TPHCM cảm ơn, chia sẻ kinh nghiệm chống dịch với Kiên Giang, Hậu Giang

Thứ Hai, 01/11/2021 16:04  | Nguyễn Nhân

|

(CAO) Ngày 1-11, Thiếu tướng Lê Hồng Nam, Uỷ viên BTV Thành ủy - Giám đốc Công an TPHCM dẫn đầu đoàn công tác đã đến thăm, cảm ơn và chia sẻ kinh nghiệm phòng chống dịch tại tỉnh Kiên Giang, Hậu Giang.

Thực hiện kế hoạch số 70-KH/TU ngày 16-10 của Ban Thường vụ Thành ủy TPHCM, ngày 1-11, Thiếu tướng Lê Hồng Nam, Uỷ viên Ban Thường vụ Thành ủy - Giám đốc Công an TPHCM dẫn đầu đoàn công tác, đã đến thăm, làm việc, cảm ơn sự hỗ trợ của 2 tỉnh Kiên Giang, Hậu Giang đối với TPHCM trong thời gian TP thực hiện giãn cách xã hội, phòng chống dịch Covid-19 và chia sẻ kinh nghiệm phòng chống dịch với 2 tỉnh .

Thành phần đoàn công tác gồm: Thiếu tướng Lê Hồng Nam, Uỷ viên Ban Thường vụ Thành ủy, Giám đốc Công an TPHCM; ông Lê Minh Tấn, Giám đốc Sở Lao động Thương binh và Xã hội cùng một số đồng chí lãnh đạo cấp phòng, ban thuộc CATP và Sở LĐ-TB&XH.

Đoàn công tác dâng hương tại Đình Nguyễn Trung Trực.

Trước buổi làm việc, đoàn công tác cùng Ban Giám đốc Công an tỉnh Kiên Giang đã đến dâng hương tại Khu di tích lịch sử - văn hoá Quốc gia đình Nguyễn Trung Trực. Sau đó đoàn làm việc với Tỉnh uỷ, Công an tỉnh Kiên Giang.

Tại buổi làm việc Thiếu tướng Lê Hồng Nam gửi lời cảm ơn chân thành và sâu sắc nhất của lãnh đạo Thành ủy, HĐND, UBND, UBMTTQ và nhân dân TPHCM đến Tinh ủy, chính quyền và nhân dân tỉnh Kiên Giang.

Thiếu tướng Lê Hồng Nam chia sẻ về kinh nghiệm chống dịch của TPHCM.

Theo Thiếu tướng Lê Hồng Nam, tình hình dịch bệnh Covid-19 lần thứ 4 diễn biến rất phức tạp, tác động sâu sắc đến nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước. Trong đó TPHCM là một trong những địa phương bị ảnh hưởng hết sức nặng nề. Cuộc sống người dân gặp nhiều khó khăn, nhiều cơ sở sản xuất - kinh doanh đã phải ngừng hoạt động thời gian dài.

Từ tháng 4-2021 đến nay, tại TPHCM đã có hơn 420.000 ca nhiễm Covid-19 và hơn 16.000 ca tử vong.

TPHCM đã triển khai giãn cách xã hội với các cấp độ từ thấp đến cao để phòng ngừa, kiểm soát, đẩy lùi dịch Covid-19. Nhờ sự nỗ lực, vào cuộc của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân ở TPHCM, sự quan tâm sâu sát, chỉ đạo quyết liệt, hỗ trợ từ Trung ương và đón nhận rất nhiều sự giúp đỡ về vật chất và tinh thần từ các địa phương trên cả nước, đến nay TPHCM cơ bản đã kiểm soát được dịch bệnh, từng bước đưa sinh hoạt của người dân trở về trạng thái bình thường, tạo cơ sở vững chắc để từng bước mở rộng hoạt động phục hồi kinh tế - xã hội.

Chính quyền và nhân dân TPHCM trận trọng ghi nhận và chân thành cảm ơn sự hỗ trợ tích cực, nghĩa tình, trách nhiệm của chính quyền và nhân dân tỉnh Kiên Giang đã đồng hành, hỗ trợ giúp đỡ TPHCM chống dịch trong những ngày tháng khó khăn vừa qua.

Trao đổi về kinh nghiệm trong công tác phòng, chống dịch Covid-19 của TPHCM, Giám đốc Công an TPHCM chia sẻ: Trong công tác điều trị các bệnh nhân dương tính với SARS-CoV-2, điều quan trọng nhất là phải cung cấp đầy đủ ôxy cho bệnh nhân, phải có bình ôxy nhỏ và hệ thống cấp cứu nhanh đến nhà, phải thành lập đội phản ứng nhanh và tập huấn, trang bị đồ bảo hộ để họ kết hợp với trạm y tế, cơ sở y tế kịp thời giúp đỡ bệnh nhân trong điều trị Covid-19. Đồng thời sẵn sàng các bệnh viện thu dung, điều trị bệnh nhân Covid-19.

