Xây dựng công an xã, thị trấn chính quy có ý nghĩa chiến lược
Nghị quyết số 22-NQ/TW về “Tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy Bộ Công an tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả” xác định chủ trương: “Đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy Bộ Công an..., xây dựng Công an xã, thị trấn chính quy...”. Quốc hội ban hành Luật Công an nhân dân (CAND), Nghị định số 42/2021/NĐ-CP cũng đều xác định Công an xã, phường, thị trấn được xác định là một cấp Công an trong bộ máy tổ chức của CAND, là Công an cấp cơ sở.
Công an cấp cơ sở có chức năng tham mưu với Trưởng Công an huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, Đảng ủy, UBND xã về bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, đấu tranh phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật về an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội; tổ chức thực hiện quản lý nhà nước về bảo vệ an ninh, trật tự trên địa bàn xã; trực tiếp đấu tranh phòng, chống tội phạm và các vi phạm pháp luật về an ninh, trật tự (ANTT). Đồng thời, có trách nhiệm nắm tình hình ANTT trên địa bàn xã; nghiên cứu, đề xuất chủ trương, biện pháp, chương trình, kế hoạch đấu tranh phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật về ANTT; xây dựng nền an ninh nhân dân (ANND), thế trận ANND gắn với nền quốc phòng toàn dân, thế trận quốc phòng toàn dân vững mạnh ở xã; tham mưu ban hành theo thẩm quyền các văn bản quy phạm pháp luật về lĩnh vực bảo vệ ANTT ở địa phương; tổ chức tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm...
Với tính chất là cấp Công an gần dân nhất, gắn với địa bàn, Công an xã, phường, thị trấn có điều kiện, khả năng để nắm bắt, giải quyết các vấn đề ANTT phát sinh ở địa bàn cơ sở, là lực lượng nòng cốt, quan trọng và trách nhiệm to lớn trong bảo đảm ANTT ở địa bàn cơ sở.
Thực tiễn thời gian qua cũng đã trả lời cho tính đúng đắn của chủ trương tăng cường lực lượng Công an cho cấp cơ sở như phát biểu của Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm: “Chủ trương xây dựng công an xã, thị trấn chính quy là rất đúng đắn, có ý nghĩa chiến lược, lâu dài trong công tác bảo đảm ANTT ở địa bàn cơ sở”.
Chủ trương tăng cường lực lượng Công an cấp cơ sở diễn ra cùng với bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đang diễn ra mạnh mẽ trên quy mô toàn cầu. Chuyển đổi số không chỉ là xu hướng phổ biển, mà còn là yêu cầu tất yếu, khách quan đối với mỗi quốc gia. Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, đó là: Chủ động, tích cực tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 là yêu cầu tất yếu khách quan; là nhiệm vụ có ý nghĩa chiến lược đặc biệt quan trọng, vừa cấp bách, vừa lâu dài của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, gắn chặt với quá trình hội nhập quốc tế sâu rộng.
Xác định chuyển đổi số là xu hướng không thể đảo ngược và là yêu cầu cấp thiết của sự phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ an ninh quốc gia, thời gian qua, lực lượng CAND đã nỗ lực triển khai nhiều giải pháp, góp phần xây dựng Chính phủ số, xã hội số, kinh tế số và nâng cao năng lực phòng, chống tội phạm.
Một trong những nhiệm vụ trọng tâm của ngành Công an trong chuyển đổi số là thực hiện Đề án 06 của Thủ tướng Chính phủ về “phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030” (Đề án 06).
Đại tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an duyệt đội hình danh dự tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2023 của Công an TPHCM. Ảnh: ĐỨC NAM
Để triển khai Đề án 06, Bộ Công an đã triển khai nhiều biện pháp, cách làm, trong đó vai trò của lực lượng Công an cơ sở đã thể hiện rất rõ qua những kết quả đạt được thời gian qua. Từ dự án “Xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư” đến “Sản xuất, cấp, quản lý Căn cước công dân (CCCD)” và nay là “Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử”, lực lượng Công an cơ sở luôn là lực lượng nòng cốt, tiên phong “đi từng ngõ, gõ từng nhà”, chạy đua với thời gian để hoàn thành công việc.
