Mệnh lệnh phụng sự vì dân!

Chủ Nhật, 05/09/2021 12:21

|

(CATP) “Vào thời điểm này, lực lượng Công an chỉ có phụng sự, đó là mệnh lệnh!”, Trung tướng Nguyễn Duy Ngọc, Thứ trưởng Bộ Công an đã nhấn mạnh như vậy khi phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị đánh giá kết quả 10 ngày thực hiện giãn cách xã hội tăng cường trên địa bàn TPHCM.

Đúng như vậy, suốt 3 tháng nay, kể từ thời điểm dịch bệnh Covid-19 hoành hành khốc liệt tại thành phố, hầu như lực lượng công an phải ứng trực 100% quân số, sẵn sàng xông pha vào bất cứ đâu để bảo vệ nhân dân. Ở nơi tuyến đầu chống dịch, dẫu biết hiểm nguy luôn thường trực nhưng trọng trách giao phó không cho phép người chiến sỹ một phút lơ là!

Một gánh hai vai

Tại hội nghị, Trung tướng Nguyễn Duy Ngọc - Thứ trưởng Bộ Công an biểu dương sự nỗ lực, cố gắng của tập thể cán bộ, chiến sĩ Công an TPHCM suốt thời gian qua thực hiện 02 nhiệm vụ: vừa phòng chống dịch, vừa đảm bảo an ninh trật tự. Sự hy sinh của lực lượng công an trong phòng chống dịch là rất to lớn.

Tuy nhiên, trước những diễn biến khó lường của đại dịch, lực lượng CATP phải tiếp tục cống hiến để làm chỗ dựa vững chắc cho người dân trong lúc nguy nan. “Vào thời điểm này, lực lượng công an chỉ có phụng sự, đó là mệnh lệnh!” – Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc nhấn mạnh.

Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Duy Ngọc phát biểu chỉ đạo tại hội nghị

Câu chuyện mà phóng viên Báo Công an TPHCM ghi nhận được từ P.Bình Trị Đông B (Q.Bình Tân) đã cho thấy, sự hy sinh của lực lượng CATP trong lúc “dầu sôi lửa bỏng” là không kể xiết. P.Bình Trị Đông B có nhiều dân ngụ cư, đa số là công nhân làm trong các khu công nghiệp, nhà máy, với 18.000 hộ, quy ra 55.000 nhân khẩu cần phải quản lý.

Thiếu tướng Lê Hồng Nam, Giám đốc Công an TPHCM phát biểu thể hiện quyết tâm một lòng phụng sự nhân dân của CATP tại hội nghị

Với đặc thù này, khi đợt dịch Covid-19 thứ 4 bùng phát, chính quyền và lực lượng Công an P.Bình Trị Đông B gặp rất nhiều khó khăn trong công tác kiểm soát, phòng chống dịch.

3 tháng nay, hầu như 100% quân số của Công an P.Bình Trị Đông B không được về nhà vì phải trực chiến, lo cho dân. Cứ mỗi ngày như thế, các anh phải “một gánh 2 vai”, vừa đảm bảo công tác quản lý được giao trên địa bàn, vừa căng mình chống dịch.

Dẫu áp lực đang gồng gánh rất nặng nề nhưng nếu ai nghe Trung tá Phạm Văn Hồng (Trưởng Công an P.Bình Trị Đông B) kể lại công việc thường ngày của anh thì có lẽ, mọi chuyện “tựa như lông hồng”.

Bởi theo anh, trách nhiệm của một chiến sỹ Công an là phải cống hiến, phải phụng sự, đi bất cứ nơi đâu, làm bất cứ điều gì dân cần và đất nước giao phó, nên dẫu có chịu thiệt thòi, hy sinh thì cũng là bình thường!

Lực lượng CATP mang nhu yếu phẩm đến với dân trong những xóm nghèo

Trung tá Hồng bộc bạch: “3 tháng rồi, cả mình và anh em trong đơn vị có được về thăm nhà đâu, vì tất cả đều phải đảm bảo trực chiến. Ngày thường, với khối lượng công việc được giao, anh em đã phải rất vất vả mới hoàn thành nhiệm vụ. Còn giờ, dịch dã tai ương, chúng tôi phải làm gấp đôi, gấp 3 cường độ”.

Trung tá Hồng đang kể ngang chừng thì thấy một đồng đội đi qua, lưng anh này ướt đẫm mồ hôi, liền gọi lại, nói ngay với chúng tôi: “Như đồng chí này, chồng lo chống dịch, vợ cũng lo chống dịch mà gia đình có tới 5 người bị F0. Đồng chí may mắn không bị “dính”, nhưng tâm lý là điều không thể nào tránh khỏi.

