Kỷ niệm 50 năm Học sinh miền Nam Quế Lâm: Ký ức khó phai về ngôi trường đặc biệt

Chủ Nhật, 26/03/2017 18:28  | Xuân Hoài

|

(CAO) Ngày 26-3, tại Đà Nẵng, Ban liên lạc học sinh miền Nam (HSMN) Quế Lâm tổ chức gặp mặt kỷ niệm 50 năm thành lập Khu giáo dục HSMN Quế Lâm - Trung Quốc (8/1967 - 8/2017).

Những ký ức từ “một thời hoa lửa” ùa về sau gần 50 năm với bao cảm xúc dào dạt…

Đại tá Trần Trọng Dũng - Tổng Biên tập Báo Công an TP.HCM (trái) tại buổi kỷ niệm
Anh Nguyễn Anh Hoàng chia sẻ

Anh Nguyễn Anh Hoàng, Ban liên lạc HSMN cho biết, sau hiệp định Giơ-ne-vơ, cán bộ miền Nam tập kết ra Bắc. Từ đây, lịch sử giáo dục Việt Nam hình thành một môi trường giáo dục đặc biệt: trường HSMN trên đất Bắc, gồm có 28 trường với hơn 32.000 học sinh.

Trong đó, năm 1966 - 1967, Đế quốc Mỹ mở rộng chiến tranh phá hoại miền Bắc. Chính vì vậy, ngày 14-2-1967, Thủ tướng Phạm Văn Đồng có quyết định di chuyển một bộ phận HSMN sang Trung Quốc và thành lập trường HSMN tại Quế Lâm.

Ngày 19-8-1967, Khu giáo dục HSMN Quế Lâm được thành lập gồm các trường cấp 1,2,3 Nguyễn Văn Bé; cấp 1,2,3 Dân tộc và trường Nhi đồng Võ Thị Sáu… Từ năm học 1969-1970 bắt đầu tiếp nhận HSMN vượt Trường Sơn ra Bắc. Năm 1975, miền Nam hoàn toàn giải phóng, các trường HSMN trên đất Bắc hoàn thành sứ mệnh lịch sử của mình. Khu giáo dục HSMN Quế Lâm cũng kết thúc tồn tại.

“Học tại khu giáo dục HSMN có những bạn còn rất nhỏ, còn học mẫu giáo, cấp 1, chưa biết chăm sóc bản thân mình, tắm giặt phải nhờ các cô, các má, ra đường còn sợ ma, ấy vậy mà hôm nay cũng đã là cụ ông cụ bà”, anh Hoàng xúc động nhắc nhớ.

Chụp hình lưu niệm

Anh Hoàng kể thêm: “Còn lứa chúng tôi 'vượt Trường Sơn' thì những ngày trên đường giao liên trở thành một phần của cuộc đời. Những kỷ niệm khó quên khi sang Quế Lâm là những ngày “học vượt”, những buổi kết nạp đoàn, hội diễn văn nghệ hay những lần cắm trại… Những năm tháng bên Quế Lâm có những bạn đã ví như một cuốn phim dài nhiều tập và không có đoạn kết. Mỗi lần gặp nhau lại rôm rả chuyện này chuyện kia, kể hoài vẫn không hết”.

“Ngày ra trường, nhiều thầy cô nhận quyết định vào trường dạy HSMN. Đây là quyết định khó khăn của các thầy cô vì vừa xa nhà, xa gia đình, nuôi dạy các em vô cùng vất vả; chính thầy cô, chú má chính là người thay thế cho cha mẹ chúng em. Hôm nay đây, một lần nữa, chúng em tri ân, xin ngàn lần cảm ơn các thầy cô, chú má”, anh Hoàng rưng rưng.

“Nhớ về mái trường xưa, chúng ta bùi ngùi nhớ lại bác sĩ Sử A và 10 người bạn vẫn còn nằm lại trên đất khách quê người. 11 nấm mộ vẫn còn nguyên sau gần 50 năm tại nghĩa trang Qua Tử Sơn. Chúng ta đã ghé thăm, đã thắp hương và hy vọng cộng đồng HSMN Quế Lâm sẽ làm điều gì đó để các bạn chúng ta không cảm thấy cô đơn, hiu quạnh”, anh Hoàng trăn trở.

Những dòng tâm sự trên đây cũng là cảm xúc, lời chia sẻ của hầu hết các HSMN Quế Lâm sau gần 50 năm gặp lại.

Những cảm xúc ùa về

Là những người thầy, các thầy các cô xem học sinh của mình như người thân ruột thịt trong gia đình. Thầy Trần Văn Từ, Trưởng Ban Liên lạc cán bộ, giáo viên chia sẻ: “Hôm nay gặp lại, phần lớn chúng ta tuổi đã lớn, tóc bạc da mồi. Tuy vậy, những năm sáng sống cùng nhau tại Quế Lâm vẫn hiện về rõ nét trong tâm trí chúng ta. Cái gì đã mang theo 50 năm, chắc chắn là cái quý giá mà nó sẽ được mang theo suốt cả cuộc đời”.

