Khai trương nền tảng khám chữa bệnh từ xa và ứng dụng phòng chống dịch

Thứ Bảy, 18/04/2020 15:20  | T.Nam

|

(CAO) Sáng 18/4, tại đầu cầu Hà Nội, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự Lễ khai trương Nền tảng hỗ trợ tư vấn khám, chữa bệnh từ xa và ứng dụng Bluezone bảo vệ cộng đồng, phòng chống COVID-19.

Chương trình do Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Y tế phối hợp tổ chức với nhiều điểm cầu tại Bộ Y tế, một số bệnh viện ở các địa phương.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự lễ khai trương nền tảng hỗ trợ khám chữa bệnh từ xa và ứng dụng phòng chống dịch. Ảnh: VGP/Quang Hiếu

Tại sự kiện, các bác sĩ Bệnh viện Đại học Y Hà Nội đã thực hiện sử dụng Nền tảng hỗ trợ tư vấn khám, chữa bệnh từ xa để kết nối với Bệnh viện Đa khoa huyện Mường Khương, Lào Cai, hội chẩn điện tâm đồ và siêu âm từ xa về các bệnh mãn tính cần đi khám.

Bệnh viện Đại học Y cũng kết nối trực tuyến với Bệnh viện Đa khoa thành phố Hà Tĩnh hội chẩn CT từ xa đánh giá những trường hợp đột quỵ não để chỉ định điều trị gián tiếp.

Các bác sĩ Đại học Y Hà Nội cũng đã khám bệnh trực tuyến cho một bệnh nhân ở huyện Quảng Xương, Thanh Hóa, gồm cả nội soi tai mũi họng, điện tim trực tuyến.

Cũng tại sự kiện, các bác sỹ Đại học Y Hà Nội đã tư vấn rất kỹ lưỡng cho bệnh nhân thông qua phần mềm được cài trên điện thoại. Bác sĩ và bệnh nhân hoàn toàn có thể nhìn thấy nhau.

Về ứng dụng Bluezone, đây là giải pháp ứng dụng công nghệ định vị Bluetooth năng lượng thấp BLE (Bluetooth low energy). Khi các điện thoại thông minh cùng cài ứng dụng Bluezone thì chúng tự phát hiện nhau trong khoảng cách 2m và tự ghi nhớ.

Nếu người cài ứng dụng là F0, tức dương tính với SARS-CoV-2 thì khi đó, qua dữ liệu được lưu lại, cơ quan y tế có thể xác định được các F1 có tiếp xúc gần với F0 và hệ thống sẽ cảnh báo cho người dùng có nguy cơ lây nhiễm virus SARS-CoV-2.

Màn hình điện thoại cũng xuất hiện hướng dẫn liên hệ với cơ quan y tế có thẩm quyền để nhận trợ giúp. Điều đáng nói là ứng dụng Bluezone có tính bảo mật, ẩn danh và minh bạch, ứng dụng chỉ lưu dữ liệu trên điện thoại của người dùng, không chuyển lên hệ thống cũng như không thu thập vị trí của người dùng.

Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao nền tảng khám chữa bệnh từ xa và nhấn mạnh, đây là dấu mốc khởi đầu để hướng tới chuyển đổi số của ngành y tế và hướng tới mục tiêu lớn hơn là quốc gia số, quốc gia thông minh.

Nền tảng hỗ trợ tư vấn khám, chữa bệnh từ xa do Viettel phát triển, đáp ứng đầy đủ quy định khám chữa bệnh từ xa của Bộ Y tế gồm: Tư vấn y tế từ xa; Hội chẩn tư vấn khám, chữa bệnh từ xa; Hội chẩn tư vấn chẩn đoán hình ảnh từ xa; Hội chẩn tư vấn giải phẫu bệnh từ xa; Hội chẩn tư vấn phẫu thuật từ xa; Đào tạo chuyển giao kỹ thuật khám bệnh, chữa bệnh từ xa.

Nền tảng này được đánh giá dễ triển khai với chi phí ban đầu không cao, trong khi lại tiết kiệm nhiều chi phí và thời gian cho người dân, nhất là chi phí đi lại. Bên cạnh đó còn giúp giảm tải các bệnh viện tuyến trên. Tổng chi phí tiết kiệm ước tính hàng chục nghìn tỷ đồng.

Chứng kiến các bác sĩ Bệnh viện Đại học Y tư vấn, hội chẩn, khám cho các bệnh nhân từ xa, các bệnh nhân thậm chí có thể ở nhà, chỉ đến bệnh viện khi thực sự cần thiết, Thủ tướng cho rằng, đây là biện pháp rất hiệu quả, bệnh viện tuyến trên có thể dễ dàng hỗ trợ bệnh viện tuyến dưới.

Thủ tướng cũng đánh giá cao ứng dụng Bluezone, kịp thời cung cấp cho người dân thêm một công cụ bảo vệ sức khỏe, bảo vệ cộng đồng. Đây cũng là xu hướng mà các nước tiến bộ trên thế giới áp dụng.

Thủ tướng phát biểu tại sự kiện. Ảnh: VGP/Quang Hiếu

Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Y tế phối hợp đẩy nhanh chuyển đổi số trong lĩnh vực y tế, xây dựng và từng bước hình thành hệ thống chăm sóc sức khỏe và phòng bệnh, dựa trên công nghệ số, ứng dụng công nghệ số toàn diện tại các cơ sở khám chữa bệnh; phát triển triển các nền tảng công nghệ trong lĩnh vực y tế như nền tảng tư vấn khám chữa bệnh từ xa, nền tảng quản trị y tế thông minh; hình thành cơ sở dữ liệu quốc gia về y tế...

Thủ tướng cũng ghi nhận và đánh giá cao các lực lượng, trong đó có đội ngũ y, bác sĩ, các chuyên gia công nghệ, các doanh nghiệp công nghệ số của Việt Nam đã tích cực tham gia trong chiến dịch phòng, chống dịch COVID-19.

Thủ tướng cho rằng, từ nhiều năm nay, ngành y tế đã triển khai một số hoạt động khám bệnh từ xa, phẫu thuật từ xa, bệnh án điện tử. Tuy nhiên, khi dịch COVID-19 bùng phát, thực tiễn đòi hỏi các bệnh viện phải có thêm kênh khám bệnh từ xa nhiều hơn nữa, phổ cập hơn nữa, giúp tư vấn khám chữa bệnh, giúp người dân tiếp cận dịch vụ y tế nhanh chóng, thuận lợi, ít tốn kém và an toàn, nhất là không cần phải đến bệnh viện khi không cần thiết, giúp giảm tải cho bệnh viện, tránh lây bệnh.

Thủ tướng nhấn mạnh việc ra mắt ứng dụng hôm nay hết sức có ý nghĩa, kịp thời cung cấp cho người dân thêm một công cụ để tự bảo vệ chính mình cũng là bảo vệ cộng đồng. Đây cũng là xu hướng chung mà nhiều nước, nhiều tập đoàn công nghệ lớn trên thế giới đang thực hiện trong phòng chống dịch bệnh...

Bình luận (0)

Lên đầu trang