Vụ 1 người tử vong vì 5 cơ sở từ chối điều trị: Xác minh dấu hiệu hình sự

Thứ Ba, 17/08/2021 16:00  | Nam Trung

|

(CAO) Đại tá Trần Văn Chính, Phó Giám đốc Công an tỉnh Bình Dương, cho biết cơ quan chức năng đang xác định vụ việc bệnh nhân tử vong do bị các cơ sở y tế từ chối có dấu hiệu hình sự hay không.

Sáng 17/8/2021, tỉnh Bình Dương đã tổ chức họp báo về công tác phòng chống dịch trên địa bàn. Tham dự và chủ trì có ông Nguyễn Hoàng Thao, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy; bà Trương Thị Bích Hạnh, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Bình Dương.

Tại cuộc họp, Đại tá Trần Văn Chính, Phó Giám đốc Công an tỉnh Bình Dương, cho biết cơ quan chức năng đang xác định vụ việc bệnh nhân tử vong do bị các cơ sở y tế từ chối có dấu hiệu hình sự hay không.

Đồng thời, cơ quan chức năng sẽ làm rõ hành vi không cứu giúp người đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng theo quy định của Bộ luật Hình sự.

Bình Dương họp báo cũng cấp thông tin về công tác phòng chống dịch

Theo thông tin ban đầu từ cơ quan chức năng tỉnh Bình Dương, ông Ngô D (57 tuổi, tạm trú ở phường Tân Đông Hiệp, thành phố Dĩ An) có tiền sử bị tai biến.

Vào tối 13/8, ông D được người thân đưa đến cấp cứu tại Trung tâm Y tế Dĩ An trong tình trạng nôn ói, liệt nửa người.

Tuy nhiên, do cơ sở đang tập trung điều trị bệnh nhân COVID-19 nên cơ sở này không tiếp nhận.

Tiếp đến, bệnh nhân được đưa đến Phòng khám Đa khoa Ngọc Hồng (TP.Dĩ An). Sau khi được khám bước đầu, test nhanh COVID-19, bác sỹ tại đây đề nghị chuyển bệnh nhân đến Bệnh viện Quân đoàn 4 do phòng khám không đủ năng lực cấp cứu.

Liên quan đến vụ việc trên, Văn phòng Chính phủ đã có Công điện số 5646/CĐ-VPCP ngày 16/8 truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, yêu cầu Tỉnh ủy, UBND tỉnh Bình Dương và Bộ Y tế chỉ đạo cơ quan chức năng khẩn trương xác minh, làm rõ vụ việc, nếu có hành vi vi phạm trong việc tiếp nhận, cấp cứu bệnh nhân thì phải xử lý nghiêm theo đúng quy định của pháp luật và công khai kết quả trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Sau đó, Bệnh viện Quân đoàn 4 cũng không tiếp nhận bênh nhân do đơn vị đang điều trị cho một bệnh nhân COVID-19 mới nhập viện và đang phun thuốc khử trùng.

Vì thế, bệnh viện này hướng dẫn gia đình đưa bệnh nhân đến Bệnh viện Thủ Đức (TPHCM). Tuy vậy, người thân không đưa bệnh nhân đến Bệnh viện Thủ Đức mà đưa đến Phòng khám Đa khoa Nam Anh (TP.Dĩ An).

Sau đó, bệnh nhân được đưa trở về phòng trọ, đến 5 giờ ngày 14/8 thì tử vong.

Cũng tại buổi cung cấp thông tin trên, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Bình Dương Nguyễn Hồng Chương thừa nhận hiện nay các cơ sở y tế trong tỉnh đang bị quá tải, nhân viên y tế bị áp lực do dịch COVID-19.

Tuy vậy, việc từ chối cấp cứu bệnh nhân là sai quy định, ngành y tế sẽ xử lý nghiêm trên tinh thần không bao che nếu có sự vi phạm, sai đến đâu xử lý đến đó.

Ngành y tế Bình Dương cũng nhận khuyết điểm, xem vụ việc này là bài học kinh nghiệm sâu sắc trong quản lý việc khám chữa bệnh.