Để tránh lây lan trong cộng đồng thì nên khoanh vùng, xét nghiệm nhanh nơi xảy ra dịch, tập trung lấy mẫu xét nghiệm trong vòng 24 giờ để phát huy hiệu quả tốt nhất. Hạn chế cách ly tập trung vì sẽ dễ bị nhiễm chéo và nên tạo điều kiện cho F1 đủ điều kiện được cách ly tại nhà.

Thành lập các “vùng xanh” để tự bảo vệ, phòng ngừa lây nhiễm dịch bệnh, huy động sự tham gia của cả hệ thống chính trị.

Đảm bảo an sinh xã hội cho nhóm người yếu thế, đây là điều kiện tiên quyết để người dân an tâm tham gia, thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch. Việc triển khai các giải pháp phòng, chống dịch phải kiên quyết, linh hoạt và phù hợp với tình hình thực tế của địa phương. Đồng thời dự báo các tình hình có khả năng xảy ra sau dịch.

Ngoài ra, phối hợp với các cơ quan, ban, ngành, chính quyền địa phương đảm bảo an sinh cho người dân như: cung cấp lương thực cho nhóm yếu thế, tổ chức đi chợ hộ cho người dân, tổ chức thu dung các trường hợp lang thang cơ nhỡ…

Cũng theo Trưởng đoàn công tác của Thành uỷ TPHCM, hiện người dân đã quay lại TPHCM với số lượng nhiều hơn. Về tinh thần chung của TP là không lơ là, không chủ quan nhưng không lo sợ. Thành phố luôn có trách nhiệm với người dân sống, làm việc, học tập tại đây.

Đại tá Đỗ Triệu Phong – Giám đốc Công an tỉnh Kiên Giang phát biểu.

Tại buổi làm việc, Đại tá Đỗ Triệu Phong – Giám đốc Công an tỉnh Kiên Giang chia sẻ những khó khăn trong công tác chống dịch của TPHCM nói chung và lực lượng công an nói riêng. Công tác phòng chống dịch của TPHCM là bài học kinh nghiệm cho Kiên Giang. Rất cảm ơn đơn vị trong công tác hỗ trợ đưa đón người dân về quê.

“Hiện công suất sử dụng tối đa của tỉnh chỉ khoảng 10.000 lao động. Chính vì thế địa phương có tuyên truyền để người dân quay lại các khu công nghiệp ở TPHCM làm việc, để giải quyết vấn đề thiếu hụt lao động. Tất cả công dân về đây ngoài những người đã được TPHCM tiêm vắc xin thì đều được lên danh sách để tiêm vắc xin 2 mũi, để khi người dân quay lại làm việc sẽ an toàn hơn”, Đại tá Phong nói.

Thiếu tướng Lê Hồng Nam tặng quà Công an tỉnh Kiên Giang.

Giám đốc Công an tỉnh Kiên Giang hy vọng giữa 2 đơn vị tiếp tục gắn bó hơn nữa trong công tác phòng chống dịch. Ngoài ra, người đứng đầu lực lượng Công an Kiên Giang gửi lời cảm ơn đến Thành uỷ TPHCM, Ban Giám đốc Công an TPHCM trước những hỗ trợ, chia sẻ thiết thực, ý nghĩa.

Đoàn công tác làm việc với Tỉnh uỷ Kiên Giang.

Phát biểu tại buổi làm việc với đoàn công tác của Thành uỷ TPHCM, ông Mai Văn Huỳnh – Phó bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Kiên Giang cho biết: Việc đoàn đến thăm địa phương thời điểm này hết sức có ý nghĩa, thắt chặt tình hữu nghị. “Lúc dịch bùng ở TPHCM thì các tỉnh ở ĐBSCL tạm ổn. Tuy nhiên dịch bùng nhanh thì trở tay không kịp, để lại hậu quả nặng nề, trong đó có TPHCM là đầu tàu kinh tế của cả nước”, ông Huỳnh nói.

Phó bí thư Tỉnh uỷ Kiên Giang cũng gửi lời cảm ơn TPHCM vì thời gian qua đã đùm bọc lực lượng lao động rất lớn của tỉnh. Qua đó làm thay đổi cuộc sống của người dân nông thôn, trong đó nhiều trường hợp thoát nghèo.

