Đoàn đại biểu Công an TPHCM báo công, dâng hương, dâng hoa Chủ tịch Hồ Chí Minh

Thứ Sáu, 09/09/2022 14:57

|

(CAO) Trong giây phút thiêng liêng, trang trọng tại Khu lưu niệm, Thiếu tướng Lê Hồng Nam cùng các thành viên trong đoàn thành kính dâng hoa, nén hương thơm tưởng nhớ và bày tỏ lòng biết ơn vô hạn Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại!

Sáng nay (9-9), Đoàn đại biểu Công an TPHCM tổ chức Lễ dâng hương, dâng hoa, báo công lên Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Khu lưu niệm Sáu điều Bác Hồ dạy Công an nhân dân (thị trấn Nhã Nam, huyện Tân Yên, tỉnh Bắc Giang).

Thiếu tướng Lê Hồng Nam, Ủy viên Ban thường vụ Thành ủy, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc CATP làm trưởng đoàn. Tham gia đoàn có Thiếu tướng Đinh Thanh Nhàn - Phó Giám đốc CATP, Đại tá Mai Hoàng -  Phó Giám đốc CATP, cùng lãnh đạo, chỉ huy một số phòng nghiệp vụ, Công an các quận, huyện thuộc CATP…

Đón tiếp đoàn có Đại tá Nguyễn Quốc Toản - Giám đốc Công an tỉnh Bắc Giang, cùng một số đồng chí lãnh đạo Công an tỉnh, lãnh đạo các phòng nghiệp vụ, lãnh đạo thị trấn Nhã Nam.

Đoàn đại biểu Công an TPHCM dâng hoa tưởng nhớ Chủ tịch Hồ Chí Minh

Trong giây phút thiêng liêng, trang trọng tại Khu lưu niệm, Thiếu tướng Lê Hồng Nam cùng các thành viên trong đoàn đã thành kính dâng hoa, nén hương thơm tưởng nhớ và bày tỏ lòng biết ơn vô hạn Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, anh hùng giải phóng dân tộc, danh nhân văn hóa thế giới, Người đã dành cả cuộc đời mình cống hiến, hy sinh vì nước, vì dân.

Trong không khí trang nghiêm, Đoàn đại biểu Công an TPHCM thành kính báo công dâng Bác: Vinh dự lớn lao với lực lượng CAND là được Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn chăm lo, giáo dục và rèn luyện. Với tinh thần chủ động, quyết liệt, Công an TPHCM đã triển khai thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ, thể hiện rõ bản lĩnh chính trị kiên định, vững vàng, gương mẫu, trách nhiệm, tạo nên những kết quả toàn diện các mặt công tác, góp phần xây dựng lực lượng CATP ngày càng trong sạch, vững mạnh, xứng đáng là chỗ dựa tin cậy của Đảng và là chỗ dựa vững chắc của nhân dân.

Thiếu tướng Lê Hồng Nam cùng các thành viên trong đoàn dâng hương tưởng niệm Bác Hồ tại Phòng truyền thống trong Khu di tích

Với "mệnh lệnh từ trái tim" quyết tâm cùng chính quyền thành phố để không ai bị bỏ lại phía sau, lực lượng CATP đã xung kích trên tuyến đầu phòng, chống dịch Covid-19, vừa đấu tranh trấn áp quyết liệt các loại tội phạm, đảm bảo an dân, an sinh xã hội, bảo vệ cuộc sống bình yên, hạnh phúc của nhân dân; góp phần quan trọng vào kết quả kiểm soát thành công đại dịch Covid-19.

Thời gian qua, Công an TPHCM đã quyết liệt trong tham mưu, đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, thực hiện nghiệp vụ công tác công an; chủ động nắm tình hình từ xa, từ sớm, kịp thời tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương các chủ trương, giải pháp bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.

Công tác đấu tranh phòng chống tội phạm và vi phạm pháp luật được triển khai đồng bộ, quyết liệt. Tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn được giữ vững ổn định, không để xảy ra đột xuất, bất ngờ, tình hình tội phạm từng bước được kiềm chế, tỷ lệ điều tra khám phá án được nâng cao, tình hình trật tự an toàn giao thông được kéo giảm; công tác phòng cháy chữa cháy luôn được chủ động và đạt chỉ tiêu đề ra.

Công tác quản lý hành chính thực hiện Đề án 06 của Chính phủ được CATP triển khai quyết liệt và đồng bộ, CBCS CATP đã nỗ lực ngày đêm, khắc phục khó khăn, gian khổ để hoàn thành các nhiệm vụ được giao. Các mặt công tác xây dựng Đảng, xây dựng lực lượng, xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, pháp chế, tư pháp, thanh tra, đối ngoại, hậu cần, kỹ thuật... luôn được quan tâm, chú trọng, đạt nhiều kết quả quan trọng, đáp ứng yêu cầu công tác và chiến đấu…

Các thành viên trong đoàn dâng hương tại chùa Tứ Giáp

Với những nỗ lực và quyết tâm, Công an TPHCM là đơn vị dẫn đầu phong trào thi đua "Vì an ninh Tổ quốc", vinh dự được tặng Cờ thi đua của Chính phủ năm 2021. Các đơn vị trong CATP, công an các quận huyện, TP.Thủ Đức đã có nhiều công trình, phần việc thiết thực góp phần đảm bảo, hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ chính trị.

