Đồng chí Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TPHCM dự và chỉ đạo hội nghị. Tham dự hội nghị có Trung tướng Lê Hồng Nam, Uỷ viên Ban Thường vụ Thành ủy, Giám đốc Công an TPHCM; Thành ủy viên, Phó Chủ tịch UBND TP Dương Anh Đức. Về phía Bộ Công an có Thiếu tướng Lê Minh Hiếu, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội. Hội nghị còn có sự tham dự của đại diện các sở ban ngành, lãnh đạo các quận huyện, TP.Thủ Đức thuộc TP.Hồ Chí Minh...
Chuyển biến mạnh mẽ của cả hệ thống chính trị trong triển khai thực hiện Đề án 06
TPHCM là trung tâm kinh tế, văn hóa lớn của cả nước, là địa phương có số lượng dân cư đông, cơ cấu đa dạng, phong phú với hơn 11 triệu nhân khẩu đang thực tế cư trú. Mặc khác, TPHCM là một trong những địa phương bị ảnh hưởng nặng nề nhất sau Đại dịch Covid – 19. Vì vậy, khi triển khai thực hiện Đề án 06, Ban Chỉ đạo Đề án 06 Thành phố đã xác định đây vừa là điều kiện thuận lợi, vừa là thách thức để thành phố nghiên cứu vận dụng một cách sáng tạo, linh hoạt các giải pháp trong quá trình tổ chức, triển khai thực hiện Đề án 06.
Các đồng chí lãnh đạo và đại biểu tham dự hội nghị
Trung tướng Lê Hồng Nam, Giám đốc CATP cùng các đại biểu tại hội nghị
Chính vì vậy, ngay sau khi Chính phủ triển khai Đề án 06, Thành ủy, UBND Thành phố đã xác định Đề án 06 là một trong những công tác cốt lõi để xây dựng Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số, tạo điều kiện thuận lợi để phát triển doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam, đây cũng là nền tảng, động lực giúp Thành phố hoàn thành những chương trình, kế hoạch mà Đảng bộ Thành phố đề ra.
Theo đó, Ban Chỉ đạo Thành phố đã quyết liệt huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, nâng cao vai trò trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan tổ chức, triển khai thực hiện đồng bộ nhiều nhiệm vụ trọng tâm như: Rà soát nâng cấp, hoàn thiện cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin và hạ tầng Cổng dịch vụ công và hệ thống Một cửa điện tử đáp ứng theo quy định; rà soát việc cung cấp dịch vụ điều chỉnh, nâng cấp, bổ sung các chức năng kỹ thuật đảm bảo an toàn thông tin Cổng dịch vụ công Thành phố; nâng cấp hoàn thiện Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính Thành phố và tích hợp, cung cấp các dịch vụ công trực tuyến trên Cổng Dịch vụ công quốc gia.
Hoàn thành việc kết nối, tích hợp, chia sẻ Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư với Hệ thống thông tin Một cửa điện tử của Thành phố và làm sạch, làm giàu Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành. Thực hiện kết nối Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính Thành phố với các hệ thống thông tin chuyên ngành của các Bộ, ngành theo mô hình, hướng dẫn, tái cấu trúc quy trình thủ tục hành chính khai thác Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để đơn giản hóa thủ tục hành chính, giảm giấy tờ, thành phần hồ sơ cho người dân khi thực hiện thủ tục hành chính trên Cổng dịch vụ công của Thành phố đảm bảo kịp thời, đúng tiến độ.
Từ những quyết tâm trên, đã nhận được sự đồng tình ủng hộ rất lớn của người dân và doanh nghiệp trong quá trình đồng hành cùng Chính quyền Thành phố trong thực hiện những nhiệm vụ được giao của Đề án 06.
Tính đến ngày 15/12/2023, có 24/24 Sở, ngành, 22/22 UBND cấp huyện, 312/312 UBND cấp xã ban hành Kế hoạch triển khai, thành lập Tổ công tác và ban hành Quy chế hoạt động của Tổ công tác thực hiện Đề án 06; 2.008/2.008 ấp, khu phố thành lập Tổ công tác triển khai Đề án 06. Tổ công tác triển khai thực hiện Đề án 06 các cấp đã phát huy hiệu quả trong thực hiện các nhiệm vụ tại Đề án 06; chủ động tham mưu, tích cực tổ chức triển khai nghiêm túc các nội dung công việc của Đề án 06 phù hợp tình hình thực tiễn, đặc điểm của địa bàn. Thiết lập cơ chế phối hợp tại các cấp; huy động sự vào cuộc của toàn dân, tổ chức chính trị, đoàn, hội, mặt trận tổ quốc các cấp đến các tổ dân phố (tổ nhân dân), khu phố, ấp thực hiện thống nhất các mục tiêu của Đề án 06. Nâng cao vai trò Tổ Công tác Đề án 06 cơ sở gắn với hoạt động của Tổ công nghệ số công đồng trong việc thực hiện Đề án 06.
