Theo đánh giá của Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn, các cơ sở y tế của TPHCM điều trị COVID-19 hiện đang thiếu lực lượng trầm trọng.
Ông cho một ví dụ cụ thể như: “Để vận hành một bệnh viện hồi sức 1.000 giường điều trị bệnh nhân mắc COVID-19 nặng và nguy kịch tại TPHCM, ngành y tế ước lượng riêng về hồi sức sẽ cần tới 1.362 nhân viên y tế, chưa kể đến các lực lượng hậu cần và vệ sinh dịch tễ khác”.
Chính vì vậy mà gần đây, Ban chỉ đạo phòng chống dịch TPHCM cũng đã đề nghị Sở Y tế tham mưu việc vận động sử dụng các bệnh nhân Covid-19 đã hoàn thành điều trị tham gia tình nguyện phục vụ phòng chống dịch.
Lực lượng Y tế dù rất quyết tâm, sẵn sàng chịu đựng hy sinh, nhưng hiện nay đang rơi vào quá tải, rất cần được chia sẻ
Mới đây, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 TPHCM cũng có công văn khẩn về đẩy mạnh một số biện pháp cấp bách phòng chống dịch. Theo đó, TP yêu cầu Giám đốc Sở Y tế tham mưu Ban chỉ đạo việc vận động, sử dụng các bệnh nhân Covid-19 đã khỏi bệnh để tham gia tình nguyện cùng phục vụ phòng chống dịch.
Khó khăn hiện nay của cả nước nói chung và TPHCM nói riêng là số lượng bệnh nhân Covid-19 nặng chưa thuyên giảm, tình hình dịch diễn biến phức tạp, nên nhân viên y tế đã và đang trong tình trạng quá tải về sức khỏe lẫn tinh thần…, nên hiện rất cần nhiều hoạt động thiết thực để khích lệ, tiếp sức trong cuộc chiến chống dịch Covid-19 trong đó rất cần đến lực lượng F0 được chữa trị khỏi.
Phó Giám đốc Sở Y tế TPHCM Tăng Chí Thượng cho biết, hiện nay khi số ca F0 liên tục tăng cao, đã tạo nên áp lực rất lớn cho khối điều trị cũng như khối văn phòng phục vụ. Cũng theo ông Thượng, nhu cầu nhân lực cho công việc điều trị hiện tại là rất lớn, thêm vào đó khi số ca mắc gia tăng thì số trường hợp bệnh nhân nặng cần sự hỗ trợ cũng sẽ gia tăng tương ứng.
Phòng chống dịch bệnh, điều trị bệnh nhân COVID-19 đòi hỏi rất nhiều nhân lực
Theo các chuyên gia, các trường hợp F0 được điều trị khỏi bệnh thì nguy cơ tái nhiễm không cao, ít nhất là trong vòng 6 tháng sau khi khỏi bệnh. Do đó, việc họ tình nguyện tham gia công tác phòng chống dịch là điều đáng khuyến khích và cần nhân rộng bởi những trường hợp F0 đã khỏi bệnh rất thông thạo các công đoạn chăm sóc người bệnh nên không cần phải chỉ dẫn quá nhiều. Và việc huấn luyện cơ bản những kiến thức về theo dõi tình trạng oxy máu, tình trạng khó thở của người bệnh cũng sẽ dễ dàng hơn.
Nhân viên y tế không thể lúc nào cũng cận kề bệnh nhân, do đó tổ tự quản F0 là cánh tay nối dài để phát hiện kịp thời các thay đổi bất thường nơi bệnh nhân trong khu vực của mình quản lý và báo ngay cho bác sỹ, nhân viên y tế xử lý. Từ đó, giảm đáng kể áp lực cho đội ngũ y bác sỹ.
Thạc sỹ, bác sỹ Lâm Hoàng Cát Tiên, Bệnh viện Nguyễn Tri Phương (TPHCM), cho biết, nghiên cứu đăng trên tạp chí Bệnh truyền nhiễm (thuộc Hội Bệnh truyền nhiễm Hoa Kỳ) của tác giả Valeria De Giorgi và cộng sự vào tháng 6/2021 kết luận, miễn dịch tự nhiên có được sau nhiễm SARS-CoV-2 có thể tồn tại đến 11 tháng.
