Thông tin tại cuộc họp cho biết, đây không chỉ là sạt lở đất mà còn là một vụ lũ quét, rất nguy hiểm cho công tác tìm kiếm cứu nạn.
Vụ sạt lở này xảy ra vào chiều tối 28-10, tại thôn 3 (thôn 6 cũ) xã Phước Lộc, huyện Phước Sơn (giáp ranh với tỉnh Kon Tum) vùi lấp 11 người, hiện mới tìm được 5 thi thể.
Trước mắt, việc tiếp cận hiện trường của lực lượng bên ngoài rất khó khăn và nguy hiểm do có nhiều điểm sạt lở, suối chảy siết nên có khả năng gây thương vong cho đoàn tìm kiếm cứu nạn.
Dự kiến, nếu thời tiết thuận lợi, lực lượng quân đội có thể đưa máy bay để tiếp cận hiện trường nhanh nhất.
Ông Nguyễn Mạnh Hà, Trưởng ban Ban Nội chính Tỉnh ủy Quảng Nam, Trưởng ban Ban Chỉ đạo tiền phương tìm kiếm cứu nạn, cho biết: Theo báo cáo hiện trường, thôn 3 nằm ở sườn núi, 2 bên có 2 con suối, khi suối tràn thành lũ quét thì đi thẳng vào làng, nước suối dâng cao tới 3, 4 mét. Công tác cứu hộ tại chỗ gặp nhiều cản trở.
Việc tiếp cận hiện trường của lực lượng cứu hộ từ bên ngoài đến xã Phước Lộc cũng gặp khó khăn, nguy hiểm do trên hành trình di chuyển có nhiều điểm sạt lở, nước suối chảy xiết. Trong ngày 29/10 lực lượng chức năng đã rất cố gắng nhưng vẫn cách hiện trường khoảng 45 km.
Hiện tại ở thôn 3 có 101 người dân, còn 4 căn nhà bị hư hại, các ngôi nhà khác đã bị đất, đá vùi lấp, thiếu thức ăn, nước sạch. Sáng 30/10 chính quyền xã Phước Lộc đã cử đoàn tiếp tế lương thực - thực phẩm đến thôn 3.
Theo ông Hà, tất cả các tuyến đường vùng cao ở huyện Phước Sơn đều bị sạt lở ở nhiều điểm, nếu tình trạng này kéo dài thì người dân ở các khu vực bị cô lập sẽ lâm vào tình trạng thiếu lương thực trầm trọng. Xã Phước Lộc chỉ còn 4 tấn gạo dự trữ do lương thực của người dân đã bị lũ cuốn trôi, xã Phước Thành còn 700 kg gạo do chính quyền xã đang quản lý. Huyện đang có phương án tập kết lương thực về xã Phước Kim để cứu đói cho 2 xã trên khi điều kiện thời tiết cho phép.
Sở Chỉ huy tiền phương tìm kiếm cứu nạn tại huyện Phước Sơn cho biết, 217 công nhân bị mắc kẹt tại Nhà máy thủy điện Đăk Mi 2 do cầu bắc qua sông Đăk Mi bị gãy, đã được cung cấp lương thực- thực phẩm bằng cáp treo. Lực lượng chức năng đang tính đến phương án đưa công nhân thoát ra ngoài cũng bằng cáp treo.
Hiện trường một vụ sạt lở ở huyện Phước Sơn
Về vụ lở núi tại thôn 1, xã Trà Leng, huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam, ông Hồ Quang Bửu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho biết, sau một ngày nỗ lực tiếp cận hiện trường, đến chiều 29/10, các lực lượng tìm kiếm cứu nạn cứu hộ sau khi tiếp tục đi bộ gần 4 km đã đến được thôn 1, xã Trà Leng. Họ đã cùng với người dân địa phương đã tìm 33 người còn sống (12 người bị thương nặng) và 6 thi thể, đều là người dân ở thôn 1, xã Trà Leng. Những người bị thương đang được đưa đi cấp cứu tại Trung tâm Y tế huyện Bắc Trà My. Thi thể những người thiệt mạng đã được bàn giao cho người thân và chính quyền để lo hậu sự theo phong tục địa phương.
Vụ sạt lở đất này đã làm 11 nhà dân bị vùi lấp. "Nguyên nhân sự cố kinh hoàng này bước đầu được xác định là do lũ ống dẫn đến sạt lở núi", Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Hồ Quang Bửu cho biết thêm.
Hiện tại ở xã Trà Leng vẫn còn 14 người mất tích. Thiếu tướng Nguyễn Đình Tiến, Phó Tư lệnh Quân khu 5 đang tiếp tục chỉ huy công tác tìm kiếm cứu nạn, trong khi đó đường đến xã Trà Leng vẫn còn hơn 3 km bị sạt lở nặng, gây ách tắc giao thông.
Trong đêm 29/10, các phương tiện cơ giới hạng nặng đã được ngành giao thông tỉnh Quảng Nam tăng cường để san ủi bùn đá, dọn dẹp cây cối đổ ngã, thông đường để các lực lượng tìm kiếm cứu nạn vào hiện trường, đẩy nhanh công tác tìm kiếm, cứu hộ...
Về vụ sạt lở ở xã Trà Vân, huyện Nam Trà My, ngày 29/10, người dân cùng chính quyền địa phương đã tổ chức an táng cho 8 nạn nhân tử vong.
Như CAO đã đưa tin, do bão số 9, tối 28-10, có 20 người dân của 3 hộ gia đình: anh Đinh Văn Thiều, Vũ Văn Nam và Vũ Văn Trường của nóc Ông Sinh (thôn 1, xã Trà Vân) di tản đến nhà anh Đinh Văn Thiều để tránh trú bão.
Mưa to, gió lớn dẫn đến xảy ra lũ quét và sạt lở đất khiến căn nhà của anh Đinh Văn Thiều đổ sập, vùi lấp nhiều người. Hậu quả có 8 người mất tích; 12 người may mắn thoát nạn nhưng nhiều bị thương nặng đã được lực lượng chức năng đưa ra ngoài, di chuyển đến bệnh viện cấp cứu, điều trị.
8 người mất tích thi thể được tìm thấy sau đó, gồm: hộ anh Thiều có 4 người chết (có 1 trẻ mới sinh); hộ anh Nam có 3 người chết (có 1 học sinh lớp 5, 1 học sinh lớp 7); hộ anh Trường có 1 người chết (là học lớp 2).
Danh tính 8 nạn nhân là: 1. Đinh Văn Thiều (SN 1993); 2. Vũ Thị Kim Hồng (SN 1990); 3. Đinh Thị Thiên Ân (SN 2020); 4. Đinh Thị Mai Hương (SN 2016); 5. Vũ Văn Nam (SN 1983); 6. Vũ Thị Nhung (SN 2008); 7. Vũ Thị Thảo (SN 2010); 8. Vũ Ngọc Trãi (SN 2013).
Các thi thể được chính quyền, người dân địa phương án táng tại những hố chôn tập thể riêng của 3 gia đình, theo phong tục tại địa phương…