TPHCM: Giải pháp cho 75.000 học sinh không đủ điều kiện học tập trên internet

Thứ Bảy, 04/09/2021 20:08

|

(CAO) Theo thống kê của Sở GD-ĐT TPHCM, số lượng học sinh ở các cấp không đủ điều kiện học tập trên internet là 75.000 em (chiếm khoảng 4% học sinh toàn TP).

Chiều 4/9, Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 TPHCM (Ban chỉ đạo) tổ chức họp báo cung cấp, tuyên truyền về một số thông tin nổi bật trong công tác phòng chống dịch trên địa bàn TP 24 giờ qua.

Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Lê Hải Bình; Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo Thành uỷ Phan Nguyễn Như Khuê và Phó Ban chỉ đạo Phạm Đức Hải chủ trì họp báo. 
 

 Toàn cảnh buổi họp báo chiều 4/9. Ảnh: Khang Minh

Tại cuộc họp, lý giải về việc số ca F0 tăng kỷ lục trong ngày 3/9, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP Nguyễn Hồng Tâm cho biết, nguyên tắc công bố của Bộ Y tế là F0 phải có xét nghiệm PCR dương tính để khẳng định nhiễm SARS-CoV-2.

Thời gian qua TPHCM thực hiện chiến dịch test nhanh để bóc tách F0, test nhanh mặc dù có tính chính xác khá cao nhưng không bằng PCR, test nhanh cho kết quả nghi ngờ còn PCR cho kết quả khẳng định.

Theo ông Tâm, những ngày gần đây, số lượng test PCR dương từ 4000-5000ca/ngày, còn test nhanh từ 7000 – 8000 ca/ngày. Việc ngày 3/9 số ca xét nghiệm PCR tăng vọt là do nhiều địa phương khi thấy test nhanh dương thì làm lại xét nghiệm PCR để cho kết quả khẳng định ngay, bởi vậy số ca nhiễm khẳng định được công bố tăng vọt trong ngày.

“Số ca F0 tăng trong ngày 3/9 không có sự đột biến. Người dân không nên hoang mang, về tính chất vẫn như những ngày trước”, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP Nguyễn Hồng Tâm khẳng định.

75.000 học sinh không đủ điều kiện học tập trên internet

Thông tin về tình hình giáo dục, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Văn Hiếu cho biết do tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp nên TP không tổ chức tựu trường và khai giảng trong năm học mới 2021-2022.

Từ 6/9, học sinh THCS, THPT bắt đầu vào năm học mới, làm quen với lớp và tiếp tục củng cố sĩ số lớp, rà soát điều kiện lớp học trong 1 tuần. Lớp nào đủ điều kiện thì vào học, lớp nào chưa đủ điều kiện thì sẽ vào học trong tuần thứ 2.

Riêng cấp tiểu học tập trung ngày 8/9, sau đó có gần 2 tuần để làm quen bạn bè, lớp học, ôn tập củng cố, hướng dẫn học sinh lớp 1 làm quen môi trường mới.

Theo thống kê của Sở, số lượng học sinh ở các cấp không đủ điều kiện học tập trên internet là 75.000 em (chiếm khoảng 4% học sinh toàn TP). Trong đó, tiểu học nhiều nhất với 31.000 em; trung học cơ sở 22.000 em, trung học phổ thông 15.000 em.

 Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Văn Hiếu thông tin tại họp báo. Ảnh: Khang Minh

Để khắc phục vấn đề này, Sở đề xuất thực hiện các nhóm giải pháp cụ thể như sau:

Nhóm giải pháp thứ 1, Sở Giáo dục và Đào tạo đang phối hợp với Đài Truyền hình TP triển khai sớm nhất việc dạy – học trên truyền hình. Trong tháng 9/2021, sẽ ưu tiên các nội dung dạy cho học sinh kỹ năng tự học, hướng dẫn phụ huynh cùng tham gia, hỗ trợ con em mình học trên internet. Về nội dung theo chương trình, sẽ có ưu tiên thời lượng cho các khối lớp nhỏ, các lớp theo Chương trình GDPT 2018 và các lớp cuối cấp.

Đồng thời, kho tài liệu trực tuyến đã được Sở xây dựng từ năm 2020 tiếp tục được bổ sung, cập nhật, đảm bảo cung cấp tài liệu học tập cho học sinh và phụ huynh các cấp.

Nhóm giải pháp thứ 2 là hỗ trợ điều kiện học trực tuyến cho học sinh (đường truyền, thiết bị, hoàn cảnh đặc biệt khó khăn…). Các trường đã chủ động vận động các mạnh thường quân đóng góp, hỗ trợ cung cấp các trang thiết bị phục vụ việc dạy-học trực tuyến trong nhà trường.

Trong thời gian sắp tới, Sở Giáo dục và Đào tạo sẽ tiếp tục làm việc với các đơn vị viễn thông; các nhà cung cấp nhằm hỗ trợ các gói đường truyền, gói mua giảm giá hoặc trả góp các thiết bị nhằm đảm bảo đủ thiết bị, đường truyền phục vụ dạy – học trực tuyến cho học sinh.

Trong trường hợp học sinh quá khó khăn, không thể tiếp cận việc học trực tuyến bằng các hình thức trên; các trường sẽ thực hiện các phiếu học tập. Trong tuần giáo viên sử dụng hệ thống của ngành để tiếp cận, đưa các phiếu học tập đến cho học sinh, đảm bảo các em nắm bắt được bài học, đảm bảo tiến độ học tập. Những học sinh này sẽ được đánh giá, kiểm tra và tạo điều kiện quan tâm, kèm cặp riêng ngay khi có điều kiện học trực tiếp để bù đắp những hạn chế gặp phải.