Thực tế cho thấy, Công an cơ sở là lực lượng thường xuyên có mặt tại địa bàn cơ sở, có nhiều điều kiện, khả năng tìm hiểu, nắm rõ về vị trí địa lý, đặc điểm dân cư, nắm hộ, nắm người... Chính vì thế, khi triển khai thực hiện Đề án 06, đây là lực lượng đóng vai trò nòng cốt, phối hợp với các lực lượng khác để hoàn thành các nội dung công việc đã đề ra. Trong thực hiện Đề án 06, Công an cơ sở vừa là lực lượng tuyên truyền, vừa là lực lượng trực tiếp thực thi nhiệm vụ. Công an cơ sở cũng là lực lượng trực tiếp thực hiện các công việc để bảo đảm tiến độ. Có những địa bàn công việc rất thuận lợi, song nhiều nơi phải băng rừng, lội suối, vào tận các thôn, bản, ra tận chân ruộng nơi người dân đang sản xuất... để tạo điều kiện thuận lợi nhất giúp công dân sớm được cấp CCCD cũng như tài khoản định danh điện tử.
Sự quyết tâm đó, cùng với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị đã giúp cho việc thực hiện Đề án 06 đạt được những kết quả ấn tượng. Cơ sở dữ liệu về dân cư được bảo đảm “đúng, đủ, sạch, sống”, là tiền đề quan trọng phục vụ quản lý dân cư, tạo nền tảng cho việc xây dựng cơ sở dữ liệu nghiệp vụ, đáp ứng yêu cầu phòng, chống tội phạm trong tình hình mới; góp phần hoạch định chính sách của Chính phủ; chăm sóc sức khỏe người dân, bảo đảm an sinh xã hội, thúc đẩy phát triển giáo dục, thanh toán không dùng tiền mặt... khẳng định vai trò tạo nền tảng cho phát triển Chính phủ số, xã hội số, kinh tế số. Nhờ đó đã cung cấp nhiều tiện ích cho người dân và doanh nghiệp, tiết kiệm thời gian, chi phí; công khai, minh bạch góp phần phòng ngừa tiêu cực, tham nhũng, phòng chống tội phạm hiệu quả, nâng cao năng lực quản lý Nhà nước về các lĩnh vực bảo đảm ANTT, xây dựng xã hội văn minh.
Lực lượng Công an cơ sở đã khẳng định vai trò là lực lượng xung kích, đi đầu trong công cuộc chuyển đổi số, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, phục vụ nhân dân, như khẳng định của Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm: “... Công an xã chính quy thực sự là chỗ dựa của nhân dân, theo phương châm “lúc dân cần, lúc dân khó, có Công an”.
Bảo đảm an ninh trật tự trong tình hình mới
Lực lượng Công an cơ sở còn ứng dụng những thành tựu của quá trình chuyển đổi số phục vụ công tác bảo đảm ANTT. Khảo sát cho thấy, bên cạnh những công cụ, phương tiện có tính truyền thống, Công an cơ sở đã chú trọng khai thác mạng xã hội (MXH) như là một công cụ, phương tiện mới để phục vụ cho công tác bảo đảm ANTT.
Nghiên cứu thực tiễn cho thấy, hầu hết Công an các đơn vị, địa phương đã triển khai ứng dụng MXH phục vụ công tác, phổ biến là mô hình “Zalo An ninh”. Từ tháng 6/2020, Công an TPHCM đã tiến hành xây dựng chuyên trang MXH, đưa vào sử dụng 27 trang MXH (13 trang Facebook Fanpage, 14 trang Zalo Official Account) để truyền tải, cung cấp thông tin chính thống đến người dân, định hướng dư luận trên không gian mạng; nhất là phương thức, thủ đoạn mới của các loại tội phạm, nâng cao cảnh giác cho nhân dân...
