số công việc như xử lý ổn định tổng thể tuyến năng lượng và hệ thống tiêu thoát nước nhằm đảm bảo cho công trình ổn định lâu dài.

Ngoài ra, nhóm thay đổi do điều kiện địa chất và thủy văn. Do ảnh hưởng của các cơn bão số 8, 9 và 10 năm 2013 gây sạt lở một số hạng mục công trình làm tăng chi phí xử lý, khắc phục. Theo ông Chung, do sự cố sạt trượt trạm phân phối do bão lũ năm 2013 nên phải chuyển đổi trạm phân phối điện từ công nghệ AIS (ngoài trời) sang công nghệ trạm GIS làm tăng thêm chi phí. Ngoài ra, mặt bằng bố trí các hạng mục công trình trên diện rộng có địa chất phức tạp nên phải hiệu chỉnh, thiết kế làm phát sinh chi phí.

Khi hỏi về việc khảo sát thiết kế không tính trước, ông Chung lý giải rằng: “Do hầm qua núi, khi qua núi gặp địa chất phức tạp, nhiều mạch nước ngầm khiến việc thi công gặp nhiều khó khăn. Còn việc khảo sát được thực hiện theo quy chuẩn, khoan ở một số điểm chứ không tiền khoan thăm dò giữa núi lên đến hàng trăm mét kinh phí rất lớn”. Trước khi lập dự án, thi công tại sao không tính toán trước?, ông Chung nói: “Có dự báo, có làm đúng theo quy định nhưng… không lường trước được những lí do như đã nêu”.

Công trường nơi thi công dự án nhà máy thủy điện sông Bung 2- Ảnh: Xuân Hoài 

Với những lí giải chưa thuyết phục trên, chúng tôi đặt vấn đề liệu việc đội vốn cao ngất ngưỡng như thế có đổ lên đầu dân, tăng giá bán điện?, ông Chung nói: TMĐT sau khi điều chỉnh có tăng cao nhưng vẫn đảm bảo các tiêu chí tài chính của dự án ứng với giá bán điện bình quân trên thị trường điện hiện nay là 0,05 USD/kWh (tương đương 1.060 VND/kWh (đã xét dòng chảy tối thiểu sau đập 1m3/s theo giấy phép khai thác sử dụng nước mặt do Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp phép).

Còn vấn trách nhiệm thuộc về ai, trách nhiệm của đơn vị bảo hiểm đến đâu? Ông Chung “xin ghi nhận” để về báo cáo cấp trên, cái nào ở mức độ BQL DA TĐ SB 2 trả lời được thì mới… trả lời.

Nhà máy thủy điện sông Bung nhìn từ trên cao - Ảnh: Xuân Hoài 

Thiết nghĩ, với việc đội vốn “khủng” trên, cơ quan chức năng cần vào cuộc thanh kiểm tra để đảm bảo tính minh bạch, quy rõ trách nhiệm của từng cá nhân đơn vị (nếu có), đồng thời để người dân được yên tâm khi bỏ tiền ra mua điện nhà nước.

Bên trong nhà máy - Ảnh: Xuân Hoài 

Bình luận (0)

Lên đầu trang