(CAO) Trước mắt lực lượng tại chỗ dùng gùi cõng lương thực tiếp tế cho người dân bị cô lập, khi thời tiết cho phép sẽ dùng trực thăng để thả hàng.
Tại cuộc họp sáng nay bàn về phương án tiếp tế lương thực cho hơn 3.000 người dân ở huyện Phước Sơn bị nước lũ chia cắt, cô lập mấy ngày qua, Trưởng ban Nội chính Tỉnh ủy Quảng Nam Nguyễn Mạnh Hà nêu phương án tập kết hàng bằng gùi cõng đường bộ đến khu vực giáp ranh với xã Phước Thành, sau đó tời bằng ròng rọc lên đỉnh đồi để dân quân, lực lượng xung kích của xã Phước Thành tiếp nhận và gùi cõng về cho các thôn. Đối với xã Phước Lộc cũng sử dụng ròng rọc để tời hàng qua đoạn sông cho lực lượng tại chỗ nhận và đưa về các thôn còn lại.
“Do tình hình mưa lớn, vẫn còn nhiều điểm sạt lở nên hiện nay tạm dừng sử dụng quân đội. Huy động dân quân và người dân địa phương quen đi rừng, am hiểu địa hình để gùi cõng lương thực, nhu yếu phẩm thiết yếu cho dân để đảm bảo an toàn trong quá trình tiếp tế” - ông Nguyễn Mạnh Hà nêu phương án.
Trưởng ban Nội chính Tỉnh ủy Nguyễn Mạnh Hà nêu phương án trước mắt dùng lực lượng tại chỗ gùi cõng lương thực và đưa vào các xã cô lập bằng ròng rọc. Ảnh: Báo Quảng Nam
Về phương án đường hàng không, Đại tá Nguyễn Việt Hùng - Phó Trưởng phòng Quân huấn Sư đoàn Không quân 372 thông tin, hàng hóa đã chuẩn bị sẵn ở sân bay Đà Nẵng, trực thăng sẽ cất cánh khi điều kiện thời tiết cho phép.
“Quá trình vận chuyển mỗi chuyến hàng cả đi và về mất hơn 1 tiếng đồng hồ, không hạn chế số lần bay từ 7 giờ sáng đến 17 giờ khi thời tiết thuận lợi. Mỗi chuyến bay có thể chở hơn 1 tấn hàng tiếp tế cho dân” - Đại tá Nguyễn Việt Hùng nói.
Sau khi nghe báo cáo của các lực lượng liên quan, Thượng tá Lê Trung Thành, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Quảng Nam, Chỉ huy trưởng Sở chỉ huy tiền phương tại Phước Sơn kết luận sẽ sử dụng lực lượng tại chỗ của các xã. Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh và Quân khu 5 cử trợ lý công binh đi cùng đoàn dân quân, xung kích để khảo sát, thiết lập đường vận chuyển. Đồng thời Sư đoàn 372 triển khai bay thả hàng tiếp tế ngay khi điều kiện thời tiết cho phép.
Thượng tá Lê Trung Thành nêu rõ: Khi thời tiết thuận lợi thì việc cứu trợ bằng máy bay là rất cần thiết, sẽ là nguồn cứu trợ chính, còn hiện tại thì phải theo phương án gùi cõng hàng hóa bằng đường mòn vượt núi. Trên cả 2 mũi tiếp cận xã Phước Lộc và xã Phước Thành, lực lượng công binh cùng tiểu đội tiền trạm phải đi trước để khắc phục những điểm quá khó khăn trên đường rừng. Sau đó các đội gùi hàng của dân quân phải chia nhóm, đi theo từng đoạn để giữ sức. Hệ thống liên lạc phải dùng bộ đàm vì sóng điện thoại rất yếu.
Lực lượng dân phòng địa phương am hiểu về đường đi, các điểm sạt lở nên sẽ đi những chuyến đầu, cắm cờ tại các điểm nguy hiểm, chuẩn bị sẵn dây cáp, ròng rọc để dân quân kéo hàng qua các điểm nguy hiểm. Sau khi đường đi an toàn sẽ tiếp tục huy động lực lượng bộ đội hành quân qua để tiếp cận, cứu trợ đồng bào vùng bị chia cắt.