Theo ông Huỳnh, lượng người mắc Covid-19 trên địa bàn tính từ ngày 20-6 đến nay là 9.800 người, trong đó khoảng 75% đã xuất viện, tỉ lệ tử vong thấp. Trong thành quả này là nhờ nhiều bệnh viện ở TPHCM cùng với đoàn công tác của Bộ Y tế hướng dẫn phác đồ điều trị.

“Nếu không có gì thay đổi thì 20-11 tới địa phương sẽ đón khách du lịch quốc tế trở lại. Địa phương mong muốn TPHCM phối hợp với tỉnh Kiên Giang trong công tác phòng chống dịch bệnh, kể cả lĩnh vực du lịch”, ông Huỳnh nhấn mạnh.

Đoàn công tác làm việc với Tỉnh uỷ Hậu Giang.

* Sáng cùng ngày, Đoàn công tác do Thiếu tướng Lê Hồng Nam làm trưởng đoàn đã làm việc với Tỉnh uỷ và Công an tỉnh Hậu Giang.

Thiếu tướng Lê Hồng Nam chia sẻ kinh nghiệm chống dịch với Tỉnh uỷ Hậu Giang.

Thiếu tướng  Lê Hồng Nam đã thay mặt chính quyền và nhân dân TPHCM ghi nhận và gửi lời cảm ơn sự hỗ trợ tích cực, nghĩa tình, trách nhiệm của chính quyền và nhân dân tỉnh Hậu Giang đã đồng hành, hỗ trợ giúp đỡ TPHCM trong những ngày tháng khó khăn vừa qua.

Giám đốc Công an TPHCM cũng chia sẻ kinh nghiệm chống dịch của thành phố với tỉnh Hậu Giang, công tác đảm bảo an sinh cho người dân, ứng dụng công nghệ thông tin trong đảm bảo an ninh trật tự và phòng chống dịch…

Bí thư Tỉnh uỷ Hậu Giang Nghiêm Xuân Thành thông báo kết quả phòng chống dịch của địa phương tới đoàn công tác của Thành uỷ TPHCM.

Tại buổi làm việc, ông Nghiêm Xuân Thành – Bí thư Tỉnh uỷ Hậu Giang cho biết: Từ tháng 6-2021 là dịch Covid-19 lần thứ 4 bùng phát tại các tỉnh phía Nam, Đông Nam bộ nhưng là đợt thứ nhất đối với các tỉnh ĐBSCL. Do đó kinh nghiệm ứng phó của các tỉnh hay Hậu Giang còn khá mới.

Từ đó đến nay, tình hình dịch bệnh tại các tỉnh ĐBSCL hết sức phức tạp. Thực hiện các biện pháp phòng chống theo chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Y tế... nên tình hình dịch bệnh trên địa bàn được kiểm soát. Sau 1-10, người dân đi về quê với số lượng lớn dẫn kiểm soát chưa tốt, làm cho số ca F0 tăng cao. Thực hiện theo chỉ đạo, địa phương chuyển sang trạng thái bình thường mới để vừa thực hiện biện pháp phát triển kinh tế vừa kiểm soát dịch hiệu quả hơn.

Người đứng đầu Tỉnh uỷ Hậu Giang cũng trân trọng cảm ơn TPHCM vì đã kêu gọi người dân ở lại và tạo công ăn việc làm, hỗ trợ an sinh xã hội, đảm bảo cho người dân không ai bỏ lại phía sau. Đặc biệt là đẩy mạnh công tác tiêm vắc xin.

“Phối hợp chặt chẽ với các tỉnh, thành để đưa đón những người dân có nhu cầu trở lại địa phương. Đó là tình cảm và trách nhiệm rất lớn của TPHCM. Về góc độ địa phương đã kết nối doanh nghiệp để tạo công ăn việc làm cho người dân. Đối với người dân trở lại thành phố mong rằng TPHCM tạo điều kiện. Địa phương cũng hy vọng thành phố xem tỉnh là điểm đến đầu tư…”, Bí thư Tỉnh uỷ Hậu Giang nói.

Đoàn công tác tặng quà cho Công an tỉnh Hậu Giang.
Đoàn công tác tặng quà cho Công an tỉnh Kiên Giang.

Để hỗ trợ 2 địa phương trong công tác chống dịch, Đoàn công tác của TPHCM đã trao tặng Công an tỉnh Kiên Giang và Hậu Giang mỗi đơn vị 1 tấn lương khô, 10.000 khẩu trang; và tặng Tỉnh uỷ Kiên Giang và Hậu Giang mỗi địa phương 500 triệu đồng và nhiều trang thiết bị y tế.

Thiếu tướng Lê Hồng Nam tặng quà cho Tỉnh uỷ Kiên Giang.
Đoàn công tác TPHCM tặng quà cho Tỉnh uỷ Hậu Giang.

Bình luận (0)

Lên đầu trang