(CATP) Đồng chí Ung Văn Khiêm sinh ngày 13/02/1910, tại làng Tân Đức, tổng An Bình, quận Chợ Mới, tỉnh Long Xuyên (ngày nay là xã Tấn Mỹ, huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang). Là một nhân vật lịch sử lớn của Nam Bộ, tham gia cách mạng từ trước khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, đồng chí Ung Văn Khiêm là một chiến sĩ kiên trung của Đảng, suốt cuộc đời đấu tranh cho sự nghiệp Tự do - Độc lập của Tổ quốc. Xuất thân từ trường Trung học Cái Khế Cần Thơ, tham gia phong trào để tang Nhà yêu nước Phan Chu Trinh, bị Pháp đuổi học và từ đó đồng chí giác ngộ cách mạng, tham gia tổ chức Việt Nam Thanh niên Cách mạng Đồng chí Hội, tiền thân của Đảng Cộng sản Việt Nam. Cả cuộc đời đồng chí Ung Văn Khiêm đã trải dài theo những biến cố thăng trầm của cuộc đấu tranh cách mạng trên đất nước ta từ thập niên thứ hai thế kỷ XX cho đến khi đất nước hoàn toàn sạch bóng quân xâm lược - ngày 30/4/1975.
Thân thế cuộc đời vì sự nghiệp cách mạng của đồng chí Ung Văn Khiêm đã được đồng chí Võ Văn Kiệt thay mặt Đảng và Nhà nước ta trân trọng tôn vinh trong bài Điếu văn đọc tại Lễ truy điệu đồng chí Ung Văn Khiêm ngày 22/3/1991 tại Hội trường Thống Nhất Thành phố Hồ Chí Minh. Đồng chí Võ Văn Kiệt viết: "Tên tuổi đồng chí Ung Văn Khiêm gắn chặt với một thời kỳ lịch sử của đất nước ta, của Nam Bộ. Là một trong những người gieo mầm cách mạng vô sản, đồng chí Ung Văn Khiêm thuộc lứa đàn anh, lứa khai sơn phá thạch cho con đường cách mạng đầy gai góc của dân tộc chúng ta. Ngay khi còn là một học sinh trung học, đồng chí Ung Văn Khiêm đã có mặt trong hàng trăm những chiến sĩ xung kích mang tư tưởng Mác - Lênin, tư tưởng Nguyễn Ái Quốc và tư tưởng xã hội chủ nghĩa vào trận đánh quyết liệt định đoạt sự tồn vong của Tổ quốc".
Trải qua 9 năm kháng chiến chống Pháp, với cương vị Ủy viên Ban Thường vụ Xứ ủy Nam Bộ (1945 - 1950), Ủy viên Trung ương Đảng và Ủy viên Trung ương Cục miền Nam (1951 - 1954), đồng chí Ung Văn Khiêm đã góp phần quan trọng trong công tác xây dựng Đảng, củng cố lực lượng vũ trang nhân dân cách mạng và xây dựng căn cứ địa kháng chiến ở U Minh cũng như tại Đồng Tháp Mười. Trên chiến trường Khu 9 sau khi mặt trận Tân Hưng bị vỡ, Khu bộ trưởng Vũ Đức di chuyển bộ đội về Đầm Dơi, Cái Tàu. Trong thời điểm ấy, đồng chí Ung Văn Khiêm cùng với các đồng chí Phạm Hùng, Nguyễn Văn Kỉnh và một bộ phận cơ quan Xứ ủy ở Bàu Sen, Tân Hòa, Cái Tàu đã hỗ trợ tích cực cho sự chỉ đạo của Khu bộ 9 và Tỉnh Đảng bộ Bạc Liêu. Bộ đội và các lực lượng vũ trang được củng cố, tổ chức lại để đánh giặc và tiến hành việc trừ gian diệt tế. Công tác xây dựng căn cứ địa và hậu phương kháng chiến cũng được xúc tiến nhanh chóng như tổ chức binh công xưởng, quân y viện, nhà in, đưa máy móc vào sâu trong rừng U Minh... Thượng tuần tháng 02/1946, đồng chí Ung Văn Khiêm cùng đồng chí Nguyễn Văn Sĩ (Xứ ủy viên) triệu tập cán bộ chỉ huy của hai Chiến khu 8 và 9 về rạch Bà Đặng (xã Thới Bình, Cà Mau) để bàn chủ trương ứng phó với tình hình địch mở rộng vùng chiếm đóng ở miền Trung và miền Tây Nam Bộ.
Đồng chí Ung Văn Khiêm.
Thời gian làm Bí thư Tỉnh ủy Bạc Liêu trong hai năm cuối của cuộc kháng chiến chống Pháp, dưới sự lãnh đạo của đồng chí Ung Văn Khiêm, bộ máy tổ chức của Tỉnh Đảng bộ phát triển mạnh mẽ với hơn 1 vạn đảng viên. Ở các huyện Ngọc Hiển, Trần Văn Thời, Hồng Dân có từ 2.600 - 3.000 đảng viên. Nhiều xã có từ 200 - 400 đảng viên như Trần Hợi, Khánh Bình... Với lực lượng đảng viên hùng hậu ấy, Đảng bộ tỉnh Bạc Liêu đã hoàn thành nhiệm vụ xây dựng pháo đài chiến đấu kiên cố để bảo vệ vững chắc cho căn cứ địa U Minh.
