Kịp thời hỗ trợ và hòa nhập cộng đồng
Để phù hợp với quy định của khoản 2 Điều 14 Hiến pháp năm 2013, những quy định liên quan quyền con người, quyền công dân bị hạn chế từ các văn bản dưới luật sẽ phải rà soát để quy định trong luật, cụ thể như nạn nhân mua bán người theo quy định của Luật PCMBN được xác định theo quy định tại Điều 119, Điều 120 của Bộ luật Hình sự năm 1999. Tuy nhiên, Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) quy định về tội phạm mua bán người (Điều 150 và Điều 151) có sự thay đổi.
Do vậy, cần phải sửa đổi, bổ sung các căn cứ xác định nạn nhân cho phù hợp với quy định của Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017). Để giải quyết những tồn tại, khó khăn trong quá trình thực hiện Luật PCMBN, chưa có quy định về chi phí phiên dịch cho nạn nhân là người nước ngoài, nạn nhân là người dân tộc thiểu số trong quá trình tiếp nhận nạn nhân, lấy lời khai hoặc trong việc hỗ trợ nạn nhân lưu trú tại cơ sở hỗ trợ nạn nhân, cơ sở bảo trợ xã hội. Thực tiễn hiện nay, những người đang trong quá trình xác định là nạn nhân chưa có quy định để hưởng các chế độ, chính sách. Trong thời gian chờ xác minh, các nạn nhân cũng cần được hưởng một số chế độ thiết yếu như ăn, mặc, chi phí đi lại, y tế... Thực tế các cơ quan chức năng đã phải tổ chức hỗ trợ những thiết yếu cơ bản này nhưng khi xác minh không đủ điều kiện xác định là nạn nhân dẫn đến khó khăn về chi trả kinh phí đã được thực hiện.
Lực lượng Công an và biên phòng tuần tra biên giới đấu tranh phòng, chống mua bán người
Chế độ hỗ trợ nạn nhân chưa phù hợp với thực tiễn, chỉ quy định nạn nhân được hỗ trợ về tâm lý trong thời gian cư trú tại cơ sở bảo trợ xã hội, cơ sở hỗ trợ nạn nhân. Trong khi nhiều nạn nhân thường trở về với những sang chấn tâm lý, hoảng loạn, lo lắng bị trả thù sau khi cung cấp lời khai cho công an, biên phòng hoặc khi trở về địa phương bị kỳ thị, xa lánh cũng rất cần được hỗ trợ tâm lý. Chỉ có nạn nhân thuộc hộ nghèo mới được xem xét hỗ trợ văn hóa, học nghề, trợ cấp khó khăn ban đầu. Mức chi hỗ trợ khó khăn ban đầu cho nạn nhân còn thấp, chưa bảo đảm cuộc sống khi về địa phương hòa nhập cộng đồng... Vì những lý do nêu trên (Chuyên đề Công an TPHCM đã nêu trong kỳ trước), việc sửa đổi Luật PCMBN là yêu cầu cấp thiết, khách quan, nhằm khắc phục hạn chế, khó khăn hiện nay, bảo đảm đáp ứng tốt hơn yêu cầu đẩy mạnh PCMBN trong thời gian tới.
Góp phần ổn định an ninh, trật tự, an toàn xã hội
Theo Bộ Công an, việc hoàn thiện pháp luật PCMBN, tạo nhận thức thống nhất và đầy đủ về công tác PCMBN trong thời gian tới; nâng cao trách nhiệm của cá nhân, gia đình, cơ quan, tổ chức và của toàn xã hội trong công tác PCMBN; hoàn thiện cơ sở pháp lý trong thực hiện việc hỗ trợ, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp người đang trong quá trình xác định là nạn nhân hoặc nạn nhân phù hợp với tình hình kinh tế - xã hội hiện nay, nhằm góp phần ổn định tình hình ANTT, an toàn xã hội; nâng cao hiệu quả công tác quản lý Nhà nước về PCMBN.
Người dân đề phòng sập bẫy mua bán người qua lời dụ dỗ "việc nhẹ, lương cao"
Quan điểm chỉ đạo xây dựng Luật PCMBN (sửa đổi) được thực hiện theo quan điểm của Đảng về công tác PCMBN; cụ thể hóa quy định của Hiến pháp năm 2013 về quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân, bảo đảm sự thống nhất, đồng bộ với các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan đến công tác PCMBN. Bám sát các nhóm chính sách trong đề nghị xây dựng PCMBN (sửa đổi) đã được Chính phủ thông qua để quy phạm hóa vào dự thảo Luật, bảo đảm kế thừa các quy định còn phù hợp, khắc phục những tồn tại, bất cập, hạn chế, đáp ứng yêu cầu của công tác PCMBN hiện nay và trong những năm tiếp theo; bảo đảm các quy định của Luật PCMBN (sửa đổi) mang tính cụ thể, dễ tổ chức thực hiện. Tham khảo có chọn lọc kinh nghiệm pháp luật và thực tiễn công tác PCMBN của một số quốc gia trên thế giới phù hợp với điều kiện thực tiễn Việt Nam; bảo đảm phù hợp với pháp luật, thông lệ và điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.