Từ những phong trào thi đua, đã xuất hiện hàng trăm điển hình tiên tiến, việc làm tử tế, cách làm sáng tạo và những tấm gương chiến sĩ CAND dũng cảm hy sinh, sẵn sàng dấn thân, lao vào khó khăn, gác lại niềm riêng, hòa vào nhiệm vụ chung, tô thắm thêm truyền thống Anh hùng của lực lượng Công an TPHCM.

Thiếu tướng Lê Hồng Nam viết sổ lưu niệm tại Khu di tích

Vinh dự và tự hào khi hôm nay, đứng trước Tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh với Công an nhân dân Việt Nam tại Khu lưu niệm Sáu điều Bác Hồ dạy Công an nhân dân, Công an TPHCM quyết tâm đoàn kết, xây dựng lực lượng CATP toàn diện, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, quyết tâm thực hiện các nhiệm vụ chính trị, nguyện một lòng ra sức thi đua học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Chủ tịch Hồ Chí Minh, xây dựng hình ảnh người chiến sĩ Công an Thành phố vì bình yên và hạnh phúc của nhân dân, vì an ninh Tổ quốc.

Lãnh đạo Công an TPHCM tặng quà lưu niệm Công an tỉnh Bắc Giang

Tại chùa Tứ Giáp, nơi khởi nguồn lời dạy thiêng liêng của Bác Hồ với lực lượng CAND, Thiếu tướng Lê Hồng Nam cùng đoàn đã dâng hương và trao tặng kinh phí 500 triệu đồng để tu bổ và tôn tạo chùa. Thiếu tướng Lê Hồng Nam cùng các thành viên trong đoàn cũng trồng cây lưu niệm Dã Hương tại sân chùa.

Tại Khu lưu niệm, Thiếu tướng Lê Hồng Nam thay mặt đoàn trao tặng 100 triệu đồng cho Ban quản lý Khu lưu niệm. Đoàn cũng tặng quà Trung thu cho con em cán bộ chiến sỹ, Công an tỉnh Bắc Giang trị giá 30 triệu đồng.

Đoàn Công an TPHCM trao tặng 500 triệu đồng để tu bổ, tôn tạo chùa Tứ Giáp
Thiếu tướng Lê Hồng Nam cùng các đồng chí lãnh đạo trồng cây lưu niệm

Chùa Tứ Giáp - nơi phát tích 6 điều Bác Hồ dạy Công an nhân dân

Chùa Tứ Giáp nằm ở phía Tây làng Nguộn của xã Nhã Nam. Nơi đây cảnh quan thoáng đẹp lại có đường 17B và 34A đi qua nên giao thông rất thuận tiện. Ngôi chùa này có tên chữ là "Đại Phúc tự", tên Nôm là "chùa Gốc Gạo" và tên thường là chùa Nhã Nam. Chùa Tứ Giáp lưu dấu ấn của phong trào cách mạng từ những năm 40 của thế kỷ trước, đặc biệt đây là nơi phát tích 6 điều Bác Hồ dạy CAND.

Chùa Tứ Giáp được xây dựng cách đây trên 300 năm. Gọi là Tứ Giáp vì khi xã Nhã Nam còn 4 làng. Mỗi làng là một giáp, gồm: Giáp Chuông, Giáp Nguộn, Giáp Thượng, Giáp Hạ cùng nhau hưng công xây dựng chùa. Đại Phúc tự là tên chữ, đó là tên chính nhưng lại ít được dùng đến. Chùa Gốc Gạo là bởi bên chùa có cây gạo cổ. Chùa Nhã Nam là cái tên gọi theo tên của xã Nhã Nam.

Truyền tích kể rằng: Chùa xưa gồm 7 gian tiền đường 5 gian trung đường, 3 gian tam bảo, 2 dãy hành lang, 1 toà nhà tổ, nhà khách, nhà sư ni. Bố cục theo lối nội công ngoại quốc đặt trên Đồi Phủ ở phía sau đình. Trong chùa có hệ thống tượng lớn bằng đất nung rất phong phú. Lại có quả chuông nặng mấy trăm cân, tiếng vọng ngân nga. Vì thế hội chùa 12 tháng giêng, đông vui nô nức, ai cũng muốn đến chiêm ngưỡng nơi danh lam cổ tích đệ nhất vùng Yên Thế cũ.

Thế nhưng, từ những năm 1862 trở đi, tàn quân Thái Bình thiên quốc tràn qua biên giới xuống vùng Yên Thế tàn phá giết hại dân lành. Nhã Nam khi đó vốn có 7 làng (Chuông, Vàng, Lã, Cầu, Nguộn, Thượng, Hạ) bị chúng đánh giết, ba làng Vàng, Cầu, Lã phiêu dạt chẳng còn tung tích. Chùa cũng bị phá.

