Kỷ niệm 65 năm ngày giải phóng Thủ đô Hà Nội (10/10/1954 - 10/10/2019):

Hà Nội - những mốc son chói lọi

Thứ Năm, 10/10/2019 11:16

|

(CATP) Cách mạng tháng Tám thành công năm 1945, nhân dân Hà Nội và cả nước không có nguyện ước gì hơn là được sống trong hòa bình để xây dựng, phát triển thủ đô và đất nước, nhưng thực dân Pháp với dã tâm cướp nước ta một lần nữa, ngày 23-9-1945 chúng gây hấn Nam bộ và sau đó phát động chiến tranh ra cả nước.

Ngày 19-12-1946, đáp lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”, với tinh thần “Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh”, quân dân Hà Nội nhất tề đứng lên đánh giặc cứu nước.

Ngày giải phóng Thủ đô. Ảnh: Tư liệu

Với cuộc chiến đấu 60 ngày đêm vô cùng oanh liệt, Hà Nội đã mở đầu cuộc kháng chiến toàn quốc một cách xứng đáng: kìm chân và tiêu hao sinh lực địch tạo điều kiện để cơ quan đầu não và các lực lượng kháng chiến của ta tạm rút khỏi Hà Nội an toàn.

Theo Hiệp định Giơnevơ, Hà Nội nằm trong khu vực tập kết 80 ngày của địch. Biết trước âm mưu của Pháp lợi dụng thời gian này để phá hoại các cơ sở kinh tế, văn hóa của ta, lôi kéo người di cư vào Nam, hòng làm cho khi Chính phủ ta khi trở về thành phố, Hà Nội trở thành trống rỗng, không có điện, nước, mọi công việc bị đình trệ,... chúng ta đã chủ động có kế hoạch đề phòng, đấu tranh, đồng thời chuẩn bị lực lượng về mọi mặt để tiếp quản thủ đô một cách trọn vẹn.

Đúng 16 giờ ngày 9-10-1954, những tên lính Pháp cuối cùng đã rút qua cầu Long Biên; quân ta hoàn toàn kiểm soát thành phố. Sáng ngày 10-10-1954, Ủy ban Quân chính thành phố và các đơn vị quân đội nhân dân gồm cả bộ binh, pháo binh, cao xạ, cơ giới,... chia làm nhiều cánh lớn mở cuộc hành quân lịch sử vào Hà Nội.

Hai mươi vạn nhân dân thủ đô náo nức trong rừng cờ đỏ sao vàng, với niềm vui sướng của những người đã gần 9 năm bị kìm nén sống dưới gót sắt của giặc nay được giải phóng, đã đón mừng đoàn quân chiến thắng trở về.

15 giờ chiều cùng ngày, hàng vạn nhân dân trang nghiêm dự lễ chào cờ do Ủy ban Quân chính tổ chức với sự có mặt của các đơn vị quân đội nhân dân tham gia tiếp quản thành phố. Cờ đỏ sao vàng phấp phới tung bay trên đỉnh Cột cờ cổ kính...

Trong khí thế, niềm vui giải phóng, nhân dân Hà Nội hăng hái bắt tay vào hàn gắn vết thương chiến tranh, khôi phục, cải tạo và phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, phấn đấu làm cho tình hình mọi mặt của thủ đô sớm đi vào ổn định và phát triển. Năm 1965, Hà Nội trở thành một trung tâm công nghiệp lớn của miền Bắc. Sự nghiệp văn hóa, giáo dục phát triển vượt bậc. Đời sống nhân dân được cải thiện.

Di tích cột cờ Hà Nội

Ngày 29-6-1966, không quân của đế quốc Mỹ ném bom kho xăng Đức Giang, bắt đầu giai đoạn đánh phá trực tiếp vào thủ đô Hà Nội. Với tinh thần “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”, quân dân Hà Nội không sợ hy sinh, tàn phá, chiến đấu anh dũng và sáng tạo, làm tốt công tác phòng không sơ tán, giữ gìn trật tự trị an, duy trì đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội, tiếp tục chi viện sức người, sức của cho tiền tuyến lớn miền Nam.

Đặc biệt, 12 ngày đêm cuối tháng chạp năm 1972, Mỹ dùng máy bay ném bom chiến lược B.52 ném bom rải thảm Hà Nội và nhiều tỉnh, thành miền Bắc, Hà Nội cùng với các quân, binh chủng, các tỉnh, thành phố bình tĩnh, tự tin, tổ chức lực lượng chiến đấu, đánh thắng hoàn toàn cuộc tập kích chiến lược bằng không quân của đế quốc Mỹ, lập nên kỳ tích “Điện Biên Phủ trên không”, bắn rơi 35 máy bay, trong đó có 25 chiếc B.52, 2 chiếc F.111, bắt sống nhiều giặc lái.

