Sửa đổi Luật Phòng, chống mua bán người là yêu cầu tất yếu, khách quan:

Bài cuối: Phát huy trách nhiệm của nhiều bộ, ngành

Thứ Tư, 11/10/2023 10:08

|

(CATP) Trách nhiệm quản lý nhà nước về phòng, chống mua bán người (PCMBN) được quy định như sau: Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về PCMBN. Bộ Công an chịu trách nhiệm giúp Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về PCMBN. Bộ Quốc phòng, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH), Bộ Y tế, Bộ Ngoại giao, Bộ Tư pháp, Bộ VHTT&DL, Bộ GD-ĐT, Bộ Thông tin và Truyền thông và các bộ, cơ quan ngang bộ, UBND các cấp, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm phối hợp với Bộ Công an thực hiện quản lý nhà nước về PCMBN.

Bảo vệ nạn nhân

Theo Bộ Công an, việc sửa đổi, bổ sung Luật PCMBN nhằm cụ thể hóa chính sách về quy định chế độ hỗ trợ người đang trong quá trình xác định là nạn nhân; hoàn thiện quy định về quyền của người đang trong quá trình xác định là nạn nhân hoặc nạn nhân, bảo đảm khắc phục những bất cập, phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của Việt Nam hiện nay cũng như thời gian tới, phù hợp với cam kết của Việt Nam liên quan đến bảo đảm, bảo vệ quyền con người, quyền của người đang trong quá trình xác định là nạn nhân hoặc nạn nhân bị mua bán.

Về tiếp nhận, xác định và bảo vệ người trong quá trình xác định là nạn nhân, nạn nhân (Chương IV), quy định về tiếp nhận, xác minh người trong quá trình xác định là nạn nhân, nạn nhân được giải cứu; xác định nạn nhân bị mua bán trong nước; tiếp nhận, xác định nạn nhân đang ở nước ngoài; tiếp nhận, xác minh người đang trong quá trình xác định là nạn nhân, nạn nhân từ nước ngoài trở về; tiếp nhận, xác minh và trao trả người nước ngoài bị mua bán tại Việt Nam; căn cứ để xác định nạn nhân; giấy tờ, tài liệu chứng nhận nạn nhân; giải cứu, bảo vệ nạn nhân, người đang trong quá trình xác định là nạn nhân; đối tượng bảo vệ; các biện pháp bảo vệ và thẩm quyền áp dụng; bảo vệ bí mật thông tin, dữ liệu về người đang trong quá trình xác minh là nạn nhân, nạn nhân.

Lực lượng công an và biên phòng tỉnh Tây Ninh phá chuyên án, giải cứu nạn nhân bị mua bán

So với Luật PCMBN năm 2011, quy định về tiếp nhận, xác định nạn nhân đang ở nước ngoài quy định: Cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan đại diện lãnh sự hoặc cơ quan khác được ủy quyền thực hiện chức năng lãnh sự của Việt Nam ở nước ngoài (gọi chung là cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài), khi tiếp nhận thông tin, tài liệu về người có dấu hiệu bị xâm hại bởi hành vi mua bán người, nạn nhân do cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài, tổ chức quốc tế, cơ quan chức năng của Việt Nam ở trong nước trao đổi hoặc do chính họ, người biết việc đến trình báo, thực hiện các công việc sau: Trường hợp có thông tin cho biết người đó chưa được giải cứu thì thông báo ngay cho cơ quan có thẩm quyền của nước sở tại để phối hợp kiểm tra, xác minh và tổ chức giải cứu nếu xác định nguồn thông tin có căn cứ. Trường hợp người đó đã được giải cứu hoặc người tự khai là nạn nhân đến trình báo tại cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài thì tiến hành kiểm tra, xác minh thông tin, thu thập tài liệu liên quan, phối hợp với cơ quan chức năng nước sở tại thực hiện hỗ trợ nhu cầu thiết yếu cho nạn nhân và cấp giấy tờ xuất nhập theo quy định. Ngay sau khi nhận được đề nghị xác minh của cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài, các cơ quan chức năng ở trong nước có trách nhiệm tổ chức xác minh, trả lời cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài và phối hợp tổ chức cấp giấy tờ cần thiết, làm thủ tục đưa những người này về nước.

Bổ sung quy định về tiếp nhận, xác minh và trao trả người nước ngoài bị mua bán tại Việt Nam với nội dung cụ thể: Khi nhận được thông tin, tài liệu về người nước ngoài bị mua bán tại Việt Nam do cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài, tổ chức quốc tế, cơ quan, tổ chức trong nước trao đổi hoặc do người biết việc đến trình báo, cơ quan tiếp nhận thông tin có trách nhiệm báo ngay cho cơ quan công an cấp tỉnh - nơi nạn nhân bị giữ để xác minh, điều tra, giải cứu. Trường hợp họ đã được giải cứu hoặc khai là nạn nhân tự trình báo thì cơ quan công an, biên phòng, cảnh sát biển - nơi giải cứu nạn nhân hoặc cơ quan công an (cấp xã, huyện, tỉnh) - nơi tiếp nhận người khai là nạn nhân thực hiện việc hỗ trợ nhu cầu thiết yếu cho nạn nhân nếu thấy cần thiết và chuyển ngay người đó đến Phòng LĐTB&XH nơi họ được giải cứu, hoặc nơi gần nhất họ khai báo về việc bị mua bán. Trường hợp người được giải cứu có đủ căn cứ xác định nạn nhân thì cơ quan giải cứu cấp giấy xác nhận nạn nhân bị mua bán trước khi chuyển giao. Cơ quan chức năng của Bộ Ngoại giao khi nhận được công hàm của cơ quan đại diện ngoại giao của nước mà nạn nhân là công dân (hoặc thường trú) trả lời đồng ý nhận trở về, kèm theo giấy tờ có giá trị xuất nhập cảnh đã được cấp cho nạn nhân, có trách nhiệm thống nhất với phía nước ngoài về thời gian, cửa khẩu, phương tiện chuyên chở nạn nhân về nước...