Nhóm giải pháp thứ 3 là chuẩn bị kế hoạch đảm bảo chất lượng giảng dạy khi học sinh nhập học trở lại.

Khi thành phố kiểm soát tốt dịch bệnh, các cơ sở giáo dục dần được giải phóng khỏi nhiệm vụ phòng, chống dịch, ngành Giáo dục và Đào tạo sẽ nỗ lực đẩy nhanh tiến độ cho trẻ đến trường, tranh thủ “khoảng thời gian vàng”, ưu tiên các khối lớp 1, 2, đầu và cuối cấp chia nhỏ lớp để học trực tiếp, các khối khác tiếp tục học trực tuyến đến khi ổn định trở lại. Trường hợp việc học trực tuyến kéo dài, Sở Giáo dục và đào tạo sẽ nghiên cứu tham mưu sử dụng các tuần dự trữ, kéo dài thêm năm học, nhất là cho các lớp 1, 2 và đầu cấp để đảm bảo chương trình và kết quả học tập.

Thành phố chỉ đạo việc triển khai dạy - học không được gây áp lực, quá tải cho học sinh; phải triển khai linh hoạt, chậm, chắc, bám sát thực tiễn của từng địa phương, từng cơ sở giáo dục, không nóng vội, không chủ quan, không cào bằng; thường xuyên giám sát, kiểm tra, điều chỉnh kế hoạch, tiến độ một cách phù hợp.

Liên quan đến việc có nên rời khai giảng đến ngày 15/9 mà báo chí nêu, Phó Ban chỉ đạo Phạm Đức Hải cho rằng trên tinh thần bảo vệ sức khỏe nhân dân là trên hết, là ưu tiên. Nhưng cần phải tuyên truyền cho giáo viên, học sinh nắm rõ dù khó khăn đến đâu cũng tiếp tục thi đua dạy tốt, học tốt. Việc khai giảng sẽ triển khai theo đúng kế hoạch của Sở Giáo dục và Đào tạo TP đã nêu.

“Thực tiễn cho thấy trong hoàn cảnh chiến tranh đất nước vẫn duy trì việc học tập. Lịch sử chứng minh không có thách thức nào vượt qua hơn tinh thần hiếu học, không khó khăn nào có thể làm chùn bước ý chí quyết tâm mài dùi kinh sử, chinh phục tri thức”, ông Hải nhấn mạnh.

Đề cao cảnh giác với tội phạm mạng

Thông tin về tình hình an ninh trật tự, Thượng tá Lê Mạnh Hà, Phó Trưởng phòng Tham mưu Công an TPHCM cho biết, từ ngày 23/8 đến ngày 4/9 TP đã xảy ra 19 vụ phạm pháp hình sự (giảm khoảng 85% so với trung bình của năm 2020). Qua thống kê cho thấy, số vụ trộm cắp tài sản chiếm phần lớn.

Ngoài ra, Thượng tá Lê Mạnh Hà cảnh báo người dân cần đề cao cảnh giác với một số hình thức phạm tội phổ biến trong giai đoạn dịch bệnh hiện nay như lừa đảo bán hàng qua mạng, tổ chức đánh bạc, tham gia cá cược online, lừa đảo ngân hàng… 

 Thượng tá Lê Mạnh Hà thông tin về tình hình an ninh, trật tự trên địa bàn TP. Ảnh: Khang Minh

Về tình hình giao thông, theo thống kê từ 23/8 đến 4/9, tại TP xảy ra 6 vụ tai nạn giao thông, giảm 2 vụ so với cùng kỳ. Tuy nhiên, việc giảm tai nạn giao thông nghiêm trọng chưa tương xứng với tình hình chung.

Do đó, Thượng tá Lê Mạnh Hà cảnh báo người dân đặc biệt lưu tâm khi lưu thông trên đường vắng, không chạy quá tốc độ, thiếu quan sát để giảm thiểu gây tai nạn giao thông nghiêm trọng.

Việc hỗ trợ người dân TP về quê, đại diện Công an TP cho biết, từ khi bùng phát dịch đến nay Công an TP đã nhận hỗ trợ 21 tỉnh thành, đưa 76 lượt người dân về quê.

“Trường hợp di chuyển về quê phải liên hệ tổ chức cơ quan, được sự đồng ý của địa phương để địa phương có văn bản trao đổi với UBND TPHCM. Người dân nên tránh tự di chuyển sẽ không đảm bảo an toàn”, Thượng tá Lê Mạnh Hà lưu ý thêm thông tin tại cuộc họp.

Về tình hình quét mã QR tại chốt kiểm soát, đại diện Công an TP cho biết, sau khi thí điểm sử dụng cho thấy việc quét mã QR có nhiều ưu điểm như việc xử lý thông tin và kiểm tra nhanh, giữ được khoảng cách an toàn và giảm thiểu tiếp xúc giữa cán bộ chiến sĩ với người dân, dễ dàng xác thực thông tin cá nhân di chuyển với kho lưu trữ.

Tuy nhiên vẫn còn tồn tại vài điểm hạn chế như gây bất tiện cho người lái xe ô tô do cabin xe có chiều cao khác nhau, ngoài ra việc triển khai cần đầu tư máy tính để kết nối... Thời gian tới Công an TP sẽ mở rộng mô hình này tại các chốt kiểm soát trên địa bàn TP...

Bình luận (0)

Lên đầu trang