Với quá trình xây dựng dự án Luật, thực hiện phân công của Chính phủ, Bộ Công an đã thực hiện các trình tự, thủ tục bài bản, nghiêm túc, khoa học... và dày công từ khâu thành lập Ban soạn thảo, Tổ biên tập xây dựng dự án Luật theo đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật gồm đại diện lãnh đạo các Bộ, ngành, cơ quan có liên quan, do Bộ trưởng Bộ Công an làm Trưởng ban soạn thảo. Xây dựng hồ sơ dự án Luật theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật; lấy ý kiến tham gia của các Bộ, ngành, cơ quan có liên quan và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các chuyên gia pháp luật, nhà khoa học đối với dự thảo Luật. Đăng tải dự thảo văn bản lên Cổng thông tin điện tử của Bộ Công an, Cổng thông tin điện tử của Chính phủ để lấy ý kiến của các cơ quan, tổ chức và nhân dân. Trên cơ sở các ý kiến tham gia, Bộ Công an đã nghiên cứu, tiếp thu, giải trình, hoàn thiện dự thảo Luật và gửi Bộ Tư pháp để thẩm định. Trên cơ sở nghiên cứu, tiếp thu ý kiến tham gia của các Bộ, ngành, ý kiến thẩm định của Bộ Tư pháp, ý kiến của các thành viên Chính phủ, Bộ Công an đã chỉnh lý, hoàn thiện dự án Luật trình Chính phủ xem xét.
Cơ quan chức năng chung tay tuyên truyền phòng, chống mua bán người
Nội dung cơ bản của dự thảo luật
Theo Bộ Công an, dự thảo Luật gồm 8 chương, 62 điều (tăng 4 điều so với Luật PCMBN năm 2011), trong đó, sửa đổi, bổ sung nội dung 35 điều, xây dựng mới 5 điều, bỏ 1 điều. Nội dung cơ bản của dự thảo Luật, về những quy định chung (Chương I) quy định về phạm vi điều chỉnh; giải thích từ ngữ; các hành vi bị nghiêm cấm; nguyên tắc PCMBN; chính sách của Nhà nước về PCMBN; quyền và nghĩa vụ của người đang trong quá trình xác định là nạn nhân, nạn nhân. So với Luật PCMBN năm 2011, chương này giữ nguyên số điều, trong đó sửa đổi, bổ sung 7 điều (từ Điều 1 đến Điều 7), gồm các nội dung chính sau: Sửa đổi, bổ sung quy định về "Phạm vi điều chỉnh" tại Điều 1; việc sửa đổi nội dung của điều này để phù hợp với bố cục, nội dung được quy định trong dự thảo Luật này. Bổ sung giải thích từ ngữ về "người đang trong quá trình xác định là nạn nhân" và bổ sung đối tượng này trong các quy định tương ứng của dự thảo Luật.
Việc bổ sung này nhằm tạo sự thống nhất trong cách hiểu thuật ngữ được sử dụng trong dự thảo Luật, cũng như xác định rõ địa vị pháp lý của người đang trong quá trình xác định là nạn nhân, cụ thể hóa nhóm chính sách về quy định chế độ hỗ trợ người đang trong quá trình xác định là nạn nhân. Sửa đổi giải thích từ ngữ về "nạn nhân", tạo sự thống nhất trong cách hiểu trong dự thảo Luật và phù hợp, thống nhất với quy định của pháp luật hình sự về mua bán người. Bổ sung quyền của người đang trong quá trình xác định là nạn nhân, nạn nhân là từ chối biện pháp bảo vệ do cơ quan, người có thẩm quyền áp dụng, tự chịu trách nhiệm về an toàn của bản thân khi từ chối biện pháp bảo vệ hoặc không chấp hành đầy đủ các yêu cầu của cơ quan, người có thẩm quyền áp dụng biện pháp bảo vệ và các quyền khác theo quy định của pháp luật có liên quan đến PCMBN. Việc bổ sung này để hoàn thiện quy định về quyền của người đang trong quá trình xác định là nạn nhân, nạn nhân bảo đảm quy định của Hiến pháp năm 2013.
Quy định mới (sửa đổi) về thông tin, tuyên truyền, giáo dục, tư vấn về PCMBN; quản lý về ANTT; quản lý các hoạt động kinh doanh, dịch vụ; lồng ghép nội dung PCMBN vào các chương trình phát triển kinh tế - xã hội. Cá nhân, gia đình, nhà trường, cơ sở giáo dục, đào tạo, tổ chức, cơ sở hoạt động kinh doanh, dịch vụ, cơ quan thông tin đại chúng, MTTQ Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận, Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam... tham gia phòng ngừa mua bán người; tố giác, tin báo, tố cáo hành vi vi phạm; phát hiện hành vi vi phạm thông qua hoạt động kiểm tra, thanh tra; nghiệp vụ phòng, chống tội phạm; giải quyết tin báo, tố giác, tố cáo hành vi vi phạm; xử lý vi phạm.
(Còn tiếp...)
(CATP) Thực hiện quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Bộ Công an đã trình Chính phủ dự án Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi). Việc sửa đổi, bổ sung này nhằm khắc phục những khó khăn, vướng mắc về tiếp nhận, xác định, xác minh nạn nhân hiện nay, đồng thời bảo đảm phù hợp với Hiến pháp năm 2013, thống nhất của pháp luật hình sự về tội phạm mua bán người, bảo đảm đáp ứng tốt hơn yêu cầu đẩy mạnh phòng, chống mua bán người trong thời gian tới.