Trong ngày 31/10, tất cả lương thực thực phẩm phải tập kết về xã Phước Công, Phước Kim sẵn sàng. Sáng sớm 1/11 sẽ bắt đầu những chuyến gùi hàng đầu tiên.
“Người dân ở 2 xã cô lập (Phước Thành, Phước Lộc) trước mắt sẽ còn gặp nhiều khó khăn, nên hàng hóa tiếp tế càng nhiều càng tốt. Hiện tại phải khẩn trương triển khai cả 2 phương án tiếp tế: đường bộ và đường hàng không. Xã Phước Lộc tiếp tục sử dụng lực lượng tại chỗ để tìm kiếm 6 người dân còn mất tích sau vụ sạt lở. Đối với thủy điện Đăk Mi 2, kiên quyết đưa tất cả công nhân, cán bộ ra khỏi khu vực bị cô lập, tuyệt đối không để người ở lại để đảm bảo an toàn” - Thượng tá Lê Trung Thành nói.
Hiện 50 tấn gạo trong số 100 tấn do tỉnh phân bổ đã lên tới Phước Sơn và sẽ tiếp tục vận chuyển 50 tấn còn lại trong ngày hôm nay. Chính quyền địa phương cũng chuẩn bị đủ nhu yếu phẩm, thực phẩm để sẵn sàng triển khai tiếp tế theo 2 phương án thống nhất tại cuộc họp...
Bão số 9 làm 27 người chết, 50 người mất tích, 67 người bị thương
Sáng 31/10, tại Sở Chỉ huy tiền phương ở huyện Bắc Trà My (Quảng Nam), Trung tướng Thái Đại Ngọc, Tư lệnh Quân khu 5 họp khẩn, chỉ đạo tăng cường lực lượng, đẩy nhanh tiến độ tìm kiếm người mất tích trong vụ sạt lở đất ở xã Trà Leng, huyện Nam Trà My, đồng thời bảo an toàn tuyệt đối cho lực lượng tham gia tìm kiếm.
Ngày 30/10, Trung tướng Thái Đại Ngọc, nguyên Cục trưởng Cục Tác chiến, Bộ Tổng Tham mưu, vừa tiếp nhận chức vụ Tư lệnh Quân khu 5 từ người tiền nhiệm - Trung tướng Nguyễn Long Cáng chuẩn bị nghỉ hưu.
Theo đó, 30/10, Bộ Quốc phòng đã huy động 10.420 cán bộ, chiến sỹ (tăng 4.160 cán bộ, chiến sỹ so với ngày 29/10) và 243 phương tiện, thiết bị (tăng 223 phương tiện, thiết bị so với ngày 29/10) tham gia tìm kiếm cứu nạn và giúp nhân dân khắc phục hậu quả thiên tai.
Theo báo cáo mới nhất của Văn phòng Thường trực Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tại, tổng hợp từ các địa phương, thiệt hại do bão số 9 và mưa lũ tính đến 7h00 ngày 31/10/2020 như sau:
Đã có 27 người chết, tăng 04 người so với 29/10. Trong đó, Quảng Nam 23 người, gồm: Nam Trà My 17 người (tăng 02 người tìm thấy ở Trà Leng); Bắc Trà My 01 người; Phước Sơn 05 người. Gia Lai 01 người, Đắk Lắk 01 người. Nghệ An: 02 người (tăng 02 người)
50 người còn mất tích (tăng 03 người so với báo cáo 29/10), gồm: Quảng Nam 22 người (Nam Trà My: 13; Phước Sơn: 08, Hiệp Đức 01); Bình Định 23 người; Nghệ An 04 người , Kon Tum 01 người .
Người bị thương: 67 người (tăng 22 người so với báo cáo ngày 29/10) gồm: Quảng Nam 46 người (Nam Trà My 46 người); Bình Định 17 người, Nghệ An 03; Kon Tum 01 người.
Đã sơ tán 4.115 hộ dân ra khỏi khu vực bị ngập lụt và nguy cơ sạt lở đất (Nghệ An 2.916 hộ, Hà Tĩnh 1.199 hộ).
H.Quân - N.Trung - H.Đường