Dự kiến tháng 9, 10 sẽ có khoảng 30 triệu liều vắc xin về Việt Nam

Thứ Hai, 06/09/2021 21:54

|

(CAO) Thứ trưởng Bộ Y tế chia sẻ, sắp tới nguồn vaccine nhập khẩu sẽ về nhiều, dự kiến trong tháng 9, tháng 10 sẽ có khoảng 30 triệu liều.

Rất nhiều cán bộ, chiến sỹ 3 tháng nay không nghỉ ngơi

Tại Họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 8, chiều 6/9, đại diện Bộ Công an và Bộ Quốc phòng đã thông tin về việc tăng cường lực lượng hỗ trợ các tỉnh phía Nam phòng, chống dịch và đánh giá về hiệu quả các mặt công tác thời gian qua.

Theo Trung tướng Tô Ân Xô, Chánh Văn phòng - Người phát ngôn Bộ Công an, thực tế sự hiện diện của Quân đội, Công an rất cần thiết trong bối cảnh dịch bệnh cấp bách, khi các lực lượng tại chỗ không đủ để đáp ứng được trước nhiều nhiệm vụ, công tác phòng, chống dịch.

Trung tướng Tô Ân Xô, Chánh Văn phòng - Người phát ngôn Bộ Công an

Từ khi đợt dịch thứ 4 bùng phát, Công an các địa phương phía Nam đã huy động tối đa lực lượng với 100 nghìn lượt cán bộ, chiến sỹ các đơn vị. Rất nhiều cán bộ, chiến sỹ 3 tháng nay không nghỉ ngơi. Bộ Công an đã điều động hơn 5.000 cán bộ, chiến sỹ các lực lượng, đơn vị; hơn 2.000 học viên các trường Công an; 600 y, bác sỹ các bệnh viện ngành Công an. Trong ngày 6/9, Bộ Công an tăng cường hơn 900 cán bộ, chiến sỹ các lực lượng, đơn vị vào hỗ trợ Bình Dương, Đồng Nai, Long An theo đề nghị của các địa phương này.

"Hiệu quả phòng, chống dịch thì để người dân đánh giá, với lực lượng Công an, chúng tôi đã nỗ lực hết sức, nhận diện các nguy cơ để tăng cường lực lượng đảm bảo an ninh, trật tự, an toàn, an dân và hỗ trợ phòng, chống dịch" - Chánh Văn phòng Bộ Công an chia sẻ trước câu hỏi của báo chí về đánh giá hiệu quả của lực lượng tăng cường trong phòng, chống dịch.

Về lực lượng tăng cường của Quân đội, Thiếu tướng Nguyễn Văn Đức, Cục trưởng Cục Tuyên huấn, Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam cho biết: Bộ Quốc phòng đã tăng cường hơn 120 nghìn lượt cán bộ, chiến sỹ và dân quân tự vệ với quyết tâm, trách nhiệm cao nhất. Bộ Quốc phòng đã chỉ đạo duy trì hàng nghìn tổ chốt ở nội địa để phòng, chống dịch và trên các tuyến biên giới để ngăn chặn tình trạng xuất, nhập cảnh trái phép.

Đồng thời, lực lượng Quân đội triển khai 190 khu cách ly tập trung, các đơn vị đã nhường doanh trại để làm khu cách ly; thành lập 11 bệnh viện dã chiến với quy mô trên 6.000 giường bệnh; triển khai trên 600 tổ quân y tăng cường về các trạm y tế phường, xã ở Thành phố Hồ Chí Minh và các địa phương lân cận; tổ chức 8 kho bảo quản vaccine...

Trong thời gian tới, lực lượng Quân đội xác định, toàn quân vừa thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, vừa xây dựng các phương án trong phòng, chống dịch, cả ở các cấp độ cao hơn; sẵn sàng triển khai hỗ trợ lực lượng, không chỉ ở các tỉnh phía Nam mà còn ở các địa phương khác trên cả nước khi cần thiết.

Vaccine trong nước vẫn cần đánh giá thêm

Tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 8/2021, chiều 6/9, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn thông tin, hiện Việt Nam đang thử nghiệm 3 loại vaccine phòng COVID-19, dự kiến đầu năm 2022 chúng ta sẽ tự chủ vaccine trong nước.

Đối với việc thử nghiệm lâm sàng vaccine Nano Covax của Nanogen, Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết, chúng ta đã mời những tình nguyện viên tham gia với tinh thần tự nguyện để tham gia quá trình nghiên cứu phát triển vaccine với mong muốn Việt Nam sớm tự chủ nguồn vaccine.

Một lô vắc xin về Việt Nam

Ngày 22/8, Công ty sản xuất vaccine trong nước đã nộp hồ sơ lên Hội đồng Đạo đức Quốc gia, tuy nhiên vẫn còn một số nội dung yêu cầu cần phải giải quyết. Thứ trưởng Trần Văn Thuấn nhấn mạnh, kết luận của Hội đồng cấp phép còn 3 nội dung phải hoàn thành là tính an toàn, tính miễn dịch và tính bảo vệ.

