(CAO) Để duy trì sản xuất, có 10.335 doanh nghiệp thực hiện phương án “3 tại chỗ” với 930.306 công nhân, lao động “ăn-ngủ-làm việc” tại doanh nghiệp.
Theo thống kê của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, tính đến ngày 16/8, đã có hơn 1 triệu đoàn viên, người lao động của 7.941 đơn vị, doanh nghiệp đã được tiêm vaccine; trong đó có 437.433 người là công nhân lao động thuộc 921 doanh nghiệp.
Theo con số thống kê, hiện có 29.910 công nhân viên chức lao động đã mắc COVID-19 trên địa bàn 50 tỉnh, thành phố, chiếm 11,44% tổng số ca nhiễm trên cả nước.
Ngoài những công nhân lao động F0, có 99.884 công nhân viên chức lao động là F1, 220.344 công nhân viên chức lao động là F2 và 390.328 công nhân viên chức lao động nằm trong các khu vực phong tỏa/cách ly y tế.
Doanh nghiệp tổ chức thực hiện "3 tại chỗ" để tiếp tục sản xuất, kinh doanh
Đáng lưu ý, đến nay đã có hơn 1,3 triệu lao động phải ngừng việc, nghỉ việc, mất việc hoặc tạm hoãn hợp đồng lao động.
Để duy trì sản xuất, có 10.335 doanh nghiệp thực hiện phương án “3 tại chỗ” với 930.306 công nhân, lao động “ăn-ngủ-làm việc” tại doanh nghiệp; trong đó chỉ riêng 20 tỉnh phía Nam áp dụng Chỉ thị 16 và 20 công đoàn ngành là 10.071 doanh nghiệp với 905.315 công nhân, lao động.
Theo số liệu của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, có 1.013 doanh nghiệp với 84.034 công nhân lao động vừa cách ly/phong tỏa vừa sản xuất. Hơn 2.600 doanh nghiệp đã thành lập hơn 11.600 tổ an toàn COVID-19.
Để hỗ trợ công nhân lao động, công đoàn các cấp đã chi hỗ trợ tuyến đầu chống dịch và đoàn viên, người lao động từ nguồn tài chính công đoàn và nguồn xã hội hóa với tổng số tiền hơn 1.222 tỷ đồng, hỗ trợ cho trên 1 triệu lượt đoàn viên, người lao động.
Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã đồng ý để các Liên đoàn lao động TPHCM, Đồng Nai, Bình Dương, Long An chi 61,5 tỷ đồng từ nguồn tài chính công đoàn tích luỹ để kịp thời mua và cung cấp 410.000 suất hàng hoá, nhu yếu phẩm hỗ trợ cho đoàn viên, công nhân lao động khó khăn tại các khu cách ly, phong toả…