Hình tượng "Cỏ lau thép trong Chiến dịch Hồ Chí Minh"

Thứ Năm, 29/04/2021 10:08  | Huệ Trinh

|

(CATP) Đánh dấu kỷ niệm 46 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2021), Bảo tàng Phụ nữ Nam bộ tổ chức chương trình giao lưu với những phụ nữ từng tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh và trưng bày chuyên đề "Cỏ lau thép trong Chiến dịch Hồ Chí Minh".

Điểm nhấn của chương trình chính là các khách mời giao lưu gồm toàn những nhân vật trực tiếp tham gia kháng chiến, đặc biệt là trực tiếp tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh, tham gia vào thời khắc lịch sử giải phóng Sài Gòn, thống nhất đất nước vào ngày 30-4-1975.

Với chủ đề mang thông điệp ôn lại truyền thống lịch sử hào hùng của dân tộc nên chuyên đề trưng bày và giao lưu đã thu hút rất đông quan khách nhiều thế hệ, đại diện Bảo tàng các tỉnh, cùng các cán bộ chiến sĩ lực lượng vũ trang Quân khu 7 tham dự.

Tại phần giao lưu, quan khách tham dự như được sống lại từng phút giây chiến đấu gian khổ, luôn phải đấu trí, cân não để vượt qua đòn roi tra tấn, sự soi mói, kìm kẹp của địch để hoàn thành nhiệm vụ của một chiến sĩ Biệt động hay một nữ Giao liên của nhân chứng Vũ Minh Nghĩa (biệt danh Chính Nghĩa) - tình báo đơn vị J22, Bộ Tham mưu Miền và bà Lại Thị Kim Túy - Giao liên trực tiếp của Ban chỉ huy Lữ đoàn 316 - Bộ Tham mưu Miền.

Hoạt động biệt động hay giao liên nội thành với nam giới đã khó, với chị em phụ nữ lại càng gian nan vất vả hơn nhưng bà Nghĩa và bà Túy đã vượt qua mọi thử thách, mưu trí, dũng cảm cùng các đồng đội hoàn thành nhiệm vụ. Dẫu bị địch bắt, tuyên án ở tù Côn Đảo nhưng bà Nghĩa vẫn tràn trề niềm tin vào ngày chiến thắng nên sau khi được trả tự do theo Hiệp định Paris, bà lại tiếp tục hoạt động tình báo cho đến ngày giải phóng.

Không khí buổi giao lưu thêm phần sinh động, cuốn hút khi bà Nguyễn Thị Ngọc Mỹ - nguyên Phó giám đốc Công ty Du lịch Bình Dương - kể lại thời khắc trực tiếp ngồi trên xe tăng dẫn đường cho Trung đoàn 27 thuộc Sư đoàn 320B (Quân đoàn 1) tấn công vào chi khu quân sự Lái Thiêu. Hình ảnh lịch sử này của bà Mỹ đã được lưu lại đến ngày nay qua một thước phim do Thông tấn xã Việt Nam ghi lại.

Bà Nguyễn Thị Thanh Thúy, Phó giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao, tặng hoa khách giao lưu

Khép lại chương trình giao lưu, ôn lại một giai đoạn lịch sử hào hùng chính là phần chia sẻ rất xúc cảm của ông Nguyễn Văn Nhu (Nguyễn Khắc Nhu) - nguyên sĩ quan tác chiến Trung đoàn 66, Sư đoàn 304 là đội quân thuộc lực lượng thọc sâu của Quân đoàn 2.

Nhiệm vụ của ông Nhu và đồng đội là tiến công nhanh chóng vào nội đô Sài Gòn, với mục tiêu là đánh chiếm Dinh Độc Lập và chính thời khắc lịch sử vào 11 giờ 30 ngày 30-4-1975, ông Nhu đã có mặt tại mục tiêu và chứng kiến toàn bộ giây phút Tổng thống Dương Văn Minh và nội các tuyên bố đầu hàng không điều kiện...

Phần trình bày của ông Nhu được minh chứng bằng các thước phim lịch sử có hình ảnh của ông, cùng đồng đội đang áp tải Tổng thống Dương Văn Minh từ Dinh Độc Lập qua Đài phát thanh để tuyên bố đầu hàng nên càng thuyết phục, gây nhiều cảm xúc lay động, tự hào cho người nghe.

Với hàng chục hiện vật, hình ảnh sinh động được trưng bày, chuyên đề "Cỏ lau thép trong Chiến dịch Hồ Chí Minh" đã giúp người tham quan có cái nhìn tổng quan, nhiều mặt về những đóng góp của phụ nữ Việt Nam, đặc biệt là phụ nữ Nam bộ cho hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Các bà, các cô, các chị xứng đáng là "cỏ lau thép" rất mềm mại, tình cảm, chan chứa yêu thương nhưng cũng vô cùng mạnh mẽ, gan dạ và bất khuất khi góp công, góp sức giải phóng quê hương, thống nhất nước nhà.

Thiếu tá Phạm Thị Huyền - Bộ tham mưu Quân khu 7 - chia sẻ: "Tham gia buổi giao lưu hôm nay, tôi cảm thấy rất tự hào, may mắn khi được trực tiếp gặp gỡ và nghe những nhân chứng lịch sử kể lại những chiến công, những giây phút của chiến thắng lịch sử 30-4.

Đây là cơ hội hiếm hoi, tôi được nghe, được chứng kiến tận mắt hình ảnh các bà, các cô trực tiếp tham chiến bảo vệ Tổ quốc kể chuyện nên cảm thấy rất tự hào về phụ nữ Việt Nam. Qua buổi giao lưu, tôi cảm thấy có động lực để cống hiến và ngày càng phấn đấu hoàn thiện bản thân để xứng đáng với truyền thống tốt đẹp của người phụ nữ Việt Nam. Tôi đánh giá rất cao về sự kỳ công, tâm huyết của Ban tổ chức khi tìm kiếm được những nhân vật giao lưu rất điển hình".

Bình luận (0)

Lên đầu trang