Chiến thắng này góp phần đánh sập uy thế không lực Hoa Kỳ, buộc chúng phải ký Hiệp định Pari, rút quân đội viễn chinh về nước, chấm dứt 115 năm chiếm đóng của quân đội thực dân, đế quốc trên đất nước ta. Sự đóng góp to lớn của quân dân Hà Nội vào chiến công chung của cả nước được bạn bè thế giới khâm phục và ngợi ca là “Thủ đô của lương tri và phẩm giá con người”.

Từ năm 1965 đến năm 1975, Hà Nội đã động viên tuyển quân 29 đợt, với gần chục vạn người bổ sung cho các đơn vị bộ đội thường trực chiến đấu bảo vệ thủ đô và chi viện cho các chiến trường; có hơn 11.500 cán bộ, chiến sĩ đã anh dũng hy sinh. Với những thành tích xuất sắc trong chiến đấu, sản xuất và chi viện cho tiền tuyến, quân dân thủ đô được Chủ tịch Hồ Chí Minh 4 lần gửi thư khen và tặng cờ thưởng; được Ủy ban Thường vụ Quốc hội tuyên dương công trạng “Hà Nội lập công to xứng đáng là Thủ đô anh hùng của cả nước”; được Nhà nước tặng thưởng 1 Huân chương Sao vàng, 1 Huân chương Độc lập hạng Nhất, danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang cho quân dân thủ đô; có 6 đơn vị được tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân; 633 Bà mẹ Việt Nam Anh hùng.

Từ năm 1986, quán triệt và vận dụng sáng tạo đường lối đổi mới của Đảng, Thành ủy Hà Nội đã đề ra chủ trương phát triển kinh tế - xã hội phù hợp với thực tế của địa phương, quyết tâm đổi mới cơ chế quản lý, phát triển nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần, vận hành theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Các nghị quyết của Đảng bộ thành phố ngày càng đi vào cuộc sống, khơi dậy sức mạnh tổng hợp của các lực lượng, các thành phần kinh tế, khơi dậy tiềm năng trí tuệ của nhân dân.

Theo đó, kinh tế liên tục tăng trưởng với tốc độ cao, phát triển theo hướng bền vững. Xây dựng và quản lý đô thị có nhiều tiến bộ. Văn hóa - xã hội có nhiều chuyển biến tích cực. An ninh - quốc phòng được giữ vững, ổn định. Hệ thống chính trị ở thủ đô không ngừng lớn mạnh. Công tác đối ngoại được mở rộng và phát triển.

Đặc biệt, Hà Nội từ sau khi mở rộng địa giới hành chính đến nay, kinh tế tiếp tục tăng trưởng với tốc độ khá, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực. Xây dựng nông thôn mới ngày càng phát triển. Đến nay, thành phố Hà Nội có 4 huyện (Đan Phượng, Đông Anh, Thanh Trì và Hoài Đức) được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn nông thôn mới (tăng 3 huyện so với cuối năm 2015).

Có thể khẳng định, chặng đường 65 năm chiến đấu, xây dựng và trưởng thành, thủ đô Hà Nội đã đạt được những thành tựu rất to lớn và đáng tự hào, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp chung củ acả nước. Hà Nội hôm nay với diện tích 3.344,7km2, dân số gần 8 triệu người và bức tranh kinh tế - xã hội ngày càng mở rộng và phát triển toàn diện theo cả bề rộng và bề sâu, gắn kết hài hòa. Các nguồn lực của thành phố ngày càng được khai thác và phối hợp hiệu quả. Hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội ngày càng phát triển đồng bộ, hiện đại đáp ứng nhu cầu phát triển của thủ đô.

Với vị thế là trái tim của cả nước, đầu não chính trị - hành chính quốc gia, trung tâm lớn về văn hóa, khoa học, giáo dục, kinh tế và giao dịch quốc tế, Hà Nội phấn đấu bảo đảm ổn định vững chắc về chính trị, trật tự an toàn xã hội; phát triển kinh tế, văn hóa toàn diện, bền vững; xây dựng thủ đô ngày càng giàu đẹp, văn minh, thanh lịch, hiện đại, đậm đà bản sắc ngàn năm văn hiến, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân.

Bình luận (0)

Lên đầu trang