TPHCM giãn cách đến ngày nào, giấy đi đường đã cấp sẽ gia hạn đến thời điểm đó

Chủ Nhật, 05/09/2021 20:33

|

(CAO) Thượng tá Lê Mạnh Hà, Phó trưởng Phòng Tham mưu Công an TPHCM cho biết, mã QR code sẽ được áp dụng trong quản lý thay cho giấy đi đường sau này.

Chiều 5/9, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 TPHCM đã tổ chức họp báo thông tin về tình hình phòng chống dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn TP.

Chủ trì buổi họp báo có các đồng chí: Lê Hải Bình, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; Phạm Đức Hải, Phó trưởng Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 TPHCM.

Quang cảnh buổi họp báo

"Vùng cam” và “vùng đỏ” trong đợt 1 tỷ lệ dương tính là 3,6%, đợt 2 là 2,7%

Thông tin tại buổi họp báo, Phó trưởng Ban Phòng chống dịch Covid-19 TP Phạm Đức Hải cho biết, tính đến 18 giờ ngày 4/9 có 245.707 trường hợp mắc bệnh phát hiện tại TPHCM được Bộ Y tế công bố, bao gồm 245.247 trường hợp nhiễm trong cộng đồng, 460 trường hợp nhập cảnh. Hiện các cơ sở y tế tại TP đang điều trị 42.863 bệnh nhân, trong đó có 2.969 trẻ em dưới 16 tuổi, 2.789 bệnh nhân nặng đang thở máy và 22 bệnh nhân can thiệp ECMO.

Trong ngày 4/9 có 2.706 bệnh nhân xuất viện (tổng số xuất viện cộng dồn từ 1/1/2021 đến nay là 125.481), 222 trường hợp tử vong trong ngày (tổng số tử vong cộng dồn từ 1/1/2021 đến nay là 10.452).

Về tiến độ xét nghiệm diện rộng toàn TP, Phó giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TPHCM Nguyễn Hồng Tâm thông tin, tùy từng vùng nguy cơ sẽ có cách thức xét nghiệm khác nhau. Cụ thể, “vùng xanh” và “cận xanh” xét nghiệm theo đại diện hộ gia đình gộp 10 mẫu, “vùng vàng” gộp 5. “Vùng cam”, “vùng đỏ” thì thực hiện test nhanh toàn bộ cư dân. Tùy từng vùng khác nhau, thực hiện test nhanh khác nhau. Test nhanh sẽ có kết quả sau 30 phút. Test PCR sẽ có kết quả sau 2-3 ngày.

Việc xét nghiệm ưu tiên cho “vùng đỏ” và “vùng cam”, do đó, số lượng hoàn thành và phát hiện ở các vùng khác nhau, một số quận huyện có tốc độ hoàn thành khác nhau. Đến 4/9, các quận huyện đã hoàn thành xét nghiệm hoàn toàn 5 vùng, trong đó Cần Giờ, Củ Chi, Quận 7, Gò Vấp hoàn thành sớm nhất. Đến nay, các địa phương hoàn thành 80% trong đợt 2, dự kiếm hoàn thành trong ngày 6/9. Do đó chưa đánh giá được tình hình.

Đồng chí Nguyễn Hồng Tâm cho biết, tỷ lệ dương tính khi xét nghiệm vùng xanh là 0,8%, vùng vàng là 1,5%. Riêng “vùng cam” và “vùng đỏ”, trong đợt 1 tỷ lệ dương tính là 3,6% và đợt 2 là 2,7%.

Chợ truyền thống sắp tới sẽ được mở ra nhiều hơn

Liên quan đến việc cấp giấy đi đường, Thượng tá Lê Mạnh Hà, Phó trưởng Phòng Tham mưu Công an TPHCM cho biết, nếu UBND TP quyết định kéo dài thời gian giãn cách đến ngày nào, thì giấy đi đường đã cấp sẽ được gia hạn đến thời điểm đó. Thời gian tới, các địa phương khống chế được dịch bệnh như Quận 7 và huyện Củ Chi, TP sẽ có phương án mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh. Công an TP hiện tính toán các giải pháp và đang cùng các đơn vị liên quan cập nhật dữ liệu tiêm vaccine, F0, các trường hợp cấp giấy đi đường vào Cơ sở dữ liệu quốc gia dân cư. Khi có quy định về đối tượng được lưu thông thì Công an TP sẽ kiểm soát được.

Thượng tá Hà cho biết, QR code sẽ được áp dụng trong quản lý thay cho giấy đi đường sau này. Mong người dân tham gia tiêm vaccine sớm để hoạt động an toàn.

