Báo cáo tiếp thu, giải trình và chỉnh lý dự luật trước đó, Chủ nhiệm Uỷ ban Về các vấn đề xã hội Nguyễn Thuý Anh cho biết, quá trình thảo luận có ý kiến đề nghị bổ sung nội dung kiểm soát các hoạt động hợp pháp liên quan đến ma túy tại Điều 1 về phạm vi điều chỉnh.
Tuy nhiên, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy, kiểm soát các hoạt động hợp pháp liên quan đến ma túy là một nội dung trong khái niệm “phòng, chống ma túy” như đã được giải thích tại khoản 7 Điều 2 của dự thảo Luật. Do quy định tại Điều 1 đã bao quát phạm vi điều chỉnh của Luật nên Ủy ban Thường vụ Quốc hội xin phép Quốc hội cho giữ như dự thảo Luật.
Chủ nhiệm Uỷ ban Về các vấn đề xã hội Nguyễn Thuý Anh
Trước ý kiến đề nghị bổ sung từ “trái phép” vào khoản 12 Điều 2 giải thích khái niệm “người nghiện ma túy”, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội chỉ ra, khoản 10 Điều 2 của dự thảo Luật đã giải thích rõ khái niệm “người sử dụng trái phép chất ma túy”. Còn “người sử dụng ma túy” trong khái niệm “người nghiện ma túy” ở khoản 12 có nội hàm rộng hơn, phổ quát hơn, bao gồm cả người sử dụng thuốc có chứa chất ma túy, chất hướng thần hoặc tiền chất theo chỉ định, kê đơn của bác sỹ để điều trị bệnh, chăm sóc giảm nhẹ và khi khỏi bệnh mà bị nghiện (lệ thuộc vào thuốc) thì vẫn áp dụng các quy định có liên quan của luật này.
Vẫn theo Thường vụ Quốc hội, thực tế, những người này là người bệnh và việc họ sử dụng thuốc là hợp pháp theo quy trình chuyên môn chặt chẽ nên không thể coi là sử dụng trái phép chất ma túy. Tuy nhiên, khi họ lệ thuộc vào thuốc và sử dụng chất ma túy mà không còn được sự cho phép của người hoặc cơ quan chuyên môn có thẩm quyền thì họ trở thành người nghiện ma túy do sử dụng trái phép chất ma túy và phải thực hiện cai nghiện ma túy.
Bên cạnh đó, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, khoản 1 Điều 27 của dự thảo Luật đã bao quát các trường hợp xác định tình trạng nghiện ma túy bao gồm cả người sử dụng trái phép chất ma túy và người tự nguyện xác định tình trạng nghiện ma túy nên vẫn bảo đảm tính thống nhất của dự thảo Luật. Như vậy, quy định tại khoản 12 Điều 2 không trái với khoản 13 điều này và phù hợp với khoản 1 Điều 27. Vì lẽ này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xin phép Quốc hội được giữ quy định tại khoản 12 Điều 2 như dự thảo Luật.
Liên quan đến việc kiểm soát các hoạt động hợp pháp liên quan đến ma túy (Chương III), có ý kiến đại biểu Quốc hội đề nghị quy định trách nhiệm quản lý nhà nước của Bộ Y tế, Bộ Công thương và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trong việc kiểm soát các hoạt động hợp pháp liên quan đến ma túy.
Kết quả biểu quyết thông qua Luật Phòng, chống ma tuý (sửa đổi)
Có ý kiến đại biểu Quốc hội đề nghị không quy định kiểm soát hoạt động hợp pháp liên quan đến ma túy đối với thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần, thuốc tiền chất, nguyên liệu làm thuốc là dược chất gây nghiện, dược chất hướng thần, tiền chất dùng làm thuốc để thực hiện thống nhất theo quy định của Luật Dược, nếu có quy định thì chỉ quy định mang tính chất nguyên tắc dẫn chiếu sang Luật Dược.
Ý kiến khác đề nghị giữ quy định giao Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định việc kiểm soát thuốc thú y có chứa chất ma túy, tiền chất tại Điều 16 của dự thảo Luật mà Chính phủ trình Quốc hội để có căn cứ pháp lý cho những văn bản đang triển khai thực hiện.
Qua rà soát kỹ lưỡng dự thảo Luật, các văn bản quy phạm pháp luật liên quan, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết, trách nhiệm quản lý nhà nước của Bộ Y tế trong kiểm soát hoạt động hợp pháp liên quan đến ma túy cơ bản được thực hiện theo pháp luật về dược. Do vậy, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo chỉnh lý dự thảo Luật theo hướng: Điều 15 quy định nguyên tắc dẫn chiếu pháp luật về dược; các Điều 17, 18, 20 và 21 chỉ quy định những hoạt động, nội dung mà Luật Dược chưa điều chỉnh.
Về trách nhiệm quản lý nhà nước của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo chỉnh lý Điều 16 của dự thảo Luật để bảo đảm phù hợp với thẩm quyền của Chính phủ và linh hoạt trong quá trình điều hành thực tiễn.
Đối với trách nhiệm quản lý nhà nước của Bộ Công thương trong việc kiểm soát các hoạt động hợp pháp liên quan đến ma túy đã được thực hiện theo pháp luật về hóa chất. Do vậy, xin phép Quốc hội cho giữ quy định như dự thảo Luật.
Các đại biểu Quốc hội ấn nút biểu quyết thông qua Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi).
