Làm gì để Đà Nẵng “đáng sống về đêm”?

Thứ Sáu, 10/07/2020 18:57  | Hoàng Quân

|

(CAO) Đà Nẵng là thành phố đáng sống nhưng về đêm khá buồn tẻ. Để biến giấc mơ Đà Nẵng phát triển kinh tế dưới ánh đèn, là “thành phố không ngủ”, lãnh đạo thành phố cùng các doanh nghiệp và người dân quyết tâm bứt phá.

Đà Nẵng ban ngày đáng sống, ban đêm... hiu hắt

Tọa đàm “Kích cầu du lịch Đà Nẵng: Vai trò của sản phẩm, dịch vụ giải trí đêm” được Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng cùng Công ty CP Tập đoàn Sun World (thuộc Tập đoàn Sun Group) và Vietnam Airlines tổ chức tại Đà Nẵng 10-7 nhằm hiện thực hóa giấc mơ biến Đà Nẵng trở thành TP “đáng sống về đêm”; đưa ra các giải pháp hiện thực giấc mơ kinh tế ban đêm (KTBĐ) để chinh phục ngôi vị “thủ phủ du lịch ban đêm” của cả nước.

Các đại biểu tham dự Tọa đàm “Kích cầu du lịch Đà Nẵng: Vai trò của sản phẩm, dịch vụ giải trí đêm”.

PGS.TS Trần Đình Thiên – nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam bày tỏ: “Đà Nẵng là nơi tốt nhất để khởi động KTBĐ. Đà Nẵng mới đáng sống ban ngày và đáng ngủ ban đêm. Du lịch ban ngày cũng vui nhưng cái vui ngắn. Khách đến tắm xong đi ăn. Ăn xong đi dạo, lại tắm rồi ngủ thì rất chán và chỉ 1 - 2 ngày là họ đi khỏi. Nếu không có KTBĐ thì buồn chán.

Cố Bí thư Thành ủy Nguyễn Bá Thanh từng nói: “Khách du lịch ngủ đến 9 giờ thì 4 – 5 giờ bà con đã dậy làm ồn ào, ỏm tỏi lên rồi. Lúc cần thức thì ông lại tắt hết đèn đi ngủ từ 9, 10 giờ tối. Cứ vậy thì Đà Nẵng không phát triển du lịch được”.

Đà Nẵng cơ bản đã hình thành những dịch vụ KTBĐ như vui chơi giải trí tại Công viên Châu Á, Bà Nà Hills, các quán bar; các show diễn, dịch vụ vui chơi giải trí có thưởng tại Furama, Ground Plaza, One Opera phục vụ cho người nước ngoài, hoạt động 24/24 giờ; các show diễn, lễ hội bên bờ sông Hàn đến 22 giờ, các phố đi bộ; các tuyến phố ẩm thực; trên sông có hàng chục tàu du lịch…

"KTBĐ cơ bản là phần tiếp tục cho phần ban ngày. Đó phải là nền kinh tế đích thực, có cơ cấu, cơ chế, động lực và nguồn lực đặc thù về dịch vụ - tiêu dùng (ẩm thực, sân khấu, âm nhạc, điện ảnh, mua sắm, các loại hình vui chơi giải trí) đóng vai trò chính và có cái khác lạ so với ban ngày. Lợi ích của KTBĐ là thúc đẩy du lịch, hồi sinh đô thị vốn vắng vẻ; tạo điều kiện cho người dân, doanh nghiệp có nguồn thu.

PGS.TS Trần Đình Thiên – nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam.

Mặt trái của KTBĐ như: ảnh hưởng ANTT, tình trạng tranh giành, lừa đảo, trộm cắp, cướp giật… nhưng với TP “đáng sống”, “5 không” như Đà Nẵng, tôi tin nó không đáng kể, không phải là tệ nạn vì đã có pháp luật, có nền tảng bản sắc của con người Đà Nẵng đàng hoàng trung thực, không tranh thủ “vặt” khách, chặt chém, kiếm chác...", TS.Trần Đình Thiên bày tỏ.

Làm gì để Đà Nẵng đáng sống cả ngày lẫn ban đêm?

