Xem xét cơ chế vượt trội cho thành phố Thủ Đức

Thứ Sáu, 30/10/2020 19:59  | Đào Giang

|

(CAO) Chiều 30/10, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng, người phát ngôn của Chính phủ chủ trì, cùng lãnh đạo các bộ ngành đã tham gia trả lời các câu hỏi của báo chí tại buổi họp báo Chính phủ.

Tại buổi họp báo, liên quan đến Đề án chính quyền đô thị tại TPHCM, trả lời câu hỏi của báo giới về nhiệm vụ, quyền hạn của thành phố Thủ Đức chưa thực sự khác biệt so với các đơn vị hành chính cấp quận hiện nay, Bộ Nội vụ có đề xuất gì mới về cơ chế, chính sách đặc thù vượt trội, Thứ trưởng Nguyễn Duy Thăng cho biết, theo Nghị quyết số 653/2019/UBTVQH14 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Nghị quyết của Chính phủ về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện và cấp xã giai đoạn 2019 – 2021, đối với các đơn vị cấp huyện, cấp xã đồng thời không đạt 50% hai chỉ tiêu về quy mô dân số và diện tích sẽ được sắp xếp lại.

Riêng TPHCM đề nghị được lùi thời điểm sắp xếp huyện, xã để thực hiện đồng thời với việc xây dựng chính quyền đô thị (Đề án và dự thảo Nghị quyết xây dựng chính quyền đô thị tại TPHCM đang được Chính phủ trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV).

Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng chủ trì họp báo. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Theo tinh thần như vậy, hiện nay, TPHCM đang thực hiện sắp xếp lại đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã không đạt đồng thời 50% hai chỉ tiêu về quy mô dân số và diện tích. Trong quá trình này TP đề xuất thành lập thành phố Thủ Đức (thành phố nằm trong lòng thành phố trực thuộc Trung ương, đây là mô hình đã được Luật Chính quyền địa phương đã quy định). Trên cơ sở đó, Bộ Nội vụ đã báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và đang phối hợp cùng các bộ liên quan, UBND TPHCM trình Chính phủ ban hành nghị định sao cho phù hợp.

Về cơ chế vượt trội, năm 2017 Quốc hội đã ban hành Nghị quyết 54/2017/QH14 về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM. Sắp tới, việc thực hiện Nghị quyết này sẽ được tổng rà soát lại để đánh giá 3 năm thực hiện nhằm có cơ sở ban hành một cơ chế phù hợp với mô hình chính quyền đô thị, phù hợp với tinh thần chỉ đạo của Trung ương là phân biệt mô hình tổ chức, hoạt động, thẩm quyền của chính quyền đô thị, nông thôn, hải đảo và đơn vị kinh tế đặc biệt.

*Tại buổi họp báo, báo giới cũng đề cập đến thông tin trả lương cho ông Lê Vinh Danh (Trường Đại học Tôn Đức Thắng) có sự chênh lệch lớn trong cách phân phối thu nhập của hiệu trưởng và các giảng viên, nhân viên của nhà trường, gây xôn xao dư luận và đề nghị lãnh đạo Bộ Nội vụ giải đáp về quy định của pháp luật hiện nay đối với vấn đề lương tại các trường đại học, cũng như tại Trường Đại học Tôn Đức Thắng, việc trả lương cao như vậy có phù hợp không.

Theo Thứ trưởng Bộ Nội vụ, các đơn vị sự nghiệp công lập nói chung và trường đại học nói riêng thực hiện cơ chế tự chủ tài chính theo Nghị định 16/2015/NĐ-CP (quy định cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập), cơ chế tự chủ về tổ chức bộ máy theo Nghị định 120/2020/NĐ-CP (quy định về thành lập, tổ chức lại, giải thể đơn vị sự nghiệp công lập) và tự chủ về nhân sự theo Nghị định 106/2020/NĐ-CP của Chính phủ (quy định về về vị trí việc làm và số lượng người làm việc trong đơn vị sự nghiệp công lập).

Đối với các đơn vị như Trường Đại học Tôn Đức Thắng, nếu tự chủ chi thường xuyên và chi đầu tư đã có Nghị định 16 quy định rất chi tiết về nguồn thu, chi. Theo tinh thần Nghị quyết 27 của Hội nghị Trung ương 7 khóa XII về cải cách tiền lương, những đơn vị sự nghiệp tự chủ chi thường xuyên, chi đầu tư được áp dụng cơ chế quản trị và trả lương như doanh nghiệp trên cơ sở quy định của pháp luật và quy chế chi tiêu nội bộ.

Còn mức chi cụ thể, Bộ Nội vụ và Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam sẽ xem xét kỹ các con số xem có phù hợp với quy định của Nghị định 16/2015/NĐ-CP và hướng dẫn của Bộ Tài chính hay không...

Bình luận (0)

Lên đầu trang