Lực lượng Công an TPHCM đã phát huy hiệu quả vai trò là Cơ quan thường trực Tổ Công tác thực hiện Đề án 06, tích cực tổ chức thực hiện nghiêm túc sự chỉ đạo, hướng dẫn của các Bộ, ngành Trung ương; chủ động, kịp thời tham mưu với Thành ủy, UBND các cấp trong công tác chỉ đạo và tăng cường phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị nhằm đề ra các giải pháp phục vụ công tác triển khai thực hiện Đề án 06 trên địa bàn Thành phố đạt hiệu quả; Thường xuyên phối hợp với các sở, ngành, cơ quan, đơn vị, địa phương triển khai thực hiện các nhiệm vụ đảm bảo tiến độ, lộ trình đề ra theo Đề án 06. Chủ động theo dõi, đôn đốc, phối hợp trong việc triển khai thực hiện các nhiệm vụ Đề án 06 tại các đơn vị sở, ngành, địa phương nhằm kịp thời nắm bắt những khó khăn, vướng mắc giải đáp tháo gỡ hoặc báo cáo, tham mưu với đồng chí Chủ tịch UBND - Tổ trưởng Tổ công tác triển khai Đề án 06 các cấp để chỉ đạo, kịp thời tháo gỡ, giải quyết những “điểm nghẽn” trong tổ chức thực hiện; duy trì tham mưu thực hiện chế độ thông tin báo cáo định kỳ theo quy định.
Đặc biệt là, Cơ quan thường trực đã tham mưu Ban Chỉ đạo thành lập và đi vào vận hành các nhóm công tác, gồm: Nhóm (1) Nội dung, (2) Dịch vụ công; (3) Tuyên truyền, (4) Kỹ thuật - Đường truyền - An ninh thông tin; (5) Hậu cần - Tài chính; (6) Nhân sự - Thi đua khen thưởng nhằm nâng cao chất lượng thực hiện những nhiệm vụ được giao của Đề án 06, đảm bảo tính tập trung, triển khai nhanh, hiệu quả. Đồng thời, căn cứ vào yêu cầu công tác CATP đã tham mưu bổ sung thêm 6 thành viên gồm: Sở Ngoại vụ, Sở Xây dựng, Sở Du lịch, Bưu điện Thành phố, Kho bạc Nhà nước, Sở Quy hoạch Kiến trúc vào Tổ Giúp việc Đề án 06 Thành phố.
Bên cạnh đó, định kỳ hàng tháng tổ chức giao ban Tổ giúp việc Đề án 06 để chỉ đạo, đánh giá tình hình, kết quả và đề ra phương hướng, nhiệm vụ thực hiện có hiệu quả Đề án 06. Thành lập tổ kiểm tra liên ngành thuộc Tổ Giúp việc Ban Chỉ đạo Đề án 06 Thành phố thực hiện kiểm tra việc triển khai thực hiện Đề án 06 tại các sở, ban, ngành, UBND quận, huyện, TP Thủ Đức để tham mưu Ban Chỉ đạo Đề án 06 Thành phố kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc và chấn chỉnh những tồn tại hạn chế trong quá trình triển khai thực hiện của các đơn vị. Tính đến nay đã kiểm tra được 45/45 đơn vị Sở, ngành, Ban Chỉ đạo cấp huyện và 15 đơn vị cấp xã. Đồng thời thiết lập đường dây nóng để tiếp nhận phản ánh của người dân liên quan đến việc thực hiện công tác làm sạch dữ liệu dân cư, theo đó đã phối hợp Công an TP Thủ Đức, quận, huyện và các đơn vị có liên quan giải quyết thỏa đáng hơn 300 yêu cầu, kiến nghị của công dân. Qua đó, đã tạo được nhiều tình cảm của công dân khi tham gia thực hiện những thủ tục hành chính.
