TPHCM: Phát huy tối đa mọi nguồn lực, đảm bảo cung cấp đủ nhu yếu phẩm

Thứ Hai, 23/08/2021 09:38  | A. Quân

|

(CAO) Hiện mạng lưới phân phối trên địa bàn TPHCM, gồm: 106 siêu thị, 2.895 cửa hàng tiện lợi, 27 chợ truyền thống tiếp tục hoạt động, cùng với nhiều biện pháp sẽ đảm bảo cung ứng nhu yếu phẩm đến người dân.

Bắt đầu từ hôm nay (23/8) UBND TPHCM thực hiện nghiêm ngặt cao điểm phòng chống dịch với những quy định tăng cường, yêu cầu người dân trên địa bàn thực hiện nghiêm việc giãn cách xã hội theo tinh thần "ai ở đâu thì ở đó," không đi ra đường, không đi mua hàng trực tiếp; còn chính quyền địa phương đảm bảo phương thức phân phối hàng hóa, thực phẩm thiết yếu phù hợp đến người dân.

Trên cơ sở đánh giá nhu cầu tiêu dùng thiết yếu hàng ngày của khoảng 9,4 triệu dân, TP dự kiến cung cấp theo nhu cầu tiêu dùng bình quân các mặt hàng thiết yếu của người dân trên địa bàn.

Đây là một trong những nội dung trong kế hoạch đảm bảo cung ứng hàng hóa, lương thực, thực phẩm thiết yếu trong giai đoạn TPHCM thực hiện biện pháp cấp bách phòng chống dịch COVID-19 theo Nghị quyết số 86/NQ-CP ngày 6/8/2021 của Chính phủ.

Công an cấp cơ sở ở TPHCM đóng vai trò quan trọng trong việc cung ứng lương - thực phẩm, nhu yếu phẩm tại nhà cho người dân

Thống kê nhu cầu tiêu dùng bình quân một ngày của người dân trên địa bàn TPHCM là 10.964 tấn/ngày; trong đó, mặt hàng gạo 1.981 tấn; lương thực chế biến khô (mì, bún, phở...) 660 tấn; thịt gia súc 755 tấn; thịt gia cầm 660 tấn; thực phẩm chế biến 236 tấn; rau củ, quả 4.246 tấn...

Còn nhu cầu tiêu dùng bình quân một tuần (7 ngày) là 76.747 tấn và bình quân 15 ngày là 164.460 tấn.

Ngoài ra, nhu cầu thiết yếu một số mặt hàng khác như nước uống đạt khoảng 19 triệu lít/ngày (566 triệu lít/tháng); các mặt hàng phòng chống dịch như: khẩu trang 628.969 cái/ngày (18,8 triệu cái/tháng)...

Về tổ chức chuỗi cung ứng, đảm bảo lưu thông, vận chuyển hàng hóa lương thực thực phẩm vào thị trường TPHCM, hiện mạng lưới phân phối trên địa bàn thành phố, gồm: 106 siêu thị, 2.895 cửa hàng tiện lợi, 27 chợ truyền thống đang hoạt động.

Hệ thống cung ứng này tiếp tục hoạt động, nâng cao công suất để tổ chức thu mua, vận chuyển hàng hóa lương thực, thực phẩm về thành phố và tăng cường khả năng dự trữ, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng bình quân cho người dân TP.

TPHCM sẽ phát huy cao nhất năng lực của hệ thống phân phối hiện có và kênh cung ứng bổ trợ hàng hóa; đảm bảo lưu thông xuyên suốt từ việc tổ chức thu mua, vận chuyển hàng hóa về thành phố đến tổ chức phân phối cho người dân; không để chuỗi cung ứng hàng hóa lương thực thực phẩm bị đứt gẫy.

Bên cạnh đó, đảm bảo cung ứng đầy đủ những mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu cho người dân trên nguyên tắc TP không để người dân nào bị thiếu đói lương thực thực phẩm.

UBND TP yêu cầu việc triển khai kế hoạch phải đồng bộ và chủ động cao nhất của TP.Thủ Đức, quận, huyện, phường, xã, thị trấn; đồng thời huy động nguồn lực từ các cấp, ngành cùng tham gia phân phối hàng hóa thiết yếu cho người dân.

Ngành công thương đảm bảo chuỗi cung ứng, lưu thông hàng hóa phải được vận chuyển liên tục, ổn định theo nguyên tắc hệ thống phân phối trên địa bàn, gồm siêu thị, cửa hàng tiện lợi, chợ truyền thống.

Những doanh nghiệp sản xuất hàng hóa, cửa hàng cung ứng và chế biến lương thực, thực phẩm; doanh nghiệp vận chuyển hàng hóa lương thực thực phẩm vẫn tiếp tục hoạt động, thực hiện thu mua, vận chuyển hàng hóa từ tỉnh, thành về TPHCM để tổ chức phân phối cho người dân.

Riêng về đảm bảo lưu thông thông suốt, vận chuyển hàng hóa lương thực thực phẩm vào thị trường TP sẽ tiếp tục phối hợp tỉnh, thành tổ chức phân luồng xanh, triển khai phương án giao thông linh hoạt, tạo điều kiện cho doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng tổ chức cung ứng hàng hóa.

Việc đảm bảo cung ứng đầy đủ, kịp thời lương thực thực phẩm thiết yếu cho người dân yên tâm cùng cộng đồng thực hiện giữa giãn cách xã hội được thực hiện qua phương thức "đi chợ hộ" do Tổ hậu cần địa phương, Tổ COVID-19 cộng đồng, các lực lượng tình nguyện địa phương... đồng thời, lực lượng công an, quân đội đang được tăng cường tại địa phương cùng tham gia hỗ trợ thực hiện với tần suất 1 lần/tuần và tổ chức phân phối trực tiếp đến người dân (hộ dân trả tiền).

Đối với người dân khó khăn bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, trên cơ sở rà soát, UBND quận, huyện, TP.Thủ Đức phối hợp với Trung tâm tiếp nhận và hỗ trợ hàng hóa thiết yếu cho người dân. Tổ chức cấp phát các túi an sinh miễn phí cho người dân, đảm bảo nguyên tắc không bỏ sót những trường hợp khó khăn.

Với mục tiêu kiểm soát dịch bệnh trên địa bàn TPHCM trước ngày 15/9/2021, TP triển khai nhiều biện pháp cấp bách, thực hiện giãn cách xã hội toàn thành phố theo tinh thần Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ với phương châm "xây dựng mỗi phường, xã, thị trấn"; "mỗi cơ quan, nhà máy, xí nghiệp là một pháo đài phòng chống dịch" kể từ 0 giờ, ngày 23/8 đến hết ngày 6/9/2021.

Do đó, UBND TPHCM kêu gọi người dân TP đồng hành cùng chính quyền trong phòng chống dịch bệnh ở giai đoạn hiện nay.

Bình luận (0)

Lên đầu trang