Đẩy nhanh việc thi hành án để sớm thu hồi tài sản Nhà nước bị thất thoát, lãng phí

Thứ Tư, 11/10/2023 10:28

|

(CAO) Các cơ quan chức năng đang tập trung phối hợp, có giải pháp, phương án xử lý đối với các dự án phải dừng thời gian thực hiện lâu do liên quan đến điều tra, truy tố, xét xử để sớm đưa các tài sản, tài nguyên vào khai thác, sử dụng; đẩy nhanh quá trình thi hành án để sớm thu hồi các tài sản nhà nước bị thất thoát, lãng phí.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc vừa thay mặt Chính phủ báo cáo Quốc hội việc thực hiện nhiệm vụ nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác điều tra, thi hành án liên quan đến việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; đẩy nhanh quá trình điều tra, thi hành các bản án để sớm thu hồi các tài sản nhà nước bị thất thoát, lãng phí.

Đây là một trong những yêu cầu của Quốc hội tại Nghị quyết số 74/2022/QH15 ngày 15/11/2022 về đẩy mạnh việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.

Theo đó, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết, thực hiện yêu cầu cầu của Quốc hội tại Nghị quyết trên, Bộ Công an đã chỉ đạo đẩy nhanh quá trình điều tra các vụ án, sớm thu hồi tài sản nhà nước bị thất thoát, lãng phí.

Ảnh minh họa

Cụ thể, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu đã khởi tố 14 vụ/180 bị can; kết luận điều tra 30 vụ/524 bị can; hiện đang thụ lý điều tra 18 vụ/166 bị can. Số tiền đang được kê biên, phong tỏa, theo báo cáo, là trên 10.150 tỷ đồng trong các vụ án thụ lý điều tra.

Văn phòng Cơ quan Cảnh sát điều tra cũng đang thụ lý, điều tra 04 vụ/26 bị can; trong đó có 02 vụ thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo dõi, chỉ đạo.

Hiện các cơ quan chức năng đang tập trung đẩy nhanh tiến độ điều tra, kết luận điều tra để sớm thu hồi tải sản nhà nước bị thất thoát, lãng phí. Trong số này, ông Phớc thông tin, vụ án “Thao túng thị trường chứng khoán; Lừa đảo, chiếm đoạt tài sản” xảy ra tại Công ty Cổ phần Tập đoàn FLC, Công ty Cổ phần Chứng khoán BOS, Công ty Cổ phần Xây dựng Faros đang được cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an tạm giữ, kê biên, phong tỏa tài khoản tổng giá trị khoảng trên 3.000 tỷ đồng.

Cũng thực hiện nhiệm vụ được giao tại Nghị quyết, Bộ Tư pháp đã tích cực chủ động phối hợp với Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Kiểm toán Nhà nước, Bộ Công an trong việc thực hiện rà soát các khó khăn, vướng mắc liên quan đến công tác điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án; chủ động có giải pháp xử lý các nội dung thuộc thẩm quyền.

Ngành tư pháp đã phối hợp báo cáo, tham mưu xử lý các vấn đề vượt thẩm quyền để sớm có phương án xử lý đối với các tài sản, nguồn lực liên quan đến các vụ án, vụ việc lớn, tránh thất thoát, lãng phí kéo dài.

Phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương có giải pháp, kiến nghị phương án xử lý đối với các dự án phải dừng thời gian thực hiện quá lâu bị ảnh hưởng do liên quan đến điều tra, truy tố, xét xử để sớm đưa các tài sản, tài nguyên vào khai thác, sử dụng; đẩy nhanh quá trình thi hành án để sớm thu hồi các tài sản nhà nước bị thất thoát, lãng phí.

“Bộ Tư pháp có văn bản gửi Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực có ý kiến đề nghị Ban Cán sự đảng Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn thống nhất trong hệ thống Tòa án về quan điểm xử lý tài sản đã được bản án tuyên kê biên để đảm bảo thi hành án” – báo cáo của Chính phủ nêu.

Liên quan đến công tác thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế, Chính phủ khẳng định 9 tháng qua tiếp tục ghi nhận kết quả tích cực.

“Đã thi hành xong 1.536 việc, tăng 18,24% so cùng kỳ năm 2022, đạt tỷ lệ 48,39% tương ứng với số tiền 19.386 tỷ đồng, tăng 9.401 tỷ đồng (tăng 94,16%) so cùng kỳ năm 2022” – Chính phủ dẫn số liệu.

Đối với các vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo dõi, chỉ đạo, theo Chính phủ, đã thi hành xong 75.092 tỷ đồng, còn phải thi hành là 77.605 tỷ đồng.

Thời gian tới, Chính phủ xác định tiếp tục hoàn thiện thể chế bảo đảm thu hồi hiệu quả tài sản của Nhà nước bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án kinh tế, tham nhũng.

Cùng với đó, tiếp tục bám sát sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, nhất là Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đối với công tác thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế.

Đồng thời, chủ động phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ban, ngành và cấp ủy chính quyền địa phương trong tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, xử lý tài sản để thu hồi cho nhà nước.

Vẫn tại báo cáo, Chính phủ đã thông tin về kết quả triển khai nhiệm vụ thực hiện nghiêm các Nghị quyết, Kết luận của Bộ Chính trị, Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng chống tham nhũng, lãng phí; các kết luận, kiến nghị của các cơ quan thanh tra, kiểm tra, kiểm toán.

Chính phủ cho hay, trong 6 tháng đầu năm 2023, toàn ngành thanh tra đã tiến hành đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện 5.030 kết luận và quyết định xử lý về thanh tra. Trong số này, có 2.099 kết luận thanh tra đã hoàn thành 100% các nội dung phải thực hiện (chiếm 41,7% tổng số kết luận thanh tra được đôn đốc, kiểm tra).

Qua đôn đốc, các cơ quan chức năng đã thu hồi 592 tỷ đồng (đạt tỷ lệ 34,2%), 4 ha đất; xử lý hành chính 892 tổ chức, 2.818 cá nhân; chuyển cơ quan điều tra 163 vụ, 114 đối tượng; khởi tố 4 vụ, 5 đối tượng; ban hành mới, sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ 98 văn bản về cơ chế, chính sách, pháp luật theo kiến nghị tại các kết luận thanh tra (đạt tỷ lệ 53,0%).

Kiểm toán Nhà nước đã kiến nghị tăng thu giảm chi NSNN 5.531 tỷ đồng (tăng thu NSNN 1.501 tỷ đồng, giảm chi NSNN 4.030 tỷ đồng), giảm lỗ các doanh nghiệp 92 tỷ đồng và kiến nghị khác 6.865 tỷ đồng.

Tới đây, các cơ quan này đặt mục tiêu thu hồi triệt để các dự án treo và đẩy nhanh việc thu hồi các tài sản, đất đai nhà nước bị thất thoát, vi phạm theo các kết luận, kiến nghị đã được ban hành.

Bình luận (0)

Lên đầu trang