Đảm bảo dữ liệu luôn “đúng, đủ, sạch, sống” là nhiệm vụ “xương sống” trong thực hiện Đề án 06
Để đảm bảo dữ liệu luôn “đúng, đủ, sạch, sống” phục vụ kết nối với các chuyên ngành khác, trong thời gian qua CATP đã tăng cường phối hợp với các đơn vị có liên quan thực hiện làm sạch, cập nhật, bổ sung, đồng bộ dữ liệu các chuyên ngành với các Cơ sở dữ liệu quốc gia như: Phối hợp xác minh hơn 3,9 triệu hồ sơ tiêm chủng phục vụ cập nhật lên Nền tảng quản lý tiêm chủng Covid-19; Đồng bộ 12,8 triệu lượt dữ liệu hộ tịch, tư pháp của TPHCM với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; Rà soát, làm sạch 36.899 trường hợp bị sai lệch dữ liệu nguồn Bảo hiểm xã hội... Theo đó, tính đến nay đã có nhiều dữ liệu chuyên ngành khác được làm giàu, làm sạch để tiến tới kết nối với hệ thống dữ liệu quốc gia về dân cư trong tương lai gần, nhằm đáp ứng nhu cầu quản lý nhà nước, đảm bảo ANTT trong tình hình mới.
Về công tác tuyên truyền thực hiện Đề án 06/CP, UBND Thành phố đã định hướng và chỉ đạo các cơ quan báo chí, hệ thống thông tin cơ sở, các sở, ban, ngành, UBND các cấp tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền về Kết quả thực hiện truyền thông, đưa tin tuyên truyền Đề án 06; tập trung tuyên truyền chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về chuyển đổi số trên nền tảng dữ liệu dân cư bằng nhiều hình thức đa dạng thông qua các trang thông tin điện tử, bản tin, xuất bản phẩm, hệ thống truyền thanh huyện, loa phát thanh cấp xã góp phần nâng cao nhận thức của người dân và doanh nghiệp về tiện ích, lợi ích của các ứng dụng, tạo sự đồng thuận cao trong xã hội.
Công tác tuyên truyền đã bước đầu đem lại nhiều hiệu quả tích cực đã góp phần thay đổi nhận thức của người dân về chuyển đổi số, thay đổi phương thức từ truyền thống sang sử dụng công nghệ thông tin trong giải quyết các thủ tục hành chính nhằm giảm bớt giấy tờ công dân, tiết kiệm chi phí, thời gian đi lại giao dịch nhất là các địa bàn xa trung tâm. Huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, khuyến khích mọi nguồn lực, sự đồng tình của toàn xã hội, đặc biệt là vai trò của người đứng đầu các ban, ngành, đoàn thể, chính quyền địa phương để tổ chức triển khai thực hiện thành công Đề án 06.
Thiếu tướng Trần Đức Tài, Phó Giám đốc CATP phát biểu tại hội nghị
Tại hội nghị, Thiếu tướng Trần Đức Tài, Phó Giám đốc CATP cho biết, nhìn chung, trong 2 năm qua, với quyết tâm chính trị cao, sự chỉ đạo quyết liệt và sự sáng tạo, nỗ lực, bản lĩnh trong tổ chức, phối hợp thực hiện đồng bộ, có hiệu quả các giải pháp, việc thực hiện Đề án 06 trên địa bàn Thành phố cơ bản đã đạt được các mục tiêu đề ra. Trong đó nổi bật là nhận thức, hành động của các cấp, các ngành và người dân về chuyển đổi số nói chung, thực hiện Đề án 06 nói riêng có sự chuyển biến rõ nét, tích cực; các đơn vị đã nhận diện đầy đủ về vai trò, trách nhiệm, nhiệm vụ cụ thể để đáp ứng yêu cầu thực hiện Đề án 06. Phát huy được sức mạnh của cả hệ thống chính trị cùng chung tay thúc đẩy hiệu quả triển khai, niềm tin vào thành công của Đề án 06 và công cuộc chuyển đổi số được nâng lên.
Các giải pháp phục vụ phát triển kinh tế và nâng cao hiệu quả quản trị xã hội tiếp tục được đẩy mạnh, như: Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, căn cước công dân, định danh và xác thực điện tử được khai thác, ứng dụng vào hoạt động của ngành ngân hàng, y tế, giáo dục, tư pháp, lĩnh vực quản lý cư trú…; giải pháp sử dụng hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế; đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt trên các lĩnh vực y tế, giáo dục, an sinh xã hội, tài chính… Người dân đã được cung cấp, tích hợp đầy đủ các giấy tờ bảo đảm các hoạt động, công việc hàng ngày trên môi trường mạng (100% công dân đủ điều kiện đã được cấp mã số định danh cá nhân, căn cước công dân, tài khoản định danh điện tử mức 2).