Hợp tác quốc tế trong việc giải cứu và hồi hương nạn nhân

Nâng cao chế độ hỗ trợ đối với nạn nhân

Luật sửa đổi, bổ sung các quy định về bảo vệ người trong quá trình xác định là nạn nhân hoặc nạn nhân, người thân thích của họ; giữ bí mật các thông tin về đời tư, đặc điểm nhân dạng, nơi cư trú, làm việc, học tập và các thông tin khác có liên quan đến người trong quá trình xác định là nạn nhân, nạn nhân, người thân thích của họ; hạn chế phạm vi đi lại, giao tiếp của người trong quá trình xác định là nạn nhân, nạn nhân, người thân thích của họ; bố trí nơi tạm lánh cho người trong quá trình xác định là nạn nhân, nạn nhân, người thân thích của họ; thẩm quyền áp dụng biện pháp bảo vệ (Chủ tịch UBND xã, phường, thị trấn, Trưởng phòng LĐTB&XH, Giám đốc Cơ sở bảo trợ xã hội, Giám đốc Cơ sở hỗ trợ nạn nhân; thủ trưởng Cơ quan đại điện Việt Nam ở nước ngoài). Việc sửa đổi, bổ sung này nhằm khắc phục những khó khăn, vướng mắc về tiếp nhận, xác định, xác minh nạn nhân hiện nay, đồng thời bảo đảm phù hợp với Hiến pháp năm 2013, thống nhất của pháp luật hình sự về tội phạm mua bán người và quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Khi Luật PCMBN (sửa đổi) có hiệu lực thì các thông tư liên tịch hướng dẫn quy định của Luật PCMBN năm 2011 sẽ bị bãi bỏ.

Công an tuyên truyền để người dân phòng ngừa tội phạm mua bán người

So với Luật PCMBN năm 2011, bổ sung về hỗ trợ chi phí phiên dịch nếu là người nước ngoài, người dân tộc thiểu số. Sửa đổi, bổ sung chế độ hỗ trợ người đang trong quá trình xác định là nạn nhân được hưởng: Hỗ trợ về nhu cầu thiết yếu và chi phí đi lại; hỗ trợ y tế, tâm lý; trợ giúp pháp lý; hỗ trợ chi phí phiên dịch trong quá trình xác định nạn nhân; đồng thời nâng cao chế độ hỗ trợ đối với nạn nhân so với quy định của Luật PCMBN năm 2011 theo hướng tất cả nạn nhân được hỗ trợ các khoản chi phí tiền tàu xe và tiền ăn để trở về nơi cư trú (Luật PCMBN năm 2011 quy định chỉ nạn nhân không có khả năng chi trả tiền tàu xe và tiền ăn trong thời gian đi đường thì mới được hỗ trợ). Cần được chăm sóc y tế để phục hồi sức khỏe thì được xem xét hỗ trợ chi phí khám, chữa bệnh; được hỗ trợ để ổn định tâm lý trong thời gian 3 tháng. Khi trở về địa phương được xem xét hỗ trợ học nghề, tạo điều kiện để có việc làm, ổn định cuộc sống. Có nhu cầu vay vốn để sản xuất, kinh doanh nếu thuộc đối tượng được hưởng các chính sách tín dụng ưu đãi tại Ngân hàng Chính sách xã hội thì được ưu tiên cho vay vốn theo quy định về chính sách tín dụng. Hỗ trợ chi phí phiên dịch nếu là người nước ngoài, người dân tộc thiểu số.

Cũng so với Luật PCMBN năm 2011, bổ sung nội dung quản lý Nhà nước về PCMBN, như ban hành, trình cấp có thẩm quyền ban hành và tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật, kế hoạch về PCMBN; thông tin, tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về PCMBN; thực hiện công tác thống kê, bồi dưỡng người làm công tác PCMBN; nghiên cứu khoa học và hợp tác quốc tế, khen thưởng cá nhân, tập thể có thành tích xuất sắc, thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và xử lý vi phạm pháp luật về PCMBN; đồng thời, sửa đổi, bổ sung bảo đảm quy định thống nhất trong dự thảo Luật và quy định cụ thể hơn trách nhiệm của các cơ quan về PCMBN.

Về hợp tác quốc tế trong PCMBN, quy định về nguyên tắc hợp tác quốc tế, thực hiện hợp tác quốc tế về PCMBN; hợp tác quốc tế trong việc giải cứu và hồi hương nạn nhân; tương trợ tư pháp, so với Luật PCMBN năm 2011, giữ nguyên về số điều, sửa đổi, bổ sung 2 điều (Điều 58, Điều 59) về nguyên tắc hợp tác quốc tế về PCMBN và thực hiện hợp tác quốc tế về PCMBN. Việc sửa đổi, bổ sung này nhằm bảo đảm quy định thống nhất trong dự thảo Luật và phù hợp, thống nhất với quy định của pháp luật liên quan.
Bài 2: Bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật
 

Bình luận (0)

Lên đầu trang