(CAO) Nhân kỷ niệm 88 năm Ngày truyền thống ngành Tuyên giáo của Đảng (01-08/1930 – 01-08/2018), Ban Tuyên giáo Thành ủy TP.HCM đã tổ chức buổi họp mặt kỷ niệm tại Khu Di tích lịch sử Căn cứ Bộ Chỉ huy Quân giải phóng miền Nam Việt Nam (xã Lộc Thành, huyện Lộc Ninh, Bình Phước) trong sáng 31-7.
Tham dự buổi lễ kỷ niệm có sự tham dự của đồng chí Thân Thị Thư, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy; đại diện Ban Tuyên giáo của các Quận ủy, Huyện ủy; lãnh đạo Ban Tuyên giáo Đảng ủy cấp cơ sở; các đồng chí nguyên là lãnh đạo Ban Tuyên giáo Thành ủy cùng các cơ quan báo đài đóng trên địa bàn TP.HCM. Phát biểu tại buổi lễ kỷ niệm, đồng chí Thân Thị Thư đánh giá cao sự đóng góp của đội ngũ những người làm công tác Tuyên giáo.
Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Thân Thị Thư phát biểu tại buổi lễ gặp mặt.
“Dù trải qua nhiều giai đoạn Cách mạng với nhiều tên gọi khác nhau, nhưng chức năng của nghành Tuyên giáo luôn thống nhất và xuyên suốt, phát huy tối đa truyền thống vẻ vang của Đảng, của dân tộc, của nghành và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa” – Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy phát biểu.
Đây là cơ hội để cấp uỷ đảng, chính quyền các cấp, các ngành và cán bộ làm công tác tuyên giáo nhận thức sâu sắc hơn về vai trò, vị trí của công tác tuyên giáo, coi đó là lĩnh vực đặc biệt quan trọng trong hoạt động lãnh đạo của Đảng. Là dịp để toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta ôn lại và phát huy truyền thống đấu tranh cách mạng của Đảng trên lĩnh vực công tác tuyên giáo. Cũng trong buổi lễ kỷ niệm, nghành Tuyên giáo TP.HCM đã trao kỷ niệm chương vì sự nghiệp Tuyên giáo cho 17 đồng chí.
Nghành Tuyên giáo TP.HCM trao kỷ niệm chương vì sự nghiệp Tuyên giáo cho 17 đồng chí.
Đồng chí Thân Thị Thư và các thành viên trong đoàn dâng hưởng tưởng niệm Bác Hồ và các anh hùng liệt sỹ.
Ngay sau ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam vào ngày 3-2-1930, những chiến sỹ làm công tác lý luận, làm công tác tuyên truyền, cổ động chính trị, những biên tập viên và phóng viên, những văn nghệ sỹ, những hoạt động đó đã góp phần tích cực tiến tới sự kiện trọng đại trong lịch sử dân tộc. Từ 1-8 đến tháng 10 năm 1930, trong cả nước đã nổ ra hàng trăm cuộc mít tinh, biểu tình của nhân dân ta chống chiến tranh đế quốc.
Ở một số nơi, hưởng ứng lời kêu gọi của Đảng Cộng sản Việt Nam, binh lính đã không bắn vào quần chúng khi bị đưa đi đàn áp các cuộc biểu tình, mít tinh của nhân dân. Từ đó ngày 1-8 trở thành một mốc lớn trong lịch sử đấu tranh cách mạng của nhân dân ta dưới sự lãnh đạo của Đảng, gắn liền với sự ra đời của một tài liệu lịch sử quý giá, đánh dấu một hoạt động rất có ý nghĩa trong công tác tuyên giáo của Đảng.
Đánh giá cao sự kiện có ý nghĩa đặc biệt này, năm 2000, Bộ Chính trị khóa VIII đã quyết định lấy ngày 1-8 hằng năm làm Ngày truyền thống công tác tư tưởng - văn hóa của Đảng; năm 2007 sau khi Ban Tư tưởng - Văn hóa Trung ương và Ban Khoa giáo Trung ương hợp nhất thành Ban Tuyên giáo Trung ương, đã được Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa X quyết định lấy ngày 01/8 hằng năm làm Ngày truyền thống ngành Tuyên giáo của Đảng.
Các thành viên trong đoàn chụp ảnh lưu niệm tại Khu Di tích lịch sử Căn cứ Bộ Chỉ huy Quân giải phóng miền Nam Việt Nam.