Chiều 21/5, tại Nhà Quốc hội, Hội đồng Bầu cử Quốc gia tổ chức họp báo về công tác chuẩn bị cho Ngày Bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 (ngày 23/5).
866 ứng cử viên đại biểu Quốc hội
Tính đến thời điểm này, tổng số người chính thức ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV là 866 người để bầu 500 đại biểu (tỷ lệ 1,73 người ứng cử để bầu 1 đại biểu). Cơ cấu kết hợp: 393 nữ (45,38%);185 người dân tộc thiểu số (21,36%); 74 người ngoài Đảng (8,55%); 204 người tái cử (23,56%); 224 người trẻ tuổi (dưới 40 tuổi) (25,87%). 9 người tự ứng cử.
Ông Bùi Văn Cường, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, Ủy viên Hội đồng Bầu cử Quốc gia, Chánh Văn phòng Hội đồng Bầu cử Quốc gia báo cáo tóm tắt về tình hình triển khai công tác chuẩn bị cho ngày bầu cử 23/5 tới.
Về ứng cử viên đại biểu Hội đồng nhân dân, cấp tỉnh, tổng số đại biểu được bầu theo luật định là 3.726 người. Tổng số người ứng cử theo danh sách chính thức là 6.199 người. Tỷ lệ 1,66 người ứng cử để bầu 1 đại biểu. Cơ cấu kết hợp: 2.528 nữ (40,78%); 1.987 người trẻ tuổi (32,05%); 774 người ngoài Đảng (12,49%); 1.156 người dân tộc thiểu số (18,65%). 18 người tự ứng cử (0,29%).
Cấp huyện, tổng số đại biểu được bầu theo luật định: 22.952 người. Tổng số người ứng cử trong danh sách chính thức là 37.468 người. Tỷ lệ 1,66 lần. Cơ cấu kết hợp: phụ nữ: 15.814 nữ (42,21%); 15.262 người trẻ tuổi (40,73%); 4.909 người ngoài Đảng (13,10%); 7.204 người dân tộc thiểu số (19,23%). 29 người tự ứng cử (0,08%).
Cấp xã: Tổng số đại biểu được bầu theo luật định: 242.312 người. Tổng số người ứng cử trong danh sách chính thức là 405.244 người. Tỷ lệ 1,67 lần. Cơ cấu kết hợp:157.680 nữ: (38,91%); 181.056 người trẻ tuổi (44,68%); 102.084 người ngoài Đảng (25,19%); 87.062 người dân tộc thiểu số (21,48%). 213 người tự ứng cử (0,05%).
Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, Chánh Văn phòng Hội đồng Bầu cử Quốc gia Bùi Văn Cường cho biết cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 đang được các cấp, các ngành, các tỉnh, thành phố triển khai đồng bộ, chặt chẽ, đạt kết quả cao.
Công tác chuẩn bị bầu cử đã bám sát kế hoạch, đúng trình tự theo Luật Bầucử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp, Nghị quyết của Hội đồng Bầu cử Quốc gia.Hội đồng Bầu cử Quốc gia đánh giá cao Ban Thường vụ các tỉnh, Thành ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các cơ quan từ Trung ương tới cơ sở đã rất sát sao, phối hợp chặt chẽ, thể hiện quyết tâm, nỗ lực thực hiện nhiệm vụ kép vừa nghiêm túc phòng chống dịch, vừa đảm bảo phát triển kinh tế - xã hội và tổ chức thành công cuộc bầu cử.
Thực hiện quyền dân chủ trực tiếp
Tại cuộc họp báo, một số phóng viên quan tâm về việc rút tên hai ứng cử viên khỏi danh sách chính thức ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV được Hội đồng Bầu cử Quốc gia công bố. Đó là ông Nguyễn Thế Anh, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Kiên Giang (ứng cử viên tại Kiên Giang) và ông Nguyễn Quang Tuấn, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai (ứng cử viên tại Hà Nội).
Bà Nguyễn Thị Thanh, Ủy viên Trung ương Đảng, Trưởng Ban Công tác đại biểu, Phó Trưởng Ban Tổ chức Trung ương, Ủy viên Hội đồng Bầu cử Quốc gia trả lời các câu hỏi của phóng viên báo chí.
Trưởng Ban Công tác đại biểu, Phó Trưởng Ban Tổ chức Trung ương, Ủy viên Hội đồng Bầu cử quốc gia, Phó Trưởng Tiểu ban Thường trực Tiểu ban Nhân sự Nguyễn Thị Thanh nêu rõ: Hội đồng Bầu cử Quốc gia đã thông tin kịp thời, chính xác, công khai việc rút tên hai ứng cử viên này.