Cụ thể, các tác giả đã phân tích, theo dõi huyết tương của 228 người nhiễm bệnh và nhận thấy, tại thời điểm trung bình 47,5 ngày sau khi bắt đầu có dấu hiệu cải thiện triệu chứng thì có tới 97% người nhiễm bệnh có kháng thể kháng SARS-CoV-2 và 91,4% bệnh nhân có nồng độ IgG trên ngưỡng phát hiện đến 11 tháng sau khi phục hồi.
Do đó, các tác giả kết luận: Hầu hết các trường hợp bị nhiễm SARS-CoV-2 đều có sự miễn dịch trong năm đầu tiên sau nhiễm và tình trạng miễn dịch này có thể tồn tại đến 11 tháng sau khi khỏi bệnh.
Lực lượng y tế đang căng mình ngày đêm, suốt một thời gian dài, nhiều người chịu đựng quá sức, suy kiệt
Tương tự, một công bố khoa học của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) vào tháng 5/2021 cũng nêu rõ: 90 - 99% người nhiễm SARS-CoV-2 sẽ phát triển các kháng thể trung hòa trong vòng 2 - 4 tuần sau khi nhiễm virus. Công bố này của WHO chỉ ra rằng hầu hết các cá nhân phát triển phản ứng miễn dịch mạnh mẽ sau khi bị nhiễm SARS-CoV-2 tự nhiên tương tự như hiện tượng có được do tiêm chủng. Tuy nhiên, WHO vẫn lưu ý, các biến thể phức tạp của SARS-CoV-2 vẫn có khả năng "trốn thoát" miễn dịch sau khi nhiễm bệnh tự nhiên hoặc sau tiêm chủng.
Đồng tình với quan điểm này, bác sỹ Trương Hữu Khanh, chuyên gia bệnh truyền nhiễm cho rằng những người đã từng nhiễm SARS-CoV-2 có khả năng tái nhiễm rất thấp, ít nhất là trong vòng 6 tháng sau khi khỏi bệnh. Trong khi đó hiện nay công tác phòng chống dịch có rất nhiều công việc phải làm và những người làm công tác này phải đối mặt với nguy cơ lây nhiễm cao. Do đó, ngành y tế đang rất cần lực lượng hỗ trợ và việc những người nhiễm đã khỏi bệnh tham gia các công đoạn phòng dịch.
"Các F0 với "tấm khiên miễn dịch" đều có thể ít nhiều tham gia các hoạt động phòng, chống dịch, hỗ trợ nhân viên y tế trong bối cảnh thiếu nhân lực như hiện nay", bác sỹ Khanh nhìn nhận.
Với tâm lý thông thường, sau khi được công bố khỏi bệnh thì ai cũng muốn được về nhà. Vì thế để động viên cho các trường hợp F0, chúng ta cần phải đưa ra được những chính sách, chế độ đãi ngộ cụ thể như hỗ trợ tiền ăn, chi phí phục vụ, bảo hiểm… nhu cầu sinh hoạt trong thời gian phải ở lại nơi tình nguyện.
Và bài toán này ở thời điểm cấp bách hiện nay cũng như điều kiện cần và đủ là chính là vấn đề tài chính và cần có sự đóng góp, chung tay góp sức của các mạnh thường quân, các nhà tài trợ dành cho các trường hợp F0 này.
Vận động “F0” đã khỏi bệnh tham gia phòng, chống dịch COVID-19
Bệnh viên Nguyễn Tri Phương (TPHCM) kêu gọi và vận động các bệnh nhân F0 đã được điều trị khỏi bị nhiễm COVID - 19 hãy vào bênh viện phụ giúp nhân viên y tế.
Cụ thể, gồm các công việc sau:
Hỗ trợ các khâu vệ sinh, chăm sóc bệnh nhân, vận chuyển trang thiết bị…
Yêu cầu: Có tinh thần thiện nguyện, không ngại khó, làm việc nhóm, chấp thuận tuân theo nội quy làm việc của bệnh viện.
Điều kiện: Bao ăn ở. Quà cảm ơn hiện kim, hiện vật (7 - 9 triệu/tháng).
Hottline F0 tình nguyện đăng ký: 0908.031661
Nếu hotline có vấn đề, xin liên hệ BS Tiên 0937.360960. Ưu tiên người đăng ký trước.