Trả lời câu hỏi về việc các cơ quan tư pháp hoạt động bình thường nhưng luật sư không nằm trong diện được cấp giấy đi đường, đồng chí Lê Mạnh Hà cho biết, Công an TP đã có chỉ đạo đến các cơ quan tố tụng, cơ quan điều tra của Công an TP, tùy từng trường hợp cụ thể, cơ quan yêu cầu và tiếp nhận yêu cầu sẽ báo cáo về Ban Giám đốc Công an TP để cấp giấy đi đường.

Trao đổi về việc mở lại chợ truyền thống, Phó Giám đốc Sở Công thương TP Nguyễn Nguyên Phương cho biết, chợ truyền thống là một trong những phương án giúp tăng nguồn cung hàng hóa cho người dân. TP chưa bao giờ có chủ trương đóng cửa, ngưng hoạt động hệ thống phân phối, nhất là chợ truyền thống. Việc tạm ngưng là do yêu cầu phòng chống dịch, yêu cầu về điều kiện thực tế của địa phương, địa bàn các quận huyện tạm ngưng hoạt động của chợ truyền thống.

Thực hiện yêu cầu bổ sung nguồn cung hàng hóa, các phương án cung ứng hàng hóa Sở Công thương đã tính toán, đề xuất TP gợi ý quận, huyện các mô hình, cách thức mở lại chợ truyền thống sau khi tạm ngưng hoạt động do có ca lây nhiễm, hoặc chưa đảm bảo công tác phòng chống dịch bệnh. TP đã có văn bản chỉ đạo các quận huyện.

Đối với Chợ Bình Điền, Sở đã làm việc với các sở, ngành liên quan, dự kiến 7/9 tới đây sẽ tổ chức lại điểm trung chuyển hàng hóa tại Chợ Bình Điền giúp thương nhân đưa hàng hóa về và trung chuyển cung ứng cho hệ thống phân phối, các bếp ăn tập thể và chợ truyền thống tới đây sẽ được mở ra nhiều hơn.

Tại buổi họp báo, Thành ủy viên, Phó trưởng Ban Thường trực Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM Lê Văn Minh ghi nhận và đánh giá những nỗ lực của phóng viên, biên tập viên… các cơ quan báo chí trung ương và TP thời gian qua.

Đồng chí cho biết, nhờ báo chí truyền thông kịp thời đưa tin, đã có gần 35% người dân cho biết đã bớt lo lắng hơn so với cách đây 2 tuần trước, với các giải pháp siết chặt hơn, quyết liệt hơn về phòng chống dịch Covid-19 của TP. Việc khảo sát này được thực hiện thông qua các nền tảng xã hội.

Bên cạnh đó, gần 60% người dân nhận định công tác báo chí truyền thông giúp nâng cao nhận thức của người dân về các biện pháp phòng chống dịch. Người dân nắm rõ hơn, hiểu được nhiều hơn, biết cách liên hệ các cơ quan, đơn vị tư vấn giúp người dân điều trị bệnh, các vấn đề về an sinh.

Cùng với đó, gần 80% người dân cảm thấy an tâm, lạc quan, tin tưởng hơn công tác phòng chống dịch TP trong hơn 2 tuần qua. Đây là những con số thể hiện sự nỗ lực của các cơ quan báo chí trong thời gian vừa qua.

Đồng chí Lê Văn Minh chia sẻ, thời gian qua, báo giấy đã được Bộ Thông tin Truyền thông thực hiện Chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ cùng UBND TP triển khai kế hoạch đưa báo giấy đến 312 phường, xã, thị trấn. Người dân hoan nghênh việc phát hành báo giấy. Dĩ nhiên, nhu cầu người dân nhiều nhưng cơ bản đáp ứng được bên cạnh sản phẩm tin bài báo điện tử, phát thanh, truyền hình, vẫn phát hành báo giấy hàng ngày: Báo Nhân dân, Sài Gòn Giải phóng, Tuổi trẻ TP, Người lao động... đến người dân 312 xã, phường, thị trấn. Đó cũng là giải pháp giúp người dân tiếp cận được nhiều hơn thông tin từ báo chí.

Đồng chí Lê Văn Minh mong muốn, thời gian tới các cơ quan báo chí nỗ lực nhiều hơn nữa, có tin bài chính xác, đúng yêu cầu thực tế, giúp người dân hiểu rõ hơn, nắm được nhiều hơn về các giải pháp, biện pháp và thực hiện đúng theo tinh thần triển khai các biện pháp phòng chống dịch trên địa bàn TP.

Bình luận (0)

Lên đầu trang