"Rất mong có vaccine sớm nhất sản xuất trong nước, nhưng vaccine là một sản phẩm đặc biệt, không những ảnh hưởng đến một người mà liên quan cả cộng đồng, thậm chí cả thế hệ. Chính vì vậy, chủ trương của Chính phủ, của Bộ Y tế là chúng ta phải chặt chẽ, an toàn, hiệu quả" - Thứ trưởng Bộ Y tế chia sẻ.

Đối với câu hỏi liên quan đến việc ứng xử đối với những người tiêm đủ 2 mũi vaccine, Thứ trưởng Trần Văn Thuấn nhấn mạnh, đây là vấn đề mà Bộ Y tế sẽ bàn sớm với các bộ, ban, ngành liên quan và dựa trên tham vấn của các nhà khoa học, tham khảo và trình Chính phủ trong thời gian sớm nhất. Thứ trưởng cũng chia sẻ, sắp tới nguồn vaccine nhập khẩu sẽ về nhiều, dự kiến trong tháng 9, tháng 10 sẽ có khoảng 30 triệu liều.

Liên quan đến vấn đề ngoại giao vaccine, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Vũ cho biết, vấn đề tiếp cận vaccine gặp nhiều khó khăn do biến chủng Delta diễn biến phức tạp, sự bất bình đẳng trong tiếp cận vaccine giữa nước nghèo và nước giàu. Trong tháng 6/2021, thế giới cần 11 tỷ liều vaccine để đạt miễn dịch toàn cầu, nhưng năng lực sản xuất thực tế chỉ đạt 4,5 tỷ liều nên việc tiếp cận rất khó khăn.

Hiện Việt Nam đã triển khai công tác vận động ngoại giao vaccine hết sức quyết liệt theo cơ chế song phương, đa phương và qua mạng lưới cơ quan đại diện ngoại giao ở nước ngoài để tiếp cận không chỉ vaccine mà cả thuốc đặc trị. Ngoài ra, còn thực hiện đôn đốc các hãng Astra Zeneca, Pfizer thực hiện các cam kết về cung cấp vaccine, đồng thời viện trợ, vay vaccine từ nước ngoài, đẩy mạnh hợp đồng mua vaccine mới từ các nước.

Về thuốc đặc trị cũng được vận động từ nhiều nguồn khác nhau, góp phần bảo vệ sức khoẻ cộng đồng. Bên cạnh đó, Việt Nam đẩy mạnh tiếp cận trang thiết bị y tế, hiện có 17 quốc gia và vùng lãnh thổ, kiều bào nước ngoài đã hỗ trợ trang thiết bị với giá trị hàng triệu USD. Thứ trưởng Bộ Ngoại giao gửi lời cảm ơn các quốc gia, bà con kiều bào ở nước ngoài, các tổ chức đã hỗ trợ, đồng thời mong nhận được sự hợp tác, hỗ trợ nhiều hơn nữa trong thời gian tới.

Việc dạy và học trực tuyến còn tồn tại nhiều khó khăn, hạn chế

Tại Họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 8, chiều 6/9, đại diện Bộ Giáo dục và Đào tạo đã thông tin về những trọng tâm công tác để đảm bảo chất lượng dạy và học trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp.

Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Hoàng Minh Sơn cho biết, trước khi vào năm học mới, ngành Giáo dục đã bàn kỹ vấn đề trọng tậm là đảm bảo chất lượng dạy và học trong bối cảnh dịch. Tinh thần được xác định là "linh hoạt, chủ động, sáng tạo, tận dụng mọi giải pháp, công cụ để thích ứng trong điều kiện dịch bệnh kéo dài, có thể diễn biến phức tạp".

"Việc dạy và học trong thời gian thực hiện giãn cách, cách ly thì tận dụng các phương tiện điện tử, truyền hình, lớp học ảo, học từ xa... Dù khó khăn đến đâu vẫn phải đảm bảo chất lượng. Nơi nào có điều kiện học trực tiếp tại nhà trường thì tổ chức dạy và học đảm bảo an toàn" - Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn nhấn mạnh.

Bộ cũng đã tổ chức tổng kết đối với từng bậc học, có chỉ thị của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo hướng dẫn cho từng bậc học; có công điện hướng dẫn, chuẩn bị công tác dạy và học, việc khai giảng...

Tuy nhiên, việc dạy và học qua các phương tiện trực tuyến cũng còn tồn tại nhiều khó khăn, hạn chế. Việc dạy và học qua các ứng dụng trực tuyến có ưu điểm là tương tác thời gian thực giữa thầy cô và học sinh, nhưng việc tổ chức khó khăn, nhất là thiếu thiết bị và thiếu đường truyền. Nếu chỉ 10% trên tổng số 2 triệu học sinh cùng trực tuyến học thì khó đảm bảo về đường truyền.

Bên cạnh đó, Bộ đã xây dựng, chuẩn bị kho học liệu lớn trên mạng, tận dụng các bài giảng, bài học điện tử; phát trên các kênh truyền hình như VTV1, VTV2, VTV7... Với những học liệu đó, nơi nào không có điều kiện về đường truyền, học trực tuyến thì thầy cô gửi cho học sinh qua mail, zalo... cùng với các tài liệu hướng dẫn học tập.

