Giải quyết dứt điểm các "điểm nghẽn" trong thực hiện Đề án 06

Thứ Ba, 16/04/2024 13:02  | Nguyên Ngọc

|

(CATP) Sáng 15/4, dưới sự chủ trì của Đại tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an, Tổ trưởng Tổ Công tác triển khai Đề án 06 của Chính phủ, Tổ Công tác triển khai Đề án 06 đã tổ chức phiên họp tháng 4. Tham dự phiên họp có Thượng tướng Nguyễn Duy Ngọc, Thứ trưởng Bộ Công an, Tổ phó Thường trực Tổ Công tác triển khai Đề án 06; Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long; Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn; Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh; Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc; Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng; các thành viên Tổ Công tác Đề án 06 của Chính phủ ở các bộ, ngành. Hội nghị được tổ chức từ Hội trường Bộ Công an trực tuyến đến 7 địa phương Huế, Bình Dương, Quảng Ninh, TPHCM, Khánh Hòa, Hà Nội, Kiên Giang.

Phát biểu khai mạc, Bộ trưởng Tô Lâm nhấn mạnh tính chất quan trọng của phiên họp, đồng thời đề nghị lãnh đạo các bộ, ngành, thành viên của Tổ công tác tập trung vào những nội dung còn vướng mắc để giải quyết. Theo Bộ trưởng Tô Lâm, tháng 4 là tháng bản lề, giải quyết dứt điểm những "điểm nghẽn" sẽ giúp các bộ, ngành và địa phương triển khai hiệu quả các nhiệm vụ, mô hình của đề án.

Bộ trưởng Tô Lâm đề nghị Bộ trưởng các bộ, thành viên Tổ công tác tập trung nghiên cứu, thảo luận, chỉ đạo triển khai những nhiệm vụ cấp thiết đã được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao trong các chỉ thị, nghị quyết, Tổ công tác đã đề ra; những giải pháp đánh số nhà, định danh tàu thuyền, triển khai sổ sức khỏe điện tử trên VNeID, phối hợp với Trung tâm Dữ liệu quốc gia về dân cư nhằm phòng, chống lãng phí, mất thời gian trong tổng điều tra dân số và nhà ở của các bộ, ngành; giải quyết những vướng mắc liên quan đến kinh phí; tiếp tục thống nhất các nhiệm vụ để triển khai Luật Căn cước, xây dựng Trung tâm Dữ liệu quốc gia...

Bộ trưởng Tô Lâm nhấn mạnh, Hà Nội và TPHCM là hai địa phương đi đầu, xung kích trong thí điểm những mô hình của Đề án 06. Lấy ví dụ về mô hình trông giữ xe không dùng tiền mặt, Bộ trưởng Tô Lâm khẳng định "không chỉ minh bạch, chống thất thu thuế của Nhà nước mà còn giúp Hà Nội và TPHCM giải quyết tình trạng nhức nhối trong vấn đề trông giữ xe đã tồn tại nhiều năm nay".

Bộ trưởng Tô Lâm gợi ý Hà Nội, TPHCM nên áp dụng thu phí theo giờ, miễn phí những giây phút đầu và thu phí cao ở khung giờ tiếp theo nhằm tạo điều kiện giúp nhiều người dân giải quyết được công việc nhưng đồng thời cũng nâng cao ý thức đối với những người cố tình "chiếm dụng" chỗ đỗ xe, gây cản trở đến hoạt động của người khác. Các tỉnh, thành phố khác trên cả nước nên học theo những kinh nghiệm của Hà Nội và TPHCM để thực hiện hiệu quả. Các bộ, ngành cũng phải nhanh chóng hỗ trợ, hướng dẫn, giải quyết những "điểm nghẽn" giúp địa phương triển khai hiệu quả những mô hình này.