“Cả khu trường là một xã hội học tập, thầy học, trò học. Riêng bản thân tôi, cuộc sống tạm 8 năm đó đã biến tôi từ một giáo viên trẻ thành một cán bộ giáo dục có năng lực chuyên môn, có bản lĩnh vững vàng, có sức khỏe bền vững với những thói quen của cuộc sống lành mạnh, phong phú. 8 năm ở Quế Lâm, tôi được các thầy cô đi trước giúp đỡ, tôi được đồng nghiệp tin yêu, khích lệ, các em học sinh, có lúc là trò, có lúc là thầy, và các em mãi là những người bạn trong cuộc đời tôi. 8 năm ở Quế Lâm là quãng thời gian đáng sống nhất. Chính vì vậy, suốt cuộc đời, tôi mãi biết ơn những năm tháng ở Quế Lâm”, thầy Từ nói.

Chị Lê Thị Minh Huệ chia sẻ

Chị Lê Thị Minh Huệ (SN 1960, quê Quảng Trị, hiện sống tại Q.3, TP.HCM) kể rằng, 7 tuổi chị được đưa qua Quế Lâm, đến năm 1975 về nước. “Chuỗi ngày học ở Quế Lâm là quãng thời gian khó quên nhất, đẹp nhất. Giờ gặp lại bạn bè, ai cũng thân thương, như được trở lại tuổi thơ với bao hoài niệm…”, chị Huệ tâm niệm.

Chính những kỷ niệm đẹp đó, anh Hoài Nghi đã làm một bài thơ, đọc tại hội trường mà ai nấy nước mắt rưng rưng. Xin mượn mấy câu thơ thay lời kết:

“… Thử hỏi nơi nào trên trái đất bình yên

Lại có ngôi trường như chúng ta không nhỉ

Tất cả lớn lên trong vòng tay dung dị

Khát vọng yêu đời và cháy bỏng ước mơ”

“… Cuộc gặp này khó hẹn ở lần sau

Vì mỗi chúng ta vào thời xế bóng

Thì hãy hát lên bài ca sôi động

Quá khứ ngọt ngào những năm tháng đã qua”

Chị Huỳnh Thị Thanh Hương, cựu HSMN Quế Lâm, nguyên trưởng phòng tổ chức cán bộ Bệnh viện Từ Dũ TP.HCM:

Lúc bấy giờ, qua Quế Lâm, có nhiều bạn còn quá nhỏ, chưa nhận thức được. Xa gia đình, nhưng nhờ các thầy, các cô, chú, má và bạn bè quan tâm giúp đỡ nên cũng vơi đi nỗi buồn phần nào.

Sau 50 năm bồi hồi gặp lại thầy cô và các bạn từ mọi miền đất nước tề tựu, gặp lại hết sức xúc động. Gặp lại nhau, có những người thành đạt, có những người còn khó khăn, cuộc sống mỗi người mỗi khác nhưng tình cảm thì vẫn như xưa. Giờ là cơ hội để những người có điều kiện đùm bọc, giúp đỡ những bạn khó khăn, luôn thể hiện tinh thần HSMN yêu thương gắn bó bền lâu.

 

Chị Giang Siu Pia (SN 1953, quê Gia Lai, dân tộc Ba Na):

Tôi 14 tuổi được đưa qua Quế Lâm học tập, đến cấp 3 thì về nước. Lần đó, qua Quế Lâm thời tiết lạnh, tôi bị bệnh thấp khớp, đường ruột phải nằm viện. Nhờ thầy cô bạn bè và có thuốc men chữa bệnh nên bệnh của tôi không chuyển qua tim. Thời bấy giờ, tuy điều kiện còn khó khăn nhưng rất ưu ái cho HSMN nên tôi cũng sớm chữa lành bệnh. Giờ gặp lại bạn bè hết sức cảm động, mong chúng ta luôn giữ vững tinh thần HSMN.

Hy vọng nền giáo dục Việt Nam phát huy việc giáo dục đặc biệt cho học sinh vùng cao được hưởng thụ nền giáo dục tiên tiến nhất của chúng ta hiện nay. Chúng ta cần có sự hỗ trợ, chính sách thiết thực hơn với những thầy cô giáo, sau này về nước không còn theo nghề được, có người gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống.

 

Bác sĩ Hồ Thị Sáu (SN 1954, quê Duy Xuyên, Quảng Nam):

Năm 1968, tôi cùng các bạn được các cô chú bộ đội “vượt Trường Sơn” ra Bắc. 3 tháng trời ròng rã đi bộ, không dép, không mũ nón, không võng, tối được các chú lấy chăn, mền làm võng để ngủ. Dọc đường nhớ mẹ khóc suốt.

Đến tháng 9-1969 qua Quế Lâm đến tháng 9-1973 về nước. Nền giáo dục thời bấy giờ vô cùng chuẩn mực, thầy ra thầy, trò ra trò; thầy cô như cha mẹ; mỗi lời thầy cô nói ra rất có giá trị và học sinh răm rắp nghe theo. Thời bấy giờ, để được như thế rất khó, cho nên chúng ta phải tìm những giải pháp tích cực hơn nữa để “xóc” lại nền giáo dục đang gặp không ít vấn đề.

 

Bình luận (0)

Lên đầu trang