Mô hình “Kết nối Zalo an ninh - Bình yên cho mỗi gia đình” ở Đắk Lắk được triển khai từ năm 2020 đã mang lại nhiều hiệu quả tích cực, được các cấp chính quyền cùng nhân dân đánh giá cao và nhiệt tình hưởng ứng. Mô hình này còn giúp người dân tiếp cận dịch vụ hành chính công trong cải cách hành chính, tăng cường hiệu quả của công tác tuyên truyền pháp luật...
Mô hình này được Công an tỉnh Đắk Lắk triển khai thí điểm tại huyện Cư Mgar và TP.Buôn Ma Thuột. Sau hơn 4 tháng, tại huyện Cư Mgar, lực lượng Công an đã xây dựng được 234 trang/nhóm Zalo, trong đó có một trang của Công an huyện, ba trang của các đội nghiệp vụ Công an huyện, một trang của Đoàn Thanh niên Công an huyện và 17 trang Zalo của 17 Công an xã, thị trấn. Các trang Zalo thuộc Công an huyện đã tập trung tuyên truyền về đấu tranh phòng, chống tội phạm, các văn bản pháp luật, giải đáp thắc mắc về thủ tục hành chính... Ngoài ra, tại 189 thôn, buôn, tổ dân phố của huyện Cư Mgar, Công an huyện xây dựng 45 nhóm Zalo khác như: nhóm cơ sở cầm đồ, nhóm bảo vệ trường học, nhóm chức sắc Tin lành, nhóm các quán cà phê, nhóm các nhà nghỉ... Thông qua mô hình này, các nhóm này đã trao đổi, cung cấp một số tin tức có giá trị cho lực lượng Công an.
Hay như Công an TP.Hà Tĩnh, tỉnh Hà Tĩnh đã chỉ đạo xây dựng mới mô hình “Kết nối Zalo an ninh” tại 15 phường, xã trên địa bàn. Qua khảo sát cho thấy, các tầng lớp nhân dân trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh sử dụng Zalo, Facebook trên điện thoại di động thông minh khá nhiều, nhất là những người có độ tuổi còn trẻ, là nhân tố có ảnh hưởng quyết định đến công tác giữ gìn ANTT ở địa phương. Theo đó, Công an các phường, xã tham mưu cấp ủy, chính quyền chỉ đạo thành lập 15 trang Zalo Official Account như: “CAP Hà Huy Tập”, “CAX Thạch Bình”... Đây là những trang thông tin chính thức của Công an các phường, xã trên môi trường mạng, do Trưởng Công an phường, xã làm chủ tài khoản và chịu trách nhiệm quản lý nội dung và mọi hoạt động của tài khoản.
Mô hình “Zalo An ninh” bước đầu phát huy hiệu quả, trở thành kênh thông tin quan trọng, kết nối người dân với lực lượng Công an phục vụ công tác bảo đảm ANTT và thực hiện các thủ tục hành chính.
Hiệu quả của mô hình “Zalo An ninh”
Việc thành lập và duy trì mô hình “Zalo An ninh” như “cánh tay nối dài” của lực lượng Công an tại cơ sở, mang lại hiệu quả thiết thực; tạo kênh trao đổi thông tin chính thống giữa lực lượng Công an với nhân dân, giảm thiểu tác hại của thông tin “rác”, “thông tin không chính thống”, “tin giả” và thuận tiện cho nhân dân tham gia tố giác tội phạm. Mô hình “Zalo An ninh” cũng đã góp phần làm tăng niềm tin của nhân dân và các cấp chính quyền về hình ảnh người chiến sĩ CAND “bản lĩnh, nhân văn, vì nhân dân phục vụ”, góp phần nâng cao hiệu quả phong trào bảo vệ an ninh Tổ quốc ở cơ sở.
(CATP) Ngày 16/3/2022, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 12-NQ/TW về "Đẩy mạnh xây dựng lực lượng CAND thật sự trong sạch, vững mạnh, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới", thể hiện chủ trương nhất quán của Đảng, Nhà nước và ngành Công an về việc xây dựng lực lượng CAND chính quy bảo đảm an ninh, trật tự ở cơ sở.
LÊ HOÀNG VIỆT LÂM - TRẦN HOÀNG ANH (Trường Đại học An ninh nhân dân, Bộ Công an)