Trong thời gian tới cơ quan chuyên môn sẽ công bố công khai danh sách các cơ sở y tế, bệnh viện có năng lực tiếp nhận bệnh nhân, làm đúng theo chức năng đã đăng ký với Bộ Y tế.

Nỗ lực trong 3 ngày sẽ tiêm xong hơn 265.000 liều vaccine vừa được phân bổ

Liên quan đến vấn đề tiêm vaccine tại Bình Dương, ngày 14/8/2021, Bộ Y tế đã ban hành Quyết định số 3877/QĐ-BYT về việc phân bổ vaccine phòng COVID-19 đợt 21, 22. Theo đó, Bình Dương được phân bổ lần này là 250.000 liều vaccine Astra Zeneca và 15.210 liều vaccine Pfizer.

Thường trực Tỉnh ủy đã giao Sở Y tế khẩn trương tham mưu Ban Chỉ đạo kế hoạch phân bổ 250.000 liều vaccine theo "vùng" và đối tượng ưu tiên tiêm cho những người ở những vùng, điểm có nguy cao dễ nhiễm COVID-19.

Đồng thời, chuẩn bị đảm bảo các điều kiện cần thiết khác để hoàn thành việc tiêm trong thời gian sớm nhất, "Bình Dương sẽ nỗ lực tiêm trong 3 ngày là xong", ông Chương khẳng định.

Trên cơ sở phân bổ của Bộ Y tế, Bình Dương đã nhanh chóng xây dựng kế hoạch và triển khai tiêm vaccine với năng lực thực hiện hơn 100.000 liều/ngày.

Do việc nhập dữ liệu lên nền tảng quản lý tiêm chủng COVID-19 quốc gia chưa theo kịp tốc độ tiêm chủng nên dữ liệu trên Hệ thống chưa phản ánh đầy đủ kết quả thực hiện thực tế của địa phương. Hiện Bình Dương đang tập trung đẩy mạnh công tác nhập dữ liệu tiêm chủng lên hệ thống TCMR.

Nhiều nhân viên y tế sau khi nhiễm COVID-19, tình nguyện ở lại chăm sóc bệnh nhân

Thông tin tại cuộc họp báo cũng cho biết, Bình Dương hiện có 21 khu điều trị bệnh nhân COVID-19, đáp ứng nhu cầu điều trị cho 17.240 bệnh nhân.

Tỉnh đã liên tục đưa vào hoạt động, mở rộng các khu điều trị dã chiến, các bệnh viện dã chiến ở các huyện "vùng xanh". Huy động thêm 4 bệnh viện đa khoa tư nhân tham gia điều trị bệnh nhân COVID-19, đặc biệt là điều trị bệnh nhân người nước ngoài.

Với sự chi viện nhân lực y tế từ Bộ Y tế và các địa phương, Bình Dương có thể đưa số giường điều trị lên trên 30.000 giường, đủ sức đáp ứng nhu cầu điều trị người bệnh trong Tỉnh.

Thống kê của ngành y tế Bình Dương cho thấy, tỉnh này đang điều trị 726 bệnh nhân nặng. Ngành y tế Bình Dương với sự tăng cường lực lượng của Bộ Y tế đang nỗ lực điều trị giảm bệnh nhân tử vong.

Tại các bệnh viện dã chiến, tầng 1 trong mô hình tháp điều trị 3 tầng, điều trị thật tốt, phát hiện để không phải chuyển bệnh nhân lên các tầng trên.

Nhiều thầy thuốc của Bình Dương đã ở trong khu điều trị hơn 1 tháng, nhiều nhân viên y tế sau khi nhiễm COVID-19 đã tình nguyện ở lại để chăm sóc bệnh nhân.

"Chúng tôi đã, đang nỗ lực rất nhiều cùng với cả hệ thống chính trị chống dịch, sớm đưa Bình Dương trở về trạng thái bình thường mới" - ông Nguyễn Hồng Chương, Giám đốc Sở Y tế Bình Dương nói.

Vụ '5 bệnh viện không nhận cấp cứu': Đề nghị Bình Dương thu hồi giấy phép
 

Bình luận (0)

Lên đầu trang