Những tháng năm hoạt động trong các cơ quan chính quyền cách mạng của thời kỳ kháng chiến chống Pháp, đồng chí Ung Văn Khiêm đã để lại những ấn tượng sâu đậm, đặc biệt là trong việc tập hợp đông đảo giới trí thức tham gia vào hàng ngũ kháng chiến, mở rộng và củng cố sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Điều gây ấn tượng mạnh mẽ nhất là để phá tan âm mưu của địch "dùng người Việt đánh người Việt, lấy chiến tranh nuôi chiến tranh", ngày 22/5/1947 Chỉ thị số 4/NV được ra đời, do Ủy viên Nội vụ Ung Văn Khiêm ký tên, kêu gọi công chức và nhân viên đang hợp tác với Pháp trong guồng máy cai trị và các sở tư của Pháp, hãy tham gia đấu tranh hoặc ở tiền tuyến hoặc ở hậu phương và tuyệt đối không được hợp tác với giặc hoặc với chính phủ bù nhìn phản quốc Lê Văn Hoạch.
Ngày 21/6/1947 Chỉ thị số 404/NV tiếp tục được ban hành, về việc gây phong trào bất hợp tác với giặc, nêu cao uy tín của Chính phủ cách mạng tạo cơ hội cho công chức tham gia kháng chiến, phá ý đồ giặc Pháp rêu rao là công chức hợp tác với chúng, phá hoại kinh tế của địch, làm tê liệt giao thông, gây trở ngại về tiếp tế; bỏ sở để làm tê liệt bộ máy cai trị của địch.
Hưởng ứng hai chỉ thị này, Liên đoàn Viên chức và Nghiệp đoàn Sài Gòn - Chợ Lớn đã vận động được hàng ngàn công nhân lành nghề, công chức, trí thức rời thành phố ra chiến khu, trong đó có nhiều nhân sĩ, công chức cao cấp có uy tín như Bác sĩ Nguyễn Văn Hưởng, cụ Phan Văn Chương đang là Đô trưởng Sài Gòn - Chợ Lớn. Các nhà máy như Ba Son, Faci, Simac... và trong các ngành khác như nước đá, thuốc lá, xe điện... phải ngưng hoạt động vì không có công nhân làm việc, gây nhiều khó khăn cho địch.
Bác Hồ và đồng chí Ung Văn Khiêm tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ II của Đảng (Chiến khu Việt Bắc, tháng 02/1951)
Công nhân, viên chức trong các cơ quan, xí nghiệp của Pháp, chính quyền Sài Gòn, đặc biệt trong các cơ sở phục vụ chiến tranh, liên tục phá hỏng máy móc, dụng cụ và nguyên vật liệu sản xuất, địch không sao đối phó được. Ngoài việc đình công, lãn công, phá hoại, công nhân, viên chức còn tháo gỡ máy móc, bí mật lấy nguyên liệu hóa chất, thuốc men, dụng cụ y tế, dụng cụ, vật liệu văn phòng... để gửi ra chiến khu.
Cũng như các đồng chí Lê Duẩn, Lê Đức Thọ, bằng tấm lòng ưu ái và đối xử chân tình trong việc "chiêu hiền, đãi sĩ”, đồng chí Ung Văn Khiêm đã chinh phục được tình cảm của đội ngũ nhân sĩ, trí thức. Có một sự việc cho dù trải qua hơn 70 năm, nhưng đến nay mỗi khi nhắc tới chúng ta vẫn thấy xúc động bồi hồi. Đó là việc đồng chí Ung Văn Khiêm kết nạp ông Huỳnh Thiện Lộc vào Đảng trên giường bệnh tại chiến khu U Minh.
Ông Huỳnh Thiện Lộc vốn là một đại điền chủ, một nhân sĩ, trí thức tên tuổi, gia đình có trên 20.000 ha đất ở Rạch Giá - Bạc Liêu. Sau khi tiếng súng kháng chiến chống Pháp trên chiến trường Nam Bộ bùng nổ, ông đã ra bưng biền tích cực tham gia kháng chiến và hiến toàn bộ đất đai của mình cho cơ quan chính quyền cách mạng để cấp cho nông dân. Năm 1946, ông được Bác Hồ mời ra Hà Nội công tác, rồi trở về Nam Bộ làm Phó Chủ tịch Hội Liên Việt Nam Bộ. Năm 1953 ông lâm bệnh nặng tại căn cứ địa U Minh. Biết mình không thể nào vượt qua khỏi cơn trọng bệnh, ông khẩn khoản mời đồng chí Ung Văn Khiêm đến bên giường bệnh để bày tỏ nỗi lòng. Ông nói với đồng chí Ung Văn Khiêm: "Trước khi nhắm mắt xuôi tay, tôi thiết tha muốn trở thành người đảng viên của Đảng". Vô cùng xúc động trước sự đề đạt nguyện vọng thiêng liêng đó, đồng chí Ung Văn Khiêm nắm chặt tay ông Huỳnh Thiện Lộc trân trọng nói: "Thay mặt Đảng, tôi xin tuyên bố kể từ giờ này đồng chí Huỳnh Thiện Lộc trở thành đảng viên của Đảng Lao động Việt Nam". Ông Huỳnh Thiện Lộc mỉm cười mãn nguyện. Thế là trong buổi chiều hôm sau, cơ quan của Hội Liên Việt Nam Bộ báo tin: Người đảng viên được đồng chí Ung Văn Khiêm kết nạp chưa đầy 24 tiếng đồng hồ đã vĩnh viễn rời khỏi đội ngũ Đảng để đi vào cõi thiên thu
(Còn tiếp...)