Ông Lê Trung Chinh – Phó Chủ tịch UBND TP.Đà Nẵng khẳng định, phát triển KTBĐ còn khá mới trong nước nói chung và Đà Nẵng nói riêng. Sau khi có chỉ đạo của Thủ tướng về việc nghiên cứu KTBĐ, chúng tôi đã tìm các giải pháp để thực hiện quyết liệt trong thời gian đến như xây dựng các sản phẩm các dịch vụ mới, tạo điều kiện cho doanh nghiệp đầu tư, phát triển sản phẩm mới…

PGS.TS Trần Đình Thiên nhấn mạnh: “KTBĐ phải có đô thị, đường sá, hạ tầng dưới lòng đất; phải có cơ chế, nguồn lực khác, luật lệ khác để điều tiết. Cần cho địa phương quyền chủ động hơn, TW phải mở thoáng, địa phương phải chủ động. Cần đảm bảo hạ tầng và khung pháp lý để bảo vệ, khuyến khích người dân, nhà đầu tư, những người tham gia KTBĐ.

Đà Nẵng có những doanh nghiệp tầm cỡ như Sun Group định hình được chân dung Đà Nẵng rất sớm, ở đẳng cấp cao. Tôi mong Đà Nẵng là nơi đi đầu trong việc đó và tin tưởng sẽ cất cánh, đi đầu trong khu vực, cạnh tranh ra thế giới về KTBĐ".

Đà Nẵng đang tìm giải pháp bứt phá phát triển du lịch, đáng sống về đêm.

Ông Cao Trí Dũng - Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng cho rằng, nhu cầu thúc đẩy KTBĐ hết sức bức thiết nên phải đầu tư các hoạt động đêm như vui chơi giải trí, ẩm thực, show diễn... Việc tái cơ cấu nguồn khách rất quan trọng, tập trung chuyên sâu vào nguồn khách châu Âu – Úc - Mỹ vì họ đến đây lệch múi giờ với mình. Đêm họ thức nên họ cần cái gì đó để trải nghiệm.

KTBĐ phải được nuôi dưỡng bởi cơ chính sách như phải kéo dài thời gian các hoạt động; kêu gọi xã hội hóa thì cần đầu tư công đối với một số địa điểm; hỗ trợ về thuế để khuyến khích cá nhân, đơn vị đầu tư hoạt động về đêm.

Bà Trương Thị Hồng Hạnh – Giám đốc Sở Du lịch Đà Nẵng cho biết, Thành ủy, UBND TP đã đề xuất các giải pháp để phát triển KTBĐ và đang thực hiện nhưng để biến thành chiến lược để cạnh tranh, bứt phá phát triển thì cần quyết liệt hơn nữa. TP cũng đã có dự án được quy hoạch 1/500 đối với phố du lịch Bạch Đằng, dự kiến khởi công 1 số hạng mục hạ tầng trước tháng 10-2020 để kêu gọi đầu tư các dịch vụ.

Bà Trương Thị Hồng Hạnh – Giám đốc Sở Du lịch Đà Nẵng.

Về lâu dài, Sở chọn một số khu vực để quy hoạch cụm du lịch trọng điểm như khu An Thượng, tuyến Bạch Đằng – Trần Hưng Đạo, cầu Nguyễn Văn Trỗi; khu vực tuyến biển Trường Sa, Hoàng Sa, Võ Nguyễn Giáp, Nguyễn Tất Thành. Một số khu vực: làng Vân, Bà Nà Hills… sẽ đề xuất các chủ đầu tư xây dựng cụm dịch vụ, khu tổ hợp vui chơi giải trí quy mô lớn, tách biệt khu dân cư với nhiều hoạt động dành cho du khách vui chơi đến sáng.

Giải pháp quan trọng là công tác truyền thông và nâng cao nhận thức của cộng đồng. Để làm quen thay đổi nhận thức người dân cũng là thách thức đối với ngành du lịch. TP và HĐND đã giao chúng tôi nghiên cứu trình HĐND vào kỳ họp cuối năm các cơ chế chính sách để hỗ trợ phát triển KTBĐ. Sở sẽ tham mưu cho TP để hoàn thiện cơ sở hạ tầng phục vụ KTBĐ, đầu tư phát triển hỗ trợ các sản phẩm, tăng cường xúc tiến quảng bá, xây dựng kế hoạch đảm bảo ANTT, vệ sinh môi trường, ATVSTP và con người tham gia phục vụ…

Một góc Bà Nà Hills về đêm.
Một hoạt động giải trí thu hút khách tại Công viên châu Á thu hút du khách.

Bình luận (0)

Lên đầu trang