Đến năm 1885, thực dân Pháp chiếm xong thành Tỉnh Đạo, thấy không thuận lợi nên chúng bắt dân Nhã Nam, chuyển đình chùa đi nơi khác để chúng lập đồn Nhã Nam nhằm không chế phong trào khởi nghĩa Yên Thế. Dân Nhã Nam không chịu, chúng đặt đại bác ở đồi chùa Bùng nã hàng trăm quả đạn, phá huỷ hoàn toàn hai công trình đình - chùa Nhã Nam nổi tiếng khắp vùng.

Cuối năm 1886, nhân dân cùng nhau xây lại đình, chùa. Ngôi đình do ba xã dựng xây gọi là đình Ba Xã. Còn ngôi chùa xây trên đất làng Nguộn chủ yếu do 4 giáp hưng công gọi là chùa Tứ Giáp.

Thời kỳ tiền khởi nghĩa chùa Tứ Giáp sử dụng làm cơ sở cách mạng, che chở, tạo điều kiện cho cán bộ cách mạng về hoạt động, gây cơ sở để chuẩn bị lực lượng đánh chiếm phủ lỵ Yên Thế, giành chính quyền. Tháng 3 năm 1945, chùa Tứ Giáp là cơ sở của một bộ phận báo Cứu quốc của Đảng đến đóng và làm việc, ấn loát báo chí, truyền đơn, tài liệu... để chuyển cho các cơ sở cách mạng của vùng Yên Thế.

Đầu tháng 4 năm 1945, du kích quân Yên Thế đã họp tại chùa bàn kế hoạch đánh chiếm phủ lỵ đóng trên Đồi Phủ. Cuối năm 1945, Ty Bưu chính Bắc Giang đóng và làm việc tại đây. Năm 1946, chùa là cơ sở của Công an Khu 12. Đến năm 1947 là trụ sở của Uỷ Ban kháng chiến tỉnh Bắc Giang. Tháng 9 năm 1947, giặc Pháp tấn công lên Yên Thế, quân và dân Nhã Nam đã đánh trả quân thù quyết liệt. Tại chùa Tứ Giáp đã xảy ra trận đụng độ giữa ta và địch. 

Thời điểm Công an Khu 12 đóng quân, cũng là thời kỳ đồng chí Hoàng Mai làm Giám đốc Khu Công an 12. Và đây cũng là lúc tờ báo Bạn dân của Công an Khu 12 tiếp tục xuất bản những số báo mới, trong đó có số báo Tết. Đồng chí Hoàng Mai đã gửi biếu Bác Hồ một số báo xuân. Sau khi nhận được báo biếu và lời đề nghị được Bác dạy cách làm báo, nghiệp vụ Công an của đồng chí Hoàng Mai, ngày 11/3/1948, Bác Hồ viết một bức thư gửi đích danh đồng chí Hoàng Mai. trong thư có nêu 6 lời dạy về tư cách người Công an cách mệnh:

Đối với tự mình phải cần, kiệm, liêm, chính;

Đối với đồng sự phải thân ái, giúp đỡ;

Đối với Chính phủ phải tuyệt đối trung thành;

Đối với nhân dân phải kính trọng, lễ phép;

Đối với công việc phải tận tụy;

Đối với địch phải cương quyết, khôn khéo.

Hơn 70 năm đã qua, 6 điều Bác Hồ dạy lực lượng CAND là chuẩn mực về nhân cách và là kim chỉ nam cho mọi hành động công tác ngày nay vẫn còn nguyên giá trị. Tự hào là nơi khởi nguồn 6 điều Bác Hồ dạy, những năm qua, Công an huyện Tân Yên nói riêng, Công an tỉnh Bắc Giang nói chung đã triển khai hiệu quả phong trào thi đua học tập và làm theo lời Bác.

Với chùa Tứ Giáp, tại đây, ngày 15/8/2017, Tổng cục Chính trị Công an nhân dân tổ chức khởi công xây dựng công trình “Khu lưu niệm 6 điều Bác Hồ dạy Công an nhân dân”, công trình được xây dựng trên diện tích 2,6 ha, tổng mức đầu tư khoảng 89 tỷ đồng từ nguồn vốn xã hội hóa, do cán bộ, chiến sĩ toàn lực lượng đóng góp.

Công trình “Khu lưu niệm 6 điều Bác Hồ dạy Công an nhân dân” có ý nghĩa quan trọng, là sự ghi nhận, tôn vinh sự quan tâm và tình cảm đặc biệt mà Bác Hồ dành cho lực lượng CAND. Công trình góp phần nâng cao, phát huy giá trị lịch sử, văn hóa của chùa Tứ Giáp - Di tích lịch sử, nghệ thuật cấp quốc gia.

Bình luận (0)

Lên đầu trang