Vậy mà ngày nào đồng chí cũng thức dậy khi mặt trời chưa ló, đi với các lực lượng khác thực hiện công tác tuần tra, kiểm soát. Người ta hỏi lo cho người nhà không? Lo chứ sao không, nhưng vẫn hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ do cấp trên giao. Đó mới là bản lĩnh chiến sỹ”.

Không những căng mình phòng chống dịch, CATP còn quyết tâm không để dân đói. Trong ảnh: Thượng tá Lê Viết Tiệp (Trưởng phòng PX03 CATP) trao gạo, nhu yếu phẩm trong chương trình “Công an TPHCM – Hạt gạo nghĩa tình” cho người dân trong một xóm trọ tại P.Bình Trị Đông B (Q.Bình Tân)

Người mà Trưởng Công an P.Bình Trị Đông B kéo đến là Thiếu tá Đặng Đức Công, CSKV tại phường. Đáp lại sự ghi nhận của người chỉ huy, Thiếu tá Công chỉ nở nụ cười hiền lành. Anh nói rằng đó là trách nhiệm bắt buộc phải có của một người chiến sỹ công an, vậy mới xứng đáng với niềm tin mà người dân đặt trên vai.

“Là một CSKV, hàng ngày gần dân nhất, kề cận với người dân nhất, tôi hiểu dù công việc có nhọc nhằn đến đâu đi chăng nữa thì bản thân cũng phải hết lòng phụng sự vì nhân dân” – Thiếu tá Công nói.

Tăng cường về cơ sở, hết lòng lo dân

Một điểm nhấn đáng chú ý trong các kế hoạch ứng phó với dịch bệnh Covid-19 mà CATP thực hiện mới đây, đó là việc tăng cường lực lượng tuyến trên xuống cấp cơ sở để vừa tiếp sức, vừa phối hợp đồng bộ, tạo ra thế trận phòng, chống dịch bệnh vững chắc.

Trao đổi với phóng viên Báo CATP trong buổi lễ xuất quân chăm lo cho người dân tại Công an Q.Bình Tân vào sáng 2-9, Đại tá Nguyễn Sỹ Quang – Phó giám đốc CATP thông tin thêm, sau khi xin ý kiến Bộ chỉ huy tiền phương của Bộ Công an, trực tiếp là Trung tướng Nguyễn Duy Ngọc (Thứ trưởng Bộ Công an), CATP đã đưa lực lượng tăng cường cho các địa phương.

Công an TPHCM quyết tâm không để bất cứ người dân nào khó khăn mà không được giúp đỡ

Lực lượng này được điều động từ các đơn vị nghiệp vụ của CATP và các đội nghiệp vụ của quận – huyện. Tất cả sẽ được tăng cường xuống địa phương, nắm bắt các vấn đề liên quan đến công tác phòng chống dịch tại các phường – xã.

Đây là một bước đột phá, một cách làm sáng tạo của CATP, đảm bảo thế trận an ninh trật tự, nắm tình hình từ cấp cơ sở, giúp cho các phường, xã trở thành các “pháo đài” chống dịch hiệu quả, bảo vệ sức khoẻ người dân.

Mô hình này quả thực phù hợp với thực tiễn trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp như hiện nay. Cụ thể, nhiều lãnh đạo cấp Phòng thuộc CATP khi được tăng cường xuống địa phương đã phát huy rất tốt vai trò nắm bắt, không những thế còn thực hiện rất tốt công tác dân vận.

Thượng tá Lê Văn Hải, Trưởng Công an huyện Nhà Bè (người đi đầu, bên phải) trực tiếp tuần tra phòng chống dịch , bảo vệ sức khoẻ người dân

Trường hợp của đồng chí Thượng tá Huỳnh Tấn Lê – Phó trưởng phòng Tổ chức Cán bộ CATP là một minh chứng. Từ ngày được tăng cường về Công an Q3, Thượng tá Huỳnh Tấn Lê không những gắn kết, phối hợp chặt chẽ, đồng bộ với các lực lượng để thực hiện công tác nắm bắt tình hình dịch bệnh Covid-19 tại địa phương, mà còn vận dụng nhiều nguồn lực, lo cho người dân trên địa bàn Q.3 chí tình, chí nghĩa.

