Vướng mắc lớn nhất là chưa kiểm soát được quyền lực

Thứ Sáu, 30/10/2020 19:35  | Hải Triều

|

(CAO) GS. Võ Đại Lược nêu quan điểm khi góp ý vào các dự thảo văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII diễn ra hôm nay (30/10). Hội nghị do Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tổ chức dưới sự chủ trì của Trưởng ban Dân vận Trương Thị Mai và Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn.

Các đại biểu dự hội nghị

Cơ chế xin - cho chưa thay đổi

Là người đầu tiên góp ý, GS. Võ Đại Lược, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế thế giới, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội cho rằng, đây là giai đoạn xuất hiện những điểm mới chưa từng có trong mấy chục năm qua. Tuy nhiên, theo GS. Võ Đại Lược, đối chiếu với các dự thảo văn kiện ông thấy chưa đáp ứng được tình hình mới.

“Những cái chúng ta dự thảo trong các văn kiện là “ít điều mới”, có điều mới nhưng là cụ thể hóa các quan điểm đã có, còn quan điểm, tư duy không có gì mới” – GS. Võ Đại Lược nhìn nhận.

GS Võ Đại Lược.

Đi sâu phân tích, GS. Võ Đại Lược đề xuất, ban soạn thảo cần thay đổi quan điểm. Theo GS, Đảng ta đã thành công trong đổi mới kinh tế nhưng đổi mới chính trị chưa đi kịp với kinh tế, chính trị chưa kiểm soát được quyền lực, chưa có giải pháp để triển khai được điều này, cơ chế xin - cho chưa thay đổi, chỉ giải quyết được hệ quả nhưng chưa giải quyết được nguồn gốc.

“Bây giờ đã đến lúc chúng ta đổi mới chính trị, làm sao đi kịp với kinh tế. Chính trị như hiện nay cái vướng mắc nhất, như Tổng Bí thư nói rồi, là không kiểm soát được quyền lực, mà đến giờ này chưa có giải pháp nào làm việc này” – GS Võ Đại Lược chỉ ra.

Cho ý kiến vào lĩnh vực đột phá đã được đề cập trong văn kiện, ông Trần Hải Linh, Ủy viên Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nhân & Đầu tư Việt Nam - Hàn Quốc (VKBIA) thông tin, hiện học sinh tốt nghiệp các trường trung học phổ thông ở nước ta không thua kém với trình độ học sinh trung học các nước khác. Để có nguồn nhân lực chất lượng cao, cần phân tách ra 2 mô hình, là đại học nghiên cứu và đại học, cao đẳng chuyên đào tạo nghề mà xã hội đang cần.

Ông Linh cũng kiến nghị cần giao quyền phong giáo sư và phó giáo sư cho các trường đại học theo mô hình giống như các nước phát triển đã và đang làm.

“Cần giao trách nhiệm và trao niềm tin cho đội ngũ trí thức Việt Nam ở nước ngoài, tạo các cơ hội để cho họ cống hiến và chứng minh khả năng trên quê hương mình, cần thành lập một số nhóm nghiên cứu cho một số lĩnh vực trọng tâm ưu tiên cho công nghệ mang tính ứng dụng cao, nhanh ra sản phẩm cụ thể, cấp cho họ khoản kính phí hoạt động ban đầu nhất định” – ông Linh nêu quan điểm.

Đổi lại, theo ông Linh, đội ngũ trên phải đáp ứng được yêu cầu công việc là hợp tác được với nhau thành những nhóm nghiên cứu mạnh, nhận những nhiệm vụ cụ thể, ra sản phẩm cụ thể và chịu những trách nhiệm cam kết ra kết quả cụ thể.

“Là những người đang sinh sống, làm việc, nghiên cứu và học tập tại Hàn Quốc, cũng là những người luôn theo dõi bước chuyển mình của quê hương, chúng tôi có một niềm tin mạnh mẽ là Việt Nam sẽ tạo ra những “kỳ tích” như Hàn Quốc. Chỉ cần tổ quốc gọi, chúng tôi sẵn sàng đáp ứng” - ông Trần Hải Linh khẳng định.

Lúng túng trong lựa chọn triết lý giáo dục

Ghi nhận vai trò của văn hóa trong sự nghiệp phát triển đất nước đã được đặt ra trong Báo cáo chính trị, song Thượng tọa Thích Đức Thiện, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội đồng Trị sự GHPG Việt Nam, Ủy viên Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, chúng ta chưa thực sự có những quyết sách chiến lược, những cơ chế cụ thể mở đường để văn hóa thực sự là sức mạnh nội sinh phát triển đất nước.

Thượng tọa Thích Đức Thiện.

“Để phát huy niềm tự hào dân tộc, niềm tin, khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, khát vọng về một Việt Nam hùng cường thì nhân tố quyết định là ở xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc” - Thương toạ Thích Đức Thiện nhận định.

Đề cập đến vấn đề bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, Thượng toạ Thích Đức Thiện yêu cầu dự thảo Báo cáo chính trị cần quan tâm đến những nội dung này, vì hệ lụy của nó vô cùng nguy hiểm, có thể làm tiêu tan những thành quả mà con người đã dày công bỏ ra để xây dựng một thế giới giàu đẹp.

Ở góc độ khác, TS. Khuất Thu Hồng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển xã hội, Uỷ viên UBTƯ MTTQ Việt Nam phản ánh, khoa học xã hội (KHXH) chưa được quan tâm thích đáng, xứng tầm và đúng vai trò của lực lượng góp phần xây dựng nền tảng tư tưởng và lý thuyết định hướng cho sự phát triển của đất nước.

TS Khuất Thu Hồng

Theo bà Hồng, nhiều vấn đề xã hội nổi cộm xảy ra trong thời gian vừa qua phần nào phản ánh việc KHXH chưa làm tròn trách nhiệm, vai trò của mình. Tình trạng cải cách giáo dục nhiều lần trong mấy chục năm qua nhưng vẫn tiếp tục khiến người dân lo lắng, bức xúc, hay việc hàng tỷ đô la chảy ra nước ngoài theo con đường du học cũng là một minh chứng cho sự lúng túng trong việc xác định một triết lý giáo dục con người đúng đắn.

“Đó là nhiệm vụ chưa hoàn thành của KHXH” – TS. Hồng nhì nhận và cảnh báo, nếu KHXH tiếp tục ít được quan tâm, ít được lắng nghe thì việc tham mưu cho Đảng và Chính phủ xây dựng một xã hội văn minh, hiện đại, dân chủ như đã đề ra nhiều năm nay sẽ là nhiệm vụ bất khả thi.

Bình luận (0)

Lên đầu trang