Bà Nguyễn Thị Thanh khẳng định: Hội đồng Bầu cử Quốc gia đã làm việc khách quan, công tâm, trách nhiệm, đúng quy trình, đảm bảo đúng luật.
Việc cho rút tên đã thể hiện tinh thần làm việc của Hội đồng Bầu cử Quốc gia, sự mong đợi của cử tri và nhân dân cả nước, lựa chọn ra những người ưu tú, tiêu biểu cho đến khi nào kết quả cuối cùng xác nhận tư cách đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp. Thậm chí, đã xác nhận tư cách nhưng đến thời điểm đó mà có vi phạm sẽ vẫn tiếp tục xem xét.
Kể cả đã trở thành đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhưng có vi phạm, có tình huống pháp lý đặt ra, Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp sẽ bãi miễn đại biểu đó. "Công tác nhân sự không dừng ở giai đoạn nào mà làm cho đến khi các đại biểu thực sự được công nhận là đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp theo quy định của pháp luật," bà Nguyễn Thị Thanh nhấn mạnh.
Phó Trưởng Tiểu ban Thường trực Tiểu ban Nhân sự Nguyễn Thị Thanh thông tin thêm, trên cơ sở đơn xin rút của hai ứng cử viên Nguyễn Thế Anh và Nguyễn Quang Tuấn, đề nghị của Ủy ban Bầu cử tỉnh Kiên Giang, Ủy ban Bầu cử thành phố Hà Nội, Hội đồng Bầu cử Quốc gia đã xem xét khách quan, thận trọng, kỹ lưỡng, cân nhắc nhiều mặt và đã có nghị quyết về việc cho rút tên với lý do sức khỏe, lý do cá nhân của hai ứng cử viên này.
Đề cập đến giải pháp khắc phục tình trạng "bầu hộ, bầu thay" diễn ra ở một số kỳ bầu cử trước, chống bệnh thành tích trong bầu cử, đảm bảo cuộc bầu cử là Ngày hội của toàn dân, bà Nguyễn Thị Thanh nêu rõ: Nguyên tắc của cuộc bầu cử là phổ thông, trực tiếp, bình đẳng. Việc đi bầu cử là quyền và nghĩa vụ của mỗi cử tri bởi bầu ra người đại diện cho mình. Việc trực tiếp đi bầu cử là thực hiện quyền dân chủ trực tiếp, tự tay bỏ phiếu bầu người thay mình tham gia cơ quan quyền lực của Nhà nước ở Trung ương và địa phương.
Bà Nguyễn Thị Thanh cho rằng, để tránh tình trạng này, các cơ quan báo chí tiếp tục tuyên truyền về quyền, nghĩa vụ công dân trong việc tham gia bầu cử, giúp cử tri hiểu rõ "bầu hộ, bầu thay" là vi phạm nguyên tắc bầu cử; đặc biệt, quan tâm đến địa bàn vùng sâu, vùng xa, đi lại khó khăn. Ngoài ra, cần phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên trong việc vận động, tuyên truyền, theo dõi diễn biến cử tri đi bầu…
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật, Phó Trưởng Tiểu ban Thường trực Tiểu ban Văn bản Pháp luật và Thông tin tuyên truyền Hoàng Thanh Tùng cho biết thời gian tiến hành bầu cử theo quy định của luật là từ 7 giờ đến 19 giờ ngày 23/5 tới. Ở một số địa phương, tùy tình hình cụ thể, tổ bầu cử có thể tiến hành bắt đầu bỏ phiếu sớm, nhưng không được trước 5 giờ hoặc có thể kết thúc muộn hơn nhưng không được quá 21 giờ. Đối với những nơi có 100% cử tri trong danh sách đi bầu và hoàn thành trước 19 giờ, tổ bầu cử đó cũng không được tuyên bố kết thúc bầu cử và kiểm phiếu.
Ông Hoàng Thanh Tùng lý giải nếu kiểm phiếu trước 19 giờ sẽ thực hiện trước các khu vực bầu cử khác trong cùng đơn vị bầu cử. Kết quả bầu cử của khu vực đó có thể bị lộ, lọt ra bên ngoài và ảnh hưởng đến kết quả bầu cử của các khu vực bỏ phiếu khác trong cùng đơn vị bầu cử.
Do đó, để đảm bảo tính khách quan, công bằng, đảm bảo quyền cử tri được lựa chọn người mình thấy xứng đáng để bầu làm đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng dân các cấp mà không bị tác động bởi những yếu tố khác, việc kiểm phiếu phải thực hiện nghiêm túc theo đúng quy định.