Quang cảnh phiên họp

Trước những đề xuất, kiến nghị của Hà Nội và TPHCM, lãnh đạo các bộ, ngành tham gia phiên họp đã giải đáp, hướng dẫn từng nội dung có liên quan đến trách nhiệm của bộ, ngành phụ trách, quản lý. Lãnh đạo các bộ, ngành cũng báo cáo những phần việc, nhiệm vụ được giao và thống nhất quan điểm, hành động phải đẩy mạnh, đẩy nhanh triển khai những nhiệm vụ của Đề án 06, Nghị quyết 175 cũng như các Chỉ thị, Nghị định của Chính phủ.

Chỉ ra những nhiệm vụ chậm muộn, thậm chí là những nhiệm vụ từ năm 2023 đến nay vẫn chưa hoàn thành, Bộ trưởng Tô Lâm đề nghị Bộ Tài chính, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Kế hoạch và Đầu tư giải quyết vấn đề "điểm nghẽn" về kinh phí, bởi đây là vấn đề quan trọng có tính chất quyết định để hoàn thành các nhiệm vụ Đề án 06. Đối với vấn đề pháp lý, Bộ trưởng Tô Lâm đề nghị Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì với Bộ Công an, Bộ Tư pháp khẩn trương xây dựng các Nghị định hướng dẫn một số điều của Luật Giao dịch điện tử năm 2023, bảo đảm thống nhất triển khai thực hiện.

Đối với các dịch vụ công, Bộ trưởng Tô Lâm đề nghị các bộ, ngành bám sát vào các danh mục 28 nhóm dịch vụ công trực tuyến ưu tiên tái cấu trúc quy trình, tích hợp, cung cấp trên Cổng dịch vụ công quốc gia năm 2024; các bộ, ngành, địa phương thực hiện tích hợp, kết nối và chia sẻ dữ liệu giữa Cổng Dịch vụ công quốc gia, Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) cấp bộ, cấp tỉnh với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư về đăng ký doanh nghiệp.

Tiếp tục hoàn thiện các điều kiện để tham mưu Chính phủ ban hành Nghị định về 2 dịch vụ công liên thông theo trình tự, thủ tục rút gọn. Các bộ, ngành (Tư pháp, Y tế, Lao động - Thương binh và Xã hội, Bảo hiểm xã hội Việt Nam) phối hợp Bộ Công an để xây dựng, hoàn thiện phần mềm dịch vụ công liên thông trước ngày 15/6/2024 để 2 nhóm TTHC liên thông này được tiếp nhận, giải quyết theo quy định của nghị định.

Các địa phương không tạo tài khoản khác VNeID để thực hiện dịch vụ công trực tuyến; phối hợp với Bộ Công an làm sạch tài khoản còn lại trên Cổng dịch vụ công quốc gia và thống nhất từ ngày 01/7/2024 chỉ sử dụng tài khoản VNeID đăng nhập Cổng dịch vụ công quốc gia.

Để phục vụ triển khai cuộc tổng điều tra dân số và nhà ở giữa kỳ năm 2024, Bộ trưởng Tô Lâm thông tin, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Công an khai thác Cơ sở Dữ liệu quốc gia về dân cư để bảo đảm cuộc tổng điều tra được tiết kiệm, hiệu quả, tránh lãng phí về nguồn lực, giảm chi phí đầu tư, thuận lợi cho người dân.

"Với dữ liệu dân cư được duy trì đảm bảo "đúng, đủ, sạch, sống" hàng ngày của Bộ Công an hoàn toàn có thể khai thác, phân tích được các chỉ tiêu về tình hình di biến động dân cư, tổng dân số hiện có trên toàn quốc, cung cấp chia sẻ được các thông tin về số hộ, nhân khẩu, độ tuổi, tình trạng hôn nhân, dân tộc, tôn giáo... để cắt giảm các chỉ tiêu phải thu nhận trong quá trình điều tra dân số" - Bộ trưởng Tô Lâm nhấn mạnh.

Bình luận (0)

Lên đầu trang