(CAO) Đà Nẵng đã thu được 89 tỷ đồng từ những người rút khỏi đề án nguồn nhân lực chất lượng cao. Ngày 25-5, lãnh đạo Sở, ngành thông tin về việc 93 học viên (HV) rút khỏi đề án.
Sở Nội vụ Đà Nẵng thông tin, đến ngày 24-5-2018, TP.Đà Nẵng đã cử 616 người đi học theo đề án 922 (đề án nguồn nhân lực chất lượng cao). Đã có 460 HV tốt nghiệp, được bố trí công tác và hiện còn 402 HV đang công tác: 136 người ở cơ quan hành chính, 210 người tại các đơn vị sự nghiệp, còn lại ở các cơ quan khối đảng, đoàn thể...
Ông Võ Ngọc Đồng – Giám đốc Sở Nội vụ Đà Nẵng khẳng định: việc tiếp nhận, bố trí HV cơ bản đáp ứng nhu cầu nhân lực của các cơ quan, đơn vị. Đa phần HV gắn bó, cam kết làm việc lâu dài, có khả năng tiếp cận công việc nhanh, hiệu quả tốt.
Đà Nẵng thực hiện đề án cơ bản đạt được kết quả cao, vượt trội so với các địa phương. HV khi đi học thì được nhận học bổng, bố trí việc làm, ưu tiên xem xét tuyển dụng vào công chức, viên chức; tốt nghiệp bằng khá trở lên, chấp hành đúng luật phát của Việt Nam và nước sở tại, về làm việc cho Đà Nẵng ít nhất 7 năm (học ở nước ngoài) và 5 năm học ở trong nước.
Ông Võ Ngọc Đồng – Giám đốc Sở Nội vụ Đà Nẵng.
Đã có 207 người được tuyển dụng công chức, viên chức, 88 người được kết nạp Đảng, 60 người được bổ nhiệm cán bộ quản lý (16 giữ chức vụ phó giám đốc Sở hoặc tương đương trở lên và 44 trưởng, phó phòng).
Từ khi triển khai đề án (năm 2004) đến nay, có 93 HV xin rút và được TP đồng ý cho rút khỏi đề án. Trong đó, có 40 người xin rút khi đang công tác với lý do: 15 người đoàn tụ gia đình, 6 người theo học cao hơn, 3 người lý do sức khỏe, 16 muốn thay đổi công việc. Có 47 HV bị buộc ra khỏi đề án: 23 người không đạt kết quả theo yêu cầu, 19 người vi phạm quy định đề án, 5 người bị sa thải hoặc buộc thôi việc. Một số trường hợp học ngành không phù hợp với nghề được bố trí nên khó đảm bảo công tác…
Theo ông Đồng, từ năm 2004 đến nay, 93 HV xin rút và được đồng ý rút khỏi đề án không phải là nhiều. Ông Nguyễn Văn Chiến – Giám đốc Trung tâm phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao Đà Nẵng cho biết: “TP lấy làm tiếc đối những người xuất sắc, có đạo đức tốt. Tuy nhiên, việc giải quyết, xử lý căn cứ theo cam kết, hợp đồng. Nghĩa là HV phải bồi hoàn lại kinh phí cho đề án. Việc này được các HV thực hiện rất đầy đủ, kịp thời. Các trường hợp (32 người) còn lại chưa thực hiện nghĩa vụ tài chính thì Trung tâm đã nộp đơn khởi kiện ra tòa".
Ông Nguyễn Văn Chiến – Giám đốc Trung tâm phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao TP.Đà Nẵng.
Để không “chảy máu” chất xám nhiều, ông Chiến bày tỏ: “việc chuyển dịch nhân lực từ nhà nước ra ngoài và từ ngoài vào nhà nước công là rất bình thường ở các nền kinh tế, ở các địa phương. Thực tế, Đà Nẵng ít có sự “chảy máu” chất xám”.
“Về lâu dài, để giữ chân HV, cán bộ gắn bó lâu dài với TP thì TP phải tạo điều kiện tốt nhất để học viên đóng góp cho TP thể hiện tài năng; tiếp tục đào tạo, bồi dưỡng nâng cao kỹ năng, kiến thức… Làm thế nào để HV, cán bộ yên tâm làm việc; chế độ “chiêu hiền đãi sĩ” phải hài hòa, đừng để xảy ra bất cập, so sánh ngay trong 1 đơn vị. Ví dụ cùng một đơn vị, cùng tạo ra sản phẩm như nhau nhưng HV đề án được hỗ trợ 1 triệu đồng/tháng nhưng người không phải là HV đề án thì không có. Vì vậy khi thu hút nhân lực, có thể hỗ trợ 1 lần”, ông Võ Ngọc Đồng cho biết.
Thời gian tới, Chủ tịch UBND TP.Đà Nẵng, lãnh đạo Sở, ngành sẽ làm việc với các HV để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, động viên HV tiếp tục công tác; thông báo thủ tục, quy định bồi hoàn kinh phí.