Đề cập đến nội dung quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy, qua thảo luận, có ý kiến đề nghị quy định giới hạn số lần xét nghiệm chất ma túy trong cơ thể đối với người sử dụng trái phép chất ma túy trong thời hạn quản lý để tránh lạm dụng, tùy tiện (điểm b khoản 3 Điều 23).
Giải trình nội dung này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông tin, việc xét nghiệm chất ma túy trong cơ thể không phải là biện pháp xử lý vi phạm hành chính và là biện pháp duy nhất hiện nay giúp xác định một người có sử dụng ma túy hay không để có biện pháp quản lý phù hợp.
Việc xét nghiệm chất ma tuý trong cơ thể, theo Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, được thực hiện theo quy trình chuyên môn và được chỉ định phù hợp với đối tượng được xét nghiệm, loại chất ma tuý được xét nghiệm. Trường hợp đối tượng có nhân thân tốt, tuân thủ quá trình theo dõi quản lý sẽ khác với đối tượng có tiền sử phức tạp, nguy cơ cao.
Ngoài ra, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội giải thích, việc xét nghiệm chất ma tuý mới, ma tuý tổng hợp sẽ mất thời gian, số lần xét nghiệm có thể nhiều hơn so với các loại ma tuý thông thường. Do đó, nếu quy định cứng số lần xét nghiệm trong luật sẽ không bảo đảm tính khả thi, có trường hợp có thể bị lạm dụng nhưng cũng có trường hợp sẽ không đáp ứng yêu cầu xét nghiệm.
Với những lý do nêu trên, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xin phép Quốc hội được giữ như dự thảo Luật và giao Chính phủ quy định chi tiết. Trên cơ sở ý kiến đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ nghiên cứu, cân nhắc kỹ để bảo đảm quy định cụ thể, chặt chẽ, bảo đảm phù hợp trong thực tiễn, tránh việc lạm dụng, tùy tiện và lãng phí.
So với Luật hiện hành, Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi) có một số điểm mới chủ yếu như sau:
(1) Các quy định đã thể hiện rõ quan điểm về kiểm soát chặt chẽ các hoạt động có liên quan đến ma túy, tiền chất (tại chương III) và quản lý chặt chẽ người sử dụng trái phép ma túy ngay từ lần phát hiện đầu tiên (tại chương IV).
(2) Quy định cụ thể trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân, gia đình, cộng đồng trong phòng, chống ma túy. Bổ sung quy định xác định rõ các cơ quan chuyên trách phòng, chống tội phạm về ma túy và nguyên tắc phối hợp giữa các cơ quan này (tại chương II).
(3) Bổ sung quy định để quản lý chặt chẽ người sử dụng trái phép chất ma túy và người nghiện ma túy:
- Người sử dụng trái phép chất ma túy bị lập danh sách và được quản lý, theo dõi, hỗ trợ… trong thời hạn 01 năm bởi Ủy ban nhân dân cấp xã. Quy định rõ việc quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy không phải là biện pháp xử lý vi phạm hành chính (Điều 23);
- Người nghiện ma túy trong thời hạn cai nghiện ma túy hoặc điều trị nghiện chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế mà bị phát hiện sử dụng trái phép chất ma túy thì bị áp dụng biện pháp cai nghiện bắt buộc (Điều 32);
- Người hoàn thành cai nghiện ma túy (tự nguyện, bắt buộc), người hoàn thành điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế phải chịu sự quản lý sau cai nghiện ma túy tại nơi cư trú;
- Người nghiện ma túy từ đủ 18 tuổi trở lên, trong thời hạn chịu sự quản lý sau cai nghiện ma túy mà tái nghiện thì bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc.
(4) Bổ sung quy định các trường hợp phải xét nghiệm chất ma túy trong cơ thể và xác định tình trạng nghiện ma túy nhằm tạo điều kiện thuận lợi hơn cho công tác phân loại, quản lý đối tượng và việc áp dụng các biện pháp quản lý, cai nghiện phù hợp.
(5) Đối với cai nghiện ma túy:
- Bổ sung quy định cho phép người lần đầu được xác định là nghiện ma túy có quyền lựa chọn biện pháp cai nghiện ma túy phù hợp (hoặc cai nghiện ma túy tự nguyện hoặc điều trị nghiện chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế) (Điều 27);
- Bổ sung quy định nhằm linh hoạt hơn khi lựa chọn biện pháp cai nghiện ma túy có thể thực hiện tại cơ sở cai nghiện ma túy công lập hoặc tại cơ sở cai nghiện ma túy tự nguyện (Điều 31, 35);
- Bổ sung các quy định nhằm nâng cao tính khả thi, hiệu quả của các biện pháp cai nghiện ma túy thông qua việc quy định rõ các giai đoạn của quy trình cai nghiện ma túy (Điều 29); quyền và trách nhiệm của cơ sở cai nghiện ma túy, tổ chức, cá nhân cung cấp dịch vụ cai nghiện ma túy tự nguyện tại gia đình và cộng đồng (Điều 35, 36) và chính sách của Nhà nước hỗ trợ kinh phí cai nghiện ma túy tự nguyện (khoản 3 Điều 30);
- Quy định cho phép cơ sở cai nghiện ma túy, tổ chức, cá nhân đủ điều kiện theo quy định của Luật này được cung cấp dịch vụ cai nghiện ma túy tự nguyện tại gia đình, cộng đồng nhằm góp phần hỗ trợ, khắc phục hạn chế của công tác này thời gian qua (khoản 7 Điều 30).
(CAO) Dự án Luật Phòng chống ma túy (sửa đổi) được Quốc hội khóa XIV tiếp tục thảo luận và dự kiến thông qua tại kỳ họp thứ 11.