Tham dự sự kiện có nguyên Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng; nguyên Thường trực Ban Bí thư Lê Hồng Anh; nguyên Phó Thủ tướng Trương Vĩnh Trọng; lãnh đạo một số Ban, Bộ, ngành Trung ương, tỉnh Đồng Tháp và một số tỉnh vùng Đồng bằng sông Cửu Long; Đại sứ Việt Nam tại Australia, Đại sứ Australia tại Việt Nam.
Mơ ước bao đời của người dân
Dự án cầu Cao Lãnh và tuyến nối cầu Cao Lãnh – cầu Vàm Cống là các dự án thành phần thuộc Dự án kết nối khu vực trung tâm đồng bằng Mê Kông. Đây là công trình giao thông có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Đồng Tháp nói riêng và vùng Đồng bằng sông Cửu Long nói chung, đáp ứng mong mỏi bao đời nay của người dân. Tổng chi phí xây dựng của cả hệ thống gồm cầu Cao Lãnh và tuyến nối với cầu Vàm Cống khoảng 7.500 tỉ đồng.
Cầu Cao Lãnh là cầu dây văng có kiến trúc đẹp, được xây dựng bằng công nghệ hiện đại, là hạng mục chính của dự án. Chính phủ Australia đã tài trợ không hoàn lại 160 triệu USD, vay vốn ADB 410 triệu USD và vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam.
Các đại biểu cắt băng khánh thành cầu Cao Lãnh. Ảnh VGP/Xuân Tuyến
Để triển khai thực hiện dự án, trong hơn 4 năm qua, Bộ Giao thông vận tải, tỉnh Đồng Tháp cùng các nhà tài trợ, nhà thầu, tư vấn, thiết kế trong nước và quốc tế đã có nhiều nỗ lực cố gắng, khắc phục khó khăn, vướng mắc để thi công đúng tiến độ, bảo đảm chất lượng công trình.
Các cấp ủy, chính quyền và người dân tỉnh Đồng Tháp đã tích cực, trách nhiệm, thực hiện công tác giải phóng mặt bằng, bảo đảm an ninh, an toàn cho dự án trong quá trình thi công.
Đặc biệt, nhiều gia đình, người dân trong vùng đã đồng tình, ủng hộ và nhường đất, di chuyển chỗ ở để dành mặt bằng cho dự án quan trọng này.
Cùng với việc đầu tư cầu Vàm Cống và các tuyến đường thuộc dự án kết nối khu vực trung tâm đồng bằng Mê Kông, việc đưa cầu Cao Lãnh vào sử dụng sẽ tạo mạng lưới giao thông đường bộ hoàn chỉnh, kết nối đồng bộ với các trung tâm kinh tế của khu vực đồng bằng sông Mê Kông.
Đồng thời, việc hoàn thành dự án này cũng mở ra một tuyến mới từ các tỉnh Tây Nam Bộ đến thành phố Hồ Chí Minh, góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng an ninh, nâng cao đời sống nhân dân, giải quyết ách tắc giao thông trong khu vực này.
Phát biểu tại Lễ khánh thành, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng khẳng định, vùng Đồng bằng sông Cửu Long có vị trí, vai trò hết sức quan trọng đối với sự phát triển của Việt Nam. Đây là vùng đất có nhiều lợi thế phát triển kinh tế trên đất liền, trên biển cũng như mở rộng hợp tác với Tiểu vùng sông Mê Công; là vựa lúa lớn nhất của cả nước, góp phần đảm bảo an ninh lương thực trong nước cũng như trên toàn cầu.
Để vùng Đồng bằng sông Cửu Long phát huy hết tiềm năng, lợi thế, phát triển bền vững, thịnh vượng, hệ thống cơ sở hạ tầng cần phải được quy hoạch, phát triển đồng bộ, hiện đại theo hướng chủ động, thông minh, thích ứng tốt với những tác động tiêu cực biến đổi khí hậu, nước biển dâng.
“Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, tôi đánh giá cao những nỗ lực, cố gắng của Bộ Giao thông vận tải, các bộ, ngành có liên quan, chủ đầu tư, các nhà thầu, tư vấn, thiết kế trong quá trình chỉ đạo, phối hợp thực hiện dự án”, Phó Thủ tướng nói.
