Dự án cao tốc Bắc -Nam: Bàn giao toàn bộ mặt bằng trong quý II/2023

Thứ Tư, 05/10/2022 08:56

|

(CAO) Thông tin này được đưa ra trong Báo cáo của Chính phủ về tình hình thực hiện Nghị quyết số 44/2022/QH15 của Quốc hội về chủ trương đầu tư Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 – 2025.

Thay đổi tổng mức đầu tư các dự án thành phần

Thừa uỷ quyền của Thủ tướng Chính phủ ký báo cáo gửi Quốc hội, Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể cho biết, sau khi có Nghị quyết số 273/NQ-UBTVQH15, ngày 13/7/2022, Bộ GTVT đã phê duyệt Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi (BCNCTKT) của 12 dự án thành phần và giao cho các Ban Quản lý dự án (QLDA) thuộc Bộ làm chủ đầu tư.

Bộ đã cân đối điều hòa tổng mức đầu tư giữa các dự án thành phần bảo đảm tổng mức đầu tư của Dự án không vượt sơ bộ tổng mức đầu tư đã được Quốc hội thông qua (TMĐT các dự án thành phần 146.986 tỷ đồng, trong đó GPMB 23.970 tỷ đồng; xây dựng và thiết bị 103.902 tỷ đồng; QLDA, tư vấn, khác 7.279 tỷ đồng; dự phòng 11.835 tỷ đồng).

Dự án cao tốc Bắc - Nam phía đông sẽ hoàn tất việc bàn giao mặt bằng trong tháng quý II/2023

“Sự thay đổi tổng mức đầu tư giữa các dự án thành phần do ở bước BCNCTKT, công tác khảo sát địa hình, địa chất, thủy văn, điều tra khối lượng đền bù giải phóng mặt bằng được thực hiện chi tiết và tính toán theo khối lượng của hồ sơ thiết kế” – ông Thể lý giải, đồng thời cho biết, các dự án thành phần có tổng mức đầu tư tăng chủ yếu do điều kiện địa hình khó khăn, địa chất, thủy văn phức tạp và đơn giá đền bù giải phóng mặt bằng của một số địa phương có sự điều chỉnh tăng.

Đề cập đến công tác giải phóng mặt bằng (GPMB), ông Thể thông tin, đến nay các địa phương đã thực hiện công tác đo đạc tại thực địa đạt trên 95% và kiểm kê tài sản trên đất đạt 87%. Việc xây dựng khu tái định cư, lập phương án đền bù, GPMB... đang tích cực được triển khai, phấn đấu bàn giao 70% diện tích mặt bằng các gói thầu xây lắp khởi công trước ngày 20/11/2022 và bàn giao toàn bộ các diện tích còn lại trong quý II/2023.

Về công tác bố trí vốn và giải ngân, theo Bộ trưởng Bộ GTVT, dự án được bố trí vốn giai đoạn 2021 - 2025 là 119.666 tỷ đồng, cân đối từ nguồn vốn ngân sách nhà nước trong Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 là 47.169 tỷ đồng và nguồn vốn ngân sách nhà nước để đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng theo Nghị quyết số 43/2022/QH15 là 72.497 tỷ đồng. Hiện Thủ tướng Chính phủ đã giao cho Bộ GTVT 47.169 tỷ đồng kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn 2021 - 2025.

Phần vốn thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội sẽ được Thủ tướng Chính phủ giao và tập trung giải ngân trong năm 2023.

Trên cơ sở kế hoạch đầu tư công trung hạn đã được Thủ tướng Chính phủ giao, Bộ GTVT đã bố trí 257 tỷ đồng cho công tác chuẩn bị đầu tư và 8.334,762 tỷ đồng cho công tác GPMB trong năm 2022. Đến 15/9/2022, dự án đã giải ngân được 212,621 tỷ đồng của công tác chuẩn bị đầu tư.

Hiện các địa phương đang tích cực triển khai công tác lập, phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và thực hiện giải ngân đáp ứng tiến độ yêu cầu.

Xây dựng phương án thu phí hoàn vốn

Triển khai thực hiện nội dung Quốc hội giao Chính phủ “xây dựng phương án, tổ chức thực hiện thu hồi vốn đầu tư Dự án để hoàn trả vào ngân sách trung ương”, được sự phân công của Chính phủ, Bộ Tài chính đang phối hợp với Bộ GTVT và các cơ quan liên quan để hoàn thành dự thảo Nghị quyết về thu tiền dịch vụ sử dụng đường bộ cao tốc do nhà nước đầu tư và sớm trình Quốc hội thông qua.

Nêu khó khăn trong quá trình triển khai dự án, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể phản ánh, ngoài công tác GPMB, hiện tại nguồn vật liệu cát đắp cho khu vực đồng bằng sông Cửu Long chưa đáp ứng được nhu cầu của các dự án trong khu vực.

“Chính phủ đã quyết liệt chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương tập trung tối đa nguồn cát hiện có, bổ sung các mỏ mới, nghiên cứu sử dụng các nguồn vật liệu thay thế nhưng vẫn còn nguy cơ thiếu hụt cát đắp ảnh hưởng đến tiến độ Dự án” – ông Thể cho biết.

Để bảo đảm việc triển khai Dự án theo đúng yêu cầu tại Nghị quyết số 44/2022/QH15, Chính phủ kiến nghị Quốc hội giao Kiểm toán nhà nước chủ trì, phối hợp cùng Bộ GTVT thực hiện kiểm toán các gói thầu xây lắp trước khi chỉ định thầu.

Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025 đã được Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư tại tại kỳ họp bất thường lần thứ nhất, Quốc hội khoá XV.

Dự án đi qua 12 tỉnh, thành phố (Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Cần Thơ, Hậu Giang, Bạc Liêu, Kiên Giang, Cà Mau) với tổng chiều dài toàn tuyến khoảng 729 km, tổng mức đầu tư 146.990 tỷ đồng.

Bình luận (0)

Lên đầu trang