"Việc đảm bảo chất lượng dạy và học trong bối cảnh dịch không chỉ của riêng ngành Giáo dục mà còn cần sự chung tay của xã hội, hỗ trợ của các bộ, ngành, địa phương và gia đình, nhất là về phương tiện, thiết bị dạy và học" - Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo chia sẻ.

Mới đây, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký ban hành Chỉ thị số 24/CT-TTg về việc đẩy mạnh triển khai các nhiệm vụ, giải pháp tổ chức dạy học an toàn, bảo đảm chương trình và mục tiêu chất lượng giáo dục, đào tạo ứng phó với đại dịch COVID-19.

Trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, toàn ngành Giáo dục đã nỗ lực, cố gắng khắc phục mọi khó khăn, chủ động, kịp thời tổ chức thực hiện đồng bộ công tác phòng, chống dịch, thực hiện có hiệu quả phương châm “tạm dừng đến trường, không dừng học”, bảo đảm an toàn cho học sinh, giáo viên, hoàn thành các nhiệm vụ chuyên môn của ngành.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp với các bộ, địa phương chủ động xây dựng và triển khai thực hiện kế hoạch năm học linh hoạt, tạo điều kiện thuận lợi cho học sinh, sinh viên học tập, vừa bảo đảm sức khoẻ, vừa hoàn thành chương trình giáo dục theo kế hoạch và bảo đảm chất lượng giáo dục của từng cấp học, chương trình đào tạo. Những nơi an toàn trong phòng, chống dịch thì vẫn khai giảng bình thường như mọi năm.

Bên cạnh đó, Thủ tướng đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo phát triển các giải pháp, nền tảng dạy và học trực tuyến; ưu tiên hỗ trợ học sinh khó khăn không có phương tiện học trực tuyến; xây dựng phương án cụ thể tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 cho học sinh.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo triển khai kế hoạch năm học 2021-2022 một cách linh hoạt, phù hợp với tình hình dịch bệnh tại địa phương; tăng cường các biện pháp bảo đảm an toàn phòng, chống dịch COVID-19 trong các cơ sở giáo dục.

Các địa phương đang thực hiện giãn cách xã hội hoặc tăng cường giãn cách xã hội phải có kế hoạch khống chế dịch cụ thể, nhanh nhất, sớm nhất để triển khai nhiệm vụ năm học 2021-2022 hiệu quả.

Các địa phương không có dịch chủ động phương án cho học sinh tựu trường và thường xuyên sàng lọc, tầm soát nhằm phát hiện kịp thời các trường hợp nghi mắc, mắc COVID-19; kiểm tra, việc chấp hành các quy định phòng chống dịch phù hợp tại cơ sở giáo dục, đào tạo, tuyệt đối không chủ quan, lơ là, mất cảnh giác; tạo điều kiện tiêm vaccine cho lưu học sinh diện Hiệp định đang học tập ở các cơ sở giáo dục đại học tại địa phương.

Các địa phương đang có dịch và thực hiện Chỉ thị số 15/CT-TTg và Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, trước mắt tổ chức dạy học trực tuyến; ưu tiên nguồn lực hỗ trợ học sinh khó khăn không có phương tiện học tập trực tuyến, bảo đảm công bằng trong tiếp cận phương thức dạy và học mới.

Đồng thời, bảo đảm điều kiện để dạy học trực tuyến, chuyển đổi số trong giáo dục; đổi mới phương thức dạy học giúp trẻ em, học sinh vừa học vừa chơi, hứng thú học tập, chấp hành giãn cách, giảm căng thẳng trong thời gian giãn cách xã hội.

Bên cạnh đó, các địa phương khẩn trương thực hiện Nghị định số 81/2021/NĐ-CP của Chính phủ về chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập, Nghị quyết số 86/NQ-CP ngày 06/8/2021 của Chính phủ về các giải pháp cấp bách phòng, chống dịch COVID-19 để bảo đảm không học sinh nào không được đến trường sau dịch bệnh vì khó khăn, giảm bớt khó khăn cho giáo viên bị ảnh hưởng do trường học bị đóng cửa, nhất là giáo viên thuộc hệ thống các trường tư thục mầm non.

Ưu tiên bố trí kinh phí, huy động các nguồn lực để đầu tư cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin, hệ thống phần mềm, phục vụ chuyển đổi số trong giáo dục và đào tạo. Có giải pháp phù hợp hỗ trợ học sinh, giáo viên các địa bàn khó khăn, vùng sâu, vùng xa không có khả năng tiếp cận với hình thức học trực tuyến, học qua truyền hình.

Tạo điều kiện tiếp nhận, chuyển trường thuận lợi cho học sinh trong trường hợp gia đình thay đổi địa bàn sinh sống do tác động của dịch COVID-19; nghiên cứu tăng cường số lượng, chất lượng hệ thống trường bán trú dân nuôi để duy trì, phát triển mô hình này phù hợp với điều kiện địa phương.

Bình luận (0)

Lên đầu trang