Phó Thủ tướng cũng biểu dương sự đồng tình, ủng hộ của các cấp ủy, chính quyền và nhân dân tỉnh Đồng Tháp trong công tác giải phóng mặt bằng; ghi nhận sự phấn đấu, lao động, làm việc ngày đêm không mệt mỏi của hàng ngàn cán bộ, kĩ sư, công nhân, người lao động trên công trường để thi công an toàn, đúng tiến độ, chất lượng theo yêu cầu đề ra.
Toàn cảnh cầu Cao Lãnh nhìn từ trên cao
Minh chứng quan hệ đối tác chiến lược Việt – Australia
Nhân dịp này, thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và nhân dân Việt Nam, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng chân thành cảm ơn sự hợp tác, hỗ trợ quý báu của Chính phủ, nhân dân Australia, Ngân hàng phát triển châu Á (ADB) đã tài trợ cho dự án quan trọng này.
Trong những năm qua, nguồn vốn ODA của các nhà tài trợ, trong đó có Australia, Ngân hàng phát triển Châu Á (ADB) luôn được sử dụng hiệu quả, đóng góp tích cực vào công cuộc phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam.
“Chính phủ Việt Nam luôn trân trọng và quản lý chặt chẽ, sử dụng hiệu quả các nguồn vốn do các nước, các đối tác tài trợ”, Phó Thủ tướng khẳng định.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng mong rằng Chính phủ Australia tiếp tục dành ưu tiên về ODA cho Việt Nam trong những năm tới, tập trung nguồn vào các lĩnh vực mà Việt Nam đang có nhu cầu như hạ tầng cơ sở, phát triển nông nghiệp - nông thôn, nước sạch, ứng phó biến đổi khí hậu, phát triển nhân lực chất lượng cao, đổi mới sáng tạo.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng và Bộ trưởng Ngoại giao Australia bên cầu Cao Lãnh. Ảnh VGP/Xuân Tuyến
“Cùng với cầu Mỹ Thuận, cầu Cao Lãnh tiếp tục là một hình mẫu trong việc sử dụng hiệu quả nguồn vốn ODA của Australia dành cho Việt Nam, là minh chứng sống động cho quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam - Australia vừa được Thủ tướng hai nước tuyên bố trong tháng 3 vừa qua, là biểu tượng tốt đẹp kỷ niệm 45 năm quan hệ ngoại giao giữa hai nước chúng ta”, Phó Thủ tướng nói.
Để công trình phát huy tầm quan trọng và hiệu quả, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đề nghị Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo tổ chức quản lý, khai thác, bảo trì cầu Cao Lãnh đảm bảo an toàn, hiệu quả; thực hiện tốt công tác quy hoạch và xây dựng hai bên tuyến đường, giữ gìn mỹ quan, đảm bảo văn minh, hiện đại; đảm bảo kết nối đồng bộ với các công trình hạ tầng khác.
Phó Thủ tướng cũng yêu cầu các cấp chính quyền địa phương tỉnh Đồng Tháp và các cơ quan liên quan tiếp tục thực hiện tốt việc chăm lo đời sống, giải quyết việc làm cho người dân chịu ảnh hưởng của dự án, người lao động phà Cao Lãnh khi công trình cầu đi vào hoạt động.
Cầu Cao Lãnh bắc qua sông Tiền nhìn từ trên cao Cầu Cao Lãnh nối thành phố Cao Lãnh và huyện Lấp Vò (Đồng Tháp), cách bến phà Cao Lãnh khoảng 0,8 km về phía hạ lưu và cách cầu Mỹ Thuận khoảng 35 km về phía thượng lưu. Dự án cầu Cao Lãnh có tổng chiều dài 7,8 km, trong đó cầu dài 2,1 km, còn lại là đường dẫn vào cầu. Cầu có nhịp chính dài 350 m, bề rộng mặt cầu 24,5 m, có 4 làn xe cơ giới và 2 làn xe thô sơ. Cầu thiết kế 34 nhịp dẫn, 65 nốt dầm, 128 bó cáp, tháp dây văng hình chữ H cao 120 m. Vận tốc thiết kế lên đến 80 km/h.