Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Thị Hồng vừa thay mặt Chính phủ ký báo cáo gửi Quốc hội về việc thực hiện một số nghị quyết của Quốc hội về giám sát, chất vấn từ đầu nhiệm kỳ khóa XV thuộc lĩnh vực ngân hàng.
Tại báo cáo này, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng đã thông tin về công tác cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng (TCTD). Thống đốc nhận định, các Ngân hàng thương mại (NHTM) nhà nước tiếp tục đóng vai trò chủ đạo trong hệ thống các TCTD; tích cực tham gia hỗ trợ, xử lý các TCTD yếu kém và dành nguồn lực để hỗ trợ giảm lãi suất cho khách hàng vay gặp khó khăn do dịch Covid-19.
Đến cuối tháng 6/2023, vốn điều lệ của 04 NHTM nhà nước (Agribank, Vietcombank, VietinBank, BIDV) đạt 180,4 nghìn tỷ đồng; tổng tài sản đạt 7.586,5 nghìn tỷ đồng; huy động vốn TT1 (huy động từ dân cư và tổ chức kinh tế) đạt 6.230,6 nghìn tỷ đồng; dư nợ cho vay TT1 đạt 5.570,6 nghìn tỷ đồng.
Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng
Với 04 ngân hàng được kiểm soát đặc biệt, bà Hồng cho biết, đến nay, NHNN đã trình và được cấp có thẩm quyền phê duyệt chủ trương chuyển giao bắt buộc. Hiện NHNN đang chỉ đạo các bên liên quan thực hiện các nội dung tiếp theo để trình Chính phủ phê duyệt phương án cơ cấu lại 4 ngân hàng này theo trình tự, thủ tục quy định.
Cơ quan quản lý ngành ngân hàng cũng đã quyết liệt chỉ đạo các ngân hàng mua bắt buộc triển khai thuê tổ chức tư vấn xác định giá trị doanh nghiệp và phối hợp với tổ chức tư vấn để thực hiện việc xác định giá trị doanh nghiệp, đảm bảo tuân thủ theo đúng quy định của pháp luật.
“Đến nay, các tổ chức tư vấn định giá đã phát hành chứng thư thẩm định giá và NHNN đã gửi Kiểm toán Nhà nước thực hiện kiểm toán kết quả” – bà Hồng báo cáo.
Riêng với NHTMCP Sài Gòn (SCB), được đặt vào kiểm soát đặc biệt từ tháng 10/2022, bà Hồng cho hay, NHNN đã khẩn trương, tích cực phối hợp với các bộ, ngành triển khai các giải pháp theo quy định pháp luật để bảo đảm an toàn hệ thống ngân hàng và bảo đảm quyền, lợi ích của người gửi tiền.
“Trên cơ sở báo cáo đánh giá tổng thể thực trạng và đề xuất chủ trương cơ cấu lại SCB và Ban kiểm soát đặc biệt SCB, NHNN đang tìm kiếm nhà đầu tư tham gia cơ cấu lại SCB để trình Chính phủ xem xét, quyết định chủ trương cơ cấu lại SCB theo quy định” – Thống đốc thông tin.
Với TCTD phi ngân hàng yếu kém, NHNN đã trình phương án cơ cấu lại Công ty tài chính Handico, đồng thời có công văn đề nghị Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo Tổng Công ty công nghiệp Tàu thủy (SBIC) khẩn trương xây dựng Phương án cơ cấu lại Công ty tài chính Công nghiệp Tàu thủy (VFC) và Công ty cho thuê tài chính Công nghiệp tàu thủy (VFL).
Đây là các TCTD đã dừng hoạt động từ năm 2012, nếu không được phê duyệt phương án tái cơ cấu khả thi, NHNN đề nghị Bộ Giao Thông vận tải chỉ đạo SBIC thực hiện phá sản VFL, VFC theo thẩm quyền.