Chiều 29-8, cùng Ban chỉ huy Công an Q3 và Đội CSGT Công an Q3, Thượng tá Huỳnh Tấn Lê đã tổ chức trao quà, hỗ trợ người dân sống trên địa bàn P11Q3. Từng phần quà với nhiều loại thực phẩm thiết yếu được chuẩn bị chu đáo tại trụ sở công an quận, sau đó chở đến để giao tận tay người dân.

CBCS Công an TPHCM mang quà đến tận nhà dân ở huyện Nhà Bè trao tặng

Tiếp đến, ngày 30 và 31-8, Công an Q3 cùng Thượng tá Huỳnh Tấn Lê lại đến P1Q3 thăm hỏi, tặng quà cho người già neo đơn, người cao tuổi trên địa bàn phường này.

Đoàn đã đến thăm, tặng 93 suất quà cho người già neo đơn, người cao tuổi hiện đang sinh sống tại chung cư Nguyễn Thiện Thuật và các tổ dân phố, khu phố trên địa bàn. Trong đó có 5 người là mắc Covid-19, hiện đang được chính quyền địa phương theo dõi, khám chữa bệnh và chăm sóc hàng ngày.

Biểu tượng quân – dân hợp sức vượt qua đại dịch của CATP

Những món quà tuy nhỏ nhưng chan chứa bao nghĩa cử của người chiến sỹ công an. Nói về nghĩa tình dành cho bà con, Thượng tá Lê tâm sự: “Lực lượng công an chúng tôi xem đây là trách nhiệm! Ngoài những công việc trọng tâm cần phải thực hiện trước mắt mà là chống dịch thì lực lượng công an luôn quan tâm đến hoàn cảnh khó khăn hiện tại của những phận người yếu thế.

Phải nói rằng, khi thấy được điều này, lúc chúng tôi xuống đây, bà con mình rất chia sẻ và đáp lại bằng sự yêu thương. Mong rằng với cố gắng không ngơi nghỉ của cả hệ thống chính trị, sự chung sức, chung lòng của toàn quân, toàn dân, dịch bệnh sẽ sớm qua đi”.

Những việc làm của Thượng tá Huỳnh Tấn Lê thêm lần nữa tô thắm hình ảnh mà suốt thời gian qua, lực lượng công an đã không ngừng dựng xây. Quân với dân như cá với nước, có trọng dân, hiếu nghĩa với dân thì dân mới tin quý, yêu thương. Người công an dù trong thời điểm, bối cảnh nào cũng phải phụng sự, cũng vì lẽ đó…

Cúc cung phục vụ để đại dịch sớm qua mau

Tại hội nghị, Thiếu tướng Lê Hồng nam – Giám đốc Công an TPHCM (CATP) cho biết, song song với công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19, CATP còn tập trung thực hiện tốt công tác đảm bảo an ninh trật tự.

Trong 10 ngày thành phố siết chặt giãn cách xã hội, CATP đã bố trí lực lượng tổ chức 886 chốt, trạm kiểm soát phòng chống dịch bệnh Covid-19.

Đối với Công tác an sinh xã hội, công an các địa phương phối hợp các ban, ngành sở tại hỗ trợ đi chợ giúp 746.778 hộ dân, kịp thời giải quyết đời sống của người dân trong thời gian giãn cách xã hội trên địa bàn quản lý.

CATP cũng phối hợp với các ngành chức năng và chính quyền các địa phương tổ chức tuần tra, lập hồ sơ đưa về khu tập trung 1.290 trường hợp người lang thang, cơ nhỡ sinh sống nơi công cộng trên địa bàn thành phố để có biện pháp xử lý phù hợp nhằm hạn chế tối đa nguy cơ lây lan dịch bệnh trong cộng đồng.

Phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm đến ngày 15/9/2021, CATP tiếp tục tham mưu lãnh đạo các cấp và triển khai, thực hiện nghiêm túc các giải pháp phòng, chống dịch bệnh Covid-19 và đảm bảo an sinh xã hội không để người dân thiếu đói, không chỗ ở, không được chăm sóc y tế; tập trung nắm chắc tình hình tại cơ sở, nhất là tình hình an ninh trật tự, không để bị động, bất ngờ, gây bất ổn chính trị, xung động chính trị, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật...

Tất cả những việc làm của lực lượng CATP, không ngoài điều gì khác là đều hướng đến một mục tiêu: Cúc cung phục vụ cho dân, để đại dịch sớm qua mau!

Đức Nam (ghi)

Công an TPHCM điều hơn 1.000 CBCS từ các phòng nghiệp vụ đến các chốt ở quận/huyện
 

Bình luận (0)

Lên đầu trang