Những người “giữ lửa” cho truyền thống CAND

Chủ Nhật, 02/10/2022 16:03

|

(CATP) Nhằm bảo vệ, gìn giữ và sưu tập thêm những kỷ vật quý giá của “Thủ đô kháng chiến”, cán bộ chiến sĩ (CBCS) Khu di tích lịch sử Công an nhân dân (CAND) tại xã Minh Thanh, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang (gọi tắt là Khu Di tích) không chỉ nêu cao tinh thần trách nhiệm mà còn dành cả tâm huyết đối với công tác bảo tàng, bảo tồn.

Được thành lập và hoạt động từ tháng 8-2000, Khu Di tích là một phần thuộc Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Tân Trào - nơi ở và làm việc của Nha Công an Trung ương (CATW) từ tháng 4-1947 đến tháng 9-1950. Trước đây, toàn bộ nhà ở và nơi làm việc của các bộ phận trong Nha CATW được phân bố trên 2 quả đồi lớn, được gọi là đồi A và B.

Hai quả đồi này nằm liền nhau và sát cánh đồng Lũng Cò. Từ đây có thể quan sát được cả một vùng rộng lớn, thuận tiện cho việc bảo vệ, đi lại hội họp. Nơi đây đã chứng kiến sự trưởng thành của lực lượng, cũng là nơi mà Nha CATW ra những chỉ thị, nghị quyết quan trọng có ý nghĩa lớn lao đối với ngành CA.

Kể về những kỷ niệm sâu sắc khi Bác Hồ cùng lực lượng CA về ở và công tác, ông Ma Văn Khang (SN 1937, ngụ thôn Cò, xã Minh Thanh) cho biết: “Từ tháng 3 đến tháng 10-1945, Bác Hồ cùng ông Lê Giản - Giám đốc Nha CATW đã nhiều lần đến địa phương công tác và ở tại nhà tôi. Quãng thời gian ấy là niềm tự hào to lớn không chỉ đối với gia đình tôi mà còn cả với người dân xã Minh Thanh vì đã bảo vệ an toàn tuyệt đối căn cứ địa của “Thủ đô kháng chiến””.

Cán bộ Khu Di tích thuyết minh về lịch sử hoạt động của Nha CATW tại quần thể Khu di tích và Nhà trưng bày

Khu Di tích có quy mô hơn 12 héc ta, là điểm hội tụ, trưng bày những hiện vật, hình ảnh về truyền thống vẻ vang của lực lượng CAND trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp và những ngày Nha CATW cùng đồng cam cộng khổ với đồng bào các dân tộc xã Minh Thanh. Hiện Khu Di tích trưng bày trên 600 hiện vật, ảnh và tài liệu lịch sử, trong đó có 146 hiện vật quý, 106 tài liệu đặc biệt giá trị về lịch sử của toàn ngành CAND và CA tỉnh Tuyên Quang.

Một số hiện vật quý như: con dấu của Nha CATW, chiếc khăn mùi xoa Chủ tịch Hồ Chí Minh tặng CA Tuyên Quang vào tháng 6-1949, kiếm hai chức năng được Bác Hồ dùng trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, chiếc máy bay AD5 của quân đồng minh nhảy dù xuống Lũng Cò...

Tuy số lượng hiện vật và tài liệu khá lớn, song hàng ngày, từng hiện vật vẫn được CBCS Ban Quản lý Khu di tích bảo quản, lau chùi sạch sẽ và trân trọng nâng niu như báu vật. Trung tá Nguyễn Như Trang - Trưởng Ban Quản lý Khu Di tích cho biết: “Đảng viên, CBCS và nhân viên Khu di tích rất vinh dự, tự hào khi được nhận nhiệm vụ này. Công tác bảo tàng tưởng chừng đơn giản, nhưng nếu không có sự say mê, yêu nghề thì khó có thể hoàn thành nhiệm vụ. Công việc đòi hỏi CBCS phải có tinh thần trách nhiệm cao, tận tụy, tỉ mỉ, chính xác và trên hết là hiểu rõ giá trị giáo dục truyền thống, giáo dục đạo đức, chính trị tư tưởng đối với lực lượng thông qua nhiệm vụ đang làm”.

Ngoài công tác chuyên môn, Ban Quản lý Khu Di tích đặc biệt coi trọng công tác dân vận, phối hợp chặt chẽ với CA xã Minh Thanh tuyên truyền, vận động người dân trong khu vực cùng tham gia bảo vệ an ninh trật tự Khu Di tích, xây dựng vành đai an toàn trong lòng dân và dựa vào dân để hoàn thành nhiệm vụ.

Với ý nghĩa giáo dục truyền thống sâu sắc, Khu Di tích đã, đang và sẽ trở thành điểm hẹn  du lịch lịch sử - sinh thái cho du khách, đồng thời là nơi giáo dục truyền thống anh hùng cách mạng, hành hương về nguồn, báo công dâng Bác và giáo dục chính trị tư tưởng cho toàn lực lượng CAND.

Bình luận (0)

Lên đầu trang