Vẫn theo lãnh đạo ngành ngân hàng, hiện các NHTMCP đều đang tập trung củng cố, chấn chỉnh toàn diện các mặt tài chính, quản trị, xử lý nợ xấu, tăng cường các biện pháp kiểm soát nhằm nâng cao chất lượng tín dụng, hiệu quả kinh doanh và năng lực cạnh tranh, tăng cường tính minh bạch trong hoạt động.
Tính đến cuối tháng 7/2023, vốn điều lệ của các NHTMCP đạt 496,3 tỷ đồng. Tổng tài sản đạt 8.381,7 nghìn tỷ đồng; huy động vốn TT1 đạt 5.952,8 nghìn tỷ đồng; dư nợ cho vay TT1 đạt 5.539,3 nghìn tỷ đồng.
Đối với hệ thống quỹ tín dụng nhân dân (QTDND), NHNN tiếp tục tập trung chỉ đạo các đơn vị trong ngành triển khai các giải pháp nhằm tăng cường củng cố hệ thống quỹ, trong đó, chỉ đạo NHNN chi nhánh theo dõi, kiểm tra giám sát chặt chẽ hoạt động.
Cơ quan này cũng chủ trương triển khai quyết liệt phương án xử lý QTDND yếu kém, QTDND được kiểm soát đặc biệt, xem xét cho phép thí điểm việc xử lý pháp nhân các QTDND yếu kém, QTDND được kiểm soát đặc biệt có quy mô nhỏ (lượng tiền gửi và người gửi tiền ít)/QTDND không còn tiền gửi hoặc có tiền gửi trong hạn mức chi trả của bảo hiểm tiền gửi thông qua phương án phá sản sau khi đã đánh giá đầy đủ tác động và nguy cơ ảnh hưởng đến an ninh chính trị và an toàn hệ thống.
Nêu vướng mắc, bà Hồng cho biết, việc tìm kiếm, đàm phán NHTM đủ điều kiện nhận chuyển giao bắt buộc (năng lực tài chính, quản trị, kinh nghiệm cơ cấu TCTD yếu kém) kéo dài, khó khăn do phụ thuộc lớn vào việc tự nguyện tham gia của các NHTM và cần thời gian để thuyết phục cổ đông, nhất là cổ đông lớn, cổ đông chiến lược nước ngoài đồng thuận tham gia nhận chuyển giao bắt buộc.
Trong khi đó, cơ chế chính sách, nguồn lực tài chính để xử lý TCTD yếu kém nói chung và để xây dựng phương án chuyển giao bắt buộc các ngân hàng mua bắt buộc và NHTMCP Đông Á nói riêng còn nhiều bất cập, vướng mắc, thủ tục kéo dài. Việc phối hợp, tham gia ý kiến của các bộ, ngành liên quan còn kéo dài do việc xử lý các ngân hàng yếu kém phức tạp, chưa có tiền lệ...
Thời gian tới, bà Hồng nhấn mạnh, NHNN sẽ tập trung triển khai chỉ đạo của các cấp có thẩm quyền về việc cơ cấu lại, xử lý các ngân hàng yếu kém, bảo đảm ổn định tình hình hoạt động và hỗ trợ các ngân hàng này từng bước phục hồi.
Đồng thời, tiếp tục hoàn thiện dự án Luật các TCTD (sửa đổi), trong đó tập trung khắc phục các bất cập, hoàn thiện cơ chế xử lý các TCTD yếu kém, nâng cao năng lực quản trị, điều hành, đặc biệt là quản trị rủi ro của TCTD, hạn chế, ngăn ngừa việc lạm dụng quyền quản trị, điều hành, quyền cổ đông để thao túng hoạt động ngân hàng vì mục đích vụ lợi.
NHNN cũng chỉ đạo các ngân hàng nhận chuyển giao bắt buộc hoàn chỉnh phương án chuyển giao bắt buộc theo đúng quy định của pháp luật và chỉ đạo của các cấp có thẩm quyền, trình Chính phủ phê duyệt và triển khai thực hiện.