Đề án 06 đã góp phần thay đổi phương thức quản lý công dân từ thủ công, sử dụng giấy tờ sang phương thức quản lý hiện đại, ứng dụng công nghệ thông tin; nâng cao chất lượng, hiệu quả, tính chính xác trong quản lý thông tin cơ bản của công dân giữa các ngành, địa phương; góp phần thực hiện cải cách hành chính, tiết kiệm thời gian, công sức cho cả cơ quan nhà nước và người dân, doanh nghiệp.
Chủ tịch UBND TP Phan Văn Mãi phát biểu tại hội nghị
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Chủ tịch UBND Thành phố Phan Văn Mãi ghi nhận, biểu dương sự nỗ lực, phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan, ban ngành, đơn vị, địa phương, đặc biệt đánh giá cao sự đóng góp của Công an TPHCM trong thực hiện Đề án 06 trên địa bàn thành phố 2 năm qua. “Trong thành tích này có sự tham gia của nhiều cơ quan như: Sở Thông tin và truyền thông, Trung tâm Chuyển đổi số và nhiều lực lượng trực tiếp thực hiện Đề án 06. Đặc biệt là lực lượng Công an TPHCM và Công an các cấp, địa phương ở TPHCM”, đồng chí Phan Văn Mãi nhấn mạnh.
Chủ tịch UBND Thành phố Phan Văn Mãi trao khen thưởng cho các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong thực hiện Đề án 06 trong 2 năm qua
Trung tướng Lê Hồng Nam, Giám đốc Công an TPHCM trao khen thưởng cho các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong thực hiện Đề án 06 trong 2 năm qua
Thời gian tới, đồng chí Phan Văn Mãi yêu cầu các đơn vị tiếp tục tập trung tháo gỡ các vướng mắc khó khăn trong việc thực hiện Đề án 06. Với các vấn đề mà TPHCM được phép tháo gỡ thì cần đẩy nhanh thực hiện; nếu vượt quá khả năng của Thành phố cần đề xuất lên các cơ quan chức năng, bộ ngành trung ương để tìm cách tháo gỡ thực hiện. Cùng với đó là bám sát các chỉ đạo của Trung ương, cụ thể hóa thực hiện để đạt và vượt được mục tiêu, nhiệm vụ, chỉ tiêu mà TPHCM đã đề ra; cơ quan thường trực cho Đề án 06 là Công an TPHCM và cơ quan thường trực cho chuyển đổi số là Sở Thông tin và Truyền thông phải tổng hợp, rà soát, các chỉ đạo của cấp trên, tình hình của thành phố để đề xuất, sớm ban hành kế hoạch chuyển đổi số năm 2024.
Đồng chí Dương Anh Đức, Phó Chủ tịch UBND Thành phố trao khen thưởng cho các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong thực hiện Đề án 06 trong 2 năm qua
Thiếu tướng Lê Minh Hiếu, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, Bộ Công an trao khen thưởng cho các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong thực hiện Đề án 06 trong 2 năm qua
Chủ tịch UBND TPHCM đề nghị các cơ quan cần tập trung, đánh giá đúng hiện trạng, lên kế hoạch và tiến hành đầu tư về hạ tầng, trang thiết bị để phục vụ cho chuyển đổi số, trong đó có hoạt động của Đề án 06, tiến tới xây dựng thành phố thông minh trong thời gian sớm nhất. Bên cạnh đó cần xây dựng cơ sở dữ liệu dùng chung của thành phố theo chiến lược dữ liệu của thành phố; phải kết nối được dữ liệu quốc gia; triển khai vận hành ứng dụng dùng chung thống nhất trên nền của Đề án 06 ở TPHCM.
Đồng chí Phan Văn Mãi cho rằng, muốn để trong năm 2025 các thủ tục liên quan đến hành chính diễn ra được trên nền tảng số thì ngay từ bây giờ phải có sự tập trung cao để phát triển các dịch vụ công, triển khai app công dân… Ngoài ra, cần phải đào tạo nguồn nhân lực và phát huy vai trò của trung tâm chuyển đổi số; hoàn thiện thể chế bằng các văn bản quy trình quy định, hướng dẫn đi đến thống nhất chung khi triển khai…
Tại hội nghị, Uỷ ban nhân dân TP.Hồ Chí Minh đã tặng Bằng khen cho các tập thể và cá nhân có nhiều thành tích xuất sắc trong triển khai thực hiện, thông tin tuyên truyền về Đề án 06 thời gian qua. Trong đó Đại tá Bùi Ngọc Giáp, Trưởng ban Chuyên đề Công an TP.Hồ Chí Minh vinh dự được Uỷ ban